Dịch vụ Logistics - mũi nhọn kinh tế biển Hải Phòng

22/07/2021 14:09
LÃ TIẾN - PHẠM LINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hạ tầng đồng bộ các hình thức giao thông là nền tảng để Hải Phòng tập trung phát triển dịch vụ vận tải xuyên suốt chuỗi dịch vụ Logistics.

Logistics là quá trình lên kế hoạch, áp dụng và kiểm soát các luồng chuyển dịch hay thông tin liên quan từ điểm xuất phát sản xuất đến tới điểm tiêu thụ.

Theo đó, dịch vụ logistics được hiểu là một hoạt động thương mại, tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho bãi, làm các thủ tục, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa.

Với lợi thế là địa phương có hơn 100 năm sở hữu cửa ngõ giao thương hàng hải lớn nhất khu vực phía Bắc, về bản chất Hải Phòng đã hình thành một phân ngành kinh tế dịch vụ rất lớn, mang hình thái logistics.

Tiềm năng về hệ thống hạ tầng giao thông

Nói về tiềm năng trong dịch vụ logistics, Hải Phòng có thế mạnh quan trọng về hệ thống hạ tầng giao thông.

Hiện nay, ít có địa phương nào của có được hạ tầng đồng bộ các hình thức giao thông như Hải Phòng: đường bộ, đường sắt, đường sông, hàng không… và đặc biệt là hàng hải.

Điều đáng nói việc hình thành hệ thống này đều thuộc diện sớm nhất, xuất hiện trước cả thời gian hình thành cái tên của thành phố.

Đây là nền tảng cơ sở quan trọng, để Hải Phòng tập trung phát triển ngành kinh tế đặc thù, đó là dịch vụ vận tải xuyên suốt chuỗi logistics.

Về hạ tầng giao thông đường bộ, trong 5 năm qua, Hải Phòng đã có sự phát triển đột phá.

Vận dụng các nguồn lực đầu tư của Trung ương và địa phương, Hải Phòng hình thành một hệ thống đường bộ có độ mở hợp lý, với vai trò kết nối của những cây cầu, giải quyết dứt điểm tính hạn chế của giao thông đường bộ.

Hải Phòng cũng có thế mạnh vượt trội về hạ tầng giao thông đường sông khi có gần chục cửa sông, tạo thành 19 tuyến vận tải với gần 400 km, 50 bến cảng nội địa.

Về hàng không, Hải Phòng đang sở hữu cụm cảng hàng không quốc tế Cát Bi, tiêu chuẩn sân bay dân dụng cấp 4E, bảo đảm tiếp nhận được máy bay lớn như B777-300, B777-200, A321…

Về đường sắt, thành phố hiện có một tuyến đường sắt do Pháp xây dựng từ năm 1901, kết nối từ Cảng Hải Phòng qua các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và điểm cuối là Hà Nội.

Hải Phòng có hệ thống hạ tầng đồng bộ các hình thức giao thông như đường bộ, đường sắt, đường sông, hàng không… và đặc biệt là hàng hải (Ảnh: Internet)

Hải Phòng có hệ thống hạ tầng đồng bộ các hình thức giao thông như đường bộ, đường sắt, đường sông, hàng không… và đặc biệt là hàng hải (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên trong hệ thống hạ tầng giao thông của Hải Phòng, hệ thống cảng biển vẫn giữ vị trí quan trọng nhất, với vai trò là trung tâm kết nối của những dạng hình còn lại.

Sở hữu chiều dài bờ biển trên 125km, có 6 cửa sông lớn với mật độ bình quân 0,7km/km2 đổ ra biển, cấu trúc địa lý đã kiến tạo Hải Phòng thành đầu mối giao thông thủy huyết mạch.

Đến hiện tại, trên địa bàn thành phố có hệ thống gần 40 cảng biển, với chiều dài cầu Cảng khoảng 12km với đủ các dạng hình xếp dỡ như container,...

Với tiềm năng về hệ thống hạ tầng giao thông, hệ thống Cảng Hải Phòng ngày càng phát triển, kéo theo đó là sự khởi sắc của ngành dịch vụ logistics.

Hạ tầng giao thông gắn liền cùng phát triển dịch vụ Logistics

Với trụ cột là dịch vụ cảng biển, các hoạt động dịch vụ trong chuỗi cung ứng logistics từ Hải Phòng đa số gắn với dịch vụ vận tải sau cảng.

Việc phát triển vận tải trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics ở Hải Phòng tương ứng với 5 dạng hình giao thông.

Trong đó, dịch vụ vận tải của Hải Phòng chủ yếu tập trung vào đường biển, đường thủy nội địa và đường bộ.

Hệ thống dịch vụ cảng biển đóng vai trò trung tâm, đồng thời cũng phản ánh tương đối sự tăng trưởng của các phân ngành vận tải liên quan.

Hiện tại, Hải Phòng có 36 doanh nghiệp cảng, với 44 bến cảng xếp dỡ hàng hóa, tổng chiều dài cầu cảng khoảng gần 12km.

Ngoài ra cảng biển Hải Phòng còn được bố trí 3 khu neo chuyển tải là Bạch Đằng, Lan Hạ và Hạ Long cùng 2 khu với 5 bến phao chuyển tải có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lớn.

Những năm gần đây, năng lực xếp dỡ của hệ thống cảng biển Hải Phòng có sự bứt phá ấn tượng, với tăng trưởng bình quân 15%/năm, hiện đã ở mức trên 100 triệu tấn/năm.

Vận tải đường thủy nội địa tại Hải Phòng giữ vai trò phụ trợ rất lớn với sự phát triển dịch vụ Logistics.

Với lợi thế 19 tuyến sông qua địa bàn, khoảng 50 bến thủy, tạo cho Hải Phòng vị thế độc tôn kết nối cảng biển với các tỉnh khu vực phía Bắc.

Đường thủy nội địa Hải Phòng còn được kết nối từ cảng ra các khu neo và phao chuyển tải, tạo ra hệ thống khá hoàn hảo.

Chính vì thế, năng lực vận tải đường thủy nội địa vẫn đạt khoảng 20% trong việc giải phóng lượng hàng qua cảng hàng năm.

Hiện tại, giữ vai trò kết nối chính hình thành dịch vụ logistic sau cảng tại Hải Phòng vẫn thuộc về vận tải đường bộ.

Đây là điều kiện quan trọng để phân ngành kinh tế vận tải trong chuỗi logistics của Hải Phòng phát triển, đang chiếm ưu thế vượt trội so với cả khu vực phía Bắc về dạng hình vận tải hàng hóa từ cảng.

Theo số liệu thống kê, Hải Phòng có khoảng trên 1.000 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa đường bộ bằng xe container, với hàng chục nghìn đầu xe các loại, lưu lượng xe qua các tuyến ra vào cảng bình quân 30.000 lượt/ngày đêm.

Để phục vụ cho yêu cầu vận tải sau cảng, thành phố còn có hệ thống dịch vụ với 41 bãi container diện tích khoảng 200ha, đáp ứng cơ bản nhu cầu hàng hóa qua cảng.

Hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển chuỗi dịch vụ Logistics của Hải Phòng (Ảnh: Internet)

Hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển chuỗi dịch vụ Logistics của Hải Phòng (Ảnh: Internet)

Về vận tải hàng không, kể từ khi Hải Phòng quyết định bước đi táo bạo trong việc đầu tư nâng cấp cụm cảng hàng không Cát Bi lên tầm quốc tế, phân ngành vận tải này đã có những bước tiến đáng kể.

Ngoài ra, về vận tải đường sắt, Hải Phòng đang xúc tiến phối hợp với các địa phương liên quan, nghiên cứu phát triển đường sắt trở thành một kênh khai thác hữu hiệu, kết nối với khu vực Nam Trung Quốc.

Trước mắt là những thỏa thuận thuộc cơ chế vận hành của hành lang kinh tế 5 tỉnh thành Vân Nam (Trung Quốc) – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.

Những thành tựu trên là minh chứng rõ nét cho việc khẳng định vai trò đặc biệt của hoạt động vận tải trong chuỗi dịch vụ logistics cũng như cơ cấu kinh tế Hải Phòng.

Bên cạnh những đóng góp to lớn cho phát triển tổng thể kinh tế - xã hội của cả nước, dịch vụ vận tải là một kênh không nhỏ hình thành nguồn thu cho ngân sách thành phố, tạo ra việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều người.

LÃ TIẾN - PHẠM LINH