Xu hướng công chức làm nghiên cứu sinh tiến sĩ dẫn đến nhiều hệ lụy

07/04/2022 08:44
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học vị tiến sĩ chỉ là tấm vé thông hành để nhà khoa học bước vào con đường nghiên cứu chuyên nghiệp chứ không phải để làm công việc hành chính công vụ.

Ngày 18/3/2021, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị phê duyệt kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2021 của Sở Nội vụ. [1]

Tại hội nghị, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Thành phố chia sẻ, cán bộ có năng lực yếu, không thực hiện được công việc của mình, có xu hướng đi học tiến sĩ những ngành không thích hợp với công chức.

Cá nhân người viết rất đồng tình với quan điểm của ông Dũng, bởi tiến sĩ không thích hợp để làm công việc hành chính công vụ.

Tiến sĩ là người nghiên cứu chuyên nghiệp, không phải để làm công việc hành chính công vụ. (Ảnh chỉ mang tính minh hoạ, nguồn: Vương Thuỷ/giaoduc.net.vn)Tiến sĩ là người nghiên cứu chuyên nghiệp, không phải để làm công việc hành chính công vụ. (Ảnh chỉ mang tính minh hoạ, nguồn: Vương Thuỷ/giaoduc.net.vn)

Tiến sĩ làm gì?

Trong tiếng Anh, "tiến sĩ" được gọi chung gọi là "Doctor of Philosophy" - là một học vị do trường đại học cấp cho nghiên cứu sinh sau đại học. Từ "tiến sĩ" trong tiếng Việt là một học vị dành riêng cho những người công tác trong tất cả các lĩnh vực học thuật nói chung sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.

Trong các bậc học hiện nay, tiến sĩ là học vị cao nhất. Người có học vị tiến sĩ thường làm công việc dạy học, nghiên cứu và hướng dẫn học viên nghiên cứu khoa học. Hay nói cách khác, tiến sĩ là người được đào tạo để có khả năng tư duy và kỹ năng nghiên cứu khoa học.

Trên thế giới, chương trình đào tạo tiến sĩ luôn hướng đến đầu ra là các nhà khoa học chuyên ngành. Vậy nên, sau khi tốt nghiệp thì tiến sĩ thường làm nghiên cứu để có những phát minh, sáng chế, cho ra các công trình khoa học đóng góp cho xã hội.

Trong quá trình làm việc, nếu tiến sĩ không có năng lực nghiên cứu thì sẽ tự đào thải - bị loại ra khỏi các phòng thí nghiệm, tuyệt nhiên không có chuyện "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về", "sống lâu lên lão làng", đến tháng nhận đủ lương.

Ngược lại, Việt Nam hiện đang có hàng chục ngàn tiến sĩ (mỗi năm có hơn 1.500 tiến sĩ - số liệu số liệu được Bộ Giáo dục tổng hợp trong 2 năm 2019-2020). [2]

Thế nhưng, chỉ riêng chuyện ngoại ngữ thì lúc nâng lên khi hạ xuống, cứ loay hoay hết năm này qua năm khác, bàn tán không hồi kết. Thậm chí từng có người mỉa mai rằng, với lực lượng tiến sĩ đông đảo, tuy nhiên ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam không làm nổi chiếc “ốc vít”.

Từ trước đến nay, nhiều người học tiến sĩ ở Việt Nam đang bị nhầm lẫn về mục tiêu. Bởi, họ muốn lấy học vị tiến sĩ để "có danh", ra oai, thăng quan tiến chức. Dĩ nhiên, đây là những tiến sĩ dán nhãn, rất khó làm công việc đào tạo hay nghiên cứu khoa học.

Không ít tiến sĩ dán nhãn thường phát biểu trên các diễn đàn, hội nghị, rồi dạy thiên hạ cách làm giàu, khởi nghiệp... Có tiến sĩ cái gì cũng biết, trả lời mọi vấn đề nhưng độ tin cậy thế nào thì chưa ai kiểm chứng.

Có thể khẳng định, những ai quan niệm học tiến sĩ để làm lãnh đạo hay muốn có danh tiếng là hoàn toàn sai lầm. Tiến sĩ chỉ là tấm vé thông hành để nhà khoa học bước vào con đường nghiên cứu chuyên nghiệp mà thôi.

Công chức có cần học vị tiến sĩ?

Thời điểm tháng 3/2021, Giám đốc Sở Khoa học công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Việt Dũng nêu thực tiễn đáng buồn đó là, công chức của thành phố khá yếu trong thực hiện công việc. Đa số không biết hoặc không dám viết kế hoạch, đề án, người làm được thì chất lượng cũng không tốt.

Oái oăm thay, những cán bộ này có xu hướng đi học tiến sĩ những ngành không thích hợp với công chức. "Ví dụ, công chức phường đăng ký học tiến sĩ công nghệ sinh học, trong khi hệ thống chính sách công, tài chính công, đầu tư công, hành chính công thì không học", ông Dũng nêu dẫn chứng. [1]

Tôi cho rằng, công chức vừa làm quản lý vừa học tiến sĩ chỉ có thiên tài may ra mới kham nổi. Vì thời gian học tiến sĩ kéo dài nhiều năm, trong quá trình học, nghiên cứu sinh phải thực hiện nhiều công trình khoa học (viết bài báo khoa học theo quy định) thì mới đủ điều kiện bảo vệ luận án.

Một điều kì lạ nữa là, vẫn có không ít trường hợp cán bộ hành chính cũng tham gia xét chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư - vốn là những chức danh thuần túy chuyên môn giảng dạy và nghiên cứu ở bậc đại học.

Việc này để lại hệ lụy trong bộ máy công quyền đó là cán bộ dành nhiều thời gian cho việc đi học vừa gây tốn kém ngân sách Nhà nước vừa thiếu người làm công vụ, dẫn đến công việc tồn đọng, người dân bức xúc.

Chưa kể, nhiều người quá tôn sùng bằng cấp nên có thể bất chấp mọi giá những mong lấy được tấm bằng, có học vị khoa học. Hậu quả là nhiều cán bộ, quan chức học hàm, học vị đầy mình nhưng kiến thức, trình độ không được nâng cao bao nhiêu, hiệu quả công việc ở cơ quan chẳng mấy thay đổi..

Thậm chí, một bộ phận cán bộ có học vị này còn "đẻ" ra thủ tục hành chính rườm rà, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp như báo chí từng phản ánh. Việc người dân, doanh nghiệp đến cơ quan Nhà nước làm thủ tục thì bị cán bộ "có học" này vòi vĩnh, đòi hối lộ.

Điều này đã được nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập trong phát biểu kết luận hội nghị trực tuyến tổng kết chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng giai đoạn 2021 – 2030 vào ngày 18/3/2021. [3]

Đó cũng là lí do Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 10/CT-TTG về việc “tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc” nhằm ngăn chặn sự nhũng nhiễu, hạch sách do chính đội ngũ công chức (trong đó nhiều cán bộ có học vị) gây ra.

Thay vì cho công chức đi học tiến sĩ thì chúng ta nên thay đổi cách thức tuyển dụng, có thể học tập Nhật Bản trong việc tuyển chọn nhân tài để phục vụ cho Nhà nước và Nhân dân được tốt hơn.

Công chức ở Nhật Bản khi được tuyển dụng vào cơ quan Nhà nước mới chỉ là bước khởi đầu. Sau khi trúng tuyển, công chức sẽ được đào tạo rất nhiều khóa để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ trong cả cuộc đời. [4]

Bàn về học vị tiến sĩ, Giáo sư Trần Văn Nhung - Tổng thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước - từng đưa ra so sánh rất đáng để suy ngẫm: 45 đời tổng thống Mỹ chỉ có một người có trình độ tiến sĩ. [5]

Còn ở Việt Nam đang có quan niệm phổ biến đó là công chức có học vị thì sẽ nâng cao hiệu quả công việc. Minh chứng là, năm 2021, Thành ủy Hà Nội đã thông qua chủ trương phấn đấu đến năm 2025, ít nhất 40% cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý phải có bằng thạc sĩ, tiến sĩ. [6]

Tiến sĩ Đinh Văn Minh (Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ) nêu quan điểm:

"Tỉ lệ công chức có trình độ cao là đáng mừng nhưng điều bất hợp lý là ở chỗ, rất nhiều công chức chỉ bắt đầu học thạc sĩ, tiến sĩ khi đã là công chức trong khi nền công vụ không cần người có tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ mà cần hơn là những công chức thành thạo, chuyên nghiệp và tận tâm với công vụ" - là điều rất đáng suy ngẫm. [7]

Tài liệu tham khảo:

[1] //zingnews.vn/toi-khong-biet-cong-chuc-thi-dao-tao-tien-si-de-lam-gi-post1194363.html

[2] //tuoitre.vn/moi-nam-co-hon-1-500-tien-si-hon-36-000-thac-si-tot-nghiep-20200507161650656.htm

[3] //vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/thu-tuong-de-nghi-xem-lai-mo-hinh-tong-cuc-tao-nhieu-tang-nac-720669.html

[4]//tcnn.vn/news/detail/21240/Quy_trinh_to_chuc_thi_tuyen_cong_chuc_cua_Nhat_Banall.html

[5] //tuoitre.vn/tien-si-de-lam-gi-1217944.htm

[6] //vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/caybut/thac-si-tien-si-trong-bo-may-cong-chuc-757250.html

[7] //vietnamnet.vn/vn/thoi-su/cong-chuc-ngay-cang-co-hoc-720844.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên