Phản ánh đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một số giảng viên tại Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức (Thái Nguyên) bức xúc cho rằng, quá trình giảng dạy, tất cả các môn học, mô đun của các lớp liên kết đào tạo hệ trung cấp với trường này đã bị Hiệu trưởng chỉ đạo cắt giảm số giờ đào tạo một cách vô lý.
Giảng viên tại đây cho rằng, việc làm này đang ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng học tập của học viên và thu nhập hàng tháng của các giảng viên trong trường.
Ngoài ra, theo các giảng viên, dù họ chỉ được dạy từ 50% đến 60% số giờ của chương trình, nhưng khi ghi nội dung giảng dạy trong mô đun vào sổ lên lớp thì họ phải ghi đầy đủ các đề mục thể hiện là đã dạy đủ 100% số giờ trong chương trình đào tạo.
Giảng viên chỉ dạy một nửa số giờ nhưng phải ghi vào sổ lên lớp dạy 100% thời gian
Trao đổi về việc này với phóng viên, một giảng viên của Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức cho rằng: "Trong các năm từ 2018 đến nay, nhà trường tuyển sinh các đối tượng là học sinh đang học tại Trường Trung học phổ thông Sông Công, đồng thời liên kết với các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên để đào tạo nghề.
Phần diễn giải các quyết định đi dạy tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên liên kết với Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức. Trong diễn giải này cho thấy số giờ thực dạy (ô màu vàng) thấp hơn số giờ theo chương trình quy định (ô màu đỏ). Ảnh: NVCC |
Tuy nhiên, trong quá trình đào tạo, thay vì cho giảng viên lên lớp đủ số giờ quy định trong chương trình đào tạo thì nhà trường lại cắt giảm thời gian lên lớp của chúng tôi. Đáng nói, dù chúng tôi không được dạy đủ số giờ thực tế nhưng khi xác nhận thời gian dạy trong sổ lên lớp thì phải ghi đầy đủ các đề mục thể hiện rằng môn đó đã được dạy đủ 100% thời gian.
Bên cạnh đó, trong sổ lên lớp có mục "ngày lên lớp" lại được để trống. Chúng tôi không hiểu nhà trường làm như vậy là nhằm mục đích gì?.
Không chỉ vậy, dù yêu cầu giảng viên xác nhận là đã dạy đủ 100% số giờ trong sổ lên lớp, nhưng khi tính lương chúng tôi lại chỉ được hưởng theo số giờ thực tế đã dạy.
Đáng nói, sau khi có giờ thực tế, nhà trường tiếp tục nhân số giờ này với hệ số 0.8 thì mới cho ra giờ chuẩn mà chúng tôi được thực hưởng. Điều này đã khiến cho không ít người bức xúc, không hiểu nhà trường dựa vào đâu để ra hệ số tính giờ chuẩn cho chúng tôi như vậy, trong khi chương trình chúng tôi đang dạy là mô đun, giáo án lên lớp là giáo án tích hợp.
Việc làm này của nhà trường đã trực tiếp ảnh hưởng đến thu nhập của các giảng viên. Có người công tác tại trường hơn 20 năm nay nhưng mức lương hiện tại cũng chỉ bèo bọt từ 2 đến 3 triệu/tháng".
"Sau khi có đơn, Hiệu trưởng nhà trường đã có động thái là chỉ đạo Phòng đào tạo và các Khoa liên quan để lập ra các lịch học bổ sung cho các khóa K47, K48, K49", giảng viên Trường cao đẳng Công Nghiệp Việt Đức cho biết. Ảnh: NVCC |
Các giảng viên cũng thông tin thêm, về cách tính chế độ khi tham gia chấm thi kết thúc mô đun cũng đang bị nhà trường can thiệp và điều chỉnh rất vô lý.
Cụ thể, giảng viên nêu dẫn chứng việc, trước đây khi chấm thi kết thúc mô đun, nhà trường sẽ quy đổi ra giờ chuẩn theo đúng quy định tại Điều 11, Thông tư số 07/2017/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội.
Tuy nhiên, từ năm học 2020 - 2021, Hiệu trưởng nhà trường đã không cho giảng viên làm công tác chấm thi kết thúc mô đun được quy đổi ra giờ chuẩn theo quy định nữa.
Ngoài ra, giảng viên cũng cho rằng, việc cắt giảm số giờ đào tạo không chỉ có ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của giáo viên mà việc này còn tác động đến quá trình học tập của học viên. Với đặc thù là trường đào tạo nghề, nếu học viên bị cắt giảm giờ đào tạo, đồng nghĩa với việc kiến thức và tay nghề của các em cũng sẽ bị ảnh hưởng theo.
Đáng quan tâm hơn, theo phản ánh của giảng viên, sau khi họ lên tiếng và gửi đơn tố cáo lên Bộ chủ quản là Bộ Công thương, Hiệu trưởng nhà trường đã có động thái là chỉ đạo Phòng đào tạo và các Khoa liên quan để lập ra các lịch học bổ sung cho các khóa K47, K48, K49.
Tuy nhiên, khi thực hiện việc học bổ sung thì xảy ra tình trạng, các học viên của khóa K46 không thể học bổ sung được do các học viên đều đã ra trường.
Ngoài ra, theo biểu đồ chương trình học tập của học viên, ngoài giờ học ở trường, các học viên còn được tham gia trải nghiệm, đi thực tập ở xí nghiệp bên ngoài 6 tháng, tương đương với 960 giờ. Tuy nhiên, thời điểm đó học viên các khóa K46 và K47 lại không được đi.
Ngoài việc bị cắt giảm giờ dạy, giảng viên còn cho biết, nhà trường yêu cầu nhân với hệ số 0.8 để ra kết quả thực dạy. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập của các giảng viên. Ảnh: NVCC |
Cũng theo giảng viên, việc nhà trường cho tổ chức lịch học bổ sung cũng đã nảy sinh một số vấn đề đối với các giảng viên trực tiếp tham gia giảng dạy. Đó là việc giảng viên không biết dạy theo chương trình gì, phải dạy như thế nào nên một số kiến thức học viên đã phải học đi học lại gây ra tâm lý chán nản.
Bên cạnh đó, việc chấm điểm, ghi sổ, giảng viên cũng không biết phải làm thế nào vì không có hướng dẫn cụ thể bởi sổ sách đã được tổng kết xong từ những trước khi có lịch dạy bổ sung.
Thanh tra Bộ Công thương đã thụ lý vụ việc
Để có những thông tin khách quan, chính xác liên quan đến các nội dung phản ánh trên, ngày 28/9 phóng viên đã liên hệ với ông Lê Việt Long - Chánh Thanh tra Bộ Công thương. Ông Long cho biết, vụ việc tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức như phản ánh đã được Thanh tra Bộ thụ lý.
Đề cập về tiến độ giải quyết, ông Long cho biết: "Tài liệu đang chưa làm, tất cả là đều là tài liệu mật nên chúng tôi không thể trả lời qua điện thoại được".
Về phía nhà trường, ngày 27/9, phóng viên cũng đã gửi qua đường bưu điện giấy giới thiệu đến nhà trường kèm nội dung làm việc. Theo báo phát, giấy giới thiệu được gửi đến trường. Đồng thời, phóng viên cũng đã nhiều lần liên hệ qua điện thoại với ông Nguyễn Đức Sinh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức nhưng đến nay vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi từ phía nhà trường.
Thanh tra Bộ Công thương ghi nhận nội dung các giảng viên Trường Cao đẳng Công thương trình bày trong đơn tố cáo. Ảnh: NVCC |
Liên quan đến sự việc này, ngày 15/8/2022, đại diện Thanh tra Bộ Công Thương cũng đã có biên bản tiếp nhận đơn thư tố cáo sai phạm của công dân là các giảng viên Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức.
Tiếp đó, ngày 17/8, đại diện Thanh tra Bộ Công thương cũng có biên bản làm việc với nội dung xác minh nguyên đơn là các giảng viên tại Trường Cao đẳng Công Nghiệp Việt Đức tố cáo sai phạm liên quan đến công tác quản lý trong đào tạo và giảng dạy của Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức.
Theo đó, Thanh tra Bộ Công thương đã ghi nhận nội dung mà các giảng viên trình bày để nghiên cứu và báo cáo lãnh đạo Bộ này xem xét, xử lý giải quyết theo quy định.