Trong lần góp mặt với tư cách thành viên Hội đồng sơ khảo Giải thưởng VinFuture, Giáo sư Quarraisha Abdool Karim thừa nhận bà và các đồng nghiệp đã có quãng thời gian khó khăn khi có quá nhiều nghiên cứu… tuyệt vời. “Dù chưa thể tiết lộ chi tiết nhưng chúng tôi đã nhận được đề cử của nhiều nhà khoa học từng nhận các giải thưởng lớn và giá trị của thế giới”, vị nữ giám khảo đồng thời là một trong những chủ nhân Giải thưởng VinFuture mùa đầu tiên nói.
Vợ chồng Giáo sư Karim tại lễ trao giải VinFuture mùa đầu tiên |
Thành tựu tuyệt vời của VinFuture
- Trở về cuộc sống thường ngày với tư cách là chủ nhân Giải đặc biệt Giải thưởng VinFuture, mọi thứ thay đổi với bà và Giáo sư Salim S. Abdool Karim ra sao?
Sau Giải thưởng VinFuture, tôi được giới truyền thông thế giới đặc biệt chú ý. Tôi và Salim (Giáo sư Salim S. Abdool Karim – chồng của GS Quarraisha) đã có nhiều buổi nói chuyện, phỏng vấn để truyền cảm hứng cho những người đến từ các quốc gia có thu nhập trung bình thấp và các nhà khoa học trẻ, ở châu Á, châu Phi và cả châu Âu.
Điều đáng mừng là chúng tôi đã có những ảnh hưởng nhất định, giúp khuyến khích những người trẻ tuổi đặc biệt là tại các nước thu nhập trung bình thấy được giá trị của khoa học và theo đuổi sự nghiệp khoa học.
Điều tôi muốn nói với các bạn trẻ là: Khoa học là thứ giúp nhân loại tiến bộ và làm cuộc sống tốt đẹp hơn. Khi ngày càng nhiều người nghiên cứu, cả các vấn đề địa phương hay toàn cầu, để tìm ra thêm nhiều giải pháp sáng tạo thì cuộc sống của chúng ta sẽ ngày một tốt hơn. Đại dịch đã nhắc nhở chúng ta về bài học ấy, bài học của sự đoàn kết.
Giáo sư Salim S. Abdool Karim tại Hội thảo AIDS Quốc tế 21, năm 2016 |
- Bà luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho các nhà khoa học trẻ, đặc biệt tại các nước có thu nhập trung bình hoặc thấp. Đó dường như là một điểm chung giữa bà và VinFuture?
Thực tế thì việc một cá nhân tại một nước có thu nhập trung bình khởi xướng giải thưởng tôn vinh các nhà khoa học, các công trình giúp tác động tích cực tới nhân loại là điều hiếm có và hoàn toàn khác biệt. Thêm một ý nghĩa quan trọng nữa tôi nhận ra với VinFuture, đó là nơi các nhà khoa học cùng tương tác và tạo ra mạng lưới lâu dài. Đó là điều đã giúp tôi được mở mang trong thời gian ở Việt Nam tham gia Giải thưởng VinFuture mùa đầu tiên.
Với VinFuture, đây mới là năm thứ 2 của Giải thưởng, trong khi thế giới có rất nhiều giải thưởng lớn. Thật hạnh phúc nếu thấy các nhà khoa học đã nhận giải lớn như Nobel vẫn mong muốn được đứng trên bục vinh danh của VinFuture. Dù chưa thể tiết lộ chi tiết nhưng tại mùa 2, chúng tôi đã nhận được đề cử của nhiều nhà khoa học từng nhận các giải thưởng lớn và giá trị của thế giới. Chỉ sau một năm, VinFuture đã đạt những thành tựu như vậy là điều thật sự rất tuyệt vời.
“Tôi rất hào hứng khi thấy đề cử từ Việt Nam”
- Mọi thứ khác biệt và có khó khăn gì không, trong lần đầu bà tham gia VinFuture với tư cách thành viên Hội đồng sơ khảo, thưa bà ?
Tham gia Hội đồng sơ khảo là một vinh dự cho tôi. Tôi và các đồng nghiệp của mình đã có quãng thời gian khó khăn để rút gọn danh sách khi có quá nhiều nghiên cứu tuyệt vời. Trước VinFuture, tôi đã từng ở trong một số thẩm đoàn, ủy ban nhưng phải thú thật, tôi bị ấn tượng với số lượng đơn đăng kí trong mỗi danh mục cũng như chất lượng, tỉ lệ phân bố về địa lý, giới tính của các nhà khoa học, những công trình tham gia đề cử VinFuture năm nay.
Giáo sư Quarraisha Abdool Karim hướng dẫn về cách sử dụng gel tenofovir ngăn ngừa HIV tại Nam Phi |
- Chủ đề “Hồi sinh và Tái thiết” mùa giải VinFuture thứ 2 được thể hiện ra sao qua các đề cử, thưa bà?
Đây là một chủ đề sâu sắc và được phản ánh tốt qua các đề cử năm nay. Covid-19 đã cho chúng ta thấy vai trò của công nghệ để hướng tới tương lai. Tuy nhiên, ở góc độ phát triển chung của loài người, chúng ta đã có bước lùi. Bởi thế, chủ đề “Hồi sinh và Tái thiết” là lời nhắc thế giới, rằng chúng ta vẫn còn nhiều thách thức và không thể bỏ dở những điều đang làm.
- Dẫu ý nghĩa nhưng “Hồi sinh và Tái thiết” là chủ đề rất rộng, không chỉ tâm điểm về sức khỏe như năm trước. Các tiêu chí nào được Hội đồng Sơ khảo đề cao khi chấm giải và vì sao, thưa Giáo sư?
Các tiêu chí không thay đổi, đó là sự xuất sắc trong lĩnh vực khoa học, không riêng với sức khỏe. Tôi nghĩ điều này cũng phản ánh rằng, dù Covid-19 chưa kết thúc nhưng chúng ta đã bước sang giai đoạn sống chung với dịch bệnh. Tôi đặc biệt quan tâm tới một số vấn đề liên quan tới môi trường, an ninh lương thực, y học chính xác hay các công nghệ mới giúp khôi phục thính giác, thị lực hay công nghệ nano áp dụng trong phục hồi thương tổn, tránh việc cắt cụt chi…
Thực tế, trong số các đề cử, chúng tôi đã thấy nhiều nghiên cứu khoa học chất lượng cao. Rất nhiều dự án mới trong giai đoạn đầu của nghiên cứu. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là sức ảnh hưởng và khả năng tác động của các nghiên cứu, không quan trọng là nghiên cứu đang ở giai đoạn nào.
Vợ chồng Giáo sư Karim tại CAPRISA, Trung tâm nghiên cứu AIDS tại Nam Phi. |
- Liệu có cơ hội nào cho các nhà khoa học tới từ Việt Nam hay các nước đang phát triển cho Giải thưởng lớn không, thưa bà?
Tôi đã rất hào hứng khi thấy các đề cử từ Việt Nam bởi tôi nghĩ, đây là cách để khuyến khích khoa học trong nước. Sẽ thật tuyệt vời nếu một nhà khoa học Việt Nam hay một người từ quốc gia đang phát triển thắng giải bởi đây là nơi đang phải đối mặt với đa số các vấn đề toàn cầu.
Tôi nghĩ rằng, dù chưa thể ngay lúc này nhưng chúng ta đang nỗ lực cho tương lai đó. Có nhiều thách thức cần giải quyết nhưng mọi thứ không thể xử lí một sớm một chiều. Đây là một quá trình cần thời gian và tôi nghĩ rằng chúng ta đang xây dựng nền tảng vững chắc để nhìn thấy thành quả sau vài năm nữa.
- Xin cảm ơn Giáo sư!
Giáo sư Quarraisha Abdool Karim là một nhà dịch tễ học chuyên về bệnh truyền nhiễm. Bà là Giám đốc Khoa học của Trung tâm Nghiên cứu Chương trình AIDS ở Nam Phi (CAPRISA) và Phó hiệu trưởng phụ trách Y tế Châu Phi tại Đại học KwaZulu-Natal ở Nam Phi. Bà cũng là Giáo sư Dịch tễ học Lâm sàng tại Trường Y tế Công cộng Mailman, Đại học Columbia, Hoa Kỳ.
Tại Giải thưởng VinFuture mùa đầu tiên, Giáo sư Salim Abdool Karim và chồng là Giáo sư Quarraisha Abdool Karim đã được trao giải Giải Đặc biệt dành cho “Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển”. Hai nhà khoa học đã phát triển một loại gel có chứa dược chất tenofovir giúp kháng virus HIV và ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm.