Cần sớm có kế hoạch xây dựng Công viên Khoa học Công nghệ tại Việt Nam

28/12/2022 14:22
Thanh Thủy
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để thúc đẩy sự phát triển của Hệ sinh thái khởi nghiệp, Việt Nam cần đẩy nhanh kế hoạch xây dựng Công viên Khoa học Công nghệ trong những năm tới.

Công viên Khoa học Công nghệ, còn được gọi là Công viên Nghiên cứu hay Trung tâm Đổi mới, là một không gian tập hợp bao gồm: phòng thí nghiệm, phòng làm việc và khu vực họp, được xây dựng, thiết kế với mục đích hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các sản phẩm khoa học công nghệ.

Công viên Khoa học Công nghệ thường nằm gần các viện hàn lâm và thu hút một số lượng lớn các công ty công nghệ. Có thể nói, Công viên Khoa học Công nghệ là một trong những yếu tố chủ chốt trong hệ sinh thái khởi nghiệp.

Tại Việt Nam, những nỗ lực đầu tiên trong việc phát triển Công viên Khoa học Công nghệ đang dần được triển khai trong những năm gần đây. Trong đó, đáng chú ý là Hội thảo “Phát triển Công viên Khoa học công nghệ Đổi mới sáng tạo” diễn ra vào chiều ngày 02/12 tại tỉnh Bình Dương.

Nằm trong khuôn khổ hoạt động của TECHFEST VIETNAM 2022, Hội thảo được tổ chức với mục tiêu giới thiệu về công viên khoa học trong nền tảng Metaverse; thảo luận về giải pháp nhằm đóng góp cho sự đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực chuyển đổi số; đồng tời kết nối những nguồn lực đối tác và chuyên gia trong và ngoài nước.

Người tham dự trải nghiệm kính Thực tế ảo tại Hội thảo. Nguồn ảnh: TECHFEST VIETNAM 2022

Người tham dự trải nghiệm kính Thực tế ảo tại Hội thảo. Nguồn ảnh: TECHFEST VIETNAM 2022

Hội thảo có sự tham gia tham luận của ông Phạm Văn Thư - Chủ tịch công ty cổ phần tập đoàn BDSG, Chủ đầu tư phát triển công viên công nghệ tại Việt Nam; ông Lê Thái Dương - Giám đốc điều hành Vietnam Startup Insiders; bà Jen Vuhuong - Giám đốc phát triển Chương trình và Cộng đồng BK Holdings và TS. Ramesh Ramachandra - Giám đốc điều hành Impact Velocity Pte Ltd.

Chia sẻ về chủ đề “Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp trong Giáo dục”, bà Ramesh cho rằng thử thách lớn nhất của các nhà nghiên cứu tại Việt Nam là khoảng cách giữa phòng nghiên cứu và thị trường. Điều này bắt nguồn từ việc các nhà nghiên cứu còn thiếu “Tư duy khởi nghiệp” và mạng lưới hỗ trợ để có thể thành công đưa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. “Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp lấy kết quả nghiên cứu từ trường đại học là cốt lõi cần có đủ 3 yếu tố: Sự sẵn có của nguồn lực (Mạng lưới nhà khởi nghiệp), Mức độ chất lượng của nghiên cứu và Độ sẵn sàng ứng dụng của thị trường”, bà Ramesh nói.

TS. Ramesh Ramachandra - Giám đốc điều hành Impact Velocity Pte Ltd. Nguồn ảnh: BTC TECHFEST VIETNAM 2022

TS. Ramesh Ramachandra - Giám đốc điều hành Impact Velocity Pte Ltd. Nguồn ảnh: BTC TECHFEST VIETNAM 2022

Singapore trở thành “Cường quốc nghiên cứu” sau khi tập trung phát triển viện khoa học và kỹ thuật để phục vụ sản xuất trong các lĩnh vực điện tử, kỹ thuật, hóa chất và y sinh (được bổ sung vào năm 2001), đồng thời tăng cường tài trợ nghiên cứu học thuật và thành lập các Trung tâm Nghiên cứu (Công viên Khoa học Công nghệ) nhằm biến các trường đại học công lập thành các trường đại học nghiên cứu tầm cỡ thế giới. Bà Ramesh thể hiện kỳ vọng một câu chuyện tương tự sẽ xảy ra ở Việt Nam.

Thanh Thủy