LTS: Nhân dịp ngày đầu năm 2023, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng gửi tới độc giả 6 dự báo đối với giáo dục đại học Việt Nam trong năm 2023 của Tiến sĩ Phạm Hiệp- Giám đốc Nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục Edlab Asia.
1. Tuyển sinh đại học vẫn là trọng tâm
Trong xu thế tự chủ đại học và trong bối cảnh học sinh đầu vào bậc trung học phổ thông có xu hướng đi ngang, việc tuyển sinh đủ chỉ tiêu có vai trò tiên quyết đối với sự tồn tại và phát triển của bất kỳ trường đại học nào. Vì vậy tập trung vào tuyển sinh sẽ vẫn là ưu tiên hàng đầu của tất cả các cơ sở giáo dục đại học cả nước trong năm 2023.
Tập trung vào tuyển sinh sẽ vẫn là ưu tiên hàng đầu của tất cả các cơ sở giáo dục đại học cả nước trong năm 2023. Ảnh: Phạm Linh |
Kể từ khi bỏ mô hình thi "ba chung", đã có rất nhiều thay đổi về mô hình thi tuyển cũng xét tuyển đại học được triển khai, thử nghiệm. Bên cạnh việc xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, nhiều trường đại học cũng dành chỉ tiêu cho phương thức sử dụng điểm thi SAT, IELTS, xét hồ sơ, tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực…
Dự báo, trong năm 2023, sẽ tiếp tục có các thử nghiệm và sáng kiến được triển khai từ phía cơ sở giáo dục đại học để thực hiện tuyển sinh. Ở một chừng mực nào đó, việc thay đổi, bổ sung liên tục các phương thức thi tuyển và xét tuyển vào đại học cũng đưa đến bối rối, khó hiểu, nhầm lẫn đối với phụ huynh, học sinh. Có lẽ, cần phải chờ thêm vài năm nữa thì các mô hình tuyển sinh, cách thức tuyển sinh mới đi vào ổn định.
2. Hoạt động kiểm định chất lượng tiếp tục mở rộng
Kiểm định chất lượng giáo dục đại học một mặt là yêu cầu bắt buộc của cơ quan quản lý nhà nước. Mặt khác, đây cũng là nhu cầu nội tại của từng trường đại học để nâng cao chất lượng cũng như là điều kiện tiên quyết để tăng học phí.
Hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học dự báo tiếp tục sôi động trong năm 2023. Ảnh: VNU |
Trong thời gian qua, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học ở nước ta đã được kiểm định chất lượng, trong đó một số trường đã kiểm định đến chu kỳ thứ hai; hàng nghìn chương trình đào tạo đại học và sau đại học cũng đã được kiểm định. Trong năm tới, dự báo hoạt động kiểm định chất lượng sẽ tiếp tục sôi động. Bên cạnh việc kiểm định của các tổ chức trong nước, kiểm định theo tiêu chí quốc tế như của các tổ chức AUN, ABET, FIBAA, ACBSP… cũng sẽ được nhiều trường đại học lựa chọn.
3. Chuyển đổi số trong giáo dục đại học đi vào thực chất hơn
Gần 3 năm Covid-19 đã biến các trường đại học trở thành những “phòng thí nghiệm lớn” về công nghệ giáo dục. Đây là tiền đề quan trọng cho việc áp dụng sâu rộng hơn nữa các ứng dụng của công nghệ thông tin và truyền thông trong việc dạy và học cũng như quản lý các cơ sở giáo dục đại học trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Hiện nay, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã cởi mở hơn đối với ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo; ví dụ theo quy định mới nhất về quy chế đào tạo trình độ đại học (kèm theo Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT), 30% khối lượng bài giảng tại các chương trình chính quy có thể học qua online. Trong bối cảnh đó, dự báo trong năm 2023, chuyển đổi số sẽ trở nên thực chất hơn, bài bản hơn trong toàn bộ hệ thống giáo dục đại học ở nước ta.
4. Thêm nhiều trường đại học chuyển đổi mô hình thành đại học
Thiết chế đại học là một thiết chế mới của cơ sở giáo dục đại học, được quy định tại Luật Giáo dục Đại học 2012, sửa đổi năm 2018 và các quy định dưới luật. Đây là mô hình mới nhằm hướng tới việc chuyển đổi các trường đại học đơn ngành trước kia thành các đại học đa ngành, có mức độ tự chủ cao hơn.
Năm 2022, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chuyển đổi thành Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: HUST |
Trong năm 2022, đã có Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chuyển đổi thành Đại học Bách khoa Hà Nội. Dự báo trong 2023 sẽ có nhiều trường "theo chân" Đại học Bách khoa Hà Nội để trở thành đại học. Việc này cũng sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận bởi sự dễ gây nhầm lẫn của tên gọi trường đại học/đại học.
5. Thị trường sinh viên quốc tế sôi động trở lại
Trong gần 3 năm khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, thị trường sinh viên quốc tế đã chịu rất nhiều ảnh hưởng. Sinh viên khó khăn trong việc di chuyển sang các nước khác học tập. Vì vậy, một số lựa chọn ở lại trong nước, học các chương trình đại học của Việt Nam; một số lựa chọn học các chương trình liên kết quốc tế; một số khác lựa chọn việc học online từ xa với các trường đại học nước ngoài.
Trong năm 2023, việc đi lại giữa các quốc gia sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Điều này dự báo về thị trường sinh viên quốc tế sẽ sôi động trở lại. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, sau Covid-19, tâm lý và lựa chọn của sinh viên quốc tế cũng đã có nhiều thay đổi so với trước kia. Nhiều sinh viên quốc tế không muốn đi xa (ví dụ từ Việt Nam sang Mỹ) như trước kia nữa mà sẵn sàng chọn những nước ở gần để tiện đi lại hơn (ví dụ từ Việt Nam sang Singapore); nhiều sinh viên tiếp tục lựa chọn hình thức du học online hoặc online kết hợp trực tiếp để có thêm thời gian ở gần gia đình hơn.
6. Thêm nhiều nhóm nghiên cứu được thành lập
Nhóm nghiên cứu là một thiết chế mới trong cơ sở giáo dục đại học với nhiệm vụ trọng tâm là nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức; đồng thời gắn kết giữa nghiên cứu với đào tạo tạo, đặc biệt là đào tạo sau đại học. Thành viên của nhóm nghiên cứu không nhất thiết phải là cán bộ cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học mà còn có thể là các cộng tác viên đến từ các đơn vị khác. Hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang soạn thảo một thông tư riêng cho nhóm nghiên cứu.
Các nhóm nghiên cứu mạnh tiếp tục được thành lập và phát triển. Ảnh: Trường Đại học Phenikaa |
Trong những năm vừa qua và dự báo cả trong năm 2023 nữa, bản thân một số cơ sở giáo dục đại học cũng đã, đang và sẽ chủ động thành lập các nhóm nghiên cứu của riêng mình. Với thiết chế mới này, các cơ sở giáo dục đại học kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học theo hướng hội nhập quốc tế sâu hơn, rộng hơn.