Chuyên gia chỉ ra 2 rào cản lớn nhất trong đầu tư phát triển trường ĐH tư thục

24/12/2022 06:40
Phạm Minh (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiến sĩ Phạm Hiệp: “Nhà nước phải đưa giáo dục đại học tư trở lại là trọng tâm của giáo dục đại học Việt Nam với mục tiêu tham vọng hơn”.

Trong bối cảnh nguồn ngân sách cho giáo dục còn hạn chế, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có cơ chế mở để thu hút đầu tư của tư nhân cho giáo dục đại học.

Để có cái nhìn tổng quan về bức tranh đầu tư cho giáo dục đại học hiện nay, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Phạm Hiệp - Giám đốc Nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục Edlab Asia.

Tiến sĩ Phạm Hiệp - Giám đốc Nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục Edlab Asia. Ảnh: Ngọc Ánh

Tiến sĩ Phạm Hiệp - Giám đốc Nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục Edlab Asia. Ảnh: Ngọc Ánh

Phóng viên: Thưa Tiến sĩ Phạm Hiệp, ông đánh giá như thế nào về đầu tư công cho giáo dục đại học hiện nay cũng như cách thức phân bổ nguồn đầu tư này?

Tiến sĩ Phạm Hiệp: Nhà nước đã rất cố gắng với cam kết dành 20% tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, trong đó có giáo dục đại học. Tuy nhiên, trong 20% đó, tỷ lệ chi cho giáo dục phổ thông vẫn là chủ yếu, kinh phí dành cho giáo dục đại học còn ở mức thấp.

Khi so sánh với các nước trong khu vực, mức đầu tư này của chúng ta vẫn rất thấp.

Nhìn vào bức tranh vĩ mô của đầu tư công cho giáo dục đại học có thể thấy còn một số vấn đề tồn tại.

Thứ nhất là sự phân tán giữa các bộ, ngành trong việc quản lý giáo dục đại học dẫn đến mức đầu tư cho các đơn vị chưa có tính hệ thống. Bộ Tài chính phân bổ ngân sách chi thường xuyên cho các trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tham gia vào quá trình này, phân bổ ngân sách chi đầu tư. Sau đó, các bộ, các cơ quan chủ quản (đơn vị tài chính cấp 1) lại làm việc với các trường đại học mà mình quản lý trực tiếp để phân bổ tiếp nguồn ngân sách.

Việc phân bổ ngân sách như vậy dễ bị phân tán, phân mảnh giữa các bộ, ngành với nhau. Điều này khác với nhiều nước trên thế giới, chỉ có một cơ quan duy nhất đứng ra phân bổ chi thường xuyên cũng như chi đầu tư cho các cơ sở giáo dục đại học.

Thứ hai là sự tách biệt giữa cơ sở giáo dục đại học với các cơ sở nghiên cứu khoa học dẫn tới việc không tối ưu hoá được hoạt động đầu tư. Ở nhiều nước, cơ sở giáo dục đại học đồng thời là đơn vị nghiên cứu, quá trình phân bổ đầu tư sẽ nhất quán và nhà nước dễ tính toán, dễ kiểm soát.

Vậy còn về bức tranh đầu tư của tư nhân đối với giáo dục đại học, một trong những khía cạnh quan trọng là đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống trường tư, hoạt động này hiện có gặp phải những khó khăn, rào cản nào không, thưa ông?

Tiến sĩ Phạm Hiệp: Trong khoảng 5 năm qua, đại học tư thục chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 18% tổng quy mô giáo dục đại học, con số này thấp hơn mục tiêu của Nghị quyết 14/2005 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020. Theo đó, Nghị quyết này đặt mục tiêu tổng số sinh viên thuộc các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập là 40%.

Nhà nước ta cũng đã có chính sách đầu tư hỗ trợ cho phát triển giáo dục đại học, cụ thể là có những quỹ đất dành cho giáo dục đại học tư, các chính sách ưu đãi về thuế, vay vốn cho đại học tư, ... Song, có lẽ những chính sách này chưa phát huy hiệu quả tối ưu, chưa thực sự thông thoáng và còn những rào cản về mặt kỹ thuật. Đó là lý do quy mô đại học tư chưa đạt được kỳ vọng (40% vào năm 2020).

Vì vậy, Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2019 về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2025 đã giảm chỉ tiêu này xuống còn 22,5% vào năm 2025.

Có hai rào cản lớn nhất đối với việc đầu tư phát triển trường tư.

Một là, điều kiện để mở đại học tư hiện nay còn có những quy định khá cứng nhắc.

Cụ thể như quy định mức vốn tối thiểu 1.000 tỷ đồng mới cho thành lập trường đại học tư và khi xét duyệt phải có 500 tỷ đồng đã được giải ngân. Con số này là quá cao và quá rủi ro với nhà đầu tư khi họ đầu tư vào giáo dục đại học, mức kinh phí này là quá lớn đối với bước đầu triển khai một dự án đầu tư, vì ở góc độ đầu tư, họ phải đi từ từ, đảm bảo thu bù chi để phát triển bền vững.

Hay quy định trường đại học phải có diện tích đất xây dựng tối thiểu là 5 hecta, trong khi quy hoạch không phải lúc nào cũng có những khu đất đáp ứng được yêu cầu về diện tích. Như vậy, quy định về mặt chính sách và hoạt động quy hoạch không thể nhất quán, đồng bộ và gây khó cho các nhà đầu tư.

Chưa kể, còn có những quy định khắt khe về tỷ lệ giảng viên/sinh viên, diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo/sinh viên, ... Trong bối cảnh chuyển đổi số, trường đại học có thể xây dựng hệ thống đào tạo online nhưng lại không được quy đổi mà vẫn phải thực hiện theo quy định cứng về tỷ lệ giảng viên, diện tích đào tạo.

Những quy định có phần cứng nhắc và thiếu hợp lý này đã trở thành rào cản, ngăn các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào giáo dục đại học. Mặc dù trên thực tế, các nhà đầu tư rất mong muốn được đầu tư vào giáo dục đại học.

Tôi khẳng định như vậy vì điều này đã được thể hiện qua những thông số về số lượng các thương vụ mua bán, sáp nhập các trường đại học gần đây.

Ví dụ một số tập đoàn đã mua bán, sáp nhập các trường đại học (gần 20 thương vụ trong khoảng 10 năm gần đây). Điều đó cho thấy mong muốn tham gia vào giáo dục đại học của họ là rất lớn.

Các nhà đầu tư chuyên nghiệp về giáo dục nếu chúng ta có chính sách hợp lý thì các nhà đầu tư sẽ tham gia và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của giáo dục đại học.

Ở một khía cạnh khác, tư nhân và nhà nước cùng phối hợp đầu tư phát triển giáo dục đại học (đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP). Tuy nhiên, chúng ta cũng chưa thấy có một dự án đầu tư nào khởi sắc theo hình thức này. Theo ông, nguyên nhân là do đâu?

Tiến sĩ Phạm Hiệp: Năm 2020, chúng ta đã có Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đầu tiên, mặc dù trước đó chúng ta đã có Nghị định ban hành quy chế đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT (Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao).

Trước khi Luật PPP ra đời, trong số hơn 300 dự án về PPP thì chỉ có 6 dự án về giáo dục, trong đó dự án giáo dục nổi tiếng nhất là dự án BT (Xây dựng - Chuyển giao) giữa Tập đoàn Văn Phú với Trường Đại học Y tế Công cộng: Tập đoàn xây dựng cho nhà trường một cơ sở vật chất khu vực ngoại ô, và tập đoàn lấy lại cơ sở vật chất của trường ở khu trung tâm thành phố. Tuy nhiên, theo Luật PPP thì hình thức BT này không được chấp nhận nữa.

Và theo Luật PPP, hai hình thức được mọi người kỳ vọng sẽ sử dụng nhiều là hình thức BOT (Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao) và BTO (Xây dựng - Chuyển giao - Vận hành).

Song, hai hình thức này có thể hiệu quả với những dự án về xây dựng hoặc giao thông nhưng lại khó khả thi đối với lĩnh vực giáo dục, có thể kể đến những lý do sau:

Thứ nhất, những dự án giao thông, xây dựng, người ta có thể ước tính thời gian thu hồi vốn dễ (ví dụ dự án giao thông tính qua lưu lượng xe), còn với những dự án về giáo dục thì khó đảm bảo thu hồi vốn, và rõ ràng, đầu tư cho giáo dục phức tạp hơn nhiều so với đầu tư cho giao thông.

Thứ hai, khi một nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực giáo dục, họ không thích hoạt động chuyển giao, vì họ còn muốn lưu lại dấu ấn của mình, họ không chỉ muốn sở hữu về mặt tài sản mà còn muốn sở hữu về mặt tinh thần, về mặt trí tuệ đối với sản phẩm giáo dục mình đầu tư. Nếu chỉ làm một thời gian và phải chuyển lại cho Nhà nước thì không hấp dẫn để họ tham gia đầu tư.

Vậy theo ông, đâu là giải pháp cho những vấn đề này, để chúng ta thu hút các nhà đầu tư tham gia xây dựng, phát triển giáo dục đại học?

Tiến sĩ Phạm Hiệp: Thứ nhất, đối với hình thức đầu tư theo đối tác công tư (PPP), chúng ta phải nhìn nhận lại và xem xét lại định nghĩa về PPP theo nghĩa rộng hơn. Còn nếu chỉ duy trì hai hình thức BOT VÀ BTO thì khó thu hút được tư nhân đầu tư cho giáo dục. Và nếu có, thì chỉ phù hợp với một số hạng mục mang tính chất hỗ trợ như xây dựng ký túc xá cho trường đại học hay xây dựng khách sạn thực hành với các trường có khoa du lịch, lữ hành.

Theo quan điểm của tôi là cần có hình thức liên doanh - liên kết (đồng sở hữu) giữa nhà đầu tư tư nhân và Nhà nước.

Hoặc có thể triển khai hình thức TOT (Chuyển giao - Vận hành - Chuyển giao). Cụ thể như, đối với trường đại học vận hành kém, kết quả đào tạo không tốt nhưng cơ sở vật chất đã có, có lượng sinh viên nhất định và có bề dày lịch sử rồi, Nhà nước không có đủ khả năng vận hành hoặc đầu tư tiếp thì chuyển giao lại cho tư nhân, tư nhân đầu tư thêm, vận hành một thời gian, ổn định rồi trả lại cho Nhà nước - hình thức này có lẽ khả thi hơn với trường hợp của Việt Nam.

Thứ hai, ở khía cạnh đầu tư phát triển giáo dục đại học tư, một là về cơ chế, quy định đầu tư, xây mới trường đại học tư phải linh động và phù hợp hơn trong bối cảnh mới. Bên cạnh đó, quy hoạch đất đai phải đồng bộ với chính sách, linh hoạt, bỏ bớt những rào cản quá cao và phi thực tế.

Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ gián tiếp đối với trường đại học tư. Cụ thể là một số quỹ, chương trình đào tạo phát triển nên mở rộng với giáo dục đại học tư.

Ví dụ như hoạt động nghiên cứu khoa học, hiện nay có Quỹ Nafosted cho đại học tư được phép xin kinh phí.

Hoặc trước đây, có chương trình tín dụng cho nghiên cứu sinh, giảng viên trẻ cả trường công lập lẫn trường tư đi học nước ngoài. Nhưng về sau, theo Đề án 89 về đào tạo tiến sĩ lại không dành cho giảng viên trường tư, điều này không công bằng với các trường tư, và nếu như vậy, Nhà nước cần có thêm chính sách hỗ trợ bên lề.

Tôi thiết tha mong Chính phủ trong những kế hoạch chiến lược tiếp theo phải đưa giáo dục đại học tư quay trở lại làm trọng tâm của giáo dục đại học Việt Nam với mục tiêu tham vọng hơn.

Chúng ta đang đặt mục tiêu quy mô giáo dục ngoài công lập đạt 22,5% vào năm 2025, nhưng đến năm 2030 phải có mục tiêu tham vọng hơn, nâng chỉ tiêu lên 40%. Mở rộng quy mô đại học tư là phù hợp và giúp nhẹ gánh cho đại học công.

Mục tiêu này phải đưa vào chương trình hành động và là KPI của Chính phủ, Chính phủ phải thực hiện được điều này để đạt chỉ tiêu đặt ra. Phải có quy định rõ, nếu không đạt được chỉ tiêu này thì phải quy trách nhiệm cụ thể, ai sẽ bị kỷ luật và có những hình thức kỷ luật nào.

Cần phải khuyến khích, trải thảm, mời tư nhân đầu tư cho giáo dục đại học chứ không phải đưa ra cơ chế, quy định cứng nhắc, khắt khe, bắt tư nhân phải đáp ứng. Bởi nếu tư nhân đầu tư vào lĩnh vực khác thì họ có lợi hơn rất nhiều. Khi tham gia vào giáo dục, họ đã thể hiện trách nhiệm xã hội của mình rồi, Nhà nước phải hết sức hỗ trợ họ, còn vẫn duy trì cơ chế xin - cho thì không đúng tinh thần kiến tạo trong bối cảnh mới.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Phạm Hiệp!

Phạm Minh (thực hiện)