EMagazine

Doanh nghiệp hợp tác với trường ĐH thể hiện trách nhiệm xã hội và tầm nhìn xa

Doanh nghiệp hợp tác với trường ĐH thể hiện trách nhiệm xã hội và tầm nhìn xa

18/07/2024 06:28
Thùy Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Nếu chương trình đào tạo không đáp ứng yêu cầu thực tế từ doanh nghiệp, sinh viên sẽ khó thích nghi khi ra trường.

Hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học ngày càng trở thành một yếu tố quan trọng trong việc đào tạo và nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Sự hợp tác này mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho các doanh nghiệp và trường đại học mà còn cho cả sinh viên và xã hội nói chung.

Sức mạnh cộng hưởng - Hợp lực để thành công

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) là một trong những cơ sở đào tạo có nền tảng vững chắc và thành công trong việc hợp tác với doanh nghiệp. Các hoạt động hợp tác không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho sinh viên, học viện mà còn đóng góp quan trọng vào sự phát triển của các doanh nghiệp và ngành công nghệ thông tin, truyền thông Việt Nam.

2.jpg

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Từ Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết: Việc hợp tác với các doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu giúp học viện phát triển cả về quy mô và chất lượng đào tạo.

Trường đại học đào tạo nhân lực cho toàn xã hội nhưng đối tượng chính sử dụng nhân lực, đầu ra của trường chính là các doanh nghiệp. Nếu chương trình đào tạo không đáp ứng yêu cầu thực tế từ doanh nghiệp, sinh viên sẽ khó thích nghi khi ra trường.

ong-tu-minh-phuong.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Từ Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Ảnh: NVCC.

Ông Đào Việt Bách, Trưởng phòng Tuyển dụng và Thu hút nhân tài FPT Software Academy thuộc Tập đoàn FPT cho biết: FPT Software luôn coi trọng việc phát triển và đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho tương lai. Việc hợp tác chặt chẽ với các trường đại học là một trong những chiến lược quan trọng được ban lãnh đạo công ty đặc biệt quan tâm đẩy mạnh để tạo ra sự phát triển bền vững, lâu dài.

Nhiều chương trình hợp tác trọng điểm với các trường đại học đã giúp công ty có nguồn nhân sự chất lượng, là cán bộ nguồn cho nhiều vị trí quản lý, lãnh đạo, chuyên gia công nghệ.

Ông Đào Việt Bách, Trưởng phòng Tuyển dụng và Thu hút nhân tài FPT Software Academy. Ảnh: NVCC.

Ông Đào Việt Bách, Trưởng phòng Tuyển dụng và Thu hút nhân tài FPT Software Academy. Ảnh: NVCC.

Với yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho các dự án lớn trên toàn cầu, FPT Software ưu tiên việc hợp tác với các trường đại học lớn, có chất lượng đào tạo giảng dạy tốt và uy tín trên thị trường.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao chương trình đào tạo, đồng hành cùng các trường để nâng cao chất lượng và cập nhật các chương trình đào tạo sao cho sát với thực tế và tiệm cận gần nhất với các công nghệ trên thị trường.

“Chúng tôi kỳ vọng thông qua các hợp tác với các trường sẽ góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo, từ đó xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao cho các dự án của công ty và xa hơn là nâng cao được năng lực cho thị trường nhân lực IT tại Việt Nam”, ông Bách nói.

Bà Nguyễn Thu Hương, Giám đốc Vận hành VMO Academy thuộc Công ty cổ phần Công nghệ VMO Holdings cho biết, hiện nay, việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là mô hình phổ biến trên thế giới.

Đây là nhu cầu khách quan xuất phát từ lợi ích của nhiều phía, sự hợp tác này mang tính tất yếu, tính khả thi cao. Qua hợp tác, doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận tới thế hệ sinh viên trẻ đầy tiềm năng đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp trong thị trường lao động cạnh tranh.

VMO Holdings luôn ưu tiên việc triển khai hợp tác sâu, rộng và hiệu quả với các trường đại học, học viện nhằm nuôi dưỡng nguồn nhân lực trẻ, tài năng, góp phần hỗ trợ sinh viên sớm đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng trong và ngoài nước.

Giáo sư Từ Minh Phương đánh giá, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ quá trình trước, trong và sau đào tạo. Trước khi đào tạo, trường phải xây dựng chương trình giảng dạy căn cứ vào những góp ý từ phía doanh nghiệp, từ đó tạo ra chương trình phù hợp cho sinh viên.

Doanh nghiệp cũng tham gia vào trong quá trình đào tạo, với việc tiếp nhận sinh viên thực tập, hướng nghiệp cho sinh viên, giảng dạy một số môn học, hoặc tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, chuyên môn cho sinh viên.

Sau khi sinh viên tốt nghiệp, nhiều người sẽ trở lại làm việc tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp đánh giá chất lượng đầu ra của nhà trường và có phản hồi, từ đó giúp điều chỉnh chương trình đào tạo sao cho phù hợp hơn.

White and Blue Modern Data Analytics Services Facebook Cover.png

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng hỗ trợ nhà trường về cở sở vật chất và hợp tác trong nghiên cứu khoa học. Doanh nghiệp có thể tài trợ hoặc đặt hàng các đề tài nghiên cứu, trường sẽ cử cán bộ và sinh viên tham gia vào các dự án. Sự hợp tác này giúp nghiên cứu khoa học trong trường không chỉ mang tính hàn lâm mà còn mang tính thực tiễn cao.

Hợp tác về cơ sở vật chất cũng rất quan trọng, doanh nghiệp có thể hỗ trợ nhà trường xây dựng các phòng thí nghiệm hiện đại. Công nghệ trong các phòng thí nghiệm được cập nhật, gắn liền với hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp, giúp trường nâng cao chất lượng cơ sở vật chất và mức độ công nghệ.

PTIT - đối tác chiến lược của nhiều doanh nghiệp công nghệ

Theo thầy Phương, ICT và công nghệ số (Công nghệ thông tin, Điện tử Viễn thông, Đa phương tiện, FinTech, Thương mại điện tử,...) là thế mạnh của Học viện và cũng là những ngành được các doanh nghiệp hợp tác nhiều nhất.

Hiện Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đang hợp tác với gần 100 doanh nghiệp trong nước và quốc tế, ở nhiều mức độ khác nhau, có thể kể đến một số doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn FPT, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Vingroup, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, Công ty Cổ phần VNG, Tập đoàn Samsung, Tập đoàn LG, Tập đoàn Naver, Tập đoàn Qualcomm, Công ty cổ phần Công nghệ VMO Holdings (VMO Holdings), GameLoft, Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Công ty Cổ phần Falcon Technology (FALCON), Công ty cổ phần Rikkeisoft (Rikkeisoft),...

8.jpg
Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ quá trình trước, trong và sau đào tạo.

Một số doanh nghiệp như VNPT, FPT đã hợp tác với học viện hơn 20 năm, Samsung hơn 10 năm, tham gia vào quá trình xây dựng chương trình đào tạo và đóng góp vào các môn học có tính định hướng nghề nghiệp cao. Gần đây nhất, Công ty cổ phần Nghiên cứu và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo VinAI, FPT Smart Cloud là hai đơn vị bảo trợ học viện thành lập khoa Trí tuệ Nhân tạo, chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp các khóa học và hỗ trợ hạ tầng tính toán AI.

Các đơn vị như Viettel, VMO Holdings, Rikkeisoft cùng nhà trường hợp tác đào tạo, đóng góp cơ sở vật chất, cùng nhau đào tạo thế hệ sinh viên chung. Một số đơn vị khác hỗ trợ cơ sở vật chất bằng cách tặng các phòng thí nghiệm.

Thầy Phương cũng khẳng định, tiêu chí quan trọng nhất của học viện khi hợp tác tác với các doanh nghiệp là cam kết của doanh nghiệp đối với việc đóng góp cho xã hội. Những doanh nghiệp xác định rõ mục tiêu hợp tác để đóng góp vào việc đào tạo nhân lực cho xã hội là những doanh nghiệp có trách nhiệm và tầm nhìn xa.

Giám đốc Vận hành VMO Academy cho hay, việc hợp tác giữa VMO Holdings và các trường đại học liên quan chặt chẽ đến các hoạt động hỗ trợ sinh viên. Cụ thể, VMO cử các chuyên gia góp ý xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức các hội thảo, chuyên đề định hướng cho sinh viên, tổ chức các hoạt động tham quan doanh nghiệp, kiến tập, thực tập tại VMO cũng như quảng bá hình ảnh doanh nghiệp và nhà trường trên các kênh thông tin truyền thông.

Tiêu biểu trong các hoạt động hợp tác phải kể đến sự “bắt tay” giữa VMO Holdings và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông khi ký kết hợp tác triển khai Chương trình Cử nhân Công nghệ thông tin (định hướng ứng dụng) theo mô hình kết hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường.

Chương trình hướng tới đào tạo đội ngũ nhân lực được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng thực tế để sẵn sàng tham gia thị trường lao động chất lượng cao về công nghệ thông tin. Đây là chương trình hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp kiểu mẫu đầu tiên tại Việt Nam theo mô hình “doanh nghiệp hóa, quốc tế hóa, chứng chỉ hóa”.

Trong năm đầu tiên (2023), chương trình tuyển sinh và đào tạo 180 sinh viên, mục tiêu 2024 tiếp tục tuyển sinh và đào tạo 300 sinh viên.

Cũng vào năm 2023, Trung tâm Hợp tác Khởi nghiệp về Biến đổi khí hậu (CCE Hub) đã được khai trương và vận hành tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Đây là thành công của sự hợp tác 3 bên giữa Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, VMO Holdings và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

6.png

Bà Thu Hương thông tin: “Trong các chương trình hợp tác đào tạo giữa VMO Holdings và PTIT, chúng tôi tập trung củng cố hệ thống kiến thức cơ bản về ngành, tạo điều kiện cho sinh viên được trải nghiệm nhiều hơn các học phần liên quan đến doanh nghiệp. Các bài tập lớn được “mentor” từ VMO hướng dẫn sát sao, đồng thời bổ sung kỹ năng mềm trong giao tiếp và công việc cho sinh viên”.

Trong hơn 20 năm cộng tác và phát triển, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn Thông và FPT Software đã thiết lập mối quan hệ hợp tác toàn diện, tích cực từ những ngày đầu tiên. Sự hợp tác khẳng định nỗ lực của hai bên trong việc đào tạo nguồn lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nhân sự của thị trường công nghệ trên toàn cầu.

Trưởng phòng Tuyển dụng và Thu hút nhân tài FPT Software Academy chia sẻ, với mục tiêu chung là đẩy mạnh sự phát triển của ngành Công nghệ Thông tin, thông qua các hoạt động cộng tác, hai bên đã đạt được những kết quả đáng kể. Hiện tại có 1.042 sinh viên PTIT đang làm việc tại Tập đoàn FPT, nhiều cựu sinh viên đã trở thành cán bộ lãnh đạo, chuyên gia công nghệ nắm giữ nhiều trọng trách trong công ty.

FPT Software song hành cùng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tạo ra môi trường học tập thực tiễn cho sinh viên. FPT Software đã tích cực cùng với nhà trường triển khai tổ chức các hoạt động định hướng nghề nghiệp, chia sẻ về công nghệ - quy trình phát triển dự án theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Hàng năm, công ty tổ chức các chương trình tham quan doanh nghiệp, sự kiện ngoại khóa nhằm trang bị kỹ năng mềm, tạo động lực học tập cho sinh viên như Opendoor Day, CEO Talk với sự tham gia của các nhà lãnh đạo, chuyên gia công nghệ hàng đầu là cựu sinh viên PTIT đang học tập và làm việc tại Tập đoàn FPT.

Công ty cũng thường xuyên tài trợ kinh phí, giải thưởng và phối hợp cùng học viện để tổ chức và triển khai các cuộc thi, sân chơi công nghệ như ACM/ICPC, Hackathon, CodeWar, Cuộc đua số… trao học bổng cho sinh viên xuất sắc, giúp bồi dưỡng các tài năng trẻ trong lĩnh vực IT. Các chương trình thực tập được công ty và nhà trường triển khai hiệu quả, tạo ra môi trường trải nghiệm, thực hành cho sinh viên.

White and Blue Modern Data Analytics Services Facebook Cover-2.png

Với đội ngũ cán bộ giảng viên, nhà nghiên cứu có nhiều kinh nghiệm, nhiều năm qua Khoa Công nghệ thông tin - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông luôn đồng hành cùng FPT Software và Tập đoàn FPT trong các hoạt động nghiên cứu phát triển. Nhiều cán bộ giảng viên và sinh viên đã tham gia tư vấn, cùng với đội ngũ kỹ sư tại FPT Software nghiên cứu, phát triển các giải pháp công nghệ mới cho Tập đoàn FPT, tạo ra nhiều nghiên cứu có kết quả ấn tượng.

Đặc biệt trong công tác phát triển nguồn nhân lực, sinh viên tốt nghiệp từ Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông luôn là một trong những đội ngũ nhân sự trẻ, có chất lượng cao và được nhiều dự án, khách hàng của FPT Software đánh giá cao, ưu tiên tuyển dụng.

Giới hạn và thách thức trong hợp tác đại học và doanh nghiệp

Theo Giáo sư Từ Minh Phương, thực tế, chương trình đào tạo của trường đại học hướng tới mục tiêu dài hạn, chú trọng vào những kiến thức cơ bản và nhất quán, giúp sinh viên có năng lực học tập suốt đời, kể cả khi nhu cầu thị trường thay đổi người học vẫn có thể thích nghi và theo được. Các doanh nghiệp lớn thường hiểu điều này và không yêu cầu những kỹ năng chỉ có giá trị nhất thời trong 1-2 năm.

Tuy nhiên, thầy Phương đánh giá, doanh nghiệp thường có sự thay đổi để thích nghi với biến động thị trường, ảnh hưởng đến nhu cầu về nguồn nhân lực, trong khi các chương trình đào tạo các cơ sở giáo dục đại học thường có tính ổn định. Đây là trở ngại vĩ mô lớn nhất khi hợp tác với doanh nghiệp.

Cùng quan điểm, ông Đào Việt Bách cũng cho rằng, khó khăn và rào cản lớn nhất khi hợp tác cùng các trường đại học đó là doanh nghiệp luôn có sự thay đổi linh hoạt, nhu cầu biến động theo thị trường hoặc các yêu cầu kinh doanh nhưng bản thân sinh viên hay các trường đại học sẽ không thể thay đổi với tốc độ nhanh như vậy.

Việc này sẽ hình thành các khoảng cách giữa nhà trường và doanh nghiệp. Nếu việc chia sẻ thông tin và hợp tác giữa 2 bên càng bền chặt thì khoảng cách này sẽ càng rút ngắn lại.

4.jpg
Lễ ký kết hợp tác giữa PTIT và các doanh nghiệp công nghệ.

Để giải quyết vấn đề này, FPT Software thường xuyên triển khai các chương trình hội thảo trao đổi chuyên môn, đưa các bài toán từ doanh nghiệp - dự án vào trường đại học, triển khai các Co-Lab (phòng nghiên cứu chung) đặt tại các trường, đồng thời tham gia thường xuyên vào góp ý, cập nhật chương trình đào tạo của các trường.

Ông Bách cho biết thêm, chất lượng đào tạo không đồng đều ở các trường cũng là khó khăn đối với doanh nghiệp khi hợp tác cùng các trường.

Bên cạnh nhóm các trường đại học lớn có chất lượng tương đối ổn định thì thực trạng trong những năm qua, còn một số trường đào tạo tập trung vào số lượng. Do đó, một bộ phận sinh viên khi tốt nghiệp còn thiếu kiến thức nền tảng, kỹ năng làm việc và việc định hướng nghề nghiệp hạn chế. Với nhóm sinh viên này, nếu không có sự thay đổi sớm, thì rất khó để có thể đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp sau này.

Trong những năm qua, FPT Software đã triển khai nhiều chương trình định hướng nghề nghiệp, các hoạt động như Tech Talk (chia sẻ công nghệ), Leader Talk (truyền cảm hứng),... được tổ chức thường xuyên với nhiều quy mô. Tùy theo thực trạng của từng trường, FPT Software cũng cân nhắc các hoạt động đầu tư và chương trình triển khai ở các phạm vi và quy mô khác nhau.

Ông Bách đánh giá, việc đầu tư trong hợp tác với các trường đại học là một chiến lược dài hơi. Nếu chỉ nhìn vào những kết quả ngắn hạn, thì doanh nghiệp rất khó để triển khai được các hợp tác hiệu quả cùng nhà trường.

Còn bà Nguyễn Thu Hương nhận xét, mô hình hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp còn khá mới, nên mất nhiều thời gian xây dựng các cơ chế phối hợp. Đơn cử, yêu cầu về bằng cấp đối với các giảng viên thỉnh giảng từ doanh nghiệp (yêu cầu bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ) cần được xem xét kỹ lưỡng. Đồng thời, cần có thêm các cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đại học hợp tác theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi.

Nếu không phối hợp chặt chẽ, đảm bảo chất lượng sẽ gây ảnh hưởng đến niềm tin, hình ảnh, uy tín của thương hiệu của cả doanh nghiệp và nhà trường.

Để vượt qua các thách thức phía trên, VMO Holdings và các trường cần minh bạch về mục tiêu, định hướng, tư duy triển khai công việc ngay từ thời điểm ban đầu khi trao đổi kế hoạch hoạt động. Xác định và thông suốt tư tưởng từ đầu sẽ giúp đường ray công việc phía sau hạn chế chệch hướng nhất có thể.

Thùy Trang