Học Công nghệ thông tin tại ĐH Mở Hà Nội: SV được tiếp cận công nghệ mới nhất

26/06/2024 06:15
Ngọc Huệ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo một số nhà tuyển dụng, điểm cộng cho ứng viên ứng tuyển vào vị trí về công nghệ thông tin là có các chứng chỉ quốc tế chuyên sâu ở lĩnh vực ứng tuyển.

Ngành Công nghệ thông tin trang bị cho người học kiến thức khoa học cơ bản và chuyên sâu về các lĩnh vực công nghệ thông tin như công nghệ phần mềm, mạng máy tính và an toàn hệ thống, hệ thống thông tin, trí tuệ nhân tạo.

Được biết, những năm gần đây, tỷ lệ tuyển sinh ngành Công nghệ thông tin tại Trường Đại học Mở Hà Nội luôn ở mức ổn định, đạt chỉ tiêu đề ra.

Năm 2024, ngành Công nghệ thông tin của nhà trường có 330 chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét tuyển thẳng và 50 chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực.

Đưa công nghệ mới, xu hướng hiện đại vào chương trình đào tạo

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đinh Tuấn Long - Trưởng khoa Khoa Công nghệ thông tin (Trường Đại học Mở Hà Nội) cho biết, tại Trường Đại học Mở Hà Nội, chương trình đào tạo cử nhân ngành Công nghệ thông tin được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường, sinh viên được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để định hình công nghệ trong tương lai.

Tiến sĩ Đinh Tuấn Long - Trưởng khoa Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Mở Hà Nội. (Ảnh: NTCC)
Tiến sĩ Đinh Tuấn Long - Trưởng khoa Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Mở Hà Nội. (Ảnh: NTCC)

Theo thầy Long, Khoa Công nghệ thông tin đã đầu tư các phòng thực hành với trang thiết bị hiện đại, phần mềm hỗ trợ thực hành để sinh viên có thể tham gia học tập và nghiên cứu. Trung tâm thư viện của trường cung cấp tài liệu, và các tài nguyên số phong phú phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu của sinh viên.

Khoa có đội ngũ giảng viên trình độ cao, nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ công nghệ thông tin. Ngoài ra, Khoa có sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia đến từ doanh nghiệp. Các giảng viên của Khoa luôn cập nhật kiến thức và công nghệ mới nhằm đáp ứng được nhu cầu đào tạo của xã hội.

Hàng năm, sinh viên của Khoa được tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp; vẽ lập trình, hackathon (nơi sinh viên công nghệ có cơ hội để trình diễn tài năng và sáng chế công nghệ-PV) an ninh mạng trong và ngoài trường.

Ngoài ra, Khoa cũng thường xuyên tổ chức các hội thảo chuyên ngành, mời chuyên gia đầu ngành về công nghệ thông tin đến chia sẻ và tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận công nghệ mới nhất, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

"Việc đào tạo công nghệ thông tin ở Việt Nam ngày càng phát triển và đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực công nghệ thông tin. Với sự đầu tư vào cơ sở vật chất, chương trình đào tạo tiên tiến, hợp tác quốc tế và khuyến khích khởi nghiệp, Khoa Công nghệ thông tin đã thật sự xây dựng được môi trường đào tạo giúp cho sinh viên nắm vững kiến thức chuyên môn, phát triển toàn diện, sẵn sàng đóng góp vào sự phát triển của xã hội", thầy Long khẳng định.

Cũng theo thầy Long, Khoa Công nghệ thông tin còn đẩy mạnh môi trường học tập trực tuyến thông qua các hệ thống quản lý học tập, đào tạo trực tuyến hiện đại, hỗ trợ quá trình học tập, giúp sinh viên truy cập tài liệu, theo dõi tiến độ học tập một cách thuận tiện, tăng cường trải nghiệm học tập theo hướng lấy người học làm trung tâm.

"Khoa Công nghệ thông tin không chỉ đào tạo kiến thức và kỹ năng chuyên môn cho người học mà còn tạo môi trường giúp sinh viên phát triển toàn diện, từ kỹ năng mềm đến các kỹ năng nghiên cứu và làm việc thực tế. Với định hướng rõ ràng và cam kết đổi mới, Khoa sẽ tiếp tục là một trong những đơn vị phát triển của ngành Công nghệ thông tin nói riêng và xã hội nói chung", thầy Long chia sẻ.

Sinh viên ngành Công nghệ thông tin trong một hoạt động tại lớp học. (Ảnh: NTCC)
Sinh viên ngành Công nghệ thông tin trong một hoạt động tại lớp học. (Ảnh: NTCC)

Bàn về tầm quan trọng trong đào tạo ngành Công nghệ thông tin, thầy Long cho rằng, việc đào tạo ngành Công nghệ thông tin nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường, nhất là trong bối cảnh công nghiệp 4.0 và công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực trong xã hội.

Ngành Công nghệ thông tin đóng góp một phần không nhỏ vào GDP của đất nước. Thông qua việc ứng dụng tin học hóa, chuyển đổi số, công nghệ thông tin giúp tự động hóa nhiều quy trình, tăng hiệu quả và năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất và cải thiện dịch vụ.

Việc đổi mới chương trình đào tạo ngành Công nghệ thông tin của nhà trường được thể hiện rõ nhất khi đưa vào các môn học mới như: dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain,...; có các chương trình hợp tác với các trường đại học quốc tế như các chương trình trao đổi sinh viên, liên kết đào tạo, các học bổng chương trình học thạc sĩ và nghiên cứu sinh với các trường đại học quốc tế cũng được đẩy mạnh, mở ra nhiều cơ hội học tập và làm việc cho sinh viên.

"Mục đích mà ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học Mở Hà Nội hướng tới là cung cấp cho sinh viên cơ hội học tập tốt, nâng cao chất lượng đầu ra của sinh viên. Ngành đào tạo giúp sinh viên có kiến thức chuyên môn sâu rộng, trang bị kỹ năng mềm, kỹ năng giải quyết vấn đề, dễ hòa nhập và phát triển trong môi trường làm việc", thầy Long chia sẻ.

Sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, sinh viên có thể đảm nhận các công việc liên quan đến công nghệ đa phương tiện (thiết kế website, standee, pa nô, áp phích), mạng và an toàn hệ thống (kỹ sư mạng vận hành và bảo trì hệ thống mạng lớn; Kỹ sư an ninh mạng, đảm bảo an toàn thông tin; kỹ sư lập trình), khoa học máy tính (Lập trình viên, lập trình ứng dụng trên thiết bị di động; Kỹ sư kiểm thử/kiểm soát chất lượng/đảm bảo chất lượng,...).

Bên cạnh những thuận lợi, theo thầy Long, công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của ngành Công nghệ thông tin còn có một số khó khăn nhất định.

Thứ nhất, trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ đòi hỏi các chương trình đào tạo được cập nhật, đổi mới thường xuyên.

Thứ hai, phương pháp giảng dạy truyền thống không còn phù hợp, không hiệu quả và không đáp ứng được yêu cầu của một số môn học chuyên ngành.

Thứ ba, cơ sở vật chất, trang thiết bị cần được nâng cấp thường xuyên để đảm bảo môi trường học tập và nghiên cứu của sinh viên, giảng viên.

Thứ tư, giảng viên cần được đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, tiếp cận với các công nghệ mới.

Trước những khó khăn này, thầy Long cho rằng cần cập nhật chương trình đào tạo thường xuyên, đảm bảo các chương trình học phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và xu hướng công nghệ; đa dạng phương pháp giảng dạy, có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, lấy người học làm trung tâm. Bên cạnh đó, cần nâng cấp và đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy và học hỗ trợ sinh viên và giảng viên trong nghiên cứu, học tập.

"Thời gian qua, Khoa tăng cường hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp về công nghệ thông tin. Điều này giúp cho chương trình đào tạo gắn liền hơn với thực tiễn, đồng thời tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận môi trường làm việc chuyên nghiệp qua các chương trình thực hành, thực tập. Tới đây, Khoa sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc thi học thuật, hội thảo, sự kiện kết nối để sinh viên có cơ hội thể hiện bản thân và học hỏi lẫn nhau. Đồng thời, xây dựng mô hình vườn ươm doanh nghiệp trong trường đại học để hỗ trợ các dự án, khởi nghiệp từ sinh viên", thầy Long nhận định.

Nhà tuyển dụng chỉ ra kỹ năng sinh viên cần chuẩn bị để tăng cơ hội việc làm

Chia sẻ với phóng viên, anh Tạ Văn Dũng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo Lập trình viên TechMaster và Young Monkeys (cựu sinh viên ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học Mở Hà Nội) cho biết, kiến thức của ngành Công nghệ thông tin đã giúp anh Dũng có được những thành quả nhất định.

Anh Tạ Văn Dũng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo Lập trình viên TechMaster và Young Monkeys. (Ảnh: NVCC)
Anh Tạ Văn Dũng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo Lập trình viên TechMaster và Young Monkeys. (Ảnh: NVCC)

"Theo tôi được biết, sinh viên công nghệ thông tin đi thực tập thường có lương; người có kinh nghiệm làm việc về công nghệ thông tin 2 năm có thể nhận mức lương cao nhất là 14 triệu đồng/tháng. Người có từ 3-5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin có thể nhận lương từ 14-32 triệu đồng/tháng. Người có từ 5 năm kinh nghiệm nhận mức lương 32 triệu đồng/tháng", Anh Dũng cho biết.

Với tư cách là giám đốc công ty về mảng công nghệ thông tin, anh Dũng chia sẻ rằng, khi tuyển dụng vào công ty, yêu cầu đối với ứng viên phải có kiến thức căn bản để giảm thiểu chi phí đào tạo, trong đó yêu cầu ứng viên học tốt môn Toán, cấu trúc dữ liệu giải thuật, có tư duy lập trình.

"Với những ứng viên là sinh viên mới tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin cần lưu ý, những thiết kế công nghệ nên tuân thủ nguyên tắc giảm thiểu chi phí phát triển và vận hành. Bên cạnh đó, ứng viên cần phải có kỹ năng thuyết trình, viết tài liệu, anh Dũng chia sẻ.

Cùng chỉ ra những kỹ năng sinh viên công nghệ thông tin cần chuẩn bị để dễ ghi điểm đối với nhà tuyển dụng, anh Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc trải nghiệm VNPT AI, đồng thời cũng là Giám đốc sản phẩm VNPT Smart UX chia sẻ, điểm cộng đối với ứng viên khi tuyển vào các vị trí như công nghệ thông tin, khoa học máy tính, thiết kế truyền thông đa phương tiện ở công ty anh là phải có các chứng chỉ quốc tế chuyên sâu về lĩnh vực ứng tuyển.

"Một trong những yêu cầu đối với ứng viên khi tuyển dụng vào vị trí liên quan đến công nghệ thông tin là phải trả lời lưu loát các câu hỏi phỏng vấn, tư duy mạch lạc, đúng trọng tâm, có phương pháp luận hợp lý để giải quyết các tình huống đặt ra như: các tình huống làm việc trong thực tế của doanh nghiệp về công nghệ, kỹ thuật; hệ thống có những đòi hỏi khá phức tạp về mặt kỹ thuật nên cần giải pháp thực hiện phù hợp; có nhiều yêu cầu khác nhau từ các bên liên quan và cần giải pháp xử lý", anh Hoàng chia sẻ.

Đồng tình với những quan điểm trên, anh Phan Anh Tuấn - Giám đốc điều hành tại Công ty TNHH Ocean Tech cho rằng, yêu cầu chung đối với các sinh viên ngành Công nghệ thông tin là cần nắm chắc kiến thức cơ bản và nên thực tập sớm (tầm cuối năm 3 đại học) để củng cố kiến thức.

Mức lương thực tập đối với sinh viên ngành Công nghệ thông tin thường từ 3-7 triệu đồng/tháng; lương khởi điểm khi làm chính thức có thể từ 9-12 triệu đồng/tháng.

Chị Phạm Thị Phương Thảo - cựu sinh viên ngành Công nghệ thông tin Trường Đại học Mở Hà Nội hiện đang làm Business Analyst (vận hành-PV) cho một doanh nghiệp công nghệ.

Khi còn là sinh viên, chị Thảo cảm thấy rất hứng thú với ngành Công nghệ thông tin vì mang đến cho chị nhiều cơ hội và cả những thử thách.

"Trong quá trình học, tôi được tiếp cận với nhiều kiến thức chuyên môn như lập trình, mạng, cơ sở dữ liệu, đặc biệt là kiến thức nhập môn và phân tích thiết kế hệ thống như các dự án thực tế hiện nay.

Ngoài việc học tập, tôi còn được tham gia các hoạt động ngoại khóa, nghiên cứu khoa học, Olympic Tin học sinh viên và câu lạc bộ lập trình. Những hoạt động này giúp tôi phát triển kỹ năng mềm như làm việc nhóm, thuyết trình, và quản lý thời gian. Các cuộc thi lập trình, hackathon cũng là nơi tôi có thể áp dụng kiến thức vào thực tế và học hỏi kinh nghiệm.

Khoa Công nghệ thông tin đã mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm quý báu và kiến thức chuyên môn sâu rộng. Tôi rất biết ơn sự hỗ trợ nhiệt tình từ giảng viên trong Khoa. Những kiến thức tôi được tiếp nhận không chỉ là cơ sở vững chắc trong công việc hiện tại mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển ngành nghề tiên tiến trong tương lai", chị Thảo chia sẻ.

Ngọc Huệ