Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 13/2024/TT-BGDĐT [1] quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập và giáo viên dự bị đại học thay thế Thông tư số 34/2021/TT-BGDĐT [2]. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2024.
Người viết là giáo viên nhận thấy, Thông tư số 13/2024/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên có nội dung yêu cầu cao hơn so với Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT.
Theo yêu cầu của Chính phủ, để bảo đảm yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ, ngoài tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 16 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định bổ sung một số tiêu chuẩn, điều kiện như sau:
Về tiêu chuẩn xếp loại chất lượng trong thời gian công tác: Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III và tương đương, có 2 năm (đối với mầm non) và 3 năm (đối với phổ thông, dự bị đại học) công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được xếp loại chất lượng ở mức “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên.
Theo quy định này, hầu hết giáo viên hạng III đều thoả mãn tiêu chí "có 2 năm (đối với mầm non) và 3 năm (đối với phổ thông, dự bị đại học) được xếp loại chất lượng ở mức “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên."
Cần biết thêm, Điều 15 Nghị định 90/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 48/2023/NĐ-CP quy định tiêu chí xếp loại chất lượng viên chức (trong đó có giáo viên) ở mức không hoàn thành nhiệm vụ như sau:
a) Có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa theo đánh giá của cấp có thẩm quyền;
b) Có trên 50% các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả;
c) Có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá.
Tuy nhiên, quy định xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng II lên hạng I theo quy định tại Thông tư số 13/2024/TT-BGDĐT khó hơn so với Thông tư số 34/2021/TT-BGDĐT.
Theo đó, "trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II và tương đương, có 5 năm trước năm dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được xếp loại chất lượng ở mức “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên, trong đó có ít nhất 2 năm được xếp loại chất lượng ở mức “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Còn Thông tư số 34/2021/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp như sau:
"Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật viên chức quy định tại Điều 56 Luật Viên chức được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức."
Như vậy, theo Thông tư số 13/2024/TT-BGDĐT, giáo viên có nhu cầu xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng II lên hạng I phải có ít nhất 2 năm được xếp loại chất lượng ở mức “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, còn Thông tư số 34/2021/TT-BGDĐT chỉ quy định "được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên".
Hiện nay, giáo viên được đánh giá mức "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là rất khó". Bởi vì, từ năm học 2023-2024, giáo viên được đánh giá, xếp loại theo Nghị định số 48/2023/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/ 8/2020.
Cụ thể, tỉ lệ cán bộ, công chức, viên chức xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức tại cùng cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối với từng nhóm đối tượng có nhiệm vụ tương đồng không quá tỷ lệ đảng viên được xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" theo quy định của Đảng”.
Có nghĩa là, tỷ lệ viên chức được xếp ở mức "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" chỉ được thực hiện tối đa là 20%.
Cùng với đó, theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ về xác định cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức tại Công văn số 64/BNV-CCVC ngày 05/01/2024, đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, tỷ lệ chức danh nghề nghiệp hạng I tối đa không quá 10%, tỷ lệ chức danh nghề nghiệp hạng II và tương đương tối đa không quá 50%.
Việc khống chế tỷ lệ chức danh nghề nghiệp theo hạng bảo đảm lựa chọn được những giáo viên xứng đáng, có đóng góp được ghi nhận và có sự nỗ lực phát triển nghề nghiệp trong thời gian giữ hạng. Kéo theo, giáo viên xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II và từ hạng II lên hạng I cũng khó hơn so với quy định cũ.
Ngoài ra, quy định danh hiệu thi đua và thành tích khen thưởng trong tiêu chuẩn, điều kiện năng lực chuyên môn, nghiệp vụ để đăng ký dự xét hạng I cũng chặt chẽ hơn:
"Danh hiệu thi đua và thành tích khen thưởng là các danh hiệu thi đua và thành tích khen thưởng đạt được trong thời gian giữ hạng II.
Quy định này để bảo đảm 01 danh hiệu thi đua và thành tích không được sử dụng đồng thời ở hai lần dự thăng hạng từ hạng III lên hạng II và từ hạng II lên hạng I; đồng thời, để bảo đảm giáo viên có sự nỗ lực, phấn đấu tiếp tục trong suốt thời gian giữ hạng". [3]
Điều đáng ghi nhận, Thông tư số 13/2024/TT-BGDĐT quy định cụ thể việc xác định thời gian giữ hạng chức danh nghề nghiệp tương đương tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong việc tính thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề khi giáo viên đăng ký dự thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-thong-tu-quy-dinh-tieu-chuan-dieu-kien-xet-thang-hang-chuc-danh-nghe-nghiep-giao-vien-119241102102807133.htm
[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-34-2021-TT-BGDDT-tieu-chuan-xet-thang-hang-chuc-danh-giao-vien-mam-non-496392.aspx
[3] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/nhung-diem-moi-cua-thong-tu-13-2024-tt-bgddt-ve-xet-thang-hang-giao-vien-119241102144156963.htm
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.