EMagazine

Nhà giáo đi B và ký ức về những năm tháng tuổi trẻ rực rỡ nhất

Nhà giáo đi B và ký ức về những năm tháng tuổi trẻ rực rỡ nhất

30/04/2025 06:40
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Mong thế hệ trẻ hôm nay giữ vững truyền thống yêu nước, không ngừng học hỏi, phấn đấu, đưa đất nước tiến xa hơn, vươn tới những tầm cao mới

13.png

Vào những tháng 4 vừa qua, đoàn nhà giáo cán bộ ở Nghệ An đi B năm 1971 cùng với thân nhân đã tổ chức chuyến đi đặc biệt thăm lại chiến trường xưa - nơi họ từng dạy học và chiến đấu.

Sau nửa thế kỷ hòa bình, những nhà giáo được điều động vào chiến trường miền Nam hỗ trợ công tác giáo dục (lúc này gọi là đi "B"), không chỉ gặp lại đồng đội, mà còn cùng hai người con liệt sĩ tìm về thăm cha và những người bạn đã nằm lại chiến trường xưa.

Giữa những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, khi từng cánh rừng, con suối, từng thửa ruộng miền Nam đều in dấu bom đạn, đã rất nhiều thầy cô giáo miền Bắc xung phong vào chiến trường, tiếp tục gieo chữ giữa khói lửa chiến tranh.

Nửa thế kỷ trôi qua, những cánh rừng Trường Sơn, những dòng suối, ngọn núi vẫn còn đó, dù con đường từ Bắc vào Nam nay đã bằng phẳng, thênh thang hơn xưa. Nhưng với những nhà giáo đi B năm nào, mỗi bước chân vẫn như đưa họ trở về với ký ức của một thời bom đạn.

Các nhà giáo đi B và thân nhân dâng hương tại Trung ương Cục Miền Nam.
Các nhà giáo đi B và thân nhân dâng hương tại Trung ương Cục Miền Nam.
85a90d63e663543d0d72.jpg
Nghĩa trang Liệt sỹ Đồi 82, tại xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, là nơi an nghỉ của hơn 15.000 liệt sỹ đã anh dũng hy sinh qua các thời kỳ kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.

Chị Ngô Thị Hiền (Yên Thành, Nghệ An) không chỉ là người con của một nhà giáo đi B, mà còn là nhịp cầu nối, đưa bố và các đồng đội năm xưa trở về thăm lại chiến trường xưa, nơi những người đồng đội đã yên nghỉ.

“Bản thân tôi cũng là một nhà giáo, vì vậy khi đến Nghĩa trang Liệt Sỹ Đồi 82 Tây Ninh thực sự tôi rất cảm động”, chị Hiền nói.

“Cha sống khôn thác thiêng, con vào thăm cha cùng các chú” - lời thầm thì của những người con bên những ngôi mộ vô danh khiến những ai chứng kiến không khỏi rưng rưng.

14.png

Ông Ngô Đức Tiến - bố của chị Hiền - trước khi xung phong đi B là giáo viên cấp 2 ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Năm 1969, trong khí thế miền Bắc một lòng hướng về miền Nam, ông xung phong lên đường vào Nam.

“Cái khổ, cái đói, cái chết - tất cả đều có. Nhưng tuổi trẻ của chúng tôi rực rỡ nhất là những ngày ấy”, ông Tiến chia sẻ, ánh mắt sáng lên niềm tự hào.

Giờ đây, ở tuổi xế chiều, trở lại chiến trường xưa, ông tìm về những mảnh ghép ký ức - đồng đội cũ, chiến hào xưa, và cả những nấm mộ không tên. Gặp lại những người bạn cùng thời, ông xúc động ôm chặt từng bàn tay nhăn nheo nhưng ấm áp: “Sau hơn 50 năm, được ngồi cạnh nhau thế này, là may mắn và hạnh phúc lớn lao”.

493582940_2455097841511915_3907741370370957875_n.jpg
Nhà giáo Ngô Đức Tiến (bên trái) và nhà giáo Chu Cấp (bên phải) trong chuyến hành trình trở về chiến trường xưa, sau 50 năm ngày thống nhất đất nước.

Tương tự, nhà giáo Chu Cấp - một trong những nhà giáo xung phong đi B của huyện Yên Thành, Nghệ An cũng có mặt trong chuyến hành trình đặc biệt này.

Sinh ra trong khói lửa chiến tranh, năm 1966, thầy Chu Cấp tình nguyện lên đường vào chiến trường B.

Năm 1970, trong khi đang thực hiện nhiệm vụ, ông bị địch bắt. Lần lượt trải qua 7 nhà tù và không biết bao nhiêu lần bị tra tấn, cuối cùng ông bị đày ra Côn Đảo - nơi được ví như "địa ngục trần gian". Tuy nhiên, nhà giáo Chu Cấp không hề khuất phục. Ngay giữa nơi tăm tối nhất, ông vẫn tổ chức lớp học bí mật, tham gia Đảng ủy Nhà tù và kêu gọi các tù nhân chính trị đoàn kết, đấu tranh đến cùng.

“Chúng đánh đập, bỏ đói, hành hạ... nhưng không khuất phục được ý chí người cộng sản”, ông kể, giọng chậm rãi mà kiên cường. Trong gian khổ, lòng tin vào ngày toàn thắng chưa bao giờ tắt trong ông.

Nhà tù Côn Đảo khi ấy giam giữ đủ mọi lứa tuổi, từ thanh niên trai trẻ đến những nhà giáo tóc bạc gần 90 tuổi. Nhìn thấy những người thầy già yếu vẫn kiên trung chiến đấu, ông tự nhủ: "Họ còn không lùi bước, mình càng không thể chùn bước”.

Sau ngày giải phóng, nhà giáo Chu Cấp tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, từ thành phố Sài Gòn đến đất nước bạn Campuchia, rồi trở về Nghệ An. Thế nhưng, hậu quả của những năm tháng tù đày đã để lại di chứng nặng nề. Tháng 2/1990, sau một trận ốm “thập tử nhất sinh”, ông buộc phải xin nghỉ hưu sớm.

Tưởng chừng nghỉ hưu là khép lại những ngày tháng đứng lớp, nhưng năm 1996, khi sức khỏe hồi phục phần nào, lòng yêu nghề vẫn thôi thúc ông tiếp tục cống hiến. Cùng hai đồng nghiệp – những nhà giáo lão thành Phan Hoãn và Phan Huy Huyền – ông vận động thành lập Trường Trung học phổ thông Lê Doãn Nhã, một trong những trường dân lập đầu tiên của tỉnh Nghệ An thời bấy giờ. Một năm sau, ngôi trường chính thức ra đời, và ông đảm nhận vai trò Phó Hiệu trưởng, gắn bó cho đến năm 2003.

Ông tâm sự, không rõ đó là ý thức nghề nghiệp hay một mệnh lệnh từ sâu thẳm trái tim, nhưng ông luôn cảm thấy mình phải có trách nhiệm với thế hệ trẻ, nhất là với những em không có cơ hội học tập đầy đủ. Thời đó, dù tỷ lệ học sinh trường công khá cao, vẫn còn rất nhiều em thi rớt, không có điều kiện tiếp tục học, dễ bị lôi kéo vào con đường sai trái.

“Không thể để các em bơ vơ ngoài xã hội, thiếu tri thức, thiếu định hướng”, ông nói. Vì vậy, ngay cả khi trường lớp chưa kịp xây dựng, tại căn nhà riêng đơn sơ, ông vẫn mở lớp dạy miễn phí cho trẻ em trong xóm. “Không phải vì kinh tế, vì kiếm thêm thu nhập, mà chỉ nghĩ làm sao tạo cho các cháu một nơi học hành tử tế, tránh xa cám dỗ xấu”.

Trong chuyến đi trở về lần này, gặp lại đồng đội cũ, nhà giáo Chu Cấp xúc động nói: "Đến tuổi thập cổ lai hy này, nhớ nhớ quên quên... Có người họ nhớ mình nhưng mình không nhớ họ. Gặp nhau, ôm nhau, vui mừng trào nước mắt".

tk (1).png
Những nhà giáo từng đi B vui mừng hội ngộ đồng đội cũ.

Trong chuyến trở về chiến trường xưa, bên cạnh những nhà giáo đi B năm nào, còn có sự hiện diện lặng lẽ nhưng đầy ý nghĩa của những người con liệt sĩ.

Chị Phạm Nguyệt (Diễn Châu, Nghệ An) mang theo trong lòng nỗi niềm không thể gọi thành tên. Cha chị - nguyên hiệu trưởng trường cấp 2 đã xếp bút nghiên theo tiếng gọi của non sông, và hy sinh tại miền Nam năm 1970.

Suốt nhiều năm, gia đình chị rong ruổi khắp nơi tìm kiếm hài cốt của cha nhưng không có kết quả. Mãi đến hai năm trước, mới tìm thấy tên ông được trên tấm bia tưởng niệm ở Nghĩa trang Liệt sỹ Đồi 82, Tây Ninh, nhưng đến nay vẫn chưa tìm thấy phần mộ.

Trong lần trở lại này, khi được gặp gỡ những đồng đội cũ của cha, chị Nguyệt vừa xúc động như tìm thấy máu thịt, vừa đau đáu tiếc thương cho khoảng trống không thể nào lấp đầy.

"Gặp lại đồng đội của bố, tôi vừa mừng, vừa tủi thân vì bố mình đã mất", chị nghẹn ngào chia sẻ. Nhưng chị tin rằng, ở nơi rất xa ấy, cha mình đang mỉm cười, bởi những người con thế hệ sau vẫn đang tiếp tục hành trình gìn giữ ký ức và lý tưởng mà thế hệ cha anh đã trọn đời gửi gắm.

tk.png

Những người thầy đi B đã làm tròn sứ mệnh của mình: từ Trường Sơn đến Sài Gòn, từ chiến tranh đến hòa bình. Họ vượt qua bom đạn, gùi chữ đi gieo nơi chiến trường, rồi trở về trong thời bình để tiếp tục vun trồng những mùa tri thức mới. Và hôm nay, khi mái đầu đã bạc, họ lại trở về chiến trường xưa - mang theo những ký ức không phai để trao gửi cho thế hệ sau.

“Mỗi thế hệ có sứ mệnh lịch sử riêng” - ông Ngô Đức Tiến nhắn nhủ. “Thế hệ ông vừa kiến thiết xây dựng miền Bắc vừa đấu tranh giải phóng miền Nam. Để có được thành quả như ngày hôm nay là sự đánh đổi, sự hy sinh, thấm đẫm máu và nước mắt. Mong thế hệ trẻ hôm nay giữ vững truyền thống yêu nước, không ngừng học hỏi, phấn đấu, đưa đất nước tiến xa hơn, vươn tới những tầm cao mới”.

Còn với thầy Chu Cấp, ông mong thế hệ trẻ hôm nay luôn khắc ghi 5 điều Bác Hồ dạy, lấy đó làm kim chỉ nam cho mỗi bước đường đời:

“Các cháu thanh niên, thiếu niên, nhi đồng phải biết sống thật thà, giữ vững đạo đức, không ngừng học tập, rèn luyện và suốt đời noi gương Bác Hồ vĩ đại”.

Ký ức một thời hoa lửa đã lùi xa, nhưng tinh thần bất khuất, lòng yêu nước và tình yêu tri thức mà những người thầy đi B để lại vẫn sẽ mãi mãi là ngọn lửa âm thầm soi sáng bước chân những thế hệ mai sau.

fa9ccf412341911fc850.jpg
Đoàn nhà giáo đi B (Đoàn 271) và thân nhân chụp ảnh lưu niệm tại Nghĩa trang Liệt sỹ Đồi 82.
Doãn Nhàn