Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm học 2024-2025 nhưng khác với các năm học trước đây bởi thời điểm kết thúc năm học cũng gần đến thời điểm bỏ cấp huyện. Đối với các trường trung học phổ thông thì không ảnh hưởng nhiều nhưng các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập sẽ có nhiều thay đổi.
Bởi lẽ, theo Kết luận số 137-KL/TW ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp đã hướng dẫn: “Thực hiện giữ nguyên các đơn vị sự nghiệp giáo dục và chuyển giao cho chính quyền cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non”.
Trong khi đó, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập đang do Ủy ban nhân dân huyện (thị, quận, thành phố trực thuộc tỉnh) bổ nhiệm, quản lý. Khi bỏ cấp huyện, cũng đồng nghĩa chức năng của cấp huyện không còn.
Vì thế, việc bổ nhiệm, điều động cán bộ quản lý các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập tới đây sẽ do sở giáo dục và đào tạo đảm nhận.

Quy trình bổ nhiệm, điều động cán bộ quản lý các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập đang được thực hiện ra sao?
Theo Điều 9, Nghị định 127/2018/NĐ-CP hướng dẫn trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện như sau:
“1. Quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập, thu hồi quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể, đổi tên, chuyển đổi loại hình đối với các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục theo quy định, bao gồm: Nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học cơ sở, trường phổ thông dân tộc bán trú, trung tâm học tập cộng đồng và các cơ sở giáo dục khác thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
2. Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, khen thưởng, kỷ luật Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo theo tiêu chuẩn chức danh và thủ tục do pháp luật quy định.
3. Quyết định tuyển dụng hoặc ủy quyền quyết định tuyển dụng viên chức giáo dục theo các quy định hiện hành; phân bổ số lượng người làm việc theo vị trí việc làm; công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, thay đổi vị trí việc làm, khen thưởng, kỷ luật đối với người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu các cơ sở giáo dục công lập quy định tại khoản 1 Điều này, trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện không có cấp trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục khác thuộc thẩm quyền quản lý trên cơ sở kế hoạch do Phòng Giáo dục và Đào tạo xây dựng và ý kiến thẩm định của Phòng Nội vụ.
4. Quyết định thành lập hội đồng trường, công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch hội đồng trường, bổ sung, thay thế thành viên Hội đồng trường các cơ sở giáo dục công lập; công nhận, không công nhận hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng quản trị, phó chủ tịch hội đồng quản trị, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục thuộc quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện theo tiêu chuẩn chức danh và thủ tục do pháp luật quy định”.
Bên cạnh đó, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn: “Nhiệm kỳ của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường trung học là 05 năm. Sau mỗi năm học, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng được viên chức, nhân viên, người lao động trong trường góp ý và cấp có thẩm quyền đánh giá theo quy định. Hiệu trưởng công tác tại một trường trung học công lập không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp”.
Từ những hướng dẫn này, lâu nay việc bổ nhiệm, điều động hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập đều do chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định.
Tới đây, khi bỏ cấp huyện, các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập được chuyển chức năng quản lý nhà nước về cho các xã (phường).
Ngày 8/4/2025 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 1581/BGD&ĐT-GDPT gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc bảo đảm duy trì, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục công lập tại các đơn vị hành chính khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, theo đó, sở giáo dục và đào tạo sẽ đảm nhận việc sắp xếp, điều động, biệt phái, phát triển đội ngũ nhà giáo.
Việc bổ nhiệm, điều động cán bộ quản lý trường mầm non đến trung học cơ sở sẽ do sở giáo dục và đào tạo đảm nhận khi bỏ cấp huyện
Theo hướng dẫn của Công văn số 1581/BGD&ĐT-GDPT gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong quá trình triển khai thực hiện tại địa phương, Bộ hướng dẫn: “Thống nhất thực hiện nội dung quản lý nhà nước về giáo dục đối với chuyên môn của ngành; bổ nhiệm, sắp xếp, điều động, biệt phái đội ngũ nhà giáo do cơ quan cấp tỉnh (sở giáo dục và đào tạo) thực hiện thống nhất trên toàn tỉnh để thực hiện điều tiết chung, xử lý tình huống thừa thiếu giáo viên cục bộ”.
Điều này cũng đồng nghĩa sau khi bỏ cấp huyện, sở giáo dục và đào tạo các địa phương sẽ là cơ quan bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập.
Với việc chuyển nhiệm vụ bổ nhiệm, điều động cán bộ quản lý các trường học từ mầm non đến trung học cơ sở công lập từ cấp huyện cho sở giáo dục và đào tạo đảm trách rõ ràng công việc của sở tới đây sẽ rất nặng nề vì địa bàn tỉnh mới rất rộng.
Số lượng trường học, cán bộ quản lý từ cấp mầm non đến cấp trung học phổ thông của mỗi tỉnh khá lớn. Nhưng, việc làm này sẽ giúp cho việc bổ nhiệm, điều động cán bộ quản lý các trường học được công tâm, khách quan hơn bởi công tác này lâu nay công tác này ở một số nơi vẫn là vấn đề khá “nhạy cảm”.
Vì thế, theo quan điểm người viết, khi bỏ cấp huyện, các trường từ mầm non đến trung học cơ sở giao cho xã (phường) quản lý chức năng quản lý nhà nước; việc bổ nhiệm, điều động cán bộ quản lý các trường học này do sở giáo dục và đào tạo đảm nhận là hợp lý.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.