Bệnh Whitmore xuất hiện tại Việt Nam, nguy hiểm như thế nào?

17/09/2019 06:00
An Nhiên (tổng hợp)
(GDVN) - Tỉ lệ tử vong của bệnh Whitmore đang là 40-60%, bệnh nhân có thể tử vong trong 1 tuần với các trường hợp nặng bị nhiễm khuẩn cấp.

Từ đầu năm 2019 đến nay, tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận tới 20 ca mắc bệnh Whitmore, trong đó có 4 ca đã tử vong.

Bệnh Whitmore (hay melioidosis) là một bệnh nhiễm trùng gây chết người từ khuẩn Burkholderia pseudomallei, gây ảnh hưởng đến cả người và động vật.

Bệnh có khả năng lây lan khi bệnh nhân tiếp xúc với nước và đất bị nhiễm khuẩn, thường xuất hiện ở nơi khí hậu nhiệt đới gió mùa.

Lần đầu tiên Trung tâm Bệnh Nhiệt đới ghi nhận ca vi khuẩn whitmore "ăn" cánh mũi. (Ảnh minh họa: nhandan.com.vn).
Lần đầu tiên Trung tâm Bệnh Nhiệt đới ghi nhận ca vi khuẩn whitmore "ăn" cánh mũi. (Ảnh minh họa: nhandan.com.vn).

Bệnh Whitmore là một căn bệnh nguy hiểm nhưng dễ bị phát hiện muộn do chuẩn đoán nhầm với các bệnh khác như bệnh nhiễm trùng huyết do tụ cầu hoặc chuẩn đoán nhầm với bệnh lao toàn thể, lao phổi... 

Hiện mới chỉ có 10% số bệnh nhân mắc bệnh được chuẩn đoán đúng và kịp thời điều trị.

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Mai Huyền, Phó Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới khuyến cáo: bệnh nhân không được chủ quan với bệnh Whitmore ở tất cả các bệnh nhân có tổn thương đa ổ áp xe, có vết thương nhiễm bẩn.

Đặc biệt ở các khu đầm lầy, đồng ruộng, trên các đối tượng nguy cơ như người làm nông nghiệp, trồng rừng, người bệnh đái tháo đường…[1]

Nguyên nhân gây bệnh Whitmore  

- Hít phải bụi bẩn hoặc sử dụng nước bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh.

- Uống nước bị nhiễm vi khuẩn bệnh mà không được khử trùng.

- Sờ vào đất bị nhiễm vi khuẩn bằng tay hoặc chân trần, đặc biệt là nếu có trầy xước trên da.

- Vi khuẩn whitmore sống rất dai, có thể sống nhiều năm liền trong môi trường đất và nước đã bị nhiễm khuẩn.

Bộ Y tế yêu cầu giám sát cách ly 9 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
Bộ Y tế yêu cầu giám sát cách ly 9 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Triệu chứng bệnh Whitmore

Bệnh Whitmore không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng và dễ nhầm với nhiều bệnh khác.

Bệnh có biểu hiện ở vị trí khác nhau và có các triệu chứng khác nhau nên thường dễ nhầm lẫn với các triệu chứng của nhiễm trùng thông thường khác như: quai bị, áp xe, viêm tấy...

Chẩn đoán chính xác bệnh phải dựa trên các xét nghiệm phân lập và định danh vi khuẩn trong các mẫu bệnh phẩm máu, mủ, đờm, nước tiểu, hoặc dịch não tủy.

Tỉ lệ tử vong của Whitmore là 40-60%, bệnh nhân có thể tử vong trong 1 tuần với các trường hợp nặng bị nhiễm khuẩn cấp.

Phương pháp điều trị bệnh Whitmore

Hiện chưa có vaccine phòng và điều trị bệnh Whitmore. Khi nhiễm bệnh, bệnh nhân chỉ có thể điều trị qua hai giai đoạn:

- Giai đoạn 1: tối thiểu 10 đến 14 ngày dùng kháng sinh truyền tĩnh mạch (IV). Điều trị bằng kháng sinh này có thể kéo dài tới tám tuần.

- Giai đoạn 2: là 3 đến 6 tháng của một trong hai kháng sinh đường uống.

Cách phòng ngừa bệnh Whitmore

- Hạn chế tiếp xúc với bùn, đất hoặc các vùng nước có khả năng bị ô nhiễm.

- Đảm bảo vệ sinh thân thể sạch sẽ. 

- Rửa tay, rửa chân thường xuyên đặc biệt sau khi ra ngoài về.

- Xịt khuẩn và giữ vệ sinh môi trường xung quanh.

- Đi đến bệnh viên hoặc các cơ quan y tế gần nhất khi có các triệu chứng như: sốt cao, viêm phổi, áp xe, nổi cục nhiễm trùng ở các vùng khác nhau trên cơ thể.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vtv.vn/suc-khoe/thai-nguyen-nguoi-dan-ong-mac-benh-whitmore-sau-khi-bi-bua-dam-vao-dui-20190915102854319.htm

An Nhiên (tổng hợp)