Thông tin từ Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an cho hay, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tiến hành điều tra, xác minh làm rõ sai phạm trong quá trình chỉ định thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thuộc Sở Y tế Hà Nội và một số người thuộc các đơn vị liên quan.
Bước đầu, 07 đối tượng liên quan đã bị bắt giữ trong đó có Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thuộc Sở Y tế, thành phố Hà Nội.
Sáu người còn lại là Nguyễn Vũ Hà Thanh, Lê Xuân Tuấn (cán bộ CDC), Đào Thế Vinh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST); Nguyễn Trần Duy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành; Nguyễn Ngọc Nhất, nhân viên Công ty trách nhiệm hữu hạn phát triển khoa học Vitech; Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên Công ty trách nhiệm hữu hạn thiết bị y tế Phương Đông.
7 đối tượng đã bị bắt giữ trong đó có Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thuộc Sở Y tế, thành phố Hà Nội. (Ảnh: Congluan.vn) |
Thông tin trên Tuoitre.vn cho thấy Nguyễn Nhật Cảm có học hàm Phó Giáo sư, học vị Tiến sĩ. Thiết bị mà CDC dưới sự chỉ đạo của ông Cảm mua về là hệ thống xét nghiệm Realtime PCR dùng để xét nghiệm mẫu nghi nhiễm COVID-19, giá mua khoảng 7 tỷ đồng.
Chỉ cần gõ cụm từ “Realtime PCR” sẽ có hàng trăm quảng cáo giới thiệu máy từ các nhà cung cấp Việt Nam và giá cả có thể thương lượng.
“Một nhà cung cấp thiết bị xét nghiệm vào loại lớn trên thị trường cho biết giá một hệ thống xét nghiệm (tương tự như CDC đã mua) không quá 4 tỉ đồng”. [1]
Đại tá Nguyễn Văn Long (Cục trưởng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) cho biết: "Hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống Covid-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng 2,3 tỷ đồng.
Thông thường giá bán phải cộng thêm lợi nhuận, chi phí lưu kho, hoa hồng cho đại lý,… thì cũng không thể quá 3 tỷ đồng.
Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai điểm bùng phát dịch được xếp vào loại “có nguy cơ cao”.
Phác thảo chân dung những kẻ “hại nước, hại dân” (1) |
Khi những cây ATM gạo từ thiện đầu tiên xuất hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh được hưởng ứng ngày càng nhiều tại các thành phố khắp Bắc, Trung, Nam, khi cả hệ thống chính trị trong đó đứng ở hàng đầu là lực lượng cán bộ y tế, quân đội, công an đang gồng mình chống đại dịch COVID-19 thì vẫn có những kẻ điềm nhiên gặm nhấm nỗi đau của đồng loại.
Khi bọn “củi tươi” công khai hoặc ngấm ngầm đục khoét ngân sách nhà nước thì chúng đã tự biến mình thành những con đỉa hút máu người đóng thuế, phê phán là chuyện của dư luận còn xử lý chúng là việc của cơ quan bảo vệ pháp luật.
Giữa đại dịch, ở Thành phố Hồ Chí Minh có một nhóm phó giáo sư, tiến sĩ, giảng viên Đại học Ngân hàng tụ tập ăn nhậu dẫn đến có người rơi lầu tử vong. Sau đó một thời gian ngắn, tại Hà Nội cũng có vị phó giáo sư, tiến sĩ và một nhóm người rủ nhau “rơi” vào vòng lao lý.
Vì luật pháp quy định “Phó giáo sư” là học hàm chỉ phong cho những người trực tiếp giảng dạy nên những “nhà” gọi là “giáo” có học hàm, học vị nêu trên có phải là lũ sâu đang làm rầu thêm “nồi canh” giáo dục?
Có lẽ đành phải học ông Nam Cao mà “ní nuận” (viết đúng là lý luận) thế này “Các trường Ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước quản lý, các Đại học Y do Bộ Y tế quản lý, vậy nên “nồi canh” là của họ chứ không phải của mình”!
Nhưng dù sao, ở hai thành phố này mấy vị ấy cũng chỉ là những hạt cát bé tí nếu so với những tảng đá như các cựu Bí thư Thành ủy đã bị kỷ luật trong Đảng là các ông Đinh La Thăng, Lê Thanh Hải, Hoàng Trung Hải.
Vụ việc tại CDC Hà Nội, có ý kiến cho rằng hiện mới chỉ là nghi vấn chứ chưa chính thức kết án, điều này không sai.
Thế nhưng khi Bộ Công an quyết định khởi tố vụ án và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao phê chuẩn thì không thể nói các cơ quan này chỉ dựa vào những chứng cứ chưa rõ ràng đã ra lệnh bắt người.
Cũng trong đại dịch COVID-19, có những kẻ “xù” việc bán gạo cho dự trữ quốc gia nhưng lại lao vào xâu xé hạn ngạch xuất khẩu gạo.
Hành động của các doanh nghiệp đó hình như lại được tiếp tay bởi sự không minh bạch của một vài cơ quan thuộc Bộ Tài chính và Bộ Công thương khiến Thủ tướng Chính phủ phải lên tiếng.
Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo đồng thời thanh tra việc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng tại các văn bản số 121, 2827 với mục đích làm rõ:
“Có hay không dấu hiệu trục lợi, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, làm rõ thông tin báo chí phản ánh về việc công khai, minh bạch liên quan đến việc làm thủ tục hải quan và việc đăng ký mở tờ khai hải quan khi xuất khẩu gạo…”.
Thuốc Hối hận |
Báo chí nước ngoài, một số quan chức các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam thành công trong phòng, chống đại dịch COVID-19 là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự đoàn kết, đồng lòng của hơn 90 triệu người Việt.
Thế nhưng không thể không thừa nhận vẫn có những kẻ táng tận lương tâm, thừa cơ đục nước béo cò, mượn dịch bệnh để trục lợi.
Với riêng ông Nguyễn Nhật Cảm, ngay từ năm 2018, tập thể cán bộ viên chức Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội (nay là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - CDC) đã gửi đơn thư tố ông này tới báo Lao động Thủ đô (khi đó ông Cảm đang là Giám đốc Trung tâm).
Đơn thư cho thấy ông này có nhiều sai phạm, trong đó có nhiều khoản thu nhập bất thường so với tiền lương quy định của pháp luật như “tổng thu nhập được hưởng của ông Nguyễn Nhật Cảm là hơn 1 tỷ đồng, số tiền này cao gấp 5 lần mà Phó Giám đốc được hưởng, gấp 12 lần lương bác sĩ (hạng II) chuẩn bị về hưu, gấp 29,5 lần lương viên chức Đại học được hưởng”. [2]
Tiếp tay cho Nguyễn Nhật Cảm là Trưởng phòng Hành chính quản trị Lê Hồng Hải, hai người này “đã làm thất thoát tài sản của Nhà nước với số lượng tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Có lợi ích nhóm trong việc đấu thầu…”. [2].
Đến đây thì không thể không nêu câu hỏi tại sao một “con sâu bự” như vậy, bị nhân viên dưới quyền tố cáo và báo chí đã đăng tải những số liệu chi tiết nhưng vẫn chễm chệ ghế giám đốc từ đó đến nay?
Nếu không có sự làm ngơ (hay bao che?) từ phía tổ chức nhân sự, của cơ quan bảo vệ pháp luật thì dựa vào đâu Nguyễn Nhật Cảm giữ nguyên được chiếc ghế của mình để tiếp tục bòn rút ngân sách?
Câu hỏi này buộc phải nêu lên bởi vì từ năm 2018, sau khi nhà nước đã thất thoát hàng trăm tỷ đồng vì “có lợi ích nhóm trong việc đấu thầu” và “Thanh tra Sở Y tế đã biết và đang vào cuộc kiểm tra.
Hiện vẫn đang chờ thông tin kết luận từ Sở Y tế” [2] nhưng cuối cùng thì Nguyễn Nhật Cảm vẫn nhởn nhơ, tiếp tục vi phạm pháp luật cho đến trước khi bị bắt.
Câu hỏi này cũng lý giải vì sao một vụ vi phạm quy định đấu thầu với giá trị không quá lớn nhưng phải do Bộ Công an xử lý chứ không phải là cơ quan chức năng Hà Nội, cụ thể là Thanh tra Sở Y tế thành phố?.
Từ vụ việc này Bộ Công an có nên mở rộng điều tra xem các địa phương khác đã mua hệ thống thiết bị Realtime PCR như tại Hà Nội hay không, nếu có thì hướng xử lý thế nào?
Các báo Dangcongsan.vn, Baochinhphu.vn, Quochoi.vn đều có bài viết với tiêu đề “Chống dịch như chống giặc”.
Với bọn giặc, chỉ có tiêu diệt chứ không thể xem xét tình tiết giảm nhẹ.
Với Nguyễn Nhật Cảm và đồng bọn, xử thế nào là chuyện của tòa án nhưng không thể không có bản án đanh thép để làm gương cho kẻ khác.
Điều cuối cùng nên nói là trách nhiệm của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước thế nào khi để lọt những phó giáo sư như ông Hiệu phó Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh đang bị đình chỉ công tác hay ông phó giáo sư Cảm vừa bị bắt tạm giam?
Liệu còn bao nhiêu phó giáo sư, tiến sĩ như Nguyễn Nhật Cảm chưa bị lộ chân tướng?
Tài liệu tham khảo:
[1] https://tuoitre.vn/bat-ong-nguyen-nhat-cam-giam-doc-trung-tam-kiem-soat-benh-tat-ha-noi-20200422140009487.htm
[2] http://laodongthudo.vn/giam-doc-trung-tam-y-te-du-phong-ha-noi-bi-to-nhieu-sai-pham-81450.html