Hà Nội từ gần 20 năm trước đã bị ô nhiễm môi trường trầm trọng theo những gì mà truyền thông đăng tải.
Có thể thấy ô nhiễm tại Hà Nội là “toàn diện và triệt để” bao gồm ô nhiễm môi trường (không khí, ao hồ, sông, suối, đất nông nghiệp,…) và ô nhiễm trong nhận thức của bộ phận rất không nhỏ cán bộ và dân chúng.
Phác thảo chân dung những kẻ “hại nước, hại dân” (1) |
Không thể phủ nhận trách nhiệm của người dân trong việc xả thải ra môi trường, sử dụng tùy tiện thuốc trừ sâu trong trồng trọt, thuốc tăng trọng trong chăn nuôi,…
Tuy nhiên ô nhiễm trong nhận thức của một bộ phận cán bộ - cơ quan quản lý nhà nước mới là điều cần phải nhấn mạnh.
Chặt hạ cây xanh, băm nát quy hoạch thủ đô, chậm trễ và có thể là che giấu các sự cố môi trường thuộc về trách nhiệm của người/cơ quan quản lý chứ không phải dân chúng.
Công bằng mà nói, một số vấn đề là do “thế hệ trước” để lại.
Tuy nhiên những gì xảy ra gần đây: Nạn phá rừng ở Sóc Sơn, Tam Đảo, nạn ô nhiễm hóa chất (thủy ngân) tại khu vực dân cư sau vụ cháy tại Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông) và vụ ô nhiễm nước sinh hoạt từ Công ty kinh doanh nước sạch Viwasupco thì chắc chắn không chỉ là sản phẩm của “thế hệ trước”.
Người Hà Nội đã sử dụng nước sinh hoạt được lọc từ nguồn nước này (ANTV) |
Có một sự giống nhau đến kỳ lạ về thái độ ứng xử của doanh nghiệp và cơ quan quản lý trước sự cố môi trường nghiêm trọng vừa xảy ra.
Đối với doanh nghiệp, thông tin về lượng thủy ngân lỏng sử dụng trong chế tạo bóng đèn, phích nước của Công ty Rạng Đông và chuyện dầu bẩn tràn vào khu vực lấy nước của Viwasupco lúc đầu đều bị doanh nghiệp bưng bít.
Vụ cháy Công ty Rạng Đông xảy ra vào ngày 28/08/2019, với sự “đấu tranh kiên quyết của Tổng cục Môi trường” phải đến ngày ngày 31/08/2019 Công ty Rạng Đông mới thừa nhận có sử dụng thủy ngân lỏng (có độc tính cao hơn so với viên Amalgam) trong chế tạo bóng đèn.
Lượng thủy ngân đã phát tán ra ngoài môi trường do sự cố cháy nổ là khoảng từ 15,1 kg đến 27,2 kg. [1]
Thông tin nước sinh hoạt có “mùi lạ” tại khu vực Kim Giang, Hạ Đình, Thanh Xuân diễn ra từ ngày 09/10/2019, đúng dịp kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng thủ đô nhưng đơn vị kinh doanh là Viwasupco đã giấu nhẹm không thông báo cho người dân Hà Nội.
Bán nước lẫn dầu nhớt cho dân, phải xem xét yếu tố hình sự |
Vì thế nguồn nước ô nhiễm này lúc đầu vẫn được một số gia đình sử dụng.
Về phía cơ quan chức năng, “Nước sạch có mùi lạ, Hà Nội “không vội”, dân lo lắng, bất an” là tít bài đăng trên báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam.
Bài báo viết: “Trong ngày 13/10, phóng viên VOV đã tìm nhiều cách liên hệ, tìm sự phản hồi về tình trạng bất thường của nước sạch từ Viwasupco cũng như các cơ quan chức năng của TP. Hà Nội nhưng đều không có kết quả, hoặc không nghe điện thoại…
Khoảng 70.000 người giữa lòng Thủ đô đang hoang mang lo lắng về chất lượng nguồn nước sinh hoạt là câu chuyện chưa có lời giải”. [2]
Thế có nghĩa là hàng vạn người dân Thủ đô đã phải mua “nước sạch” bị pha lẫn dầu thải nhưng phải đến chiều 15/10/2019 Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội mới họp báo thông tin về vụ việc và khuyến cáo người dân tạm thời không sử dụng nguồn “nước sạch” này để nấu ăn?
Một vị đại biểu Quốc hội cho rằng “Doanh nghiệp (Viwasupco, Công ty Rạng Đông và …) thiếu trách nhiệm, coi thường sức khỏe người dân. Nhận xét như vậy chưa thỏa đáng.
Hàng vạn học sinh phía Tây Hà Nội khốn khổ vì Viwasupco đột ngột cắt nước |
Cần phải thấy rằng gây ô nhiễm môi trường, bán “nước sạch” nhiễm độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân nhưng lại che giấu thông tin là hành vi phạm pháp và cần phải bị xử lý hình sự.
Vô ý đốt thực bì gây cháy rừng, ba người nông dân thôn Hòa Hải, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng bị xử tù 3 năm về tội “Hủy hoại rừng”.
Vậy tội “Cố ý che giấu thông tin, hủy hoại sức khỏe con người” phải xử lý thế nào?
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân hoạt động là chủ trương đúng nhưng không thể bằng mọi giá.
Cần có chế tài đặc biệt với những doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực liên quan đến sức khỏe con người như dược phẩm, nước sạch, lương thực hoặc liên quan đến tính mạng người dân như các doanh nghiệp bất động sản xây các chung cư cao tầng.
Chỉ riêng tại Hà Nội, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã từng công khai danh tính doanh nghiệp “nợ” hệ thống cứu hỏa tại 38 tòa chung cư cao tầng.
Và cần phải đặt ra câu hỏi, có nên trao sinh mạng hàng vạn công dân thủ đô vào tay những doanh nghiệp tư nhân vô trách nhiệm như Viwasupco?
Liệu có cần phải phổ biến để người dân không chỉ cảnh giác với “Nước Sông Đà” mà còn với nhiều doanh nghiệp khác?
Bên cạnh đó, có cần xem xét trách nhiệm của người/cơ quan quản lý nhà nước khi ngay tại các quận của thủ đô vẫn còn để xảy ra liên tiếp các vụ việc nghiêm trọng?
Xin nói rõ thêm “cơ quan quản lý nhà nước” không phải chỉ tại địa phương mà còn là các bộ, ngành trung ương mà điển hình là vụ việc lấy số liệu ô nhiễm môi trường Hà Nội từ năm 2005 gán cho năm 2019 tại Bộ Tư pháp, vụ để lọt phim có đường lưỡi bò tại Hội đồng kiểm duyệt phim Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch,…
Hà Nội đặt kế hoạch xây dựng đô thị thông minh, nhưng liệu có thể thành công nếu kế hoạch xây dựng đội ngũ “công dân thông minh” chưa được đặt ra như là điều kiện tiên quyết?
Tài liệu tham khảo:
[1] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/moi-truong/cong-ty-rang-dong-gian-doi-ve-su-co-thuy-ngan-phat-tan-ra-moi-truong-565916.html
[2] https://vov.vn/xa-hoi/nuoc-sach-co-mui-la-ha-noi-khong-voi-dan-lo-lang-bat-an-966630.vov