Cứu sống bệnh nhân nhờ những giọt máu hồng của bác sĩ

19/07/2016 13:29
Linh Phương
(GDVN) - Cán bộ viên chức Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh luôn là những “tình nguyện viên” tích cực trong phong trào hiến máu nhân đạo.

Với phương châm “Lấy người bệnh làm trung tâm trong mọi hoạt động; y đức là cốt tử, chuyên môn là quan trọng; xây dựng người thầy thuốc vừa hồng vừa chuyên”, cán bộ viên chức Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh luôn là những “tình nguyện viên” tích cực trong phong trào hiến máu nhân đạo.

Thoát chết nhờ giọt máu hồng

Vào đầu tháng 3/2016, tại Khoa Chấn thương – Bệnh viện đa khoa tỉnh tiếp nhận bệnh nhân là bà Trần Thị Khiêm (87 tuổi) trú tại xã Cẩm Hà, Cẩm Xuyên bị gãy phức tạp liên mấu chuyển cổ xương đùi, buộc phải phẫu thuật kết hợp xương dưới màn hình tăng sáng.

Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân bị thiếu máu nặng, trong khi đó kho máu của bệnh viện đã hết máu thuộc nhóm B. Tiến hành xét nghiệm lấy máu người nhà của bệnh nhân những không ai thuộc nhóm B.

Trước tình hình nguy cấp, các bác sỹ nhận thấy nếu bệnh nhân không được truyền máu kịp thời thì nguy cơ dẫn đến tử vong là rất cao. Không chút đắn đo, bác sỹ Đinh Văn Bình và bác sỹ Nguyễn Minh Tuấn – Khoa Chấn Thương đã tiến hành hiến tặng 500ml máu để kịp thời truyền bổ sung cho bệnh nhân qua cơn nguy kịch. 

Các bác sĩ cấp cứu hiến máu cho bệnh nhân. Ảnh: Linh Phương.
Các bác sĩ cấp cứu hiến máu cho bệnh nhân. Ảnh: Linh Phương.

Trước đó, Dược sỹ Bùi Hoàng Dương - Bí thư đoàn, Phó Trưởng khoa Dược, Chủ nhiệm Ngân hàng máu sống Bệnh viện đa khoa Tỉnh cùng với điều dưỡng viên Hoàng Thị Ngọc Hà, nhân viên Khoa Khám bệnh cũng đã sẵn sàng hiến 500ml máu cấp cứu cho bé bị vàng da sơ sinh nặng tại Khoa Nhi;

Dược sỹ Tôn Đức Quý - Trưởng Khoa Dược - BV Đa khoa tỉnh hiến máu cứu sống bệnh nhân Nguyễn Thị Biên, 67 tuổi, Kỳ Tây, (Kỳ Anh) bị thiếu máu do xuất huyết tiêu hóa nặng…

Đến ngày 6/7, sản phụ Võ Thị Lượng (26 tuổi) ở xã Kỳ Sơn - Kỳ Anh được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng lơ mơ, da niêm mạc nhợt nhạt, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp không đo được, tim thai rời rạc, âm đạo ra nhiều máu tươi và máu cục, tử cung co cứng liên tục.

Sau khi thăm khám các bác sỹ khoa sản đã tiến hành cấp cứu, truyền dịch trợ sức, đồng thời chuyển thẳng bệnh nhân lên Khoa phẫu thật gây mê hồi sức để phẫu thuật cấp cứu. Trong quá trình phẫu thuật lấy thai, bệnh nhân bị mất máu nặng. 

Tuy nhiên do lượng máu dự trữ trùng với nhóm máu của sản phụ chỉ còn 2 đơn vị nên bác sỹ Nguyễn Viết Thọ - Phó Trưởng khoa Sản, bác sỹ Lâm Phúc Công – Khoa Sản và bác sỹ Trương Ngọc Anh – Phó Trưởng khoa Gây mê hồi sức dù đang tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân khác đã không ngần ngại hiến trực tiếp 3 đơn vị máu. Nhờ đó kịp thời cứu sống mẹ con sản phụ qua cơn nguy kịch.

Sau đó Bộ trưởng Bộ Y tế đã trao bằng khen cho ba bác sĩ này và khen ngợi công tác hiến máu của các cán bộ y tế kịp thời và rất giàu ý nghĩa nhân văn.

Phát triển câu lạc bộ hiến máu

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, từ năm 2011, đến nay Câu lạc bộ Ngân hàng máu sống Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đã có hơn 150 thành viên là các y, bác sỹ, nhân viên trong bệnh viện. Trong quá trình hoạt động CLB đã kịp thời hiến 129 đơn vị máu góp phần cứu sống hơn 100 bệnh nhân.  

Bác sỹ Đinh Văn Bình – Khoa Chấn thương chia sẻ: Là những người thường xuyên chứng kiến người bệnh phải cận kề cái chết do thiếu đi những giọt máu. Chính vì vậy mà mỗi cán bộ viên chức chúng tôi không chút ngần ngại hiến những giọt máu của bản thân để kịp thời cứu sống nhiều bệnh nhân nặng qua cơn nguy kịch. 

Ở trong bệnh viện vài giờ, quan sát thấy các y, bác sỹ phải liên tục tiếp cận và xử lý với nhiều ca bệnh, trong đó có nhiều bệnh nan y, nhiều thứ bệnh nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của người thầy thuốc, ta mới cảm nhận được sự vất vả của người cán bộ y tế.

Hằng ngày, hằng giờ, các y, bác sỹ tiếp xúc với những cơ thể bệnh tật, những máu, mủ với đủ thứ vi khuẩn, vi rút… trong các ca trực các y, bác sỹ thức thâu đêm suốt sáng, đứng bên bàn mổ, bên giường cấp cứu, thần kinh căng thẳng trong nhiều giờ liền, xong mổi ca mổ, ca bệnh nặng cấp cứu bủn rủn cả tay chân và đói lả…

Vậy mà khi có người bệnh nguy kịch vì nguồn máu trong kho đã hết, nhiều y, bác sỹ vẫn sãn sàng hiến tặng những giọt máu của mình để cứu chữa cho bệnh nhân.

Linh Phương