Liên tục kiểm tra để ngăn chặn thực phẩm kém chất lượng, đồng thời cũng nâng cao ý thức của những người bán hàng. |
Còn hơn một tháng nữa đến Tết Nguyên Đán, thời điểm này nhiều gia đình đã chuẩn bị sắm Tết, nhưng vấn đề đặt ra ăn gì trong ngày Tết cũng như ngày giáp tết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đây cũng là thời điểm vấn đề an toàn thực phẩm lại trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Bởi thực tế, những năm gần đây nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, thậm chí có ca tử vong khiến không ít người lo ngại.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trước Tết Nguyên Đán năm 2018, riêng tháng 1/2018, cả nước có 145 trường hợp bị ngộ độc thực phẩm.
Còn theo công bố của Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), tính đến hết tháng 10/2018, cả nước xảy ra 91 vụ ngộ độc thực phẩm với 2.710 ca mắc, trong đó có 15 trường hợp tử vong. Trong đó, chủ yếu do ngộ độc rượu, thực phẩm và nấm.
Trong 10 tháng qua, Cục An toàn Thực phẩm đã thu hồi hàng trăm giấy phép, xử phạt gần 6 tỷ đồng đối với 99 doanh nghiệp vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.
Như vậy, có thể thấy vấn đền an toàn thực phẩm dịp cuối năm vô cùng quan trọng nếu không được chú trọng thì hậu quả sẽ rất khôn lường.
Có cầu ắt có cung, theo khảo sát của phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam hiện trên thị trường xuất hiện tràn ngập các mặt hàng từ kẹo bánh, thực phẩm phục vụ cho ngày Tết.
Song song với những mặt hàng đảm bảo chất lượng, an toàn còn rất nhiều thực phẩm, bánh kẹo kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái có cơ hội tung ra thị trường, len lỏi vào mâm cơm, bàn tiệc của mỗi nhà.
Thực phẩm nhiều màu sắc, không nhãn mác, không nguồn gốc xuất sứ, không đóng gói bán nhan nhản ngoài thị trường. |
Có mặt tại nhiều chợ đầu mối tại Hà Nội như chợ Đồng Xuân, chợ Cầu Giấy... quan sát của phóng viên cho thấy nhiều mặt hàng như hoa quả sấy khô như chuối, mít, ổi.. được đựng trong những bao nilon lớn không nhãn mác.
Cùng với đó là vô vàn những mặt hàng bánh kẹo cũng đựng trong những bao nilon lớn không nhãn mác. Giá của các mặt hàng này cũng rẻ hơn nhiều so với giá mặt hàng tương tự của những công ty uy tín trên thị trường.
Hiện nay trên thị trường Hà Nội, và nhiều thành thành, thị trường bánh kẹo nhập khẩu cũng rất phong phú và đa dạng xuất xứ từ nhiều nước như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật… Giá của những mặt hàng này giá cao hơn khá nhiều so với bánh kẹo trong nước, đặc biệt là các dòng bánh cao cấp.
Lợi dụng tâm lý thích hàng ngoại của không ít người tiêu dùng, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh sản xuất hàng kém chất lượng, hàng nhái… rồi dán mác “ngoại” để tung ra thị trường nhằm trục lợi.
Hình thức làm nhái tinh vi, đa phần nhiều sản phẩm bánh, kẹo giả, kém chất lượng có tên khá giống với các sản phẩm thật nếu người tiêu dùng không để ý kỹ sẽ khó phát hiện được.
Nắp hộp hàng nhái, hàng giả được dán bằng loại tem tự in. Bởi vậy, người tiêu dùng chưa dùng qua các sản phẩm “xịn” hoặc đã dùng nhưng không chú ý sẽ rất dễ bị “sập bẫy”.
Bên cạnh bánh kẹo, những món ăn bắt mắt được làm từ những thực phẩm không rõ nguồn gốc đang là nỗi lo của người tiêu dùng như giò chả, bánh chưng, măng khô…
Việc lạm dụng phẩm màu không nằm trong danh mục cho phép để chế biến thực phẩm, gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của người tiêu dùng. Vì lợi nhuận nhiều cơ sở vẫn bất chấp sử dụng hóa chất để tạo ra thực phẩm Tết có mẫu mã bắt mắt nhưng độc hại, đầu độc người tiêu dùng...
Có thể chỉ ra một số cách làm ăn gian dối, độc độc người tiêu dùng như thời gian vừa qua cơ quan chức năng đã phát hiện như luộc bánh chưng bằng pin, giò chả cho hàn the, măng ngâm hóa chất, hoa quả sấy có chất bảo quản, mứt ngâm chứa thuốc nhuộm…
Các bác sĩ đang thăm khám cho những bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm. |
Theo chuyên gia an toàn thực phẩm Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, phẩm màu công nghiệp vẫn được dùng khá phổ biến trong một số thực phẩm dành cho trẻ em như bánh kẹo, thạch, hoa quả sấy khô...
Đa số phẩm màu độc hại đi vào cơ thể con người và gây ra hiện tượng ngộ độc. Việc phân biệt phẩm màu công nghiệp và tự nhiên bằng mắt thường là hoàn toàn không thể. Để tránh xảy ra tình trạng ngộ độc ngày tết, người tiêu dùng nên chủ động biết cách chọn những thực phẩm an toàn bảo vệ sức khỏe cho gia đình.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, do nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trong dịp Tết, đặc biệt đối với các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt, chả, mứt bánh kẹo, rượu, nước giải khát… của người dân tăng đột biến, thị trường thực phẩm tết luôn là cơ hội cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng len lỏi lưu thông đánh lừa người tiêu dùng.
Cũng theo Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Phong, người tiêu dùng nên cẩn thận khi chọn mua và sử dụng thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Nguyên tắc cơ bản là lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng, có nhãn mác thông tin đầy đủ, không hỏng mốc, và có mùi khó chịu.
Người tiêu dùng cũng cần hết sức thận trọng với các loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt vì có thể những sản phẩm này có chứa phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe.
Người tiêu dùng cần chủ động hợp tác với các cơ quan chức năng khi phát hiện các loại thực phẩm nghi ngờ là hàng nhái, hàng giả cũng như các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ngộ độc thực phẩm xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến khâu chọn mua, chế biến, bảo quản thực phẩm… Để gia đình khỏe mạnh trong những ngày Tết sắp đến, việc phòng tránh ngộ độc thực phẩm là rất quan trọng.
Cục An toàn Thực phẩm khuyến cáo người dân khi mua thực phẩm vào dịp Tết bạn nên chọn những thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Tốt nhất là chọn các thực phẩm đã qua kiểm dịch của Bộ y tế hoặc ban ngành có liên quan. Với rau củ quả, nên đến các cửa hàng rau sạch, siêu thị mua, chọn rau quả còn nguyên, tươi, không bị hư thối.
Thực phẩm qua giết mổ, mua hàng ở các cửa hàng uy tín, đảm bảo chất lượng, thịt tươi không sử dụng hóa chất, chất bảo quản. Thực phẩm đóng hộp không mua sản phẩm có vỏ bị hư hỏng, biến dạng, bị rỉ sét, phần hướng dẫn sử dụng, ngày sản xuất không thể nhìn rõ hay không có.
Thức ăn đã nấu chín nên dùng hết trong 1 - 2 ngày, không nên để lâu hơn. Các thực phẩm nên nấu chín trước khi ăn, hạn chế ăn sống. Nơi chế biến thức ăn không đặt gần đường cống rãnh, nhà vệ sinh.
Một số biểu hiện ngộ độc thực phẩm Các biểu hiện thường gặp của ngộ độc thực phẩm là buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng quằn quại, nhức đầu, có thể sốt hoặc không... xảy ra vài phút, vài giờ, thậm chí một ngày sau khi ăn. Trường hợp nặng người bệnh có thể khó thở, da tím tái, co giật, trụy mạch, ngưng thở, hôn mê. Ngộ độc thực phẩm nhẹ có thể xử trí ở nhà bằng cách cố gắng nôn hết thức ăn đã ăn, uống nước muối pha loãng theo tỷ lệ 2 muỗng muối/chén nước. Trong trường hợp bị ngộ độc thực phẩm nặng thì nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất trước khi quá muộn. |