Tại đây, họ đã gặp và đồng hành cùng VinTech Fund để vượt qua giai đoạn R&D, tiến đến thương mại hóa những phát minh mang tầm thế giới của mình.
Trong số 12 dự án được Quỹ Nghiên cứu ứng dụng VinTech (VinTech Fund) lựa chọn để tài trợ 86 tỷ đồng trong đợt đầu tiên, có không ít chủ nhiệm dự án là những Tiến sĩ 8X.
Đó là Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Ngọc Tâm, Tiến sĩ Nguyễn Trần Thuật và Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang – đại diện cho một thế hệ nhà khoa học trẻ Việt Nam được đào tạo bài bản, có khát vọng, dám nghĩ, dám làm, với những dự án có thể thay đổi cuộc sống của người Việt để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.
Những phát minh của người Việt dành cho người Việt
Là người có nhiều công trình nghiên cứu ứng dụng nổi bật nhất trong danh sách các nhà nghiên cứu 8x nhận tài trợ từ VinTech Fund là Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Ngọc Tâm.
Tiến sĩ Tâm lấy bằng Tiến sĩ Khoa học máy tính tại Đại học Rutgers – Mỹ, trở nên nổi danh trong cộng đồng các nhà nghiên cứu người Việt đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài từ năm 2017 khi được mời về làm Phó giáo sư (Assistant Professor) tại Đại học Colorado Boulder – một trong những trường Đại học Công nghệ có truyền thống nhất nước Mỹ.
Giáo sư Vũ Ngọc Tâm và Giáo sư, Bác sĩ Robin Deterding, đồng sáng lập Earable. |
Tại đây Tiến sĩ Tâm đã cùng các cộng sự lập ra Phòng Thí nghiệm Hệ thống di động và Hệ thống mạng (Mobile and Networked System Lab) và đảm nhiệm vị trí Giám đốc.
Chính tại phòng thí nghiệm này, một loạt các phát minh mang tính ứng dụng cao của nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Tâm dẫn dắt đã ra đời và được cộng đồng khoa học quốc tế đón nhận.
Đó là Dự án “Xác định vị trí của điện thoại trong xe ôtô” để giảm thiểu tai nạn giao thông do nghe điện thoại khi đang lái xe, đạt giải thưởng tại hội thảo truyền thông di động Mobi Com; Giải thưởng danh giá “Google Faculty Research Award” của Google với sáng chế chiếc nhẫn bảo mật lưu trữ gần như không giới hạn các loại mật khẩu.
Sở hữu 22 sáng chế tại Hoa kỳ, Tiến sĩ Vũ Ngọc Tâm cũng đồng sáng lập của công ty Now Vitals chuyên sản xuất thiết bị theo dõi sức khỏe của người dùng sử dụng vỏ điện thoại di động và đứng đầu còn là nhiều dự án nghiên cứu với tổng số tiền tài trợ lên tới 5 triệu USD.
Chưa dừng lại ở đó, Tiến sĩ Tâm quyết định đưa dự án mới nhất của mình: Phát triển Earable - Thiết bị đeo tai thông minh giám sát và cải thiện chất lượng giấc ngủ về khởi nghiệp tại Việt Nam với mong muốn góp phần đưa các sáng chế công nghệ nâng cao chất lượng sống cho người Việt.
Không chọn cách “khởi nghiệp từ xa” như Tiến sĩ Tâm, sau khi nhận bằng tiến sĩ vật lý tại Đại học Bách khoa Paris năm 2008, Tiến sĩ Nguyễn Trần Thuật quay về nước và hiện là Nghiên cứu viên tại Trung tâm Nano và Năng lượng, trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội kiêm giảng viên của Đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội (USTH).
Tiến sĩ Nguyễn Trần Thuật |
Với hơn 11 năm kinh nghiệm nghiên cứu phát triển vật liệu và linh kiện cấu trúc micro/nano, các nghiên cứu về vật liệu bán dẫn, pin mặt trời, và cảm biến quang của Tiến sĩ Thuật đều có tính học thuật và khả năng ứng dụng cao, trong đó có 4 sản phẩm đã được ứng dụng trong nước liên quan tới pin Mặt Trời và thẻ nhận dạng.
Nữ chủ nhiệm dự án duy nhất nhận tài trợ của VinTech Fund là Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang - nhận bằng tiến sĩ tại Trung tâm nghiên cứu khoa học máy tính phục vụ cơ học và công nghệ (LIMSI) của Đại học Paris – Sud – một trong những phòng thí nghiệm lớn nhất trong lĩnh vực khoa học máy tính của Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp (CNRS).
Tiến sĩ Trang về nước, vừa tham gia công tác nghiên cứu, giảng dạy tại Đại học Bách Khoa Hà Nội và đồng thời lập startup xuất phát từ nghiên cứu công nghệ mang tính đột phá và có giá trị xã hội rất lớn – khởi nguồn từ ý tưởng giải quyết vấn đề bộ đọc cho người mù.
Với trên 10 năm kinh nghiệm nghiên cứu và làm việc về tổng hợp tiếng nói và xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiếng Việt, Tiến sĩ Trang là tác giả và đồng sáng lập Vbee với nhiều ứng dụng thực tiễn như tổng đài thông minh (Shopee, NTT Network, Gcalls, VNPT Technology, Stringee...), tương tác bằng giọng nói (loa thông minh Milo của nhà thông minh Lumi), báo nói (ICTNews, Lao động, Sài Gòn online, Vadi...).
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang |
VinTech Fund “chắp cánh” cho startup Việt
“Không hẹn mà gặp”, cả 3 vị tiến sĩ 8X đam mê khoa học ứng dụng, yêu thích khởi nghiệp đều nộp hồ sơ và được VinTech Fund lựa chọn để tài trợ trong đợt giải ngân đầu tiên của quỹ.
Với nền tảng công nghệ vượt trội qua việc kết hợp nhiều công nghệ lõi hiện đại nhất, mong muốn “tạo ra giấc ngủ chất lượng nhất” cho người Việt trong dự án “Earable - Thiết bị đeo tai thông minh giám sát và cải thiện chất lượng giấc ngủ” đã được Hội đồng thẩm định của VinTech Fund đánh giá rất cao.
Dù không phải là sản phẩm đầu tiên hiện thực hóa ý tưởng mang đến cho con người một giấc ngủ tốt hơn, song công nghệ lõi của Earable giúp sản phẩm đạt độ chính xác cao bậc nhất trên thị trường hiện nay.
Earable nhắm vào phân khúc thị phần mà người dùng muốn tối ưu hoá giấc ngủ trong cả môi trường yên tĩnh lẫn ồn ào, vào bất cứ thời gian nào trong ngày.
Sau khi nhận tài trợ của VinTech Fund và hoàn thành giai đoạn thiết kế sản phẩm và xử lý thuật toán, các sản phẩm Earable sẽ có khả năng phát triển trên hệ sinh thái Vingroup.
Đây là lợi thế rất lớn, giúp các sản phẩm Earable được thử nghiệm và tiến đến giai đoạn thương mại hóa, từ đó rộng đường ra thị trường.
Đối với Tiến sĩ Nguyễn Trần Thuật, trước khi tiếp cận với VinTech Fund, có lẽ anh sẽ không nghĩ rằng công nghệ chế tạo cảm biến ảnh hồng ngoại nhiệt không làm lạnh, ứng dụng hỗ trợ nhìn đêm cho phương tiện thông minh, điều khiển tòa nhà thông minh và y tế từ xa thông minh của mình có tiềm năng ứng dụng rộng rãi đến vậy.
Là một sản phẩm trung gian, cảm biến ảnh hồng ngoại nhiệt cần trải qua 1-2 bước tích hợp thiết bị để tới được người dùng cuối như camera trong máy ảnh, camera an ninh, thiết bị nhìn đêm, các phương tiện cơ giới.
Thế nhưng sự tham gia của VinTech Fund, vừa với vai trò hỗ trợ tài chính, vừa góp phần mở ra hệ sinh thái với tiềm năng ứng dụng to lớn đối với sản phẩm này sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng để thương mại hóa cảm biến ảnh hồng ngoại nhiệt trong điện thoại thông minh, các hệ thống camera an ninh hay ô tô.
Trong khi đó, ứng dụng ngôn ngữ Vbee là một trong những công nghệ lõi xây dựng giọng nói nhân tạo tiếng Việt có cảm xúc đầu tiên tại Việt Nam được phát triển và thương mại hoá.
Giải pháp còn giải quyết triệt để các vấn đề của ngôn ngữ tiếng Việt: hệ thống từ viết tắt, cách đọc theo vùng miền, cách đọc theo ngữ nghĩa, dự đoán cách đọc của các từ vay mượn, từ nước ngoài, tên riêng theo ngữ cảnh.
Với kho dữ liệu tiếng Việt mẫu đa dạng, kết hợp với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, Vbee kỳ vọng VinTech Fund sẽ hỗ trợ phát triển và ứng dụng giải pháp này trong các lĩnh vực nhà thông minh, giao thông thông minh, tổng đài thông minh, thành phố thông minh, đô thị thông minh, xe ô tô thông minh, camera thông minh, điện thoại thông minh.
“Sự khác biệt mà VinTech Fund mang đến cho các dự án được lựa chọn giải ngân đợt này là cơ hội mang một sản phẩm khoa học và công nghệ từ giai đoạn nghiên cứu đến giai đoạn ra thị trường thông qua hệ sinh thái các hoạt động hỗ trợ.
Chúng tôi tin tưởng, VinTech Fund sẽ góp phần giúp nền kinh tế khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam có thêm nhiều startup thành công dựa trên nền tảng nghiên cứu ứng dụng”, bà Trương Lý Hoàng Phi, Tổng Giám đốc VinTech City chia sẻ.
Quỹ Tài trợ Nghiên cứu Ứng dụng VinTech Fun do VinTech City (Tập đoàn Vingroup) điều hành và quản lý. Quỹ tiên phong tài trợ và hỗ trợ nguồn lực để hiện thực hóa các sản phẩm khoa học công nghệ có lợi thế cạnh tranh vượt trội và có tiềm năng thương mại hóa cao. Trong đợt 1, Quỹ VinTech Fund đã thu hút hơn 1.100 nhà nghiên cứu, giảng viên Đại hoc, startups công nghệ nộp hồ sơ. Quỹ dự kiến tiếp tục mở đợt 2 trong tháng 10/2019. Mọi thông tin chi tiết vui lòng theo dõi trang web (https://vintechcity.com/) hoặc trang Faceboook của VinTech City (https://www.facebook.com/VinTechCityVietnam/) để được cập nhật. |