Nợ của ngành giao thông quá lớn, nhiệm kỳ sau chưa chắc đã trả hết

04/06/2019 06:45
Kiến Văn
(GDVN) - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong các nhiệm kỳ trước quyết định đầu tư khi không biết nguồn lực ở đâu dẫn tới dàn trải, thất thoát, lãng phí.

Tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 3/6, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những phát biểu hết sức thẳng thắn về vốn đầu tư công, trong đó có khoản nợ rất lớn của ngành giao thông.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, tất cả các đại biểu và Quốc hội đều mong muốn kế hoạch đầu tư công trung hạn đã phê duyệt được thực hiện, thực thi một cách hiệu quả và đạt được các yêu cầu trong giai đoạn này để đảm bảo cho mục tiêu tăng trưởng và mục tiêu phát triển của đất nước, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế không bị phá vỡ, đồng thời phù hợp với điều kiện, khả năng cân đối của ngân sách và giải quyết được các yêu cầu bức xúc phát sinh đặt ra đối với các địa phương, các bộ, ngành và đối với nền kinh tế.

"Đất nước ta là một đất nước đang trong quá trình phát triển nên nhu cầu cho đầu tư rất lớn, từ đầu tư kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh cho đến phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu... như tất cả các đại biểu đã nêu rất nhiều yêu cầu bức xúc của chúng ta. Trong giai đoạn này chúng ta thực hiện theo luật đầu tư công là lần đầu tiên chúng ta thực hiện phân bổ ngân sách thực hiện chi ngân sách đầu tư theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm.

Trước đây, năm nào chúng ta quyết định năm đó thì trong giai đoạn này chúng ta quyết định theo là 5 năm tức là xác định trong đầu tư của cả 5 năm và chúng ta đã làm rõ tất cả các mục tiêu và danh mục dự án của cả 5 năm và theo đó cũng đã phân bổ hết số vốn dự kiến đầu tư cho 5 năm. Bây giờ chúng ta chỉ còn đúng nguồn dự phòng mà chúng ta đang bàn ở đây.

Trong khi đó, các địa phương, các bộ, ngành hiện nay đang có rất nhiều vấn đề bức xúc đặt ra, kể cả từ giao thông cho đến hạ tầng xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu, cho đến các cơ sở tư pháp, các thanh toán nợ đọng xây dựng rồi cho đến cả vấn đề ô nhiễm môi trường...

Chúng ta cần rất nhiều, nhưng không thể làm được, vì không có tên trong danh mục dự án Quốc hội quyết định rồi, phân bổ hết rồi. Đó là một vấn đề bức xúc của chúng ta đang đặt ra hiện nay là ta phải giải quyết thế nào để đảm bảo được kế hoạch đó, đảm bảo được các cân đối và lại có thể giải quyết được một phần khi phát sinh trong cuộc sống của các địa phương, bộ, ngành để đảm bảo cho yêu cầu, mục tiêu phát triển của các vùng, các địa phương", ông Dũng nói.

Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư cho biết, trong giai đoạn vừa qua các đại biểu hết sức chú ý vấn đề kế hoạch đầu tư công trung hạn chúng ta tập trung chủ yếu vào giải quyết các vấn đề tồn tại của các nhiệm kỳ trước đây.

"Trong 9.600 dự án triển khai ở kế hoạch đầu tư năm nay thì 8.000 dự án là chuyển tiếp. Chúng ta chỉ khởi công mới 400 dự án thôi, còn lại là trả nợ và thanh toán.

Riêng ngành giao thông hiện nay, trong nhiệm kỳ vừa rồi đã dành rất nhiều tiền để trả nợ cho ngành giao thông nhưng báo cáo Quốc hội, hiện nay ngành giao thông vẫn đang còn tồn nợ của ngành giao thông vận tải trên 20.000 tỷ. Nếu như vậy chúng ta còn phải giải quyết tiếp nhiệm kỳ tới và có khi nhiệm kỳ nữa cũng chưa hết của ngành giao thông.

Chúng ta đã dừng hoãn rất nhiều công trình mà chúng ta không có khả năng. Nhu cầu thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản thì hiện nay đang còn rất lớn, mặc dù chúng ta trong nhiệm kỳ vừa qua đã thắt lưng buộc bụng, tập trung vào trả nợ, tập trung vào cho các dự án chuyển tiếp và hạn chế tối đa các dự án khởi công mới. Đó là thực tiễn đang đặt ra hiện nay", ông Dũng cho biết.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tại Quốc hội ngày 3/6. ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tại Quốc hội ngày 3/6. ảnh: quochoi.vn

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, giống như các quốc gia khác trên thế giới, cơ chế triển khai các hoạt động đầu tư công thực hiện đầu tư trên nguyên tắc dự kiến nguồn lực trong năm kế hoạch.

Theo đó, dự kiến trước nguồn vốn và danh mục dự án để bước vào kế hoạch là chúng ta có thể triển khai thực hiện được ngay. Thanh toán giải ngân thông qua việc thực hiện cân đối đảm bảo thu chi ngân sách nhà nước trong kỳ kế hoạch. Trong trường hợp hụt thu có thể bù đắp bằng bội chi trong hạn mức cho phép hoặc để chuyển tiếp sang kế hoạch của nhiệm kỳ tiếp theo.

Nếu vượt thu có thể bổ sung cho kế hoạch. Đây là nguyên tắc đặc điểm của công tác kế hoạch hóa. Do vậy, việc phân bổ khoản dự phòng này là dự kiến trước kế hoạch để triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư mà không phải đợi đến khi có nguồn lực rồi mới phân bổ để thực hiện các thủ tục đầu tư.

Ai đứng sau các dự án BOT sai phạm, thất thoát nghìn tỷ đồng?
Ai đứng sau các dự án BOT sai phạm, thất thoát nghìn tỷ đồng?

Ông Dũng thông tin: "Trong các nhiệm kỳ trước chúng ta quyết định đầu tư không dựa vào đâu hết, không biết nguồn lực ở đâu thì chúng ta đã quyết định dẫn đến dàn trải, nợ đọng, thất thoát, lãng phí là vậy.

Khi Luật Đầu tư công thông qua đã yêu cầu xác định được khả năng ngân sách và khả năng cân đối thì mới quyết định được chủ trương đầu tư. Nhưng chúng ta lại vướng câu chuyện 'con gà, quả trứng' như một đại biểu đã phát biểu, tức là chúng ta vốn trước hay dự án trước?

Chúng ta đã thực hiện và lần này đã làm rõ hơn vấn đề này tức là phải xác định có nguồn vốn trước, phải chỉ ra được nguồn vốn đó ở đâu? Khả năng là bao nhiêu? Rồi phân giao lại cho các địa phương của ngành theo các mục tiêu Quốc hội cho phép, sau đó chuẩn bị dự án.

Chuẩn bị dự án xong thì tùy ngân sách thực tế hàng năm cho đầu tư phát triển, chúng ta dựa trên các dự án đã đủ thủ tục mới giao ngay tiền thực tế hàng năm.

Theo đó, chúng ta có thể chuẩn bị tốt trước và giải ngân ngay, đây cũng là khắc phục việc giải ngân chậm mà Quốc hội đã nêu rất nhiều trong mấy ngày qua. Tức là công tác phân bổ phải được thực hiện trước, sau đó triển khai các thủ tục tiếp theo.

Bây giờ, có nhiều ý kiến các đại biểu nêu rằng vậy các nguồn lực chúng ta lấy ở đâu? Đây là câu hỏi rất lớn. Hiện nay chúng ta đều biết chúng ta đang thiếu so với kế hoạch được phê duyệt là 155 nghìn tỷ đồng nếu chúng ta phân bổ hết vốn dự phòng này. Nhưng đang có rất nhiều dự án không triển khai được. Mỗi một năm, tốc độ giải ngân của chúng ta mới chỉ đạt loanh quanh 80%, như vậy chúng ta đang còn khoảng 20% không giải ngân hết.

Thứ hai là trái phiếu Chính phủ như các đại biểu vừa nêu, chúng ta không giải ngân hết.

Thứ ba là các công trình, dự án lớn, quan trọng quốc gia hiện nay của chúng ta như sân bay Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc Nam, chúng ta chỉ còn hơn 1 năm nữa nhưng chúng ta đang để ở đó hơn 80 nghìn tỷ không giải ngân hết, điều đó là điều chắc chắn. Bây giờ, nếu như việc chỉ ra được nguồn để chúng ta có thể thực hiện cho việc phân bổ là có; nhưng để rà soát, chỉ ra được dự án nào, bao nhiêu tiền thì ở thời điểm hiện nay chúng ta không làm được điều đó.

Tại sao nói Chính phủ không trình được cho Quốc hội khoản đó, vì chúng ta đang ở năm thứ 4 và chúng ta đang triển khai kế hoạch, chúng ta không thể bóc tách được chính xác dự án nào phải dừng và dự án nào không triển khai được. Tiếp nữa, năm 2020 chúng ta chưa triển khai.

Như vậy, chúng tôi cho rằng thời điểm phù hợp nhất là cuối năm nay chúng ta có thể căn cứ điều kiện thực tế của từng dự án và xác định được nguồn của nó là bao nhiêu, khi đó chúng ta mới phân bổ, dự kiến được theo khả năng nguồn lực thực tế.

Các bước tiếp theo, xin phép cho thực hiện theo đúng Nghị quyết số 26 và Nghị quyết số 71 là Chính phủ phải rà soát lại lần nữa trên cơ sở phải cắt giảm như các đại biểu đã nêu, các dự án chưa cần thiết hoặc không đúng Nghị quyết số 71.

Chúng tôi phà rà soát lại và cũng phải giảm để có thể đảm bảo cân đối được nguồn lực thực tế khó khả thi mà chúng ta có thể có được để chúng ta thực hiện trong năm 2020, sau đó sẽ thông báo lại cho các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị các thủ tục đầu tư và căn cứ vào tình hình chi đầu tư thực tế của ngân sách có được trong năm 2020, chúng ta mới giao vốn để triển khai, chứ còn hiện nay chúng ta dự kiến này là dự kiến số kế hoạch, chúng ta chưa giao bất cứ một đồng nào hết.

Khi có tiền thật, cân đối được thật phải dựa vào khả năng, dựa vào các dự án đã đủ thủ tục và dựa vào các quy tắc tiêu chí, thứ tự ưu tiên của Quốc hội thì mới phân bổ trực tiếp để có thể giải ngân được của hàng năm. Thế nên các đại biểu cũng không quá lo về chuyện đó, chúng tôi hoàn toàn thấy là cần phải làm một động tác đấy trước, nếu không chúng ta không kịp để giải ngân".

Kiến Văn