Quyền dân tộc tự quyết và quyền của dân tộc thiểu số

10/04/2018 12:03
Theo Quân đội nhân dân
(GDVN) - Trong Hiến chương Liên hợp quốc, dân tộc tự quyết được coi là nguyên tắc để duy trì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc.

Những năm qua, thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, một trong những thủ đoạn thâm hiểm được các thế lực thù địch triệt để lợi dụng là "quyền dân tộc tự quyết” hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định chính trị, trật tự xã hội, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Quyền tự quyết dân tộc dưới góc nhìn luật pháp quốc tế

Xét trên bình diện quốc tế, quyền dân tộc tự quyết là quyền của mỗi dân tộc trong việc thiết lập chế độ chính trị và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên cơ sở chủ quyền quốc gia.

Trong Hiến chương Liên hợp quốc, dân tộc tự quyết được coi là nguyên tắc để duy trì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc.

Hiến chương khẳng định: “Phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở tôn trọng quyền bình đẳng và tự quyết của các dân tộc”; đó là quan hệ giữa các quốc gia độc lập, có chủ quyền và có quyền tự định đoạt vận mệnh của mình.

Ngày 14/12/1960, Đại hội đồng Liên hợp quốc ban hành Nghị quyết số 1514 (XV) thông qua Tuyên bố về “Trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa”; tại Điều 2, nghị quyết chỉ rõ:

Tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết, trong đó có quyền thiết lập chế độ chính trị và thực hiện sự phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa của mình”.

Quyền dân tộc tự quyết và quyền của dân tộc thiểu số ảnh 1Quyền con người là số 1 ở Việt Nam, không thể xuyên tạc, bóp méo được

Điều này, tiếp tục được khẳng định tại Điều 1, Công ước Quốc tế về các quyền kinh tế - xã hội và văn hóa năm 1966:

Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa”.

Tuyên bố năm 1970 về Các nguyên tắc của luật quốc tế của Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh:

Việc thiết lập một nhà nước độc lập có chủ quyền hay tự do gia nhập vào nhà nước độc lập khác hoặc liên kết với quốc gia đó, cũng như việc thiết lập bất cứ chế độ chính trị nào do nhân dân tự do quyết định là các hình thức thể hiện quyền dân tộc tự quyết” và “mỗi quốc gia đều có nghĩa vụ tôn trọng quyền này, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc”.

Nguyên tắc dân tộc tự quyết bao hàm các nội dung sau: Được thành lập quốc gia độc lập hay cùng với các dân tộc khác thành lập quốc gia liên bang (hoặc đơn nhất) trên cơ sở tự nguyện;

Tự lựa chọn cho mình chế độ chính trị, kinh tế - xã hội; tự giải quyết các vấn đề đối nội không có sự can thiệp từ bên ngoài;

Quyền các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc tiến hành đấu tranh, kể cả đấu tranh vũ trang để giành độc lập và nhận sự giúp đỡ, ủng hộ từ bên ngoài, kể cả giúp đỡ về quân sự;

Tự lựa chọn con đường phát triển phù hợp với truyền thống, lịch sử văn hóa, tín ngưỡng, điều kiện địa lý.

Tất cả các quyền nêu trên của mỗi dân tộc đều được các dân tộc và các quốc gia khác tôn trọng.

Như vậy, “quyền dân tộc tự quyết” được hiểu là việc một quốc gia-dân tộc hoàn toàn tự do trong tiến hành cuộc đấu tranh giành độc lập cũng như lựa chọn thể chế chính trị, đường lối phát triển đất nước. 

Hiểu đúng về quyền dân tộc tự quyết và quyền của dân tộc thiểu số 

Khái niệm “quyền dân tộc thiểu số” được chính thức ghi nhận trong hai Công ước quốc tế là Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người của Liên hợp quốc (UDHR) năm 1948:

Mọi người sinh ra đều được hưởng tất cả các quyền và tự do không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội” (Điều 2);

Và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966 ghi:

Tại những nước có nhiều nhóm dân tộc thiểu số, tôn giáo và ngôn ngữ cùng chung sống, thì những cá nhân thuộc các dân tộc, tôn giáo, ngôn ngữ và các thiểu số đó, cùng với những thành viên khác của cộng đồng mình, không thể bị tước bỏ quyền được thụ hưởng nền văn hóa riêng, quyền được thể hiện và thực hành tôn giáo riêng hoặc quyền được sử dụng tiếng nói riêng của họ” (Điều 3).

Quyền dân tộc tự quyết và quyền của dân tộc thiểu số ảnh 2Hai mũi tấn công nguy hiểm của các thế lực thù địch

Đây là hai văn kiện pháp lý quốc tế nền tảng, ghi nhận các quyền pháp lý cơ bản của con người về dân sự, chính trị mà quyền dân tộc thiểu số được coi là quyền cơ bản trong nhóm các quyền dân sự, chính trị đó.

Điều đó có nghĩa là người dân tộc thiểu số có đầy đủ các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa như những người thuộc dân tộc đa số trong xã hội, hoàn toàn bình đẳng và không có sự phân biệt đối xử.

Quyền dân tộc tự quyết và quyền của dân tộc thiểu số tuy có mối quan hệ nhưng nội hàm của chúng hoàn toàn khác nhau.

Đối với quyền của dân tộc thiểu số, chủ thể hưởng thụ quyền là các dân tộc thiểu số trong một quốc gia.

Quốc gia đó có trách nhiệm bảo đảm cho các dân tộc thiểu số trong quốc gia mình được hưởng thụ quyền dựa trên điều kiện đặc thù của mình.

Còn chủ thể quyền dân tộc tự quyết là quốc gia-dân tộc chứ không phải là một dân tộc thiểu số trong quốc gia-dân tộc đó.

Pháp luật quốc tế không cho phép một dân tộc thiểu số ở một quốc gia được ly khai, được thành lập một quốc gia độc lập với quốc gia được quốc tế công nhận mà họ là công dân trong quốc gia đó.

Trong mỗi quốc gia có nhiều dân tộc khác nhau cùng sinh sống, tất cả các dân tộc này cùng hợp thành một dân tộc chung nhất, đồng nghĩa với nhân dân và mang tên gọi của đất nước mình.

Việt Nam là một quốc gia thống nhất gồm 54 dân tộc anh em cùng sinh sống, đoàn kết, hòa thuận trong suốt quá trình lịch sử đấu tranh dựng và giữ nước.

Quyền dân tộc tự quyết và quyền của dân tộc thiểu số ảnh 3Xuyên tạc, thêm thắt, nói một nửa sự thật, thủ đoạn cũ nhưng nguy hại

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhất quán mục tiêu bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền dân tộc tự quyết của nhân dân Việt Nam theo luật pháp quốc tế.

Điều 5, Hiến pháp năm 2013 khẳng định:

“Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam;

Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc; ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt.

Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình;

Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu sốphát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”;

Đồng thời nhấn mạnh: “Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm.

Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị” (Điều 11).

Nội dung này đã được thể hiện trong các văn bản pháp luật khác, như: Luật Quốc tịch năm 2008; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Tố tụng hành chính 2015, Bộ luật Hình sự (sửa đổi) năm 2015...

Ở Việt Nam, chỉ có khái niệm quyền con người, quyền công dân; đó là quyền của tất cả nhân dân Việt Nam, không phân biệt họ là dân tộc thiểu số hay đa số.

Quyền con người thuộc mọi dân tộc thống nhất giữa quyền cá nhân và quyền tập thể cộng đồng dân tộc được đặt chung trong quyền của quốc gia-dân tộc.

Làm thất bại những âm mưu lợi dụng, chống phá 

Quyền dân tộc tự quyết và quyền của dân tộc thiểu số ảnh 4Tự do ngôn luận và quyền tiếp cận thông tin đâu phải là muốn gì cũng được

Trong những năm qua, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng quyền dân tộc tự quyết để đánh tráo và đồng nhất khái niệm quyền dân tộc tự quyết là quyền của quốc gia-dân tộc với quyền của các dân tộc thiểu số để kích động đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đứng lên đòi “quyền dân tộc tự quyết”.

Chúng ra sức truyền bá, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi; chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc ở Việt Nam; kích động các dân tộc chống lại chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước; gây mất ổn định chính trị, xã hội, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Lợi dụng quyền dân tộc tự quyết làm điều kiện trong quan hệ ngoại giao với Việt Nam; gắn vấn đề viện trợ, hợp tác kinh tế với việc đòi Nhà nước Việt Nam trao “quyền tự quyết, tự quản” cho các dân tộc thiểu số ở trong nước, qua đó hòng tạo cớ can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Chúng còn tăng cường “quốc tế hóa” vấn đề “quyền dân tộc tự quyết” để tạo sức ép từ bên ngoài, đồng thời kích động các hoạt động chống đối Nhà nước Việt Nam từ bên trong.

Lợi dụng các vấn đề về lịch sử, đất đai, những sơ hở, thiếu sót trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo;

Lợi dụng cuộc sống khó khăn của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số để vu cáo Nhà nước Việt Nam "phân biệt đối xử, đàn áp người dân tộc thiểu số", ép người dân tộc thiểu số phải “bỏ đạo, bỏ văn hoá dân tộc” để hoà nhập với “cuộc sống văn minh” của người Việt… để kích động, lôi kéo người dân tộc thiểu số biểu tình, bạo loạn đòi “quyền dân tộc tự quyết, tự quản”.

Chúng còn tìm cách mua chuộc, lôi kéo, ép buộc đồng bào các dân tộc vượt biên trái phép, gây mất ổn định chính trị, xã hội, tạo cớ cho bên ngoài can thiệp.

Chúng vận động các tổ chức quốc tế vào các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ nắm tình hình rồi xuyên tạc thực tế, vu cáo Nhà nước Việt Nam đàn áp người dân tộc thiểu số, vi phạm dân chủ, nhân quyền, qua đó, hòng gây sức ép yêu cầu Nhà nước Việt Nam phải trao quyền “dân tộc tự quyết” cho người dân tộc thiểu số.

Chúng kích động đồng bào các dân tộc thiểu số trong nước đòi quyền dân tộc tự quyết, thành lập “Nhà nước Tin lành Đề-ga” ở Tây Nguyên, “Vương quốc Chămpa” ở Tây Nam Bộ, “Vương quốc Mông” ở Tây Bắc... qua đó nhằm hình thành các tổ chức đối lập với Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Quyền dân tộc tự quyết và quyền của dân tộc thiểu số ảnh 5Đốt đuốc, soi chân mình!

Bên ngoài, các tổ chức phản động lưu vong, như: "Hội người Mông thế giới", "Hội người Thượng Đề-ga", "Hội những người miền núi", "Nhà nước Đề-ga độc lập"… tổ chức biểu tình ủng hộ các đối tượng trong nước hoạt động tích cực hơn.

Để phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn hoạt động lợi dụng quyền dân tộc tự quyết để chống phá Việt Nam, cần tăng cường tuyên truyền để xã hội hiểu đúng về quyền dân tộc tự quyết theo luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam.

Không ngừng xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc dựa trên nền tảng khối liên minh công-nông-trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; giữ vững ổn định chính trị, xã hội; mở rộng, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau giữa các dân tộc, tôn giáo; chống tư tưởng kỳ thị, chia rẽ dân tộc, tôn giáo, dân tộc hẹp hòi, cực đoan hoặc mặc cảm dân tộc, tôn giáo.

Đề cao tinh thần dân tộc và tôn trọng những điểm khác biệt của các dân tộc thiểu số không trái với lợi ích chung của đất nước.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa mang đậm bản sắc của các dân tộc.

Làm tốt công tác nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động lợi dụng dân tộc, quyền dân tộc tự quyết để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, chống phá cách mạng.

Giải quyết triệt để, kịp thời các “điểm nóng”, các mâu thuẫn, bức xúc trong đồng bào dân tộc thiểu số trên cơ sở pháp luật...

Theo Quân đội nhân dân