Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 1852/QĐ-BVHTTDL công nhận 12 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong số đó có Lễ hội Minh Thệ, thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng.
Từ “thệ” trong tên lễ hội “Minh Thệ” cũng có nghĩa như từ “thệ” trong “tuyên thệ”, tuy nhiên một số tài liệu gọi tên lễ hội này là “Minh Thề”.
Nét độc đáo của Lễ hội Minh Thệ là người trong thôn từ 18 tuổi trở lên đều cùng nhau thề:
"Ai dùng của công vào việc công xin thần linh ủng hộ, ai lấy của công dùng vào việc tư, cầu thần linh đả tử… làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt".
Nghi thức cắm dao thể hiện quyết tâm chống kẻ bất trung, bất hiếu, tham nhũng trong Lễ hội Minh Thệ (ảnh: Anninhthudo.vn) |
Khởi xướng Lễ hội Minh Thệ là Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản thời nhà Mạc vào khoảng giữa thế kỷ 16, ban đầu có hơn 30 hoàng thân quốc thích, quan lại triều Mạc đóng góp tiền của, ruộng đất xây dựng chùa và soạn thảo Hịch văn Lễ hội.
Hịch văn quy định người dân, không phân biệt giàu nghèo, đẳng cấp, chức tước cùng nhau thề nguyện không vì bất cứ lý do gì mà xâm phạm của công, không làm điều bất trung, bất hiếu, bất nghĩa, kẻ nào vi phạm sẽ bị thần linh trị tội.
Kể từ khi Lễ hội Minh Thệ được khôi phục lại (năm 2003), những nét nhân văn cao đẹp của truyền thống làng xã ấy tuy được người dân hướng ứng song thật đáng buồn khi “Lễ hội Minh Thề: Chỉ có dân thề, quan không thề!”. [1]
Những bức tranh biếm họa trên mạng xã hội về dòng xe ôtô ùn ùn chạy về Nam Định xin ấn Đền Trần hay chen chúc vay tiền Bà Chúa Kho và con đường vắng vẻ về Lễ hội Minh Thệ cho thấy sự phân hóa ý thức trong cư dân, đặc biệt là khối cán bộ, viên chức, công chức, thương nhân,…
Tiếc thay sự phân hóa ấy lại theo chiều hướng xấu chứ không phải văn minh, tiến bộ.
Xuất phát từ ý tưởng của tầng lớp quý tộc phong kiến, Minh Thệ là lễ hội dành cho những người làm quan thề “không vụ lợi, không tham ô, tham nhũng, không hách dịch với nhân dân, làm việc chí công vô tư”, nếu ai làm trái với lời thề sẽ bị trời tru đất diệt.
Quan chức biện minh - Dân tình ngơ ngác! |
Minh Thệ ngày nay chỉ có dân “thệ” quan không “thệ” hẳn phải có lý do “chính đáng” nào đó.
Người ta có thể không sợ luật pháp, không sợ dư luận, càng không sợ dân nhưng nỗi ám ảnh sự trừng phạt của thánh thần thì nhiều người sợ, nhất là khi của cải chất đầy nhà, bồ nhí gửi nhiều chỗ.
Giá như có một phép màu nào đó chuyển đền Trần, đền Bà Chúa Kho và lễ hội (đền) Minh Thệ về cùng một chỗ, người vi hành bắt buộc phải làm lễ tuần tự qua cả ba di sản quốc gia đó thì điều gì sẽ xảy ra?
Liệu việc phải “Minh Thệ” có khiến khu tâm linh giả tưởng này biến thành “chùa Bà Đanh”.
Vì không phải “Minh Thệ”, tức là không phải thề “làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt” nên có vị công chức không ngại làm cái việc vi hiến là đưa ca khúc "Tiến quân ca" - Quốc ca được ghi trong Hiến pháp từ năm 1946 - vào danh sách được phép phổ biến.
Làm trái quy định của quốc gia liệu có thể gọi là “bất trung”, để ông, bà, cha, mẹ, anh, em, con, cháu… mang tiếng hát Quốc ca “chui” suốt bảy mươi năm liệu có phải bất hiếu?
Cứ cho rằng những người liên quan ở cái Cục … ấy không “Minh Thệ” nên không bị “thần linh tru diệt” thì chẳng lẽ phải chờ đến khi người ta tiếp tục cấp phép phổ biến “Hịch tướng sĩ” hay “Bình Ngô đại cáo” thì lãnh đạo cấp trên mới “cấp phép” cho họ?
Theo tin “hot” thì ông Cục ấy giờ đã về Văn phòng Bộ chờ việc mới, thế là hòa cả làng vì trên bảo xin lỗi thì đã “xin lỗi” rồi còn đòi gì nữa!
Nói như Giáo sư Trần Hồng Quân, chẳng lẽ Văn phòng Bộ lại chính là “cái rọ an toàn” cho ông Cục trưởng và đồng sự?
Ông "cấp phép hát Quốc ca" về Văn phòng Bộ |
Không chỉ Bộ trưởng, Phó Thủ tướng, các vị dân biểu mà còn hầu như tất cả các phương tiện truyền thông đều vào cuộc mổ xẻ, chê bai “cả người lẫn Cục” nhưng người ta đã ở trong “rọ” thì đương nhiên là phải an toàn?
Tiếc rằng có lẽ ông Cục trưởng chỉ mới học được câu “xin lỗi”, trong khi tiếng Việt còn câu “từ chức” thì ông và cộng sự chưa được học?
Nhân nói về “cái rọ an toàn” mang tên “biên chế” cho cán bộ, công chức, viên chức, người viết chợt nhớ đến chuyện cô công chức Sở Xây dựng Thanh Hóa.
Mới đây, nghe đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề cập, rằng sau khi dư luận xầm xì cô này là bồ nhí của một vị lãnh đạo tỉnh thì cô ấy bỏ công chức, bỏ sinh hoạt Đảng và hình như đã “chuyển sinh hoạt” sang New Zealand.
Cả tỉnh Thanh, cả đội ngũ hùng hậu cán bộ làm công việc quản lý từ “trên” xuống “dưới” chẳng làm gì được một công chức, lại là cán bộ được quy hoạch làm Phó sở khi người ta giàu có bất thường, khi người ta tung hê tất cả rồi “lặn” một mạch qua tận quốc đảo nằm giữa Thái Bình Dương?
Thế thì cái “rọ an toàn” ấy to cỡ nào, bền chắc thế nào mà công lý lại “botay.com”?
Nếu ông Lưu Bình Nhưỡng không xới xáo lại thì liệu có phải “xuồng bị chìm” là do cô cựu công chức hoặc ông Bí nọ có tài hô phong hoán vũ?
Tướng Thước nói về "điều đau lòng nhất" trong vụ Trần Vũ Quỳnh Anh |
Lúc chuyện mới xảy ra, mấy ông “rỗi hơi” bảo cây ngay không sợ chết đứng, bác Bí cứ cấu cái móng tay (chưa bị … hỏng) cộng thêm tí nước bọt đưa cho người ta kiểm nghiệm “Đê Nờ A” hay “A Đê Nờ” gì đó là xong chuyện.
Bây giờ có muốn cũng không được vì làm sao sang tận New Zealand mà lấy mẫu? “Người ta” tính toán hơn cả Gia Cát, đi trước những hơn mười bước, vuốt đuôi liệu có kịp?
Từ xưa đến nay, cán bộ, công chức Việt Nam luôn “giàu có đúng quy trình”, người thì lao động “thối móng tay”, người thì “đổ mồ hôi, nước mắt”, người thì “buôn xe, nuôi lợn”, người khác lại được họ hàng , bà con kết nghĩa “giúp đỡ”.
Thế nên 6 cái biệt thự tọa lạc tại khu đất vàng ở tỉnh miền ngược Lào Cai được ông Chánh (văn phòng) khẳng định là “bán đúng quy trình”?
Cái quy trình ấy được Vov.vn tường thuật lời ông Chánh thế này: “Năm 2014, khi cả 6 lô đất được đưa ra đấu giá thì cũng chỉ có 5 người trúng, còn lại 1 lô không ai đấu; đến năm 2015 phải tổ chức đấu giá nốt theo mức giá cao hơn thì mới có chủ sở hữu”. [2]
Sáu lô đất vàng mà chỉ có 5 người trúng đấu giá thì bà con tỉnh ấy quả là quá nghèo, nhưng mà nghèo thì tại sao đấu giá cao hơn lại có người trúng, hay là bà con không biết tỉnh nhà tổ chức đấu giá?
Mỗi cái biệt thự ấy nghe đâu giá có vài tỷ, mà vài tỷ thì chỉ cần nuôi vài lứa lợn hoặc chỉ cần lao động “thối một ngón tay” là đủ, chả cần “thối” nhiều ngón vì phải để dành cho việc khác.
Nói thế có làm chạnh lòng mấy bác nông dân nuôi lợn, trồng chuối hay mấy anh em phải chui xuống móc cống ở Sài Gòn thì xin lỗi các bác, các anh em, chỉ tại “người ta” khẳng định vậy nên biết vậy.
Các bác muốn làm giàu thì đừng nên nuôi lợn kiểu cổ, đừng móc cống kiểu cổ, hãy khăn gói đến học cách nuôi lợn của bác cựu Giám đốc Y tế ở tỉnh Thanh, hay bác gì đó ở tận Bến Tre, cứ “lao động đến thối cả móng tay” là khắc có biệt thự, nhà lầu.
Từ nhận định của vị giáo sư đáng kính về “cái rọ an toàn”, nhất là từ câu chuyện “gái nóng” hay “nóng gái” (chẳng biết từ “hot girl” mà báo chí để cập dịch thế là sai hay đúng?), rõ ràng “cái rọ an toàn” cho cán bộ, công chức, viên chức không phải là biên chế mà là thể chế.
Có lẽ vì thế nên mới đây, bà Lê Thị Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành quy định về kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó bao gồm cả ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư.
Dự án nghìn tỷ đắp chiếu, ai quyết sai phải chịu trách nhiệm |
Con số nghe nói khoảng 1.000 người, nghĩa là cả ở Trung ương và địa phương.
Bộ Chính trị đã quyết thì dân vui, dân tin, có điều dân hơi băn khoăn về ý kiến của bà Lê Thị Thủy:
“Sau khi làm xong, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương sẽ có thông cáo và công khai đầy đủ. Trên cơ sở đó các cơ quan báo chí thông tin rộng rãi và các tổ chức, cá nhân, nhân dân cũng biết có việc như vậy”. [3]
Nói là băn khoăn vì chủ trương của Đảng, được nhắc lại trong bài viết “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra là dân chủ và thực hành dân chủ” đăng trên Tạp chí Cộng sản ngày 30/5/2017 thì Dân có tới bốn quyền, ba trong bốn quyền đó là “dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” chưa thấy nói tới.
Mười mấy dự án đầu tư hàng chục nghìn tỷ “đắp chiếu” xong rồi nhân dân mới “biết có việc như vậy”, hơn 6.000 cây xanh ở Thủ đô bị triệt hạ xong dân cũng mới “biết có việc như vậy”, nhờ ông lão đánh cá phát hiện dân mới “biết có việc” bán đảo Sơn Trà bị băm nát…
Vậy nên muốn phá bỏ cái “rọ an toàn” của cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cao thì đừng ngại “dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”, còn nếu mà cách ly dân thì cũng có nghĩa là tạo điều kiện xuất hiện một cái “rọ an toàn” mới, khó nhận diện hơn nhiều so với cái “rọ” mà Giáo sư Trần Hồng Quân đề cập.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://anninhthudo.vn/phong-su/le-hoi-minh-the-chi-co-dan-the-quan-khong-the/536465.antd
[3] http://vov.vn/nhan-su/kiem-tra-tai-san-cua-can-bo-do-bo-chinh-tri-ban-bi-thu-quan-ly-629064.vov