Nợ công của Việt Nam tăng nhanh trong đó có nguyên nhân nhiều dự án nghìn tỷ đắp chiếu. Điều đáng bàn, việc quy trách nhiệm cho những cá nhân liên quan vẫn chưa được rõ ràng khiến dư luận rất bức xúc.
Trong đó không ít người cho rằng cần làm rõ việc dự án thì đắp chiếu nhưng đồng tiền triển khai dự án đang nằm ở đâu?
Từ bài học đắt giá này nhiều ý kiến cho rằng cần thiết phải hoàn thiện văn bản pháp luật, quy được trách nhiệm cho những cá nhân liên quan trong quá trình thực hiên các dự án có nguồn vốn vay nước ngoài, không thể để tình trạng “cha chung không ai khóc” trong đầu từ công?
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội (ảnh nguồn: quochoi.vn). |
Để làm rõ hơn các vấn đề trên, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Đại biểu Quốc Hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội).
Theo vị Đại biểu Quốc hội này: “Nợ công trong giai đoạn vừa qua tăng nhanh do hai yếu tố. Thứ nhất, chúng ta đang trong quá trình đẩy mạnh đầu tư phát triển nên phải đi vay nợ về đầu tư. Đương nhiên về mặt dư nợ tăng lên.
Yếu tố thứ hai nguy hại hơn phần chúng ta đi vay về, đó là nợ công tăng nhanh do đầu tư không hiệu quả.
12 dự án nghìn tỷ mà dư luận đề cập nhiều thời gian vừa qua đó là tiền vay đầu tư công, nhưng không mang lại hiệu quả, thậm chí thua lỗ lớn, tạo thêm áp lực cho nợ công”.
Xử lý 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương theo kinh tế thị trường |
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng: “Do nợ công tăng nên ở kỳ họp Quốc hội lần này phải đặt ra vấn đề làm rõ hơn trách nhiệm trong việc đi vay về đầu tư và trả nợ như thế nào?
Trách nhiệm của anh phải trả nợ không chỉ có các nhà đầu tư cá nhân, nhà doanh nghiệp kể cả chính quyền địa phương cũng phải chịu trách nhiệm”.
Một trong những vấn đề quan trọng cần thiết phải làm rõ trong thời gian này theo Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường là: “Chúng ta đang cần đánh giá, xem xét lại nguyên nhân vì sao những dự án đầu tư công không hiểu quả, hổng ở chỗ nào, yếu ở chỗ nào?
Đại biểu quốc hội cho rằng khởi tố ông Phí Thái Bình vẫn chưa đủ |
Nếu không chúng ta cứ mãi bỏ tiền vào đầu tư mà không mang lại hiệu quả gì.
hiện nay cần thiết làm rõ việc phải quy được trách nhiệm cho những người quyết định, quy trách nhiệm cho những người quản lý đầu tư như thế nào?
Nếu làm tốt việc này, trong tương lai chúng ta đi vay tiền để đầu tư và chắc chắn rằng phải làm việc đó thì chúng ta mới tránh được tình trạng vay tiền đầu tư không hiệu quả.
Tôi cho rằng đó là giải pháp rất quan trọng để giúp cho nợ công không có tình trạng tồn đọng lớn”.
Đề cập cụ thể đến trách nhiệm của người đứng đầu trong vụ việc đường nước sông Đà vỡ nhiều lần gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tới đời sống của hàng nghìn hộ dân tại Hà Nội, Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng:
“Chúng ta phải quy định những người phê duyệt dự án phải chịu trách nhiệm hiệu quả dự án.
Còn tất nhiên trong quá trình triển khai những người quản lý trực tiếp dự án đó để xảy ra việc thất thoát, xảy ra việc không làm đúng theo chủ trương thì người triển khai phải chịu trách nhiệm”.
Ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài Chính và Ngân sách của Quốc hội (ảnh nguồn: quochoi.vn). |
Liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu, tại báo cáo thẩm tra về dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi) trình bày trước Quốc hội vào sáng nay 25/5, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc Hội - ông Nguyễn Đức Hải cho rằng:
“Nhiều nội dung mới liên quan đến quản lý cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và quản lý bảo lãnh Chính phủ song chưa quy định rõ trách nhiệm, chế tài, biện pháp xử lý đối với tổ chức, cá nhân liên quan và trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, sử dụng vốn vay khi xảy ra sai phạm, sử dụng vốn vay không hiệu quả, vay lại song không có khả năng trả nợ,...
Đề nghị nghiên cứu, bổ sung nội dung này vào Dự thảo luật”.
Ngoài ra, một nội dung khác trong dự thảo Luật cũng gây tranh cãi đó là quy định nhiệm vụ quyền hạn của một số bộ ngành.
Cụ thể, tại Điều19, dự thảo luật quy định theo hướng: “Bộ Tài chính là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công;
Điều 20 giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước đối với nguồn vốn ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài, làm đầu mối vận động, ký kết hiệp định khung;
Điều 21 giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế,…”.
Theo ông Hải: “Nhiều ý kiến trong Ủy ban Tài chính và Ngân sách đề nghị quy định theo hướng chỉ giao một cơ quan làm đầu mối thống nhất theo sự phân công của Chính phủ để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nợ công, trong đó bao gồm cả chức năng quản lý nhà nước đối với nguồn vốn ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài, làm đầu mối thống nhất vận động, đàm phán hiệp định khung, hiệp định vay, phân bổ, sử dụng vốn, trả nợ vay,...
Vì quy định như Dự thảo luật chưa phù hợp với yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết số 07/NQ-TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững là phải bảo đảm tập trung thống nhất trong quản lý về nợ công nhằm sớm khắc phục tình trạng “quản lý đầu tư công, nợ công còn chồng chéo, chưa gắn trách nhiệm cân đối ngân sách, vay và trả nợ với phân bổ, sử dụng vốn.
“Nhiều cơ quan cùng quản lý nợ công ở các công đoạn khác nhau, dẫn đến tình trạng quản lý phân tán, việc phối hợp chưa chặt chẽ nên công tác theo dõi, tổng hợp báo cáo, quyết toán, thống kê, đặc biệt việc xác định trách nhiệm vay, trả nợ, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay, bố trí vốn đối ứng còn khó khăn, bất cập.
Thông lệ tốt được nhiều nước trên thế giới đã và đang thực hiện là quy định rõ một đầu mối quản lý tập trung, thống nhất nguồn lực nợ công. Trường hợp cần thiết sẽ điều chỉnh các Luật có liên quan cho phù hợp” – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách nêu.