Mùa hè là thời điểm phát sinh nhiều dịch bệnh nguy hiểm, phổ biến là sốt xuất huyết, tiêu chảy, tay chân miệng…
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho biết, trong tuần vừa qua (từ ngày 24-30/6), thành phố ghi nhận thêm 162 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 52 trường hợp so với tuần trước đó.
Tích lũy tổng số mắc sốt xuất huyết trên địa bàn từ đầu năm đến nay là 820 trường hợp, chưa có tử vong.
Ở tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết rải rác tại 85 xã, phường, thị trấn của 23 quận, huyện, thị xã. Một số đơn vị có số mắc cao như: Quận Hà Đông ghi nhận 150 ca, quận Bắc Từ Liêm 88 ca, quận Cầu Giấy 73 ca, quận Đống Đa 69 ca, quận Nam Từ Liêm 65 ca… [1]
Dịch sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng (Ảnh minh họa: vov.vn). |
Sốt xuất huyết là gì?
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây nên. Virus truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes Aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu. Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa.
Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
Sự nguy hiểm của dịch sốt xuất huyết
Hiện nay, ở Việt Nam bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh.
Sốt xuất huyết gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em.
Bệnh sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra với 4 tuýp gây bệnh. Cả 4 tuýp gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch.
Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng tuýp cho nên người đã từng mắc sốt xuất huyết có thể mắc bệnh sốt xuất huyết lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những tuýp khác nhau.
Những biện pháp đơn giản khắc phục sốt xuất huyết tại nhà |
Điều trị sốt xuất huyết
Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu của bệnh sốt xuất huyết. Việc sử dụng thuốc người bệnh cần được bác sĩ thăm khám và chỉ định cụ thể không tự ý mua thuốc về uống.
Các thuốc hạ sốt như Ibufrophen, Aspirin tuyệt đối không được dùng, vì rất có hại trong bệnh nhân bị sốt xuất huyết.
Khi sốt, bệnh nhân dễ bị mất nước, cùng với triệu chứng mệt mỏi, kém ăn, kém uống làm cho bệnh nhân dễ thiếu nước thêm, vì vậy người bệnh nên chú ý bổ sung thật nhiều nước.
Lượng nước dùng đối với trẻ dưới 5 tuổi khoảng 500 - 1.500ml trong ngày, trẻ trên 5 tuổi và người lớn khoảng 2.000 - 2.500ml trong ngày.
Bệnh nhân nên ăn lỏng, dễ tiêu như cơm nhão, cháo, súp. Tránh ăn những thức ăn quá nhiều dầu mỡ sẽ thấy đầy bụng khó tiêu.
Bệnh nhân cần tái khám hàng ngày, tuân thủ thực hiện các lời dặn của bác sĩ, không nên tự ý ngừng tái khám, vì có những trường hợp bệnh nhân hết sốt là biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết đang trở nặng.
Có 5 dấu hiệu trở nặng cần nhận biết sớm để đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay: Lừ đừ, li bì hoặc bứt rứt, nôn nhiều, đau bụng nhiều, xuất huyết, tay chân lạnh.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://anninhthudo.vn/doi-song/cac-quan-phia-tay-ha-noi-dang-gia-tang-benh-nhan-sot-xuat-huyet/816239.antd