Năm 2014, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh từng có câu nói “nổi tiếng” tại nghị trường, rằng nếu giới hạn trần quân hàm cấp tướng tại một số đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng sẽ khiến “anh em tâm tư”.
Năm 2018, chuyện “anh em tâm tư” lại được nhắc đến nhưng là bên công an chứ không phải quân đội. Liên quan đến việc Quốc hội thảo luận Dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) báo Congluan.vn viết: “Cấp hàm không đi đôi với chỉ huy khiến “anh em tâm tư” ”. [1]
Ảnh chụp màn hình báo Congluan.vn ngày 10/12/2018 |
Gần đây, có vẻ như “anh em tâm tư” không còn là chuyện riêng trong lực lượng vũ trang mà đã lan sang khối dân sự.
Ngày 4/4/2018, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng họp phiên thường kỳ tháng 4 thông qua một số quyết định, giải quyết các công việc còn tồn đọng.
Tại cuộc họp, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng cho rằng:
“Do phải bố trí người làm việc với các đoàn Thanh tra nhiều lần nên có những công việc bị chậm trễ;… Do phải làm việc, giải trình quá nhiều nên một số lãnh đạo Đà Nẵng có dấu hiệu sợ làm sai nên thận trọng một cách thái quá”. [2]
"Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần làm rõ tài sản của Chủ tịch Đà Nẵng" |
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nêu ý kiến:
“Các cuộc thanh, kiểm tra, điều tra, khởi tố giúp Thành phố nhận thức rõ các hạn chế, khuyết điểm, thẳng thắn nhìn nhận và tập trung giải quyết để làm tốt hơn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, cũng có phần làm giảm sự năng động của đội ngũ cán bộ, công chức thành phố, dẫn đến đôi lúc chậm giải quyết hồ sơ hành chính”. [3]
Cả hai vị Chủ tịch hai thành phố có vị trí đặc biệt - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa khu vực miền Trung và miền Nam đều cho rằng tại thanh tra nên công việc bị chậm trễ, giảm sự năng động của cán bộ,...
Tuy hai vị Bí thư Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh chưa nêu ý kiến song Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thường là Phó Bí thư nên khó có thể cho rằng ý kiến của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố không đại diện cho ý kiến của Thành ủy.
Cán bộ lực lượng vũ trang thì “tâm tư”, khối dân sự một số địa phương thì “giảm sự năng động”, vậy hệ thống chính trị dựa vào lực lượng nào để giúp Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “quạt lò đốt củi”?
Phải chăng chỉ Nhân Dân là lực lượng duy nhất có thể bảo vệ tổ quốc, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ những người dũng cảm dám chống lại các phe - nhóm lợi ích?
Nếu quả như thế thì Chính phủ và các cơ quan kiểm tra bên đảng có nên xem lại quá trình thanh/kiểm tra, nói cách khác có nên xem xét cả hai phía: cơ quan thanh/kiểm tra và đối tượng bị thanh/kiểm tra.
Thứ nhất, về công tác thanh tra, trong dân gian từng lưu truyền câu thơ:
“Thanh tra, thanh mẹ, thanh gì
Cứ thấy phong bì là sẽ thanh kiu (Thank you)”.
Trước đây, không ít vụ thanh, kiểm tra được dư luận hết sức quan tâm nhưng kết luận đưa ra đều là “đúng quy trình”, không có sai phạm đáng kể đến mức phải xem xét kỷ luật. Vì đúng quy trình nên cả hai phía đều vui vẻ, dễ làm việc và công việc nhờ thế rất “trôi chảy”.
Câu chuyện ông Nguyễn Xuân Quang - Cục phó Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường - mất 400 triệu đồng trong chuyến thanh tra tại Long An là một minh chứng.
Có một chi tiết đáng chú ý trong cuộc thanh tra này, đó là thời gian thanh tra dự kiến kéo dài khoảng 20 ngày (từ 21/9/2017 đến 11/10/2017) và số doanh nghiệp sẽ thanh tra là 30.
Cán bộ, công chức khối hành chính thứ bảy, chủ nhật không phải làm việc. Như vậy số ngày thanh tra sẽ khoảng 14-15 ngày.
Cứ cho là ông Quang và cộng sự vì “sự nghiệp chung” mà làm cả thứ bảy, chủ nhật thì bình quân một ngày đoàn của ông Quang sẽ thanh tra được từ 1,5 đến 2 doanh nghiệp.
Ngày làm việc 8 tiếng, trừ thời gian đi lại, chào hỏi tại văn phòng,… vậy đoàn thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường mất mấy tiếng để thanh tra một doanh nghiệp trên địa bàn Long An?
Với tốc độ làm việc như vậy, đây thực chất là “thanh tra” hay “thanh gì”?
Có phải nhờ công tác thanh tra “thoáng” như vậy nên không thấy có bất kỳ lời ca thán nào của những cơ sở đã được thanh tra?
Nghe nói công an đã khởi tố vụ án mất 400 triệu đồng của ông Quang, không biết bao giờ sẽ công bố kết quả?
Thứ hai, vậy có phải tình trạng “thanh kiu” trong chiến dịch “Lò nóng, củi tươi” không (hoặc ít) xuất hiện nên người bị thanh tra cảm thấy khó làm việc?!
Thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan công quyền là chuyện bình thường, nước nào cũng thế, thời nào cũng thế.
Nếu cảm thấy năng lực yếu kém không làm được việc, nếu “sợ làm sai nên thận trọng một cách thái quá” thì tốt nhất là xin ra khỏi biên chế.
Mỗi năm nhà nước đang muốn giảm được 10% số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách vậy sao không xin ra làm việc tự do mà còn cố bám?
Thêm nữa, đây là “tâm tư” của riêng khối cán bộ, công chức Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh hay cũng còn là “tâm tư” của chính hai vị Chủ tịch thành phố?
Và liệu đó có phải là tình trạng chung cho cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị?
Biết cán bộ, công chức dưới quyền “giảm sự năng động, sợ làm sai,…” nghĩa là biết họ không đủ năng lực làm việc, họ là đội hậu bị hoặc thực sự là lực lượng “cắp ô”, vậy hai ông Chủ tịch Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh vì sao không mạnh dạn cho họ nghỉ việc?
Sao không học tập Hà Nội, Đắk Lắk và hàng loạt địa phương cho cùng lúc vài trăm nhà giáo nghỉ việc dù đa số trong họ không thuộc diện “cắp ô”???
Phải chăng vì họ thuộc diện “tứ cờ” (con cháu các cụ) hoặc “ngũ ệ” (hậu duệ, đồ đệ, quan hệ, tiền tệ, trí tuệ) nên không thể giảm biên chế?
Nếu quả vậy thì hai vị Chủ tịch thành phố nêu trên có thể nói là đã hoàn thành nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao phó?
Cứ tưởng đi tìm “bộ phận không nhỏ” khó như mò kim đáy biển, cứ nghĩ cả một bầy sâu “Bây giờ không biết nằm ở đâu. Dân hỏi mãi, Đảng hỏi mãi nhưng không trả lời được” hóa ra không phải.
Xin mách nước thế này, sâu nằm lẫn trong lá, sâu đục thân còn nấp kín trong thân cây nên rất khó tìm, nhưng bướm đẻ ra sâu thì sặc sỡ bay lượn ở những nơi hoa thơm, cỏ ngọt, nhìn cái thấy ngay.
Diệt một con “Bướm chúa” là triệt hạ được hàng vạn con sâu, vậy nên chiến lược “đốt củi, diệt sâu, bẫy chuột” phải ưu tiên chiến thuật tìm diệt “Bướm chúa”.
Vận dụng câu “Mọi con đường đều dẫn tới thành Rome”, liệu có thể cho rằng “Mọi cuộc chiến chống nội xâm đều dẫn tới Bướm chúa”?
Hai cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín và Nguyễn Thành Tài, hai cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến vừa bị khởi tố có phải là “Bướm chúa”?
Hàng loạt sếp ngân hàng như cựu phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình, giám đốc hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị một số ngân hàng như Trần Bắc Hà, Phạm Công Danh, Trần Phương Bình đã bị đưa ra tòa,cũng như nhiều cán bộ được Ủy ban kiểm tra trung ương thời gian qua liên tục nêu tên,… có phải là “Bướm chúa”?
Vũ Huy Hoàng, Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa, Vũ “nhôm”, Út “trọc”,… có phải là “Bướm chúa”?
Đem câu hỏi này hỏi các “đồng chí tâm tư” có lẽ sẽ nhận được câu trả lời: “Đúng rồi, đấy chính là Bướm chúa” và vì thế không cần tìm thêm nữa!
Không biết bạn đọc có nhất trí với quan điểm của các “đồng chí tâm tư”?
Tài liệu tham khảo:
[1] http://congluan.vn/thoi-su/trong-nuoc/cap-ham-khong-di-doi-voi-chi-huy-khien-anh-em-tam-tu-39179
[2]https://news.zing.vn/bi-thanh-tra-qua-nhieu-can-bo-da-nang-khong-co-thoi-gian-lam-viec-post831680.html
[3]http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/chu-tich-tp-hcm-thanh-tra-khoi-to-nhieu-lam-giam-nhue-khi-cong-chuc-493114.html