Tôi mong một quyết định sáng suốt của Viện trưởng Viện kiểm sát Tối cao

28/09/2015 07:27
Trúc Diệp
(GDVN) - "Tôi tin rằng đã nói ra những lời xin lỗi đầy tâm huyết ấy, hơn ai hết ông đã thấu hiểu oan sai là vô cùng nghiêm trọng, không chỉ làm tan nát một gia đình..."

LTS: Liên quan đến vụ việc bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết tại TP. Hồ Chí Minh bị tạm giam hơn 600 ngày đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận những ngày qua, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải thư ngỏ của một độc giả gửi tới ông Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Vị độc giả này mong muốn rằng, lãnh đạo đứng đầu ngành kiểm sát sẽ sớm chỉ đạo làm rõ vụ việc, xét xử đúng người đúng tội và không bao che cho cấp dưới.

Độc giả này viết:

Thưa ông Nguyễn Hòa Bình – Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao

Qua theo dõi nhiều hoạt động của ngành kiểm sát những năm vừa qua, là một công dân, tôi rất mừng vì ngành kiểm sát ngày càng nâng cao hơn vai trò của mình trong việc thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật.

Thế nhưng bên cạnh những thành tích thì cũng phải thấy rằng ngành kiểm sát còn nhiều hạn chế khi quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết nhiều vụ án hình sự xảy ra oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm.

Đặc biệt là chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại một số phiên tòa rất yếu, ở nhiều vụ án luật sư bảo vệ quyền lợi cho đương sự đưa ra lý lẽ rất thuyết phục để phản biện những căn cứ buộc tội mà Viện kiểm sát đưa ra, nhưng rốt cuộc kiểm sát viên chỉ nói được một câu giống nhau “Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm”.

Và thế là biết bao hệ lụy đau đớn lại đổ lên đầu người dân, mà thí dụ gần nhất là vụ việc chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết đang bị tạm giam hơn 600 ngày, báo chí đã nói rất nhiều trong những ngày qua.

Qua thông tin mà các bài báo đã đưa với những lập luận hết sức rõ ràng, là một công dân, tôi cảm thấy bức xúc và cũng rất lo lắng cho số phận của chị Bạch Tuyết, bởi vì đây là án kinh tế đơn thuần, nhưng người phụ nữ này lại không được hưởng bảo lãnh.

Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hồ Chí Minh truy tố chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, nhưng không đưa ra được căn cứ thuyết phục, nên Tòa án liên tục trả hồ sơ.

Căn cứ chính là Viện kiểm sát đưa ra buộc tội là chị Bạch Tuyết giả mạo chữ ký, con dấu để chuyển hơn 12 tỷ đồng của Công ty L&M Việt Nam vào tài khoản của một công ty khác để chiếm đoạt.

Thế nhưng giám định độc lập của Công an TP. Hồ Chí Minh và Bộ Công an đều chỉ ra rằng Yee Lip Chee, Tổng giám đốc và Wong Kong Hee, Chủ tịch Công ty TNHH L&M Foundation Specialist Việt Nam biết, chỉ đạo và trực tiếp ký vào các chứng từ chuyển tiền.

Chính vì các lý do này, vụ án được đưa ra xét xử nhưng nhiều lần Tòa án trả lại, yêu cầu điều tra bổ sung, mục đích chính là phải làm rõ chứng cứ buộc tội bị can Tuyết.

Tuy nhiên, phía cơ quan điều tra không làm được điều này, thực chất là họ không thể có chứng cứ buộc tội nên đã giữ nguyên kết quả điều tra, chuyển lên Viện kiểm sát cùng cấp.

Vậy nhưng, cấp dưới của ông là bà Hà Thị Bích Thu – Kiểm sát viên chỉ nói “giữ nguyên quan điểm truy tố” mà không nếu được bất cứ lý do gì.

Chưa kể, dù gia đình bị can có đơn xin bảo lãnh nhưng vẫn tiếp tục không được tạo điều kiện.

Những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của cán bộ kiểm sát Hà Thị Bích Thu và hơn thế nữa nó còn là một sự lạnh lùng đến tàn nhẫn sẽ khiến cho nhiều người theo dõi vụ án thấy rợn tóc gáy trước lối hành xử của cán bộ thực hành quyền công tố.

Và sự lạnh lùng, tàn nhẫn ấy của bà kiểm sát viên Hà Thị Bích Thu đang đẩy vụ việc càng thêm phức tạp, nguy cơ xảy ra oan sai với chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết ngày càng lớn hơn.

Dư luận đang chờ đợi những quyết định công tâm của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đối với vụ việc liên quan tới chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết. ảnh: Ngọc Quang.
Dư luận đang chờ đợi những quyết định công tâm của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đối với vụ việc liên quan tới chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết. ảnh: Ngọc Quang.

Qua theo dõi kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 13, tôi đã được nghe ông nói: “Dẫu còn một vụ oan nhưng tôi cũng đau như dân. Thay mặt ngành tôi xin lỗi người bị oan và gia đình người bị oan”.

Trước Quốc hội, ông cũng đã nói tới một loạt giải pháp nhằm minh bạch hóa, tăng cường giám sát của cơ quan dân cử và nhân dân trong tố tụng.

Việc bắt thả là giao cho thủ trưởng cơ quan quyết định chứ không giao cho cán bộ cấp dưới. Đồng thời đề cao nguyên tắc suy đoán vô tội, khi chưa có bản án thì người đó vẫn được coi là vô tội.

Kiểm sát là một ngành có liên quan trực tiếp tới tính mạng, nhân phẩm, đạo đức, sức khỏe của con người và tôi tin rằng ở cương vị lãnh đạo cao nhất của ngành thì những lời ông đã nói là thật lòng.

Nhưng quả thực, để có được nền tư pháp mạnh, và để “minh bạch hóa” thì vẫn cần có rất nhiều thời gian để sửa luật, để đào tạo nâng cao trình độ cán bộ…. nhưng điều quan trọng hơn cả là phẩm chất đạo đức của cán bộ thực thi công vụ, hay nói đơn giản hơn thì đó là phẩm chất đạo đức của một con người.

Tôi mong một quyết định sáng suốt của Viện trưởng Viện kiểm sát Tối cao ảnh 2

Viện giữ nguyên quan điểm, dân ngồi tù mọt gông!

Tôi tin rằng ông sẽ không bao giờ chấp nhận một cán bộ có phẩm chất đạo đức yếu kém, vì các cụ ta đã có câu “giang sơn khó đổi, bản tính khó dời”.

Cán bộ giữ quyền thực hành công tố mà đạo đức yếu kém thì sẽ làm bừa bãi, vì cái sự vô tâm mà khiến cho người dân chịu nhiều oan khuất.

Nói như vậy là hoàn toàn có căn cứ, bởi trước đây đã có hàng loạt vụ án oan điển hình như vụ của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) ngồi tù oan 10 năm trời;  Bùi Minh Hải ở Đồng Nai (tù chung thân rồi được trả tự do); Trần Văn Chiến ở Tiền Giang (tù chung thân rồi được trả tự do); Nguyễn Minh Hùng ở Tây Ninh (bị tuyên án tử hình, sau đó được minh oan và trả tự do)…

Báo cáo giám sát oan sai đã cho thấy rằng, năm 2014, ngành công an đã khởi tố điều tra hơn 159.000 bị can, nhưng phải tạm đình chỉ điều tra hơn 3.200 bị can, đình chỉ điều tra 2.300 bị can.

Đặc biệt, có 91 công dân bị oan sai, trong đó phải đình chỉ điều tra 60 bị can do hành vi không cấu thành tội phạm, đã hết thời gian điều tra nhưng không chứng minh được bị can cấu thành tội phạm. Ngành toà án tuyên 21 bị cáo không phạm tội.

Điều này có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính là điều tra viên, kiểm sát viên trực tiếp phụ trách vụ án có vấn đề, hoặc là trình độ, năng lực hạn chế, nóng vội, chủ quan hoặc xem nhẹ trách nhiệm của mình trước nhân dân.

Khi khởi tố bị can không cân nhắc, xem xét thấu đáo các tình tiết, chứng cứ, vụ việc đang diễn ra với chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết là một thí dụ điển hình.

Vậy thì ngành kiểm sát xử lý những cán bộ này thế nào, và làm thế nào để ngăn chặn những kiểm sát viên sẵn sàng làm bừa, chà đạp lên nhân phẩm danh dự của người dân?

Tôi thiết nghĩ ngành kiểm sát cần rút ra nguyên nhân, bài học và hướng sửa chữa thật rõ ràng, nếu không thì những lời xin lỗi đầy tâm huyết của ông Viện trưởng sẽ chỉ là nói cho có, vì rằng người dân không quan tâm tới lời xin lỗi trong khi họ vẫn phải chịu đựng nhiều nỗi khổ hạnh từ chính sự nhẫn tâm của cán bộ ngành kiểm sát.

Vậy thì đến khi nào ngành kiểm sát mới làm được như lời Bác dạy: "Cán bộ kiểm sát phải: công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn".

Kiểm sát viên Hà Thị Bích Thu đã có nhiều dấn hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Ảnh HH
Kiểm sát viên Hà Thị Bích Thu đã có nhiều dấn hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Ảnh HH

Tại hội nghị triển khai công tác năm 2015 của ngành kiểm sát nhân dân đầu năm 2015, dù ghi nhận một số mặt tích cực của ngành kiểm sát, nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của ngành kiểm sát không chỉ là phát hiện cái sai, cái vi phạm, mà quan trọng hơn, là phải phát hiện cho được những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến vi phạm đó.

Thông qua mỗi vụ án cụ thể, cần làm rõ trách nhiệm của công tác quản lý, những kẽ hở của cơ chế, chính sách hay sự lạc hậu của pháp luật để chủ động tham mưu cho Ðảng, Quốc hội, kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa, khắc phục hữu hiệu. Ðó chính là trách nhiệm chính trị của ngành kiểm sát trước Ðảng, trước nhân dân”.

Nhưng trước khi phát hiện ra cái sai, cái vi phạm thì ngành kiểm sát cần phải tự chấn chỉnh nội bộ, tự kiểm sát chính cán bộ của mình.

Trên thực tế rất nhiều vụ án đến ngày xét xử mà tòa vẫn trả lại trả hồ sơ điều tra bổ sung, chứng tỏ kiểm sát viên và cơ quan kiểm sát không hoàn thành nhiệm vụ nếu không muốn nói là năng lực quá yếu kém.

Và công tác điều tra phụ thuộc hoàn toàn vào phía công an, kiểm sát không thể hiện được năng lực phối hợp với cơ quan điều tra, đây là yếu kém cần nhìn nhận thẳng thắn để sửa chữa.

Cuối cùng, trở lại với vụ việc của chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết, tôi mong rằng với cương vị là lãnh đạo đứng đầu ngành kiểm sát, ông sẽ sớm có những chỉ đạo cần thiết để làm rõ vụ việc, ngăn chặn lối hành xử tàn nhẫn của cấp dưới, xét xử đúng người đúng tội và đặc biệt là không làm oan người vô tội.

Tôi tin rằng đã nói ra những lời xin lỗi đầy tâm huyết ấy, hơn ai hết ông đã thấu hiểu oan sai là vô cùng nghiêm trọng.

Việc ấy, không chỉ làm tan nát một gia đình mà nguy hiểm hơn còn làm xói mòn lòng tin của xã hội, của người dân đối với cơ quan tư pháp.

Nó cũng góp phần phá hỏng những cố gắng của các cơ quan tư pháp, và đồng thời còn làm mất niềm tin của nhân dân với nhiều cán bộ của Đảng.

Trúc Diệp