TQ cho máy bay trá hình ra Senkaku, Nhật điều khẩn cấp máy bay:

Từ tranh chấp Senkaku, hiểu rõ tâm can và tham vọng khủng khiếp của TQ

20/11/2013 09:59
Đông Bình
(GDVN) - Trung-Nhật tiếp tục căng thẳng trong vấn đề đảo Senkaku khi TQ điều máy bay trinh sát điện tử Tu-154 đến vùng trời Senkaku để theo dõi, trinh sát.
Máy bay trinh sát điện tử Tu-154
Máy bay trinh sát điện tử Tu-154

Tờ "Thời báo Kinh Hoa" ngày 18 tháng 11 đưa tin, Bộ Tham mưu liên quân, Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 16 tháng 11 cho biết, chiều cùng ngày, một chiếc máy bay trinh sát điện tử Tu-154 Trung Quốc đã bay đến vùng trời cách đảo Senkaku khoảng 150 km về phía bắc, máy bay chiến đấu của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản đã cất cánh khẩn cấp ứng phó. Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang duy trì cảnh giới đối với hoạt động của Trung Quốc trên biển Hoa Đông.

Theo hãng Kyodo, Nhật Bản, đây là lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố thông tin phát hiện máy bay Tu-154 bay. Ngày 17 tháng 11, Nhật Bản tiếp tục cho biết, máy bay Tu-154 cùng ngày tiếp tục bay đến vùng trời đảo Senkaku.

Cũng trong ngày 16 tháng 11, Cục hải dương quốc gia Trung Quốc tuyên bố cho biết, biên đội tàu công vụ 2337, 2112, 2151, 2506 tiếp tục đến "tuần tra" lãnh hải đảo Senkaku.

Tờ "Nhân Dân" Trung Quốc dẫn quan điểm của Nhật Bản cho rằng, máy bay Tu-154 này là máy bay trinh sát điện tử, nhưng nhìn vào hình ảnh hiện nay thì máy bay này có ngoại hình như máy bay chở khách, có số hiệu là B-4015.

Các tài liệu cho biết, B là số hiệu của máy bay chở khách hàng không dân dụng Trung Quốc. Nhưng Cục quản lý hàng không dân dụng Trung Quốc ngay từ năm 2002 đã dừng bay tất cả máy bay Tu-154. Ngoài ra, thân và đuôi máy bay này có bôi sơn quốc kỳ Trung Quốc, hoàn toàn không có huy hiệu của công ty hàng không.

Có quan điểm cho rằng, một phần máy bay Tu-154 nghỉ hưu đã được Không quân Trung Quốc tiếp nhận. Tuy còn sử dụng số hiệu của máy bay chở khách hàng không dân dụng, nhưng đã tiến hành cải tạo. Máy bay Tu-154 này có thể chính là máy bay trinh sát điện tử đã được cải tạo.

Máy bay trinh sát điện tử Tu-154 Trung Quốc do Nhật Bản chụp được ngày 16 tháng 11 năm 2013
Máy bay trinh sát điện tử Tu-154 Trung Quốc do Nhật Bản chụp được ngày 16 tháng 11 năm 2013

Bình luận viên Lương Phương cho rằng, Tu-154 tuy mang số hiệu của hàng không dân dụng, nhưng thực chất hiện nay nó hầu như có tính chất lưỡng dụng (quân dụng-dân dụng), tức là vừa có thể tham gia giải nguy, cứu nạn của nhà nước, vừa có thể đảm nhiệm "sứ mệnh quan trọng" của Không quân Trung Quốc.

Bà chỉ ra, Tu-154 lắp nhiều radar, thiết bị tác chiến điện tử, có thể tiến hành theo dõi theo thời gian thực đối với toàn bộ các vùng biển mà TQ tuyên bố chủ quyền. Hiện nay đã trở thành hình mẫu tốt về "lưỡng dụng quân dân".

Theo Lương Phương, Nhật Bản công bố thông tin hoạt động của Tu-154 Trung Quốc là có ý đồ chiến lược rất sâu sắc, Nhật Bản "cố ý tuyên truyền Trung Quốc đã xâm phạm lợi ích của Nhật Bản - đây hoàn toàn là một hành vi khiêu khích, là cách làm tuyên truyền mối đe dọa từ Trung Quốc".

Còn Tào Vệ Đông, nhà nghiên cứu Viện nghiên cứu học thuật quân sự Hải quân Trung Quốc cho rằng, máy bay Tu-154 lần này bay đã thể hiện "thủ đoạn mới bảo vệ chủ quyền" của Trung Quốc. Ông này phân tích, so với máy bay Y-8, máy bay Tu-154 có tốc độ nhanh hơn và độ cao bay cao hơn, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ tốt hơn. Trong tương lai, máy bay này sẽ tuần tra nhiều hơn ở khu vực này (đảo Senkaku), thực hiện nhiệm vụ đa dạng hóa.

Được biết, máy bay Tu-154 là một loại máy bay chở khách tầm trung của Liên Xô cũ, bay thử lần đầu tiên vào năm 1968, đến nay vẫn có hơn 500 chiếc đang bay. Ưu thế của máy bay này là kết cấu chắc chắn, tỷ lệ giữa lực đẩy và trọng lượng tốt, hơn nữa không kén chọn sân bay, có thể cất/hạ cánh ở mặt đất lồi lõm, không bằng phẳng, thậm chí cả nơi có tuyết. Hơn nữa, trọng lượng cất cánh gần trăm tấn, không gian bên trong tương đối lớn và hành trình trên 6.000 km, rất thích hợp với lắp thiết bị điện tử cỡ lớn, cải tạo làm máy bay trinh sát điện tử cỡ lớn.

Lương Phương cho biết, trọng lượng mang theo tối đa của Tu-154 có thể đạt 18 tấn, hành trình tối đa trên 6.000 km, trọng tải lớn thì có thể mang theo nhiều thiết bị điện tử hơn, hành trình có thể kéo dài thời gian hoạt động trên không. Ngoài ra, máy bay này sử dụng radar góc mở tổng hợp và hệ thống hình ảnh theo thời gian thực, thu được thông tin mặt đất trong mọi điều kiện thời tiết, tính năng rất tiên tiến. Vì vậy, Tu-154 thích hợp dùng cho tác chiến điện tử.

Máy bay trinh sát điện tử Tu-154 Trung Quốc
Máy bay trinh sát điện tử Tu-154 Trung Quốc

Theo bài báo, lực lượng tác chiến điện tử trên không của Quân đội Trung Quốc luôn là một câu đố đối với dư luận bên ngoài. Hiện nay, máy bay tác chiến điện tử được biết tới gồm có máy bay HD-5, HD-6 và Tu-154MD, trong đó Tu-154MD là máy bay tác chiến điện tử tiên tiến nhất.

Máy bay Tu-154 trang bị radar góc mở tổng hợp, hệ thống chụp ảnh điện tử và hình ảnh hồng ngoại. Khả năng phân tích hình ảnh đạt 0,3 - 0,5 m. Trong chống lũ năm 1998, Quân đội Trung Quốc đã điều máy bay Tu-154 đến khu vực thiên tai chuyển những hình ảnh theo thời gian thực về Ban chỉ huy ở Bắc Kinh.

Bài báo cho biết, Tu-154MD được chia làm 3 loại, gồm trinh sát tình báo điện tử, đối kháng gây nhiễu điện tử và trinh sát hình ảnh. Nó thực thực hiện các nhiệm vụ như thu thập tín hiệu điện tử, theo dõi, gây nhiễu, chi viện tác chiến điện tử, đo vẽ địa hình, dẫn đường chuyển tiếp tên lửa. Trong hoạt động bay lần này, dưới thân máy bay Tu-154 này có lắp radar góc mở tổng hợp đo vẽ mặt đất, nên được xác định là máy bay trinh sát tình báo điện tử.

Tào Vệ Đông cũng cho rằng, tên máy bay này là Tu-154MD, chữ "D" ở đây có hàm nghĩa tác chiến điện tử. Máy bay này có thể tiến hành chụp ảnh tàu thuyền, theo dõi, thu thập phổ thông tin điện tử. Lần bay này có thể kiểm tra năng lực thực hiện nhiệm vụ của máy bay này.

Liên quan đến vấn đề đảo Senkaku, tờ "Tin tức Trung Quốc" cho rằng, từ khi Chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa đảo Senkaku vào tháng 9 năm 2012 đến nay, Trung Quốc liên tục áp dụng các hành động đối với hòn đảo này như công bố đường cơ sở lãnh hải, tọa độ địa lý đảo Senkaku, tổ chức "tuần tra" thường xuyên ở vùng biển này, đồng thời lần đầu tiên tiến hành "tuần tra lập thể" ở lãnh hải, không phận đảo Senkaku.

Tính đến trung tuần tháng 9 năm 2013, Trung Quốc đã tổ chức "tuần tra lãnh hải đảo Senkaku" tới 59 lần, "tuần tra" liên tục dài trên 28 giờ, cự ly gần nhất đảo Senkaku là 0,28 hải lý.

Máy bay tuần tra Y-8 Trung Quốc
Máy bay tuần tra Y-8 Trung Quốc

Cố vấn chính sách ngoại giao của Thủ tướng Nhật Bản Shotaro Yachi vừa cho rằng, Nhật Bản cần áp dụng thái độ "nhẫn nại mang tính chiến lược" để ứng xử với quan hệ Nhật-Trung, tránh đưa ra những phản ứng cảm tính đối với các hành vi khiêu khích của Trung Quốc trong vấn đề đảo Senkaku.

Gần đây, Quốc hội Nhật Bản còn tiến hành biểu quyết thông qua Luật Lực lượng Phòng vệ mới, cho phép Lực lượng Phòng vệ vận chuyển công dân Nhật Bản bằng đường bộ ở nước ngoài trong trường hợp khẩn cấp. Điều này đã gây chú ý đặc biệt cho Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương ngày 14 tháng 11 cho rằng, do nhiều nguyên nhân, cộng đồng quốc tế (thực ra chủ yếu là Trung Quốc) quan tâm chặt chẽ đến các động thái của Nhật Bản trong lĩnh vực quân sự, an ninh. Trung Quốc hy vọng Nhật Bản "đi con đường phát triển hòa bình" (như Trung Quốc?), làm nhiều việc có lợi cho an ninh và ổn định của khu vực và thế giới.

Trung Quốc không có "đường lui" trong vấn đề đảo Senkaku?

Cũng trong cùng ngày 16 tháng 11, Nhật Bản còn phát hiện 2 máu bay tuần tra Tu-142 của Quân đội Nga từ biển Okhotsk, bay qua quần đảo Nam Kuril (Nhật Bản gọi là bốn hòn đảo phương bắc), xâm nhập Thái Bình Dương, bay xuống phía đông hòn đảo Okinawa, sau đó quay trở về.

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cũng đã cho máy bay chiến đấu cất cánh khẩn cấp ứng phó. Điều này được truyền thông Trung Quốc tập trung đưa tin, thể hiện "vui mừng".

Máy bay tuần tra săn ngầm Tu-142 Nga do Nhật Bản chụp được.
Máy bay tuần tra săn ngầm Tu-142 Nga do Nhật Bản chụp được.

Tờ "Nhân Dân" Trung Quốc ngày 16 tháng 11 có bài viết cho rằng, tranh chấp đảo Senkaku đã trở thành vấn đề có liên quan đến lợi ích của khu vực châu Á và các nước trên thế giới, đặc biệt là giữa Trung-Nhật, Trung-Mỹ, đã buộc nhiều nhà lãnh đạo các nước phải quan tâm, lên tiếng hành động.

Do lập trường giữa các bên khác xa nhau, vì vậy đảo Senkaku đã trở thành khu vực điểm nóng được thế giới đặc biệt chú ý.

Báo Trung Quốc đổ lỗi cho Nhật Bản là người luôn chủ động gây khiêu khích, trong khi tô vẽ Trung Quốc là người luôn chìa tay hữu nghị, ví dụ như Trung Quốc chủ trương "gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác" (tất nhiên là còn chủ trương: chủ quyền thuộc về Trung Quốc và điều này không được ai chấp nhận), Nhật Bản đã kiên quyết từ chối.

Đặc biệt là khi Nhật Bản tiến hành quốc hữu hóa đảo Senkaku đến nay, lập trường của Nhật Bản càng trở nên cứng rắn trong vấn đề đảo Senkaku, nhất là khi ông Shinzo Abe lên làm Thủ tướng. Nhật Bản kiên quyết cho rằng, đảo Senkaku không tồn tại tranh chấp chủ quyền, đồng thời áp dụng một loạt biện pháp nhằm bảo vệ đảo Senkaku.

Đáp lại, Trung Quốc cũng liên tiếp hành động nhằm phá vỡ sự kiểm soát thực tế đối với đảo Senkaku của Nhật Bản, tìm mọi cách để Nhật Bản thừa nhận có tranh chấp ở đảo Senkaku. Đôi co giữa hai bên trong vấn đề đảo Senkaku được dư luận Trung Quốc coi là một cuộc đấu về thực lực, về khả năng chịu đựng (thực lực quốc gia), đến nay, cuộc đấu này tiếp tục diễn ra căng thẳng với một bên quyết giữ và một bên quyết đòi.

Theo báo Trung Quốc thì Mỹ là người áp dụng thủ đoạn "chia rẽ, ly gián" trong vấn đề đảo Senkaku, muốn hòn đảo này trở thành tranh chấp lâu dài giữa Trung-Nhật, trở thành con bài quan trọng để Mỹ thao túng quan hệ Trung-Nhật.

Máy bay chiến đấu F-15 Nhật Bản
Máy bay chiến đấu F-15 Nhật Bản

Những năm gần đây, Nhật Bản có xu hướng hữu khuynh hóa, tích cực thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp, tăng cường sức mạnh quân sự, tìm cách mở rộng quyền tự vệ, đối với vấn đề này, Mỹ tỏ ra khó xử.

Báo Trung Quốc tuyên truyền cho rằng, Mỹ muốn Nhật Bản tạo "sự cố" ở khu vực Đông Á, nhưng cũng muốn dựa vào tranh chấp lợi ích, lãnh thổ giữa Nhật Bản và các nước láng giềng để tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực châu Á.

Tuy nhiên, Mỹ hoàn toàn không muốn Nhật Bản đơn phương hành động, đặc biệt là trong xử lý vấn đề tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng. Bởi vì Mỹ muốn giành được quyền kiểm soát cuối cùng.

Theo bài báo, hiện nay, xuất phát từ lợi ích chiến lược toàn cầu, Mỹ đẩy mạnh "quay trở lại" châu Á, tích cực thúc đẩy tái cân bằng chiến lược khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nhưng Mỹ biết rõ, chỉ có duy trì hiện trạng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ mới có thể đạt được lợi ích tối đa ở đây. Vì vậy, Mỹ không muốn châu Á xảy ra chiến tranh cục bộ, cũng sẽ không ủng hộ Nhật Bản khôi phục sức mạnh (?).

Bài báo cho rằng, hiện nay, Nhật Bản và Mỹ đều có biểu hiện rất "tích cực" trong vấn đề đảo Senkaku. Nhật Bản không ngừng thử thách các "giới hạn" của Trung Quốc, còn Mỹ lấy vấn đề đảo Senkaku làm "mồi nhử", kiểm soát Nhật Bản, đồng thời Mỹ công khai sử dụng vấn đề này để "can thiệp vào công việc nội bộ" của Trung Quốc, tiếp tục mở rộng các vấn đề xung quanh "đảo Senkaku".

Báo Trung Quốc đổ lỗi cho rằng, sở dĩ Nhật Bản cứng rắn như vậy chủ yếu là do quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ. Đối với Trung Quốc, họ không muốn vấn đề đảo Senkaku xảy ra xung đột gay gắt, nhưng họ cho rằng sẽ không từ bỏ nguyên tắc đã kiên trì từ lâu (tức không nhượng bộ chủ quyền).

Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Nhật Bản
Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Nhật Bản

Theo bài báo, xung đột giữa Trung-Nhật trong vấn đề đảo Senkaku là điển hình về "trai-cò đánh nhau, ngư ông đắc lợi". Việc giải quyết vấn đề này vừa phải "mềm" vừa phải "cứng". Khi xử lý quan hệ Trung-Nhật, Trung-Mỹ, vừa phải kiên trì nguyên tắc, nắm chắc đại cục, vừa phải chỉ rõ trách nhiệm lịch sử "người khởi xướng" của Mỹ, phát huy đầy đủ vai trò ảnh hưởng quốc tế, tìm cách mượn lực đánh lại (gậy ông đập lưng ông, thủ đoạn “thái cực quyền”), giảm tối đa sức ép từ Mỹ.

Ngoài ra, cỗ máy tuyên tuyền này khẳng định thái độ và quyết tâm của Trung Quốc với cộng đồng quốc tế là "Trung Quốc có năng lực bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền quốc gia", có năng lựa để xử lý tốt vấn đề đảo Senkaku.

Báo Trung Quốc tuyên truyền cho rằng tranh chấp đảo Senkaku là "vấn đề chủ quyền và lãnh thổ", liên quan đến "dây thần kinh nhạy cảm quốc gia và lợi ích cốt lõi chiến lược", phải kiên trì "không nhường một tấc đất", Trung Quốc "không có đường lui" trong vấn đề đảo Senkaku, cũng không muốn "mặc cả" với người nào!.

Theo bài báo, cùng với việc tăng giảm về thực lực giữa hai bên (thực lực Trung Quốc tăng, thực lực của Nhật Bản giảm) thì "vấn đề đảo Senkaku sớm muộn cũng được giải quyết".

Thảm họa của dân tộc Trung Hoa đến từ biển?

Trang mạng Phát thanh Trung Quốc ngày 15 tháng 11 có bài viết cho rằng, sau khi Chính phủ tuyên bố hoàn thành quốc hữu hóa đảo Senkaku vào ngày 11 tháng 9 năm 2012, hòn đảo này đã gây căng thẳng cho dây thần kinh nhạy cảm của dân tộc Trung Hoa. Đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư trở thành một “cánh cửa” để dân tộc Trung Hoa đánh giá kỹ quan niệm về hải dương và nguyên tắc quan hệ quốc tế của họ.

Bài báo dẫn lời giáo sư, Thiếu tướng Kim Nhất Nam, Đại học Quốc phòng Trung Quốc cho rằng, so với 9,6 triệu km2 đất liền, đảo Senkaku là một hòn đảo không người ở nhỏ bé, nhưng đã "quấn quýt" lấy lịch sử dân tộc nước này, thể hiện sự hạn chế của người Trung Quốc trong quan niệm về biển cũng như trong "bảo vệ quyền lợi biển" (Trung Quốc không truyền thống vươn ra biển như vậy, nhưng lại đòi hầu hết chủ quyền Biển Đông!?).

Máy bay tuần tra săn ngầm P-1 Nhật Bản (ảnh minh họa)
Máy bay tuần tra săn ngầm P-1 Nhật Bản (ảnh minh họa)

Trước đây, Trung Quốc không nhận thức được biển có thể làm con đường vươn ra thế giới, tuyến đường thương mại kinh tế quan trọng, có thể làm không gian mới hoàn toàn cho phát triển quốc gia, theo đó Trung Quốc đã coi nhẹ vai trò của biển. Trung Quốc lại bị các nước đế quốc xâm lược từ hướng biển, nên lại coi biển là một nguồn gốc của nguy hiểm.

Theo đó, Kim Nhất Nam cho rằng, thảm họa của dân tộc Trung Hoa đến từ biển, đòi hỏi "phải tăng cường phòng thủ biển". "Quyền lợi chỉ có được khi tranh thủ và bảo vệ. Chỉ nói mà không làm (không có sức mạnh) thì không thể chiến thắng cường quyền. Không bảo vệ được quyền lợi của mình thì không ai đem lại công bằng chính nghĩa cho mình. Việc này không thể chỉ dựa vào công lý, mà còn phải dựa vào sức mạnh".- Học giả này nói

Theo lý lẽ này, dư luận nhận ra rằng, việc ra sức phát triển sức mạnh hải, không quân đã thể hiện rõ tham vọng quá lớn của Trung Quốc trên hướng biển đảo, trong đó có Biển Đông.

Tàu tuần tra Đài Loan đến vùng biển đảo Senkaku tuyên bố chủ quyền

Cũng liên quan đến vấn đề đảo Senkaku, tờ "Phượng Hoàng" Hồng Kông ngày 18 tháng 11 đưa tin, Cơ quan bảo vệ bờ biển Vùng 11 Nhật Bản (trụ sở ở Naha) cho biết, khoảng 2 giờ 15 phút chiều ngày 18 tháng 11 (giờ địa phương), tàu tuần tra của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản phát hiện, tàu tuần tra Hòa Tinh của Lực lượng tuần tra bờ biển Đài Loan kéo một vật thể hình phao ở mũi tàu tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của đảo Senkaku, tiến hành đo đạc dòng hải lưu.

Tàu tuần tra Hòa Tinh, Đài Loan
Tàu tuần tra Hòa Tinh, Đài Loan

Theo hãng Kyodo, Nhật Bản, việc tiến hành khảo sát ở vùng đặc quyền kinh tế phải được sự đồng ý của Nhật Bản. Tàu tuần tra Nhật Bản sử dụng vô tuyến yêu cầu đối phương chấm dứt hoạt động trên vì chưa được sự đồng ý (của Chính phủ Nhật Bản), tuy nhiên tàu tuần tra Hòa Tinh lại tuyên bố, đảo Senkaku là lãnh thổ của Trung Hoa Dân Quốc (tức Đài Loan).

Liên quan đến vấn đề đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư), tờ "Tin tức Trung Quốc" ngày 25 tháng 4 cũng dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cho rằng, "bảo vệ đảo Điếu Ngư là trách nhiệm chung của đồng bào hai bờ eo biển Đài Loan - tức là của cả Trung Quốc và Đài Loan".

Ông này kêu gọi với mục đích tuyên truyền rằng: "Trước đại nghĩa dân tộc phải vượt qua bất đồng, đồng tâm hợp lực, cùng bảo vệ lợi ích căn bản và lợi ích tổng thể của dân tộc Trung Hoa"!.

Đông Bình