EVN: 4 năm 7 lần tăng giá điện
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN, năm 2012 tổng doanh thu bán điện của tập đoàn này lên tới trên 143.000 tỉ đồng (tức khoảng 7 tỉ USD), lợi nhuận trên 5.000 tỉ đồng.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN, năm 2012 tổng doanh thu bán điện của tập đoàn này lên tới trên 143.000 tỉ đồng (tức khoảng 7 tỉ USD), lợi nhuận trên 5.000 tỉ đồng.
Với lần tăng giá điện 5% từ ngày 1/8 vừa qua, giá bán điện bình quân trong nước lên mức 1.508,85 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Như vậy, kể từ năm 2011, EVN đã tăng giá điện 5 lần (trước đó hai lần tăng năm 2011, hai lần tăng năm 2012). Nếu tính từ năm 2009, số lần tăng là bảy lần.
Đưa chi phí xây dựng nhà cho cán bộ, biệt thự, sân tenni, bể bơi vào tổng mức đầu tư dự án nguồn điện, do đó sẽ được tính vào giá bán điện là không đúng quy định (ảnh nhà máy nhiệt điện Ô Môn 1) |
Đáng lưu ý, trong nhiều lần tăng giá EVN đều khẳng định giá điện vẫn thấp hơn giá thành. EVN phải chịu lỗ, gặp khó khăn lớn do giá các nguyên vật liệu đầu vào tăng. Như lần tăng giá từ 1/8, EVN cho biết việc điều chỉnh giá là để bù đắp một phần chi phí phát điện tăng do tăng giá than và giá khí (giá than từ ngày 20-4-2013 tăng 37-41% tùy loại than).
Thế nhưng với những kết luận của Thanh tra Chính phủ mới đây thì việc EVN thua lỗ là do đầu tư ngoài ngành thiếu hiệu quả. Thậm chí, EVN còn còn hạch toán nhiều khoản chi sai không đúng mục đích vào giá bán điện. Điều đáng nói những thua lỗ này được EVN tính vào giá điện tăng cho người dân hay nói cách khác đầu tư sai nhưng EVN lại bắt người dân phải gánh thay mình.
Cụ thể, bằng cách tính khấu hao tài sản sớm của các tổ máy số 2, 3, 4 của Nhà máy thủy điện Sơn La, các tổ máy của Nhà máy thủy điện Đồng Nai 3, Nhà máy thủy điện An Khê – Kanak của EVN đã dẫn đến làm tăng chi phí sản xuất điện tại các nhà máy thủy điện không đúng quy định của Bộ Tài chính về thời điểm trích khấu hao đối với tài sản.
EVN xây biệt thự, sân tennis, chi phí tính vào giá điện
Nếu liên tục khai lỗ, doanh nghiệp FDI đến Việt Nam làm gì?
Chuyên gia BĐS ngoại: Không tin BĐS Việt Nam sẽ giảm giá mạnh
Bên cạnh đó tại 6 dự án nguồn điện gồm Nhiệt điện Ô Môn 1, Nhiệt điện Phú Mỹ 1 và 4, Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Nhiệt điện Hải Phòng 1, Nhiệt điện Quảng Ninh 1 do EVN làm chủ đầu tư đều có hạng mục “Khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa” nằm trong giá trị đầu tư của dự án. Tuy nhiên, đây là đất được xây dựng gồm nhà ở cho cán bộ với các loại biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng, có cơ sở hạ tầng đi kèm như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis... với tổng giá trị đầu tư trên 595 tỉ đồng. Toàn bộ chi phí này nằm trong tổng mức đầu tư dự án nguồn điện, do đó sẽ được tính vào giá bán điện là không đúng quy định.
Đặc biệt, EVN còn hướng dẫn các đơn vị gồm Ban quản lý dự án thủy điện 1, 2, 4, 5, 6 và Công ty TNHH một thành viên Nhiệt điện Cần Thơ hạch toán chuyển nguồn vốn của 11 dự án điện đã hoàn thành, đang phát điện vào lưới điện quốc gia từ nguồn vốn khấu hao cơ bản sang nguồn vốn do phát hành trái phiếu doanh nghiệp của EVN với tổng số tiền trên 1.600 tỉ đồng.
Do thay đổi nguồn vốn hình thành tài sản nên lãi trái phiếu tương ứng số tiền 223 tỉ đồng được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện trong năm, làm tăng chi phí sản xuất điện trong năm 2011.
Với việc quản sử dụng tài sản, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ EVN đã mua hai xe Toyota LandCruise với giá trị gần 5,1 tỉ đồng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh chung. Tuy nhiên, theo quy định thì EVN chỉ được mua ôtô hai cầu với mức giá tối đa là 1,04 tỉ đồng/xe. Như vậy, EVN mua ôtô vượt mức quy định hơn 3 tỉ đồng. Tương tự, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đã mua sáu xe Toyota Camry 2.4G để phục vụ hoạt động kinh doanh, vượt giá quy định hơn 2,2 tỉ đồng.
Tiếp đó kết luận thanh tra chỉ rõ, tính đến hết năm 2011, công ty mẹ EVN đã đầu tư vốn ra ngoài lên đến trên 121.000 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ của công ty mẹ chỉ có gần 77.000 tỉ đồng. Việc EVN đầu tư ra ngoài doanh nghiệp vượt vốn điều lệ hơn 45.000 tỉ đã vi phạm quy định của Bộ Tài chính. Đáng chú ý, mặc dù đầu tư ra ngoài cả trăm ngàn tỉ đồng nhưng EVN không thu được đồng lãi nào mà lỗ đến 2.195 tỉ đồng.
Giá điện chỉ có tăng mà không giảm: Quá nghịch lý
Việc tăng giá điện gần như là “đặc quyền” của EVN khi liên tục trong thời gian ngắn EVN liên tục điều chỉnh giá điện. Tuy nhiên bất cập là ở chỗ trong khi liên tục kêu thua lỗ lớn nhưng EVN vẫn đang dành ưu đãi lớn cho các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất kinh doanh sắt thép, ximăng khi bán điện cho những đơn vị này với giá thấp hơn giá bán điện bình quân.
Trong đó, giá bán bình quân cho ngành ximăng là 1.059,10 đồng/kWh và ngành sắt thép là 1.105,35 đồng/kWh. Trong khi giá bán điện thương phẩm bình quân của EVN trong năm 2011 là 1.274,32 đồng/kWh, chênh lệch tăng so với giá bán bình quân cho ngành ximăng là 215,22 đồng/kWh và ngành thép là 168,97 đồng/kWh. Chỉ tính riêng trong năm 2011, EVN phải chịu lỗ thay cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sắt thép, ximăng (bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) số tiền hơn 2.100 tỉ đồng.
Trao đổi với Giáo dục Việt Nam chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Minh Phong cho rằng việc EVN “độc quyền” tăng giá điện là do Bộ Công thương chưa ra khung giá. “Về vấn đề giá EVN một phần do lỗi EVN nhưng lỗi chính là ở Bộ khi Bộ thiếu văn bản quy định khu giá vì vậy EVN tự đưa ra giá có lợi cho mình”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nói.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Việc tăng giá điện liên tục và vững chắc, nhưng chưa bao giờ giảm đặt ra dấu hỏi lớn: Tại sao EVN không công kết quả hạch toán sản xuất kinh doanh, minh bạch hóa chuyện lỗ lãi? |
Điện là một thị trường đang rất phát triển tại Việt Nam, theo đánh giá mỗi năm tăng 15%. Nhìn chung quy luật cung – cầu trên thị trường tương đối cân bằng. Còn hiện nay, với việc doanh nghiệp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, lượng tiêu thụ điện ít hơn chắc chắn cầu sẽ ít hơn cung.
“Tuy nhiên mặc dù giá cả xăng dầu có lúc lên lúc xuống, nhu cầu điện có sự khác nhau, chi phí sản xuất trong ngành điện cũng tăng giảm khác nhau nhưng điều lạ là giá điện chỉ có một chiều tăng lên, đây là điều nghịch lý nhất của trên thị trường”, TS Nguyễn Minh Phong nói.
Theo TS Nguyễn Minh Phong việc tăng giá điện liên tục và vững chắc, nhưng chưa bao giờ giảm đặt ra dấu hỏi lớn: Tại sao EVN không công kết quả hạch toán sản xuất kinh doanh, minh bạch hóa chuyện lỗ lãi?
Về vấn đề này TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, để minh bạch hóa thì cơ quan chủ quản là Bộ Công thương phải là người đưa ra yêu cầu cụ thể như nội dung minh bạch, thời gian minh bach, mức độ minh bạch…từ đó phải đưa ra các chế tài xử lý cụ thể không thể nói chung chung được.
“Dường như đang có một khoảng trống chế tài khiến EVN có thể minh bạch hoặc không minh bạch cũng không sao, hơn nữa việc quản lý doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước đang có nhiều đầu mối về nguyên tắc EVN do Bộ Công thương chủ quản nhưng điều hành lại do Chính phủ. Do vậy giải quyết dứt điểm phải do Chính phủ đứng ra chỉ đạo”, TS Nguyễn Minh Phong cho biết.
Trong khi đó theo TS Lê Đăng Doanh, trong mỗi lần tăng giá điện, EVN lại viện dẫn hàng loạt lý do như giá than tăng, chi phí sản xuất tăng,… Tuy nhiên, những kết luận của Thanh tra Chính phủ đã nói điều ngược lại.
“EVN cần phải giải thích về kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng như công bố các chi phí thực sự cấu thành giá điện, để tránh gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp”, TS Lê Đăng Doanh cho biết.
Còn chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận định, giá điện của EVN bán cho doanh nghiệp FDI hiện nay là quá thấp trong khi đó giá điện phục vụ người dân liên tục tăng cao lại là không hợp lý. “Thực tế doanh nghiệp sắt, thép, xi măng nước ngoài vào Việt Nam chỉ vì cách tính giá điện quá thấp nên họ được lợi quá nhiều trong khi dân mình đóng tiền làm nhà máy điện thì giá điện lại liên tục bị đẩy lên là không hợp lý”, Chuyên gia Bùi Kiến Thành cho biết.
Hoàng Lực