- Bộ trưởng đã hứa là sẽ công khai số dư Quỹ bình ổn xăng dầu hàng quý và sau đó Bộ trưởng đã thực hiện đúng lời hứa này. Một số người dân bày tỏ kỳ vọng Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn tiếp tục được minh bạch hơn nữa?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Về việc tiếp tục công khai sâu hơn nữa, rõ hơn nữa Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì Bộ Tài chính hoàn toàn nhất trí. Chúng tôi có thể công khai việc trích, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu với từng DN sản xuất kinh doanh xăng dầu đầu mối trong từng thời kỳ, ví dụ như là từng quý.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, điều hành giá xăng dầu theo hướng có lợi cho người tiêu dùng trước, DN Nhà nước sau. |
Việc công khai Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính là định kỳ hàng quý, nếu chúng ta thực hiện hàng tháng thì phát sinh nhiều chi phí, công sức, thủ tục hành chính, vì công khai thì phải qua báo cáo của DN, thẩm tra của cơ quan nhà nước, mất thời gian về thủ tục và nhân lực. Do vậy, chúng tôi cho rằng việc công khai hàng quý việc trích, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với từng DN kinh doanh đầu mối theo từng quý là hợp lý.
- Có nghĩa là người dân có thể biết hàng quý DN sử dụng bao nhiêu từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Đúng như thế!
- Cuối tháng 8 vừa rồi, Bộ Tài chính giảm giá bán lẻ xăng 300 đồng/lít, đồng thời cho phép DN xăng dầu được trích sử dụng từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng 300 đồng/lít. Người dân cho rằng lúc đó, DN xăng dầu đã tăng mạnh mức chiết khấu cho đại lý, chứng tỏ DN đã lãi, chứ không lỗ, thế thì việc gì phải trích quỹ bình ổn cho DN nữa, xin Bộ trưởng giải thích rõ hơn?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Tôi xin quay lại trước đó kỳ tăng giá, tức là ngày 17/7/2013, khi giá thế giới biến động bất thường rất lớn. Nếu tính đủ yếu tố thì giá bán lẻ xăng dầu lúc đó tăng 988 đồng/lít xăng.
Tuy nhiên, do yêu cầu phải đảm bảo ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo lợi ích Nhà nước, DN, người dân. Trên tinh thần đó, liên Bộ Tài chính-Công Thương quyết định phải giảm lợi nhuận định mức của DN xuống 2/3, tức là từ 300 đồng xuống 100 đồng trong cơ cấu giá bán của xăng dầu thời điểm đó; thứ hai là xả Quỹ bình ổn giá xăng dầu 300 đồng/lít xăng; thứ ba là số chênh lệch còn lại 468 đồng/lít xăng thì chúng tôi cho phép DN tăng giá tối đa 468 đồng/lít xăng trên số tăng đột biến lúc đó là 968 đồng/lít xăng. Đến cuối tháng 8, khi giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm và tính bình quân 30 ngày thì chênh lệch giảm, tôi nói số chẵn, khoảng 500 đồng/lít xăng.
Để đảm bảo lợi ích người tiêu dùng và lợi ích của DN, liên Bộ quyết định trả lại đủ lợi nhuận định mức cho DN trước đó (ngày 17/7) đã giảm 200 đồng thì bây giờ tăng thêm 200 đồng. Thứ hai là khi giảm giá xăng bán lẻ 300 đồng/lít, người tiêu dùng mua xăng sẽ thấy giá xăng giảm ngay là 300 đồng/lít, còn lợi nhuận định mức thì như "van xả", nằm trong cơ cấu của giá cơ sở xăng dầu, đồng thời nằm trong cơ cấu giá bán xăng dầu. Do vậy, lúc đó thực chất là vừa trích vừa xả trên sổ sách nên không có ý nghĩa gì về giảm giá và cũng không có nghĩa là lợi ích của người tiêu dùng bị xâm hại.
- Nhưng thứ tự ưu tiên của liên Bộ Tài chính-Công Thương trong sử dụng các công cụ ở điều chỉnh giá là gì, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Vừa qua thứ tự ưu tiên của chúng tôi vẫn là ưu tiên người tiêu dùng trước, sau đó là DN và Nhà nước.
- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Ngọc Quang