Phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) ngày 10/9, liên quan đến vấn đề cải cách hành chính (CCHC) Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Thực tế nhiều lúc, nhiều nơi không phải do thủ tục mà là do con người. Tôi yêu cầu thay thế ngay những cán bộ, công chức không đáp ứng được yêu cầu công việc”.
Tuy là phát biểu với Bộ KH&ĐT nhưng thực ra đây cũng là vấn đề đặt ra với tất cả bộ, ngành, địa phương, đoàn thể cả nước không trừ một lĩnh vực nào.
Câu hỏi đặt ra là chúng ta đã có bộ tiêu chuẩn để xếp loại “những cán bộ, công chức không đáp ứng được yêu cầu công việc” chưa? Người dân có thể trả lời ngay là “có rồi”, còn cơ quan quản lý, cụ thể là Bộ Nội vụ thì lại là “chưa có”. Nói thế vì ít ra thì người dân cũng đã nhận được câu trả lời từ Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình rằng “Sơ bộ, số công chức không hoàn thành nhiệm vụ chỉ chiếm khoảng 1%. Bộ Nội vụ cam kết cuối tháng 9 (2013) sẽ họp báo công bố kết quả tổng hợp chính xác cuối cùng về đánh giá công chức cả nước”. [1]
Số liệu đã công bố năm 2013 cho thấy: tổng số công chức, viên chức nhà nước là 2.224.769 người (công chức 525.481 người, viên chức 1.699.288 người) [1]. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, cái số “cắp ô” 1% ấy chỉ rơi vào công chức chứ không phải viên chức, nghĩa là chỉ có khoảng hơn 5.200 người? Vậy hà cớ gì Bộ Nội vụ lại phải trình Chính phủ Dự thảo Nghị định tinh giản biên chế với mục tiêu dự kiến giảm 100.000 người trong 6 năm tới, bao gồm cả công chức lẫn viên chức?
Nếu Bộ trưởng Bình trót nói thiếu, rằng thực tế 1% là gồm cả công chức lẫn viên chức thì sẽ có 22.247 người đang ngồi chơi xơi nước. Hơn hai mươi nghìn người ngồi ăn bám vào tiền thuế của dân chẳng lẽ là một con số không đáng kể?
Đấy chỉ mới là con số 1% mà Bộ trưởng Bình gọi là “sơ bộ”, còn nếu dựa vào ý kiến của cấp lãnh đạo cao hơn thì con số phải là 30%, nghĩa là hơn nửa triệu người đang tranh nhau hút cạn “bầu sữa” ngân sách. Phải chăng vì thế mà trẻ con miền núi chỉ còn cơm với muối ớt, thỉnh thoảng may mắn lắm thì mới được ly sữa mà Vinamilk hay TH True milk trao tặng?
Hình minh họa về việc bố trí cán bộ không phù hợp, chỉ có lãnh đạo, không có nhân viên ở một số cơ quan. Hình petrotimes.vn |
Trở lại vấn đề “những người không làm được việc”, người dân đã chờ đợi từ tháng 9/2013 đến tháng 9/2014 để xem Bộ Nội vụ “công bố kết quả tổng hợp chính xác cuối cùng về đánh giá công chức cả nước”. Nếu Bộ Nội vụ đã công bố rồi thì cũng nên cho nhân dân biết vì tìm mỏi mắt văn bản công bố của Bộ Nội vụ trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng không thấy?
Nếu chưa công bố như lời hứa của Bộ trưởng thì phải chăng công chức Bộ Nội vụ “đều làm được việc”? Đấy mới chỉ là một lời hứa của Bộ trưởng Bình, còn chưa nói đến những bê bối khi bổ nhiệm, tuyển chọn công chức của các đơn vị khác mà Bộ Nội vụ cũng liên đới chịu trách nhiệm.
Không cần phải tìm đâu xa, ngay sau khi công bố chỉ số cải cách hành chính Par Index, những cơ quan, bộ, địa phương qua hai năm vẫn nằm ở thang bậc cuối cùng liệu đã có thể kết luận là người đứng đầu và bộ máy dười quyền “không làm được việc” chưa? Nếu kết luận được rồi thì có thể thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng “ thay thế ngay những cán bộ, công chức không đáp ứng được yêu cầu công việc” hay lại còn phải chờ ý kiến chỉ đạo của “cấp trên”, nếu thế thì đó là cấp nào?
Tại sao người ta thích mềm mại, thích vuốt ve nhau?
(GDVN) - Đã uyển chuyển, mềm mại, dễ vuốt ve như tóc, như khói, như áo dài, như … thì làm sao có thể đều nhau, làm sao có thể vào khuôn vào phép được!
Đi dọc chiều dài đất nước, không khó để nhìn thấy các đoàn xe “Hổ vồ”, đoàn “xe vua” băm nát các cung đường, đó có phải là trách nhiệm của chính quyền địa phương, của Thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông? Nếu phải thì liệu những cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị này đã “đáp ứng được yêu cầu công việc”?
Đi khắp Hà Nội, đâu đâu cũng thấy hàng Trung Quốc nhập lậu, từ đôi đũa, hộp tăm, hoa quả, gia cầm đến đồ điện tử, mỹ phẩm… Liệu những người quản lý thị trường Thủ đô, cao hơn là lãnh đạo thành phố Hà Nội đã “đáp ứng được yêu cầu công việc”?
“Bộ đã đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh có báo cáo phân tích chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đến ngày 31/12/2012. Nhưng hiện báo cáo gửi lên chưa đầy đủ nên chưa có số liệu cụ thể”. Đây là phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình mà Laodong.com.vn tường thuật ngày 20/9/2013.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh quá hạn đến 09 tháng mà Bộ Nội vụ chẳng làm gì được, chỉ còn mỗi nước là bó tay than thở trước phiên họp Thường vụ Quốc hội chiều 20/9/2013!
Đến yêu cầu của Bộ Nội vụ người ta còn chẳng thèm nghe, vậy thì người dân với thân phận “con sâu, cái kiến” liệu có nhiều hy vọng khi “đội đơn cầu nguyện” đến các tỉnh, bộ và cơ quan ngang bộ?
Bài báo “Vì sao Hà Nội lại đề nghị thu hồi đất vàng giao BIDV Thăng Long” đăng trên Giaoduc.net.vn ngày 16/9/2014 cho biết Hà Nội giao cho ngân hàng khu “đất vàng” tại phường Dịch Vọng, Cầu Giấy từ năm 2002. “Từ đó đến nay, dù đã nhiều lần kiến nghị, quá thời hạn "tối hậu thư" thu hồi đất đưa ra 5 năm nhưng dự án vẫn bất động và không hiểu vì lý do gì mà dự án này vẫn chưa bị thu hồi”.
Chỉ vài ví dụ đó đủ thấy tiêu chuẩn để đánh giá cán bộ công chức hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ không thiếu, người dân nào cũng có thể chỉ ra, chỉ có lãnh đạo, những người được dân trả lương để làm việc là “chưa có tiêu chí đánh giá”.
Từ các ý kiến của Phó Thủ tưởng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình có thể thấy hiện trạng thực tế từ TƯ xuống cơ sở: Phó Thủ tưởng bảo 30% “cắp ô”, Bộ trưởng Nội vụ bác và cho rằng chỉ 1%. Bộ trưởng Nội vụ yêu cầu “báo cáo phân tích chất lượng đội ngũ”, các tỉnh và bộ khác mặc kệ không thèm báo cáo. Tỉnh (thành phố Hà Nội) yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng tiến độ dự án, doanh nghiệp mặc kệ 12 năm không thèm “động đậy”!
Tình trạng “trên bảo dưới không nghe” này cho thấy đất nước đang có nguy cơ trở lại thời kỳ “loạn 12 sứ quân”. Lãnh đạo mỗi đơn vị là một “ông vua con” vừa có quyền lại có tiền trong tay, cấp bậc đoàn thể thì ngang nhau, việc gì phải sợ?
Chợt nhớ đến chuyện ông Lê Huy Ngọ viết đơn từ chức khi đang làm Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Sau khi từ chức ông tâm sự: “Tôi về Bộ NN&PTNT tháng 10/1997, trong khi đó các vấn đề về tổ chức cán bộ, tổ chức bộ máy của Công ty tiếp thị đầu tư NN&PTNT và Dự án triển lãm đã được quyết định và phê duyệt từ năm 1994 -1997 và khi tôi về, dự án đang được tiếp tục triển khai. Tôi không được bàn giao từ Bộ trưởng cũ về vấn đề này”. [2]
Công chức, công cốc và căn bệnh khiếm thính
(GDVN) - Nhân nhắc tời kỳ thi tuyển công chức ở Bộ Công Thương, chợt nghĩ đến hai từ ghép đều bắt đầu bằng chữ “công” là “công chức” và “công cốc”.
Người dân và khá nhiều lãnh đạo cấp dưới tại Bộ NN&PTNT đề nghị ông tiếp tục làm việc, ai cũng hiểu hoàn cảnh “quýt làm cam chịu” của ông, chính vì thế có người đã nhắn ông:
“Bác thật là dũng cảm vì bác dám làm một cái việc (từ chức) mà không phải ai cũng có thể làm được. Tuy nhiên, bà con chúng tôi cho rằng nếu bác dũng cảm hơn thì bác phải tiếp tục làm việc nữa...".
Tuy nhiên ông Ngọ lại cho rằng: “về trách nhiệm và ý thức chính trị thì mình ý thức rằng mình nên làm theo tổ chức (xin từ nhiệm). Còn thực tình trong thâm tâm mình vẫn luôn khao khát được tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nông thôn. [2]
Thế mới biết, những người hiện nay không noi gương ông Ngọ là có cái lý của họ, họ dũng cảm hơn ông Ngọ khi tiếp tục “đảm nhận trọng trách” vì đất nước đang gặp muôn vàn khó khăn như kinh tế suy giảm, thất nghiệp tăng cao, an ninh biển đảo bị đe dọa…
Những người Tổ chức chưa bảo “nghỉ” thì dù năng lực, uy tín có kém đến mấy cũng phải cố gắng “đứng nghiêm”. Họ cần đươc tặng huy chương “vì lòng dũng cảm” chứ không thể yêu cầu từ chức.
Vậy thì làm thế nào để “thay thế ngay những cán bộ, công chức không đáp ứng được yêu cầu công việc” như yêu cầu của Thủ tướng?
Hay là tạo thêm vài vụ Lã Thị Kim Oanh thì sẽ có ngay vài Bộ trưởng, Tỉnh trưởng xin từ chức, nhưng liệu người xin từ chức đó có thật là người mà dân chúng muốn họ từ chức? Mỗi vụ Lã Thị Kim Oanh ngân quỹ sẽ mất hàng trăm tỷ, xem ra cách này không kinh tế, không ổn.
Hay là trích ra vài trăm tỷ lập quỹ “Từ chức” để dự phòng , ai “tự nguyện” viết đơn từ chức thì sẽ cấp cho cái sổ tiết kiệm trị giá từ vài tỷ đến chục tỷ tùy theo phẩm cấp, hàng năm cứ rút lãi ra sài, lúc nào “kèn trống nổi lên” thì thu hổi sổ về chuẩn bị cấp cho người khác?
Cách thứ hai này có vẻ ổn, ngân quỹ không bị mất mà lại có chỗ dành cho người tài. Nhưng tại sao chỉ dành cho Bộ trưởng, Tỉnh trưởng? Điều này cũng dễ giải thích, có những người như ông Nguyễn Bá Thanh thì Đà Nẵng mới được đánh giá là thành phố đáng sống nhất Việt Nam, như ông Đinh La Thăng thì Bộ Giao thông mới đứng đầu các bộ về CCHC…
Tóm lại, để thực hiện được mong muốn của Thủ tướng, cần có chính sách “động viên, khuyến khích” bằng tiền những người đứng đầu các đơn vị (không làm được việc) mạnh dạn viết đơn từ chức, còn dùng biện pháp “Tổ chức” thì e rằng đến cuối thế kỷ này chưa chắc đã thành công./.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://laodong.com.vn/quoc-hoi/bo-truong-noi-vu-chi-1-cong-chuc-khong-hoan-thanh-nhiem-vu-139016.bld
[2]http://vnn.vietnamnet.vn/psks/nhanvat/2004/06/156926/