Sự việc xảy ra hôm 8/9, khi Hội sở DongA Bank đã có văn bản gửi cho toàn hệ thống yêu cầu dừng ngay chương trình huy động lãi suất vượt 14% một năm. Nhưng đến trưa cùng ngày, Giám đốc DongA Bank chi nhánh Tây Ninh Nguyễn Thái Hậu vẫn huy động với lãi suất 15,5% một năm.
Theo tường trình của ông Hậu, vị khách gửi tiền là giám đốc của một nhà băng khác cùng địa bàn. Sau đó, chính vị này đã tố giác với Ngân hàng Nhà nước.
Từ hôm vụ việc vỡ lở và phải lãnh hình phạt, lãnh đạo DongA Bank chỉ buồn rầu thừa nhận cấp dưới đã làm sai mà không đưa ra bất cứ bình luận nào về khả năng mình có bị chơi xấu hay không.
Trao đổi với PV về vấn đề này, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tây Ninh, ông Nguyễn Tiến Phúc cho hay, ông chỉ được báo cáo lại sự việc là một khách hàng gửi tiền đã tố cáo DongA Bank Tây Ninh vượt trần chứ không biết vị khách đó có phải là giám đốc của một ngân hàng nào khác hay không.
Từ chỗ đua nhau vượt trần lãi suất, một số ngân hàng lại quay ra tố cáo lẫn nhau. Ảnh minh họa. |
Bởi theo ông Phúc, sau khi thực hiện giao dịch vượt trần xong, người khách gửi tiền trên đã gửi những hồ sơ làm bằng chứng huy động vượt rào lãi suất của DongA Bank ra thẳng Ngân hàng Nhà nước trung ương, chứ không gửi cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tây Ninh.
Sau đó, Đoàn thanh tra của Ngân hàng trung ương vào làm việc trực tiếp với Ngân hàng Đông Á chi nhánh Tây Ninh với sự tham gia của một thanh tra của Ngân hàng Nhà nước Tây Ninh.
“Tôi chỉ được báo cáo lại sự việc rồi ra quyết định cách chức Giám đốc Hậu. Do đó, tôi không thể nhận xét gì về việc có hay không các ngân hàng tố nhau vượt trần lãi suất. Nhưng nếu sự việc quả thật như vậy thì cũng là đúng với tinh thần của chỉ thị 02 rằng các ngân hàng có thể kiểm tra, giám sát lẫn nhau”, ông nói thêm.
Đứng về khía cạnh pháp lý, ông Võ Quang Vũ, luật sư Công ty luật Tân Á cho rằng, nếu trên thực tế đúng rằng vị khách tố Ngân hàng Đông Á chi nhánh Tây Ninh vượt trần lãi suất là một giám đốc của ngân hàng bạn; vị này cố tình “mồi chài” để đưa người đồng cấp của nhà băng bạn vào tròng; thì cũng không có gì vi phạm pháp luật. Bởi theo luật sư Vũ, không có điều luật nào cấm hành vi này.
Ngay cả với hành vi hối lộ, ông Vũ cho rằng, người đưa hối lộ chỉ chịu trách nhiệm hình sự khi không chịu tố giác. Còn nếu anh bị ép hoặc vì một số lý do nào đó buộc phải đưa hối lộ, nhưng anh đã kịp thời tố giác với cơ quan chức năng thì cũng sẽ được miễn trừ trách nhiệm hình sự.
Chia sẻ vấn đề này, Phó tổng giám đốc của một ngân hàng cổ phần có trụ sở tại TP HCM cho rằng, các ngân hàng kiểm tra nhau để cùng tuân thủ quy định chung của Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo tính minh bạch cho toàn hệ thống là rất tốt. Tuy nhiên, nếu thật sự có một ngân hàng nào đó cố tình đi “mồi chài” ngân hàng bạn vi phạm vượt trần rồi tố giác thì cách làm như thế thật sự không đẹp cho lắm.
“Việc Giám đốc DongA Bank chi nhánh Tây Ninh vi phạm trần lãi suất và bị xử lý không có gì phải bàn. Điều đáng nói ở đây nếu thực sự vị khách tố giác là giám đốc một ngân hàng khác cố tình đi mồi chài để đưa DongA Bank vào bẫy và đi tố giác thì thật là đáng buồn”, ông nói.
Tổng giám đốc của một nhà băng có trụ sở trên đường Lý Thường Kiệt (Tân Bình, TP.HCM) cũng bày tỏ, giả sử một ngân hàng phát hiện ra đơn vị nào đó đang huy động tiền của khách vượt trần thì có thể tố giác với Ngân hàng Nhà nước. Nhưng tự lấy tiền ra “mồi chài” để đưa ngân hàng khác vào bẫy rồi quay lại tố giác thì không thể chấp nhận được.
Trong cuộc chạy đua vượt trần lãi suất năm ngoái, chuyện ngân hàng tố lẫn nhau từng xảy ra. Thậm chí có người còn đem tờ rơi quảng cáo lãi suất vượt trần của ngân hàng bạn bỏ vào thùng thư nhà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Theo Vnexpress