Giảm giá 70 dịch vụ y tế từ 15/7

04/07/2018 17:00
Trúc Diệp
(GDVN) - Thông tư 15/2018/TT-BYT cụ thể bắt đầu từ ngày 15/7/2018, 88 giá dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh, trong đó đáng chú ý là giảm giá 70 dịch vụ.

Ngày 4/7/2018 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam triển khai Thông tư 15/2018 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp cho các tỉnh khu vực phía Nam.

Tham dự hội nghị có ông Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế; ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Đại diện lãnh đạo và chuyên viên một số Vụ, Cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; Bộ Tài chính; Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Ông Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế. ảnh: moh.gov.vn
Ông Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế. ảnh: moh.gov.vn

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế - ông Phạm Lê Tuấn cho biết: Thông tư 15/2018/TT-BYT cụ thể bắt đầu từ ngày 15/7/2018, 88 giá dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh, trong đó đáng chú ý là giảm giá 70 dịch vụ, gồm:

6 giá khám bệnh (của 5 hạng bệnh viện và trạm y tế xã) bình quân giảm 17%; 34 giá ngày giường bệnh (của 5 hạng bệnh viện và các loại giường) bình quân giảm 6% và 30 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm, bình quân giảm 24%.

Điều chỉnh tăng 9 dịch vụ, gồm: 7 giá ngày giường chủ yếu là giường hồi sức tích cực và giường hồi sức cấp cứu, bình quân điều chỉnh tăng 5% và 2 dịch vụ xét nghiệm.

Bổ sung giá của 9 dịch vụ kỹ thuật: người bệnh sử dụng các dịch vụ này sẽ được Bảo hiểm xã hội thanh toán.

Điều chỉnh 12 dịch vụ (chủ yếu là các dịch vụ chụp CT, nội soi) theo nguyên tắc không tính chi phí thuốc, vật tư tiêu hao đặc thù trong giá dịch vụ do thuốc và các loại vật tư này có nhiều loại và mỗi người bệnh sử dụng khác nhau. Bảo hiểm xã hội sẽ thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng và giá trúng thầu.

Thứ trưởng Bộ Y tế - ông Phạm Lê Tuấn cho biết thêm: “Thông tư 15/2018/TT-BYT được ban hành sau khi đã được liên Bộ Y tế, Tài chính cùng với Bảo hiểm xã hội Việt Nam rà soát điều chỉnh và thống nhất.

Việc tăng, giảm giá phụ thuộc vào chi phí đầu vào như điện, nước, vật tư, hóa chất... hiện có một số chi phí tăng lên, một số loại lại giảm do đấu thầu.

Do đó, mức giá viện phí được xây dựng từ năm 2012, 2015 theo Thông tư 37 hiện không còn phù hợp.

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục sắp xếp lại 18.000 dịch vụ y tế thành nhóm từ 2.000- 3.000 dịch vụ y tế/nhóm để xây dựng giá cho các dịch vụ này.

Việc điều chỉnh giá lần này sẽ làm giảm chi phí góp phần tăng khả năng cân đối quỹ Bảo hiểm y tế đến năm 2020 trong điều kiện chưa điều chỉnh mức đóng Bảo hiểm y tế.

Trước mắt, Bộ Y tế sẽ có chỉ đạo các bệnh viện tăng cường tiết kiệm chi phí để nâng cao chất lượng dịch vụ đồng thời đối với các chi phí để bảo đảm hoạt động thường xuyên của đơn vị nếu nguồn thu không bảo đảm thì đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành.

Về phía người bệnh, giá dịch vụ giảm nên số tiền chi trả của người bệnh giảm, việc điều chỉnh cũng làm tăng quyền lợi của người có thẻ Bảo hiểm y tế.

Hội nghị triển khai thông tư 15 của Bộ Y tế. ảnh: moh.gov.vn
Hội nghị triển khai thông tư 15 của Bộ Y tế. ảnh: moh.gov.vn

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho rằng: trong bối cảnh các cơ sở y tế đang phải thực hiện lộ trình tự chủ tài chính thì việc điều chỉnh Thông tư 15 này sẽ khiến các cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, khi Chính phủ chưa cho phép thay đổi mệnh giá thu Bảo hiểm y tế đến năm 2020 thì Thông tư 15 sẽ giúp cho Quỹ Khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế bền vững hơn.

Do đó, các bệnh viện cần cân đối, điều tiết làm sao để hài hòa lợi ích giữa các bên bởi nếu Quỹ Khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế không cân đối được thì sẽ có nhiều khó khăn phát sinh hơn trong nội tại các bệnh viện.

Từ ngày 15/7/2018, các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước sẽ chính thức triển khai việc thực hiện Thông tư 15/2018/TT-BYT.

Trúc Diệp