Từ 11h ngày 7/11 vừa qua, giá xăng đã giảm kỷ lục gần 1.000 đồng/lít, đưa giá mặt hàng này xuống chỉ còn 21.390 đồng/lít - thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Đây là lần giảm giá thứ 9 liên tiếp của xăng dầu kể từ đầu tháng 7.
Nhìn lại, từ đầu năm đến nay, giá xăng đã được điều chỉnh tăng 5 lần, giảm 9 lần. Sau 9 lần giảm liên tiếp kể từ cuối tháng 7 đến nay, xăng giảm giá tổng cộng 4.250 đồng. So với cuối năm 2013, mức giá này đang thấp hơn 2.820 đồng.
Đáng nói, mặc dù giá xăng dầu trong tháng 10 quay đầu giảm giá ở mức kỷ lục, nhưng giá một số lĩnh vực dịch vụ và hàng hóa khác vẫn “án binh bất động” như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Thực phẩm tăng giá: Do lòng tham?
Theo khảo sát của PV Báo Giáo dục Việt Nam tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội, giá nhiều loại thực phẩm chưa giảm theo giá xăng, dầu.
Tại chợ Hôm (Hai Bà Trưng), giá thịt lợn vẫn ở mức từ 90.000 - 120.000 đồng/kg, giá thịt bò dao động từ 220.000 - 290.000 đồng/kg; giá thịt gà ta khoảng 180.000 - 190.000 đồng/kg.
Còn tại chợ Cầu Diễn (Bắc Từ Liêm), trứng gà công nghiệp vẫn 25.000 đồng/chục, trứng gà ta 33.000 đồng/chục. Thậm chí một số loại rau, củ còn tăng giá như củ cải tăng từ 7.000 đồng/kg lên 10.000 đồng/kg; rau muống từ 3.000 đồng/mớ lên 4.000 đồng/mớ, khoai tây tăng từ 12.000 đồng – 15.000 đồng/kg…
"Lý do khiến giá nhiều loại thực phẩm vẫn không ngừng leo thang bất chấp giá xăng đang trên đà lao dốc là bởi lòng tham của các thương gia, thương lái". |
Nói về nguyên nhân tăng giá, một số chủ sạp kinh doanh rau tại chợ Cầu Diễn cho biết, mặt hàng rau xanh, từ trước đến nay không phụ thuộc vào giá xăng, dầu mà phụ thuộc vào thời tiết. Khoảng một tuần nay trời âm u, mưa nhiều nên họ phải tăng giá để bù lỗ cho phần rau đã bị hỏng tại ruộng.
Thế nhưng, ông Thân Văn Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam không nghĩ vậy. Theo ông Thanh, giá thành của tất cả các loại hàng hóa đều chịu ảnh hưởng từ cước vận tải trong đó bao gồm cả các loại rau, củ, quả chở từ ngoại thành vào nội thành…
“Tuy nhiên, chỉ có giá vận tải hành khách và cước taxi là gây ảnh hưởng, tác động lớn tới đời sống của người dân còn với vận tải hàng hóa là rau, củ, quả - đó chỉ là những loại vận tải nhỏ lẻ nên theo tôi cũng không gây ảnh hưởng nhiều tới giá thực phẩm tiêu dùng hàng ngày. Lý do khiến giá nhiều loại thực phẩm vẫn không ngừng leo thang bất chấp giá xăng đang trên đà lao dốc là bởi lòng tham của các thương gia, thương lái. Họ cứ lấy cớ là chưa giảm cước vận tải để giữ giá hàng hóa chứ thực ra cước vận tải hàng hóa có thể thay đổi liên tục hàng ngày, giảm luôn theo chuyến mà không cần phải chờ cơ quan chức năng cho phép”, ông Thanh nói.
Giảm cước taxi, vận tải: Hãy đợi đấy!
Là một trong số những hãng taxi lớn nhất ở Việt Nam hiện nay, nhưng Công ty cổ phần taxi Mai Linh vẫn đang án binh bất động trước thông tin xăng giảm giá ở mức kỷ lục.
Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Quốc Phi - Chánh Văn phòng Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Mai Linh cho hay: “Hôm nay (10/11), Hội đồng quản trị của chúng tôi sẽ họp để bàn về việc giảm giá cước taxi của hãng trên cả hệ thống 53 tỉnh, thành. Mức giảm bao nhiêu và giảm như thế nào sẽ được quyết định sau cuộc họp này. Trước đó, sau khi có thông tin xăng giảm giá, chúng tôi cũng đã chuẩn bị một khoản tiền không nhỏ để thuê nhân viên kiểm định đặt lại đồng hồ cho 12.000 xe của hãng. Việc này có thể sẽ kéo dài tới vài ngày”.
Khi được hỏi, sao lúc xăng tăng giá, cước taxi cũng tăng theo rất nhanh, nhưng không có chiều ngược lại, ông Phi cho rằng nói như thế là “nói lấy được” bởi vừa qua xăng tăng giá 6 lần, công ty Mai Linh gần như không tăng giá cước. Đến lần thứ 8 xăng tăng giá, Mai Linh mới tăng giá cước.
Tập đoàn Mai Linh cho hay: “Hôm nay (10/11), Hội đồng quản trị của chúng tôi sẽ họp để bàn về việc giảm giá cước taxi của hãng trên cả hệ thống 53 tỉnh, thành... Ảnh minh họa. |
“Ông xăng dầu rất là vui, mỗi lần tăng, giá xăng dầu tăng từ 1.800 – 2.100 đồng, nhưng khi giảm thì chỉ 200 – 500 đồng. Rõ ràng 5 lần giảm không bằng 1 lần tăng. Nếu đã giảm thì tăng bao nhiêu phải giảm bấy nhiêu cho bõ. Đằng này do muốn lập công với người tiêu dùng nên số lần giảm thì nhiều, nhưng thực chất chẳng đáng là bao”, ông Phi bình luận.
Nói về việc mới chỉ có vài doanh nghiệp taxi giảm giá cước với mức giảm nhỏ giọt, ông Thanh cho biết, ngay từ đầu tuần trước (3/11) khi giá xăng chưa chính thức giảm, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đã nhắc các hiệp hội cơ sở, yêu cầu các doanh nghiệp tính toán, đăng ký với cơ quan nhà nước về giá cước vận tải mới.
Ông Thanh đồng thời khẳng định, các doanh nghiệp vận tải, taxi cũng đã nhận thức được việc phải giảm giá cước khi xăng giảm giá ở mức kỷ lục, nhưng đến nay họ vẫn chưa làm được do vướng nhiều chỗ.
Cụ thể, ông Thanh phân tích, sở dĩ Hiệp hội phải nhắc nhở họ rục rịch làm từ sớm là bởi quy trình của việc thay đổi giá cước hơi dài.
Từ lúc đăng ký thay đổi giá cước tới lúc được sự cho phép của các cơ quan quản lý nhà nước phải mất vài ba ngày. Sau khi trình Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính bảng giá cước mới, nếu được thông qua họ mới bắt đầu áp dụng theo bảng giá mới đó.
Chưa kể doanh nghiệp cũng cần thời gian để tính toán mức tăng – giảm sao cho phù hợp với sự biến động của giá xăng dầu. Theo nguyên tắc, cứ xăng giảm bao nhiêu thì cước vận tải giảm một nửa - 50% tỷ lệ đó. Còn dầu giảm giá bao nhiêu thì cước vận tải giảm 40% của số giảm đó.
Ngoài ra, còn một lý do khác nữa là các doanh nghiệp vận tải khi tăng hay giảm giá cước đều... nhìn nhau nên độ trễ của quá trình này lại bị kéo dài thêm một chút.
Đáng nói, giá xăng đang giảm ở mức kỷ lục, nhưng giá/phí một số đầu vào khác lại tăng, chẳng hạn phí cầu đường tăng vọt, giá các vật tư sửa chữa cũng không giảm…rồi việc hạn chế trọng tải xe cũng đẩy cước vận tải leo thang.
“Tuy vậy, chúng tôi vẫn yêu cầu các doanh nghiệp vận tải phải làm ngay, khẩn trương việc giảm giá cước ngay từ đợt xăng giảm giá trước đợt 7/11”, ông Thanh nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam thẳng thắn nêu quan điểm: “Có một thực tế là nếu xăng tăng giá thì cước vận tải, taxi leo thang rất nhanh, còn khi xăng giảm, họ cứ đủng đỉnh, nghe ngóng. Lịch sử từng chứng kiến nhiều lần xăng tăng hẳn vài nghìn đồng/lít, nhưng khi giảm chỉ nhỏ giọt vài ba trăm đồng – mức quá thấp, quá khó cho doanh nghiệp trong việc tính toán giảm giá cước. Nói cách khác, riêng về giá xăng, cả vài chục lần giảm chưa chắc đã bằng một lần tăng. Điều này tạo tâm lý, tiền lệ xấu cho các doanh nghiệp vận tải, taxi.
Hơn nữa, mức tăng giá xăng thường lớn nên doanh nghiệp tính ngay được mức giá cước tăng thêm là bao nhiêu theo xu thế chung. Như một lẽ tất yếu, cái gì có lợi cho họ, họ tính nhanh lắm, nhanh như chớp!”.
Bình luận về việc nhiều hãng taxi chưa giảm giá cước, ông Thanh cho biết thêm, với các hãng taxi, mỗi lần điều chỉnh giá cước tốn kém vô cùng bởi họ phải mất khá nhiều chi phí cho việc đặt lại đồng hồ. Những doanh nghiệp lớn như Mai Linh hay taxi Group mỗi lần điều chỉnh lại đồng hồ ngốn của họ cả tỷ đồng cho nên họ hết sức thận trọng trước các biến động của giá xăng dầu.
Chưa biết chạy theo giá xăng như thế nào
Không chỉ lo ngại trước cơ chế xăng tăng giá ầm ầm, nhưng giảm lại nhỏ giọt, cả phía doanh nghiệp và Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đều than gặp khó nếu giá xăng biến động theo chu kỳ 10 – 15 ngày/lần.
Doanh nghiệp vận tải và Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đều than gặp khó nếu giá xăng biến động theo chu kỳ 10 – 15 ngày/lần. |
Ông Phi cho rằng, nếu giá xăng biến động nhiều, cứ 15 ngày thay đổi một lần, có thể người tiêu dùng sẽ rất hoan nghênh còn các doanh nghiệp taxi sẽ chịu ảnh hưởng lớn, coi như mất đứt một ngày không kinh doanh, chưa kể phải tốn nhiều tiền thuê kiểm định phá kẹp chì đồng hồ.
“Mặt hàng xăng là đầu vào lớn và quan trọng nhất của taxi. Với các doanh nghiệp có 100 – 200 xe, họ ít chịu ảnh hưởng, còn với doanh nghiệp quản lý 12.000 xe như Mai Linh, việc tổ chức để thay đổi giá cước/mỗi xe rất khó khăn, khốn khổ. Vì vậy, theo tôi, tốt nhất giá xăng nên giữ ở mức ổn định”, ông Phi kiến nghị.
Đồng quan điểm với Chánh Văn phòng Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Mai Linh, ông Thanh nói: “Chúng tôi đề nghị riêng với xăng dầu thì tăng và giảm giá phải có mức độ thích hợp, không thể tăng 1.500 đồng mà giảm chỉ 200 – 300 đồng được bởi như thế sẽ tạo ra dư luận xã hội không tốt. Giảm ít như thế không có ý nghĩa gì cả, chỉ để…lấy tiếng thôi.
Tới đây cứ 10 – 15 ngày họ lại thay đổi giá xăng dầu một lần sẽ rất khó cho ngành vận tải. Chúng tôi đang nghiên cứu, chưa tìm ra cách hướng dẫn các doanh nghiệp vận tải thay đổi giá cước sao cho phù hợp với các biến động từ giá xăng dầu trong thời gian tới”.