Thông tin này được đưa ra tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, chiều 15/1, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Theo đó, Hệ thống quản lý thông tin về dịch COVID-19 và thông tin về những người nhập cảnh (Hệ thống) sẽ ghi nhận thông tin ngay khi công dân, chuyên gia đăng ký với cơ quan ngoại giao Việt Nam và Hàng không để về nước. Tất cả trường hợp này phải khai báo y tế bắt buộc, trong đó phải nêu rõ sau khi cách ly về sẽ ở đâu.
Từ đó, lực lượng phòng chống dịch bệnh trong nước sẽ chủ động chuẩn bị phương án đón-đưa người nhập cảnh đến khu cách ly tập trung và sau khi hoàn thành cách ly phải có bàn giao chi tiết giữa cơ quan y tế nơi tổ chức cách ly với địa phương đón người về.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu không để lọt thêm bất kỳ một trường hợp nhiễm bệnh nào trong thời gian cách ly, giám sát y tế như từng xảy ra. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Công tác phòng chống dịch được giữ vững
Theo báo cáo của Bộ Y tế, đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến căng thẳng trên thế giới. Riêng 2 tuần đầu của tháng 1/2021, thế giới ghi nhận 9,7 triệu ca mắc mới (chiếm 10.5% tổng số mắc từ đầu vụ dịch) và 174.000 ca tử vong (chiếm 8.8%).
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Anh hồi giữa tháng 12/2020, đến nay đã lây lan ra 50 nước và vùng lãnh thổ.
Biến thể tương tự được phát hiện tại Nam Phi cũng đã xuất hiện tại 20 nước và vùng lãnh thổ. Cả hai biến thể này được xác định có khả năng lây nhiễm cao.
Riêng trong ngày 13/1, ba quốc gia Philippines, Sri Lanka và Hungary đều phát hiện các ca nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 xuất hiện tại Anh.
Tại Đông Nam Á, toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 869.600 trường hợp mắc (25.246 trường hợp tử vong).
Tiếp theo là Philippines với tổng số 494.605 ca nhiễm (9.739 trường hợp tử vong); đã ra thông báo cấm nhập cảnh lên tới 33 quốc gia.
Malaysia đã vượt qua Myanmar về số ca nhiễm COVID-19, trở thành vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 563 ca tử vong và 144.518 ca mắc...
Vừa qua, nhiều nước trên thế giới đón Giáng sinh và năm mới, tâm lý chủ quan khi có vaccine, xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã khiến số ca mắc, đặc biệt số ca tử vong những ngày qua tăng cao.
Tại Việt Nam, đây là thời điểm gần tới Tết Nguyên đán và sự kiện quan trọng của đất nước là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13.
Vì vậy, từ rất nhiều tháng qua, Ban Chỉ đạo đã nhiều lần nhấn mạnh nhiệm vụ giữ an toàn chống dịch nói chung và đặc biệt trong thời kỳ cao điểm hiện nay.
Ban Chỉ đạo nhận định dù vẫn có lúc, có nơi lơi lỏng nhưng đã được xử lý ngay lập tức và được rút kinh nghiệm để siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Ngày 15/1 là ngày thứ 45 liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng, tuy vậy, hằng ngày vẫn tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc mới nhập cảnh và được cách ly ngay lập tức.
Với các chuyến bay từ nước ngoài về, Ban Chỉ đạo nêu rõ từ trước đến nay chúng ta mới bàn để xây dựng lộ trình nối lại các chuyến bay thương mại, nhưng trong thực tế, chưa tổ chức các chuyến bay thương mại đón khách như bình thường.
Chúng ta mới chỉ có những chuyến bay giải cứu, đưa người Việt Nam và kết hợp chuyên gia nước ngoài vào. Tất cả các trường hợp này đều phải cách ly và hầu như không tạo ra những ổ dịch lớn trong cộng đồng.
Ban Chỉ đạo thống nhất cho rằng trước sự xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2, chủ trương chung là hạn chế tối đa chuyến bay từ nước ngoài về.
Với các chuyến bay giải cứu, công dân, chuyên gia vào Việt Nam phải được cách ly tập trung và đặc biệt là quản lý sau thời gian cách ly nghiêm ngặt, với tinh thần cảnh giác cao nhất khi chưa có những nghiên cứu và kết luận cụ thể về biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Người nhập cảnh từ các vùng đã xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 sẽ phải kéo dài thời gian cách ly tập trung. Những trường hợp trước đây có quy định có thể cách ly dưới 14 ngày thì hiện nay phải cách ly tối thiểu 14 ngày.
Các lực lượng y tế và quân đội sẽ xem xét cụ thể những trường hợp người ở nước ngoài về và có thể quyết định cách ly trên 14 ngày.
Thực tế vừa qua, đã có những trường hợp sau 14 ngày cách ly vẫn xác định ca dương tính với virus SARS-CoV-2.
Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu Bộ Y tế cùng với các bộ ngành rà soát lại tất cả các cơ chế thông tin điều hành, bảo đảm có các chỉ đạo, ứng phó tức thời với diễn biến dịch bệnh. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Kiên quyết không để lọt trường hợp nhiễm bệnh
Ban Chỉ đạo hoan nghênh Bộ Y tế, Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Thông tin và Truyền thông… đã hoàn thiện và cập nhật hệ thống quản lý thông tin về dịch COVID-19 và thông tin về những người nhập cảnh.
Hệ thống sẽ ghi nhận thông tin ngay khi công dân, chuyên gia đăng ký với cơ quan ngoại giao Việt Nam và Hàng không để về nước. Tất cả trường hợp này phải khai báo y tế bắt buộc, trong đó phải nêu rõ sau khi cách ly về sẽ ở đâu.
Từ đó, lực lượng phòng chống dịch bệnh trong nước sẽ chủ động chuẩn bị phương án đón-đưa người nhập cảnh đến khu cách ly tập trung và sau khi hoàn thành cách ly phải có bàn giao chi tiết giữa cơ quan y tế nơi tổ chức cách ly với địa phương đón người về.
“Hệ thống thông tin đã hoàn thiện và trở thành một vòng giám sát y tế khép kín. Tôi đề nghị phải tập huấn kỹ, không để lọt thêm bất kỳ một trường hợp nhiễm bệnh nào như từng xảy ra. Đồng thời, dứt khoát không để xảy ra tình trạng người nhập cảnh về đến sân bay mới phát hiện chưa khai báo y tế, gây ùn tắc tại sân bay”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu.
Đối với vấn đề nhập cảnh qua đường bộ, Ban Chỉ đạo đề nghị các trường hợp nhập cảnh hợp pháp vẫn phải tuân thủ cách ly tập trung và ngăn chặn triệt để nhập cảnh bất hợp pháp. Trong mọi trường hợp, người Việt Nam nhập cảnh qua đường bộ và được cách ly tập trung tại các cơ sở do quân đội quản lý thì không phải đóng phí.
Để ngăn chặn triệt để nhập cảnh bất hợp pháp bằng đường bộ, gần đây xuất hiện nguy cơ từ đường biển, đường thuỷ, Ban Chỉ đạo cho rằng ngoài việc tăng cường lực lượng biên phòng, cảnh sát biển, công an… thì chính quyền cơ sở cần tích cực tuyên truyền, vận động để những gia đình có người thân ở nước ngoài nếu buộc phải về nước thì phải động viên những người này thực hiện khai báo y tế đầy đủ và chấp hành cách ly.
Trường hợp, người dân phát hiện người lạ hay người có biểu hiện từ nước ngoài về cần báo ngay cho chính quyền địa phương.
Đặc biệt, chúng ta cần tuyên truyền cho bà con ngư dân để khi phát hiện trường hợp chở người ở nước ngoài về hay có người đi nhờ thuyền về thì lập tức thực hiện biện pháp phòng, chống dịch và thông tin ngay cho lực lượng biên phòng, chính quyền địa phương từ trên thuyền.
“Đây là trách nhiệm phòng chống dịch cho toàn cộng đồng. Nếu cá nhân nào lơ là thì vô hình trung sẽ tiếp tay cho việc nhập cảnh trái phép và có thể gieo rắc mầm bệnh trong cộng đồng. Tôi đề nghị chúng ta phải làm rất chặt”, Phó Thủ tướng nói.
Tiếp tục làm tốt các việc đã triển khai
Theo Ban Chỉ đạo, đến nay các bộ ngành, địa phương đã triển khai những biện pháp phòng chống dịch có tính chất dài hơi hơn trong cộng đồng như chiến dịch 5K của Bộ Y tế; từng bước ra hướng dẫn, tuyên truyền, vận động cơ sở y tế, trường học, phương tiện giao thông, chợ, siêu thị, cơ sở sản xuất… thực hiện phòng chống dịch, cập nhật thông tin lên bản đồ chống dịch (antoancovid.vn).
Mọi cơ sở kinh doanh, mọi thành phần trong xã hội phải được phổ biến, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Bởi thực tế, dù đã có vaccine nhưng sẽ phải nhiều tháng nữa người dân mới có thể tiếp cận rộng rãi vaccine. Do vậy, biện pháp phòng chống dịch tốt nhất lúc này là tiếp tục làm tốt các việc đã triển khai.
Cùng với việc phòng chống dịch, bảo đảm an toàn cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, Ban Chỉ đạo cũng nhấn mạnh phải tăng cường biện pháp chống dịch ở bên ngoài trong thời gian diễn ra Đại hội và nhất là vào dịp giáp Tết Nguyên đán.
Ban Chỉ đạo đã có văn bản gửi tất cả các bộ ngành, các tỉnh và các Ban Chỉ đạo địa phương… đề nghị trong thời gian này, các cấp uỷ đảng, chính quyền tăng cường tất cả các biện pháp chống dịch mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế đã có hướng dẫn.
Các địa phương phải rà soát lại toàn bộ các phương án và kịch bản phòng chống dịch, phải phân công, cử những người ứng trực chống dịch trong thời gian diễn ra Đại hội.
Đặc biệt là cơ chế thông tin, báo cáo về tình hình phòng, chống dịch tại địa phương trong thời gian diễn ra đại hội. Chúng ta phải bảo đảm an toàn phòng chống dịch không chỉ trong Đại hội mà còn trên toàn quốc.
Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu Bộ Y tế cùng với các bộ ngành rà soát lại tất cả các cơ chế thông tin điều hành, bảo đảm có các chỉ đạo, ứng phó tức thời với diễn biến dịch bệnh.