Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Đếm số lượng bài báo quốc tế thưởng tiền là một sai lầm

07/11/2023 06:46
Tuệ Nhi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu chi thưởng chỉ dựa trên số bài báo khoa học là một cách khuyến khích nghiên cứu kiểu mì ăn liền và chạy theo lượng, bỏ qua chất.

Ngày 6/11, Hội đồng Giáo sư nhà nước đã công bố danh sách ứng viên được công nhận đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2023. Đây là kết quả xét tại Phiên họp lần thứ XII của Hội đồng Giáo sư nhà nước nhiệm kỳ 2018-2023, ngày 4-5/11/2023.

Theo đó, có 589 ứng viên từ 26/28 Hội đồng đủ điều kiện đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư. Danh sách này chưa tính ứng viên từ Hội đồng giáo sư ngành khoa học an ninh và Hội đồng giáo sư ngành khoa học quân sự.

Năm nay, một số công bố quốc tế của ứng viên xét chức danh giáo sư, phó giáo sư bị “tố” không minh bạch khiến dư luận xôn xao bàn tán. Vấn đề tranh cãi xung quanh chất lượng các bài báo quốc tế và câu chuyện nhà khoa học bán bài báo quốc tế cho các đơn vị trường đại học khác đang trở thành đề tài được nhiều người quan tâm. Rõ ràng, đã đến lúc cần nghiên cứu và có những quy định, hướng dẫn để các bài báo quốc tế phát huy được giá trị khoa học thực sự của nó.

Liên quan đến vấn đề bài báo quốc tế, phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với giáo sư Nguyễn Văn Tuấn. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn hiện là Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế, Đại học Công nghệ Sydney, Australia; Giáo sư Y khoa (kiêm nhiệm) Đại học New South Wales; đồng thời là Giám đốc Viện Nghiên cứu Tâm Anh.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Khoảng 10 năm trước, tôi đã có cảnh báo về tình trạng có nhiều nhà khoa học công bố trên các tập san dỏm (còn gọi là predatory journal).

Có nhiều người do chưa am hiểu về công bố khoa học nên họ chọn tập san dỏm. Nhưng cũng có không ít người do áp lực công bố để được đề bạt nên họ nhắm mắt chọn tập san kém chất lượng và dĩ nhiên họ biết đó là tập san dỏm. Công bố trên tập san dỏm ngày nay được xem là một vi phạm đạo đức khoa học.

Tuy nhiên, khi một vấn đề xảy ra, chúng ta không nên chỉ nhắm tới cá nhân sai phạm, mà phải xem xét đến cả hệ thống. Chúng ta nên xem lại những quy định về đề bạt chức danh khoa học có những sai lầm nào và quy trình đã chuẩn mực hay chưa".

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nên bỏ cách làm đếm số bài báo để công nhận chức danh

Theo ông Tuấn những vấn đề liên quan đến việc bài báo quốc tế trong xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư cần được xem xét một cách nghiêm túc ở các khía cạnh sau đây.

Thứ nhất, phải xác định rõ các loại tập san được công nhận và không được công nhận. Chúng ta không nên áp đặt, lấy danh sách Q1 - Q4 làm chuẩn, mà nên có sự phân biệt giữa tập san chính thống và phi chính thống.

Thứ hai, phải xác định chỉ có bài báo nguyên gốc (original contribution) mới được công nhận đủ tiêu chuẩn; không nên tính các bài như tổng quan, phân tích tổng hợp, bình luận hay xã luận.

Thứ ba, bỏ cách làm đếm bài báo để công nhận chức danh. Hiện nay, Hội đồng Giáo sư Nhà nước quy định 3 bài cho ứng viên phó giáo sư và 5 bài cho ứng viên giáo sư. Những con số này không nói lên điều gì cả, nhưng lại là cái đích ảo để các ứng viên chạy theo và đối phó.

"Thật vô lý nếu một ứng viên có 5 bài làng nhàng hay tổng quan trên các tập san loại “dỏm” cao hơn một ứng viên có 3 bài báo nguyên thuỷ trên các tập san chính thống có uy tín cao.

Đồng thời, chất lượng của ứng viên cũng thể hiện qua nhiều tín hiệu, kể cả uy tín của tập san, số lần trích dẫn, số lần được tạp chí hay báo chí phổ thông đề cập đến, tác động đến khoa học, chính sách công, xã hội", Giáo sư Tuấn nêu quan điểm.

Thứ tư, phải xem xét ứng viên đóng vai trò gì trong bài báo. Có nhiều loại tác giả bài báo như tác giả chính, tác giả danh dự, đồng tác giả… Giáo sư Tuấn đề nghị nên thẩm định vai trò của ứng viên là tác giả chính của bài báo hay tác giả chịu trách nhiệm với công chúng về bài báo.

Thứ năm, phải có sự ghi nhận đúng đắn về chất lượng nghiên cứu chứ không thể đánh đồng các công bố khoa học đều như nhau. Cách tốt nhất để đánh giá chất lượng nghiên cứu là đọc bài báo và chỉ có người trong chuyên ngành mới đánh giá đúng. Nhưng một cách gián tiếp khác là đánh giá qua tập san mà bài báo được công bố.

Vị giáo sư đưa ra ví dụ, bài đăng trên một tập san uy tín như The Lancet, JAMA, Nature Medicine không thể nào có cùng giá trị với một bài trên một tập san địa phương.

Theo ông Tuấn, điều ưu tiên số 1 hiện nay là phải có chính sách về việc chọn tập san công bố, đề ra những quy ước về đạo đức công bố khoa học cho tất cả các sinh viên, nghiên cứu sinh, nhà nghiên cứu, đến cấp cao nhất là giáo sư. Chúng ta nên tham khảo các chương trình huấn luyện ở nước ngoài để phát triển những khóa học về đạo đức công bố khoa học.

Công bố khoa học đã trở thành một thị trường béo bở cho không ít đầu nậu

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cũng thừa nhận một thực trạng đáng buồn là mua bài báo quốc tế để công nhận chức danh đã tồn tại từ lâu.

Ông Tuấn dẫn chứng: “Ở Trung Quốc có hẳn những công ty chuyên làm phân tích tổng hợp và bán những bài báo loại đó cho khách hàng có nhu cầu với nhiều mức giá khác nhau. Ở Trung Đông còn có những liên minh chuyên sản xuất ra những bài báo chất lượng thấp và bán cho các nhà khoa học của các nước khác, kể cả Việt Nam. Nói chung, công bố khoa học ngày nay đã trở thành một thị trường béo bở cho những tay đầu nậu làm tiền từ những nhà khoa học ngây thơ”.

Theo Giáo sư Tuấn, sở dĩ công bố khoa học khó khăn vì quy trình bình duyệt thường mất nhiều thời gian.

Đầu tiên, tác giả sẽ gửi một bản tóm tắt, lý giải ngắn cho ban biên tập với ý định công bố kết quả nghiên cứu. Khi bản thảo được nộp lên, tổng biên tập sẽ chọn một phó tổng biên tập chuyên trách. Đa số bài báo sẽ bị từ chối ở bước này nếu người phụ trách thấy không phù hợp.

Nhưng nếu nội dung phù hợp, bản thảo đầy đủ sẽ tiếp tục được gửi cho 3 chuyên gia bình duyệt. Ba chuyên gia này thường mất 2-4 tuần để nhận xét bản thảo.

Sau khi đã nhận được báo cáo bình duyệt của chuyên gia, ban biên tập có thể quyết định từ chối bài báo hay không. Tập san càng danh giá thì tỉ lệ từ chối càng cao (hơn 90%). Tập san kém danh giá thì tỉ lệ từ chối trong khoảng 20-30%. Tập san “dỏm” thì không từ chối bài nào.

Thông thường, một bản thảo bài báo khoa học sẽ phải trải qua bình duyệt 6 tháng trước khi được công bố.

Thời gian từ lúc nộp bản thảo đến lúc công bố bài báo, nếu tất cả đều thuận lợi, thường mất từ 6-12 tháng, nhưng cũng có khi 24 tháng. Các tập san dỏm công bố bất cứ bài báo nào dù nội dung không phù hợp và thời gian từ lúc nộp đến lúc công bố thường chỉ 1-4 tuần. Bởi thế, bất cứ tập san nào mà chấp nhận bản thảo chỉ sau một tuần hay một tháng nộp thì rất đáng ngờ.

Theo Giáo sư Tuấn, một số nhà khoa học hiện nay đang nhầm lẫn giữa thể loại tập san và mô thức công bố.

Theo đó, các tập san khoa học có thể chia thành 2 thể loại chính thống và phi chính thống, “săn mồi”. Tập san chính thống (không phải tất cả) thường có cơ quan chủ quản là hiệp hội khoa học. Tập san dỏm thì không có cơ quan chủ quản mà chỉ là hoạt động thương mại thuần túy.

Mô thức công bố có thể là truyền thống hay mở (Open Access). Mô thức truyền thống có nghĩa là tác giả phải trả ấn phí thấp hay không có ấn phí, nhưng độc giả phải trả tiền để đọc. Mô thức mở có nghĩa là tác giả phải trả ấn phí cao nhưng độc giả thì không cần trả tiền để đọc.

"Chẳng hiểu từ đâu mà có quan điểm cho rằng các bài báo công bố trên các tập san mở là kém chất lượng, dỏm. Quan điểm này sai lầm nghiêm trọng.

Có rất nhiều tập san chính thống công bố bài báo khoa học theo mô thức mở. Các tập san uy tín như Nature, The Lancet, New England Journal of Medicine... đều cho phép tác giả chọn mô thức công bố truyền thống hay mở. Chúng ta không thể nói các tập san đó là ‘chất lượng thấp’ được.

Cần nói thêm rằng các cơ quan tài trợ khoa học và đại học ngày nay đều yêu cầu nhà khoa học phải công bố theo mô thức mở. Vì đó là nghĩa vụ của họ phải báo cho công chúng biết họ đã làm nghiên cứu như thế nào và làm gì. Khi công bố theo mô thức mở thì ai cũng đọc được mà không phải trả phí. Còn công bố theo mô thức truyền thống thì công chúng không đọc được nếu không trả phí.

Tuy nhiên, tất cả các tập san dỏm đều công bố bài báo theo mô thức mở. Đây có thể là lí do làm cho người ta nghĩ rằng hễ tập san mở là dỏm. Nhưng suy nghĩ đó là sai", ông Tuấn cho biết.

Đếm bài báo quốc tế thưởng tiền là một sai lầm

Trao đổi thêm với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về bài báo quốc tế, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn nhận định việc đếm bài báo thưởng tiền là một sai lầm.

Ông Tuấn kết luận: “Thưởng về bản chất là dựa trên tầm ảnh hưởng và chất lượng chứ không dựa trên số lượng. Ngày xưa, ở viện nghiên cứu nơi tôi công tác có chủ trương thưởng cho những bài báo có chỉ số ảnh hưởng trên 10. Chủ trương này cũng được áp dụng ở các đại học ở Trung Quốc như là một cách để khuyến khích nâng cao chất lượng nghiên cứu.

Còn thưởng chỉ dựa trên số lượng thì rất sai lầm, bởi số lượng không nói gì về chất lượng”.

Theo đó, có những người công bố hàng trăm, thậm chí hàng nghìn bài báo khoa học nhưng những bài báo đó không có tác động gì cả. Theo Giáo sư Tuấn, những bài báo không gây tác động với xã hội vì đó là những bài báo đó có phẩm chất khoa học quá thấp. Vì chất lượng thấp nên những bài báo đó chỉ được công bố trên những tập san dỏm.

Do đó, nếu chi thưởng chỉ dựa trên số bài báo khoa học là một cách khuyến khích nghiên cứu kiểu mì ăn liền và chạy theo lượng, bỏ qua chất.

Tuệ Nhi