GS. Nguyễn Minh Thuyết:“ Xin được việc tốt không mất tiền mới là chuyện lạ”

19/05/2015 05:43
QUỐC TOẢN (ghi)
(GDVN) -Giáo sư Nguyễn Minh thuyết cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nhiều cử nhân tốt nghiệp thất nghiệp, trong đó có bất cập về tuyển dụng nguồn nhân lực.

LTS: Tại phiên giải trình của Chính phủ hồi cuối tháng 4/2014 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận thông báo, số lao động trình độ Đại học, Cao đẳng thất nghiệp năm 2014 so với 2010 tăng 103%.

Để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, biện pháp khắc phục, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Phải có tiền mới xin được việc?

PV: Năm 2014, số lao động có trình độ Đại học, Cao đẳng thất nghiệp tăng gấp đôi so với năm 2010, và đặc biệt chiều hướng này không hề có dấu hiệu giảm trong thời gian tới. Theo Giáo sư, đâu là nguyên nhân sự việc?

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Con số cử nhân thất nghiệp tăng cao, là do sự phát triển ồ ạt của các trường Đại học, Cao đẳng trên phạm vi cả nước trong những năm qua.

Năm 2005-2010, là giai đoạn phát triển ồ ạt nhất. Theo

Theo thống kê mới nhất từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến hết quý 1/2014, cả nước có hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 145,8 nghìn người so với quý 4/2013. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị là 3,72%, cao gấp 2,4 lần nông thôn. Đáng chú ý, nhóm lao động trình độ cao tiếp tục khó khăn khi tìm việc làm, có hơn 160.000 người có trình độ từ đại học trở lên bị thất nghiệp; hơn 79.000 người có trình độ cao đẳng bị thất nghiệp... 

ước tính, trung bình nửa tháng thì ra đời 1 trường. Thực tế có những trường vừa lên Cao đẳng (từ trường Trung cấp lên) được một thời gian ngắn đã được chuyển đổi trở thành trường Đại học.

Do vậy, Có thể chỉ tiêu tuyển sinh tại một số cơ sở đào tạo giảm xuống, nhưng tổng chỉ tiêu tuyển sinh của toàn ngành giáo dục sẽ tăng.

Điều này dẫn đến việc, số lượng cử nhân tốt nghiệp quá lớn, trong khi nền kinh tế không thể đáp ứng được hết nhu cầu công việc, khiến số lượng sinh viên thất nghiệp tăng lên.

Ví dụ, năm 2004, toàn ngành giáo dục tuyển sinh đầu vào khoảng 200 nghìn chỉ tiêu Đại học, Cao đẳng. Trong khi đó, nhu cầu thực tiễn của nền kinh tế chỉ đáp ứng được khoảng 15.000 nghìn cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp.

Về nhu cầu nhân lực, cả nước lúc đó có khoảng 100 khu công nghiệp, khu chế xuất, thu hút được tối đa 500 nghìn lao động, trong đó chỉ cần từ 5 - 7% cán bộ trình độ Đại học 8% cán bộ trình độ Cao đẳng, 60% công nhân kỹ thuật. Còn lại là lao động phổ thông.

Giả sử mỗi năm có thêm 10 khu công nghiệp, khu chế xuất và có 10% cán bộ trình độ Đại học, Cao đẳng về hưu cần được thay thế thì chỉ cần đào tạo thêm theo cấp số cộng mỗi năm khoảng 13 - 15 nghìn cán bộ là đủ.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết (ảnh: Nguoiduatin)
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết (ảnh: Nguoiduatin)

Ngay từ cuối năm 2004, tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XI, tôi đã báo cáo với Quốc hội nguy cơ lãng phí và thất nghiệp nếu phát triển quy mô đào tạo Đại học không hợp lý. Nhưng rất đáng tiếc là chẳng ai nghe.

Cũng cần phải nói thêm rằng, cách tuyển dụng nhân lực ở nước ta hiện nay đang có vấn đề. Cơ quan nào cũng muốn có bằng đẹp mới lọt cửa, trong chất lượng của tấm bằng ấy lại ít được quan tâm.

Mặt khác, cử nhân tốt nghiệp muốn xin được việc làm tốt mà không mất tiền là chuyện lạ. Như vậy, con nhà nghèo lấy tiền đâu mà xin việc? Thế mới có chuyện thạc sĩ đi bán sim, cử nhân đi bán trà đá…

PV: Như vậy, việc ồ ạt mở trường, tăng chỉ tiêu tuyển sinh toàn ngành phản ánh thực tế gì, thưa Giáo sư?

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Sự phát triển ồ ạt của các trường Đại học, Cao đẳng trên phạm vi toàn quốc trong những năm qua, phần nào thể hiện bệnh thành tích trong giáo dục.

Theo đó, muốn cải thiện chỉ số HDI về phát triển con người trên bảng xếp hạng toàn cầu, cần đáp ứng điều kiện về giáo dục.

Mặt khác, việc mở rộng quy mô đào tạo không nằm ngoài những vấn đề về lợi ích kinh tế.

 Chỉ số phát triển con người (HDI) là một trong những chỉ tiêu kinh tế- xã hội tổng hợp, được dùng làm căn cứ để đánh giá, so sánh trình độ phát triển của các quốc gia. HDI được đánh giá qua 3 tiêu chí: Sức khỏe (đo bằng tuổi thọ trung bình); tri thức (đo bằng tỉ lệ số người lớn biết chữ và tỉ lệ nhập học các cấp giáo dục) và thu nhập (mức sống đo bằng GDP bình quân đầu người).

Ví dụ, một trường tuyển đủ 2000 chỉ tiêu/năm, với mức học phí 1 tháng 500 nghìn/em. Như vậy tính ra một năm, số tiền trường thu về lên tới cả chục tỉ đồng. Doanh thu lớn như vậy, mất gì mà không xin mở trường.

Điều này làm phát sinh một thực tế, có những trường đi thuê giáo viên, thuê cơ sở vật chất, có khi thuê cả ban giám hiệu, nhưng vẫn được cấp phép hoạt động. Do vậy, việc ồ ạt mở trường không tránh khỏi tiêu cực (cơ chế xin, cho - PV).

Ngành giáo dục được “chiều chuộng”?

PV: Theo Giáo sư, đâu là trách nhiệm của ngành giáo dục khi số lượng cử nhân ra trường thất nghiệp tăng gấp đôi trong vòng 4 năm (2010 - 2014)?

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Đó là việc đề xuất quy hoạch, phê duyệt quy hoạch mạng lưới các trường Đại học, Cao đẳng, kéo theo sự phát triển ồ ạt về mặt quy mô, số lượng các trường.

Theo khảo sát, một trong những nguyên nhân khiến nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm là do nhiều cơ sở đào tạo chưa đảm bảo về điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo.

Ảnh minh họa (nguồn:internet)
Ảnh minh họa (nguồn:internet)

Cụ thể, thông qua rà soát phát hiện ra số trường Đại học (chủ yếu là trường Đại học địa phương và tư thục) có đội ngũ giảng viên thiếu về số lượng, chưa đảm bảo về chất lượng, không tương xứng với quy mô đào tạo; điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn, trang thiết bị lạc hậu, uy tín và chất lượng đào tạo thấp, khả năng cạnh tranh thấp…

Như vậy, tại sao khi phát hiện ra hạn chế, tiêu cực nói trên, nhưng phía đơn vị quản lý vẫn cho phép mở trường, đào tạo, đào tạo không gắn với thực tế...?

Vấn đề này Bộ GD&ĐT phải chịu trách nhiệm.

PV: Vậy, đâu là những giải pháp hạn chế tình trạng cử nhân thất nghiệp sau khi ra trường, thưa Giáo sư?

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Việc hàng trăm nghìn cử nhân thất nghiệp nếu không được giải quyết được việc làm sẽ trở thành gánh nặng lớn cho xã hội.

Do vậy, trong chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, phải gắn việc đào tạo với nhu cầu thực tế của nền kinh tế.

Ngành giáo dục cần phải xem xét lại quy mô, chất lượng đào tạo hiện nay. Theo đó, các trường phải cải thiện điều kiện đào tạo, đổi mới nội dung và phương thức đào tạo, để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng tốt hơn.

Cụ thể, cần thực hiện các giải pháp hạn chế tuyển sinh ở những ngành nghề ít có nhu cầu. Việc tuyển sinh cũng phải thực hiện chặt chẽ hơn về chất lượng đầu vào...

Song song đó, thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng vĩ mô, nhằm tạo ra thêm việc làm. Có như vậy mới đảm bảo việc làm cho số cử nhân tốt nghiệp.

Thực hiện đổi mới về chính sách nguồn nhân lực. Chú trọng vấn đề công khai minh bạch trong tuyển dụng.  Loại bỏ việc tuyển dụng dựa vào quan hệ, tiền bạc.

Nếu chính sách tuyển dụng còn biểu hiện nhiều méo mó, tiêu cực như hiện nay, nó sẽ trở thành rào cản rất lớn đối với sự phát triển của xã hội nói chung.

Mặt khác, bản thân cử nhân ra trường cần phải thật sự năng động, tự thân sáng nghiệp thay bằng việc thụ động mang đơn đi xin việc. Tất nhiên, việc lập nghiệp bước  đầu không thể tránh khỏi khó khăn và có thể chịu thất bại.

QUỐC TOẢN (ghi)