LTS: Đánh giá, nhận xét học bạ, sổ theo dõi, phiếu liên lạc, bài làm… của học sinh là hoạt động quen thuộc, thường xuyên của người thầy, cô giáo ở nhà trường phổ thông.
Lâu nay, các nhà trường, Ban giám hiệu rất chú trọng, hay nhắc nhở các thầy cô cần thận trọng, nghiêm túc, chuẩn xác trong lời phê của mình vào sổ học bạ, sổ theo dõi, phiếu liên lạc, bài làm… của học sinh.
Liên quan đến vấn đề này, Tòa soạn trân trọng gửi đến quý độc giả bài viết của thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc. Câu chuyện, cũng nói lên một góc nhìn khác về Thông tư 30.
Phải nói ngay rằng, đa phần thầy, cô giáo, có ý thức nghề nghiệp cao, thể hiện khá tốt công đoạn này. Họ dành thời gian cả ngày, tỉ mỉ, chỉnh chu từng câu chữ, lời lẽ khi ghi học bạ, sổ theo dõi.
Họ dùng những lời nhận xét phù hợp, thỏa đáng nhất, làm nổi bật ưu điểm, nhược điểm trong bài văn của các em. Nhiều học sinh, thế hệ chúng tôi từng ấn tượng, nhớ mãi những lời phê “ thuyết phục” của người thầy, người cô từng chỉ dạy mình.
Những lời phê gây “ sốc”
Tuy vậy, hiện nay, vẫn có không ít thầy cô giáo, nhất là các giáo viên trẻ, còn giản đơn, cẩu thả, thiếu thận trọng trong đánh giá, nhận xét học bạ, phiếu liên lạc, bài làm học sinh, gây nên những phản ứng thiếu thiện cảm từ phía các em, phụ huynh.
Gần đây, trên trang phununews.vn của Hội luật gia Việt Nam có dẫn ví dụ một cô giáo chủ nhiệm ở một Trường THPT thuộc TP Biên Hòa ( Đồng Nai) có lời phê “ lạ lùng”: “Học được. Nghỉ học nhiều do đang điều trị bệnh thần kinh. Cần tránh lối sống thực dụng và thiếu tinh thần tôn sư trọng đạo” trong học bạ em H., lớp 12A7 khiến bản thân em, gia đình và dư luận rất bất bình.
Lời phê của giáo viên khiến học sinh, gia đình và dư luận bất bình. |
Người viết bài này, từng gặp nhiều sổ học bạ của học sinh có nội dung lời phê ngắn ngủi, thành công thức, khuôn mẫu: hạnh kiểm khá, học lực trung bình; hạnh kiểm tốt, học lực khá…Ở trên đã có ô ghi chốt về kết quả 2 mặt giáo dục rồi thì dưới này phê lặp lại như công thức…vừa thừa vừa chẳng có ý nghĩa gì cả.
Người phê đúng là thâu tóm, khái quát được những điểm riêng, nổi bật về hạnh kiểm và học tập, ghi nhận sự tiến bộ… của từng em trong cả năm học.
Để giảm tải khối lượng công việc “chất như núi” khi bỏ chấm điểm ở cấp tiểu học, các giáo viên đã đưa ra rất nhiều sáng kiến, trong đó có việc sử dụng những con dấu gỗ để đóng nhận xét vào bài làm của học sinh.
Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng việc sử dụng con dấu sẽ “lợi bất cập hại”. Theo ông, những “lời khen gỗ” rất chung chung, vô hồn. “Con dấu gỗ không thể thay thế lời phê.
Nhà giáo phải dành cả trí tuệ, tình cảm của mình vào từng lời phê thì lời phê ấy mới có tác dụng giáo dục, động viên học sinh”. Chúng tôi đồng tình với nhận xét trên của Giáo sư Thuyết.
Thời gian qua, trên một số báo như VTC, Đời sống pháp luật...về một số lời phê, lời nhận xét lạ lùng, gây “ sốc” có một không hai của các thầy, cô giáo trên bài kiểm tra của học sinh. Xin dẫn ra đây: “Em học quá giỏi, có tố chất bá đạo của học sinh”(của một giáo viên tiếng Anh);
“Em là nỗi nhục của Bộ Giáo dục” (của một giáo viên Địa lý); “Trình bày bẩn, cẩu thả. Xem lại ý thức học ngay nếu thực sự muốn làm con rể cô” ( của một nữ giáo viên Lịch sử); “Em vẫn duy trì phong độ không học bài”, “Lười học văn, khó thành người tử tế.”( của một giáo viên môn văn).
Lời phê “thuyết phục”…sống mãi trong học trò
Chưa đề cập đến về nội dung, ý nghĩa gửi gắm thật sự đằng sau những lời nhận xét trên, song rõ ràng cách sử dụng từ ngữ của giáo viên trong những trường hợp trên là có “vấn đề, không phù hợp với văn phong của môi trường sư phạm, vốn chuẩn mực và khoa học.
Nhận xét, ghi lời phê cần hướng tới mục tiêu là giúp cho học sinh hoàn thiện, tốt hơn. Ảnh minh họa, nguồn tccl.info |
Hơn nữa, một số lời phê có thể khiến người nhận cảm thấy bị xúc phạm, tổn thương. Những hạn chế, nhược điểm qua một bài làm không phải là cơ sở để thầy, cô đánh giá nhân phẩm hoặc năng lực của học sinh.
Người viết lời phê, nhận xét, có lẽ trong một phút nóng vội, thiếu suy nghĩ nào đó chưa lường được hết hậu quả của những phát ngôn ấy gây ra.
Nhận xét, ghi lời phê cần hướng tới mục tiêu là giúp cho học sinh hoàn thiện, tốt hơn chứ không phải khiến các em sẽ cảm thấy tự ti, nhụt chí.
Mặt khác, các câu chữ của giáo viên sử dụng cũng sẽ thể hiện phần nào năng lực, phẩm chất đạo đức của họ. Sử dụng tùy tiện, thiếu cân chắc dễ khiến khoảng cách giữa thầy và trò trở nên xa cách, học sinh thiếu lòng tin và quý trọng thầy, cô giáo.
Trong bối cảnh, mỗi lớp học vẫn còn đông học sinh, 45-50 em, áp lực công việc của người thầy càng tăng, đủ thứ việc, thu nhập, mức lương còn thấp thì để có được những lời phê, nhận xét trong sổ học bạ, sổ theo dõi, sổ liên lạc, bài làm của học sinh sao cho đầy đủ, chính xác, có tính động viên, khuyến khích học sinh là điều không phải giáo viên nào cũng làm được.
Nó phụ thuộc nhiều vào lương tâm và trách nhiệm của người thầy, cô giáo hôm nay.
Nó phụ thuộc nhiều vào sự quan tâm, chịu khó đôn đốc, kiểm tra đúng mực của cán bộ quản lý của nhà trường, Ban giám hiệu.
Những lời phê chuẩn mực luôn sống mãi trong lòng các thế hệ học sinh, tạo động lực, niềm tin cho các em phấn đấu. Đừng xem đây là chuyện nhỏ. Nó cần thiết lắm.
Tài liệu tham khảo:
http://www.doisongphapluat.com/lien-quan/cong-dong-mang/cuoi-vo-bung-voi-nhung-1oi-phe-sieu-1a-cua-thay-co-giao-r8717.html
http://vtc.vn/giat-minh-nhung-loi-phe-gay-bao-cua-giao-vien.538.443589.htm
http://phununews.vn/doi-song/dau-dau-nghi-hoc-co-giao-phe-bi-benh-than-kinh-vao-hoc-ba-46910.html