Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học VN: Giáo dục HS "3 đúng" hạn chế nói tục, chửi bậy

31/12/2024 06:44
Hồng Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo TS Phạm Văn Lam, trước thực trạng nhiều học sinh phát ngôn không phù hợp, người lớn không nên quy chụp lỗi hoàn toàn cho các em mà cần soi lại chính mình.

Nghị quyết số 29/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” nêu rõ một trong những nhiệm vụ của giáo dục là chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân.

Luật giáo dục cũng quy định rõ một trong những mục tiêu của giáo dục là phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa… Tuy nhiên, với sự phát triển của mạng xã hội, một bộ phận giới trẻ ngày nay sử dụng ngôn ngữ có phần dễ dãi dẫn tới có nhiều từ ngữ thiếu chuẩn mực. Hiện tượng này ngày càng gia tăng khiến nhiều người có cái nhìn tiêu cực về phát ngôn của một bộ phận giới trẻ.

Bàn về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phạm Văn Lam, Trưởng phòng Ngữ âm - Từ vựng - Ngữ pháp, Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam để có thêm góc nhìn.

“Đừng vội đổ lỗi cho học sinh phát ngôn lệch chuẩn” (1).png
Tiến sĩ Phạm Văn Lam, Trưởng phòng Ngữ âm - Từ vựng - Ngữ pháp, Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam.

Đừng vội đổ lỗi cho học sinh trước những phát ngôn lệch chuẩn

“Tôi không phủ nhận rằng hiện nay vẫn tồn tại tình trạng nhiều người trẻ có phát ngôn thiếu chuẩn mực, lời nói cộc cằn, thô lỗ, văng tục, chửi bậy…. Tuy nhiên, không thể vì một bộ phận có phát ngôn chưa phù hợp mà chúng ta quy chụp và đổ hoàn toàn trách nhiệm này lên thế hệ trẻ.

Có nhiều người nhận xét rằng giới trẻ hiện nay thường xuyên có những phát ngôn phản cảm và coi đó như một cách thể hiện bản thân khiến vốn từ vựng và cách ứng xử ngày càng nghèo nàn hơn. Theo tôi, đây là nhận xét phiến diện và chủ quan, chưa nhìn nhận toàn diện về thế hệ trẻ và cần phải nhìn sâu xa hơn về nguyên nhân của thực trạng này.

Trước hết, phải khẳng định rằng người lớn cũng có những hành vi ngôn ngữ phản cảm, thiếu lịch sự, không phù hợp, chứ không phải chỉ có giới trẻ mới có những hành vi ứng xử như vậy.

Bản thân việc thuần túy đổ lỗi cho giới trẻ, tự nó, đã thể hiện sự thoái thác trách nhiệm trong việc giáo dục trẻ, và phần nào đó, đã ngầm định những thiếu sót sẵn có trong cách giáo dục trẻ em. Vì sự phát triển của trẻ là một quá trình. Phát ngôn của trẻ là một sản phẩm được hình thành từ quá trình tự trưởng thành của trẻ, từ chính quá trình trẻ tương tác với môi trường, từ quá trình thụ hưởng sự giáo dưỡng của gia đình, nhà trường và xã hội. Ngôn ngữ của trẻ cũng không phải là câu chuyện một sớm một chiều mà có mà đó là kết quả của một quá trình tương tác liên tục dưới sự tác động, chi phối và hướng dẫn của người lớn.

Một mặt, ngôn ngữ nói chung, tiếng Việt nói riêng, không phải là một hiện tượng bất biến mà luôn vận động và phát triển theo sự thay đổi của đời sống nhằm đáp ứng nhu cầu giao tiếp của xã hội. Ngôn ngữ và văn hóa là những điều được truyền thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nếu người lớn sử dụng ngôn ngữ mẫu mực, phù hợp trẻ con cũng sẽ sử dụng ngôn ngữ chuẩn mực, phù hợp. Người lớn nói tục, chửi bậy thì trẻ con cũng sẽ nói tục chửi bậy. Môi trường giao tiếp có lành mạnh thì trẻ con mới có ngôn ngữ trong sáng…

Ở một góc độ nào đó, chúng ta thấy rằng giới trẻ ngày nay dường như nghe, xem, đọc nhiều hơn, được tiếp xúc nhiều hơn, được chuẩn bị và giáo dục tốt hơn, thì không có lí do gì lại cho rằng vốn và kĩ năng ngôn ngữ của họ lại nghèo nàn và thiếu linh hoạt hơn. Nếu có hiện tượng đó thì chỉ là số ít, gắn với từng hoàn cảnh cụ thể và có thể giải thích được. Dĩ nhiên, những cái “nhiều hơn” như thế thì cũng có thể có “nhiều hơn” cả tích cực và tiêu cực.

Sự vận động và phát triển của ngôn ngữ không chỉ phản ánh sự thích nghi của con người với xã hội mà còn cho thấy vai trò của môi trường trong việc hình thành và phát triển khả năng giao tiếp.

Trẻ em không chỉ học qua trải nghiệm cá nhân mà còn qua việc quan sát và bắt chước hành vi của người khác, đặc biệt là những người có ảnh hưởng trực tiếp đến các em. Những ngôn ngữ thiếu chuẩn mực hay cách ăn nói thô lỗ không tự nhiên hình thành trong suy nghĩ của giới trẻ, đó chính là một phần kết quả mà chúng được tiếp thu từ môi trường xung quanh, từ bạn bè, từ người lớn như người thân, thầy cô và xã hội.

Khi vẫn còn có những chương trình truyền hình, đặc biệt là các chương trình giải trí sử dụng ngôn ngữ thiếu văn minh, những người có ảnh hưởng hay nổi tiếng với những lời nói thiếu gương mẫu, những lời lẽ cọc cằn, thiếu lịch sự từ người lớn, từ trong gia đình qua nhà trường và đến ngoài xã hội… thì trẻ em có những hành vi và lời nói khiến chúng ta phải phê phán, thì cũng là một điều dễ hiểu. Môi trường nào thì sẽ có ngôn ngữ đó. Người lớn nói thế nào thì trẻ sẽ nói thế đó….”, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam nhận định.

Mặt khác, theo Tiến sĩ Phạm Văn Lam, trên thực tế, thế hệ sau thường có điều kiện phát triển tốt hơn thế hệ trước. Học sinh ngày nay được giáo dục bài bản hơn, chế độ dinh dưỡng đầy đủ hơn giúp não bộ phát triển tốt, tư duy sắc bén và thông minh hơn. Các bạn trẻ hiện nay cũng có vốn ngôn ngữ phong phú hơn nhờ sự tiếp cận đa dạng với nhiều kênh và nguồn tri thức như sách báo, thông tin trên internet và mạng xã hội,...

Bên cạnh đó, qua các chương trình đào tạo kỹ năng như MC hay hùng biện cho giới trẻ, chúng ta có thể thấy rất nhiều bạn trẻ có tư duy sắc sảo và cách giao tiếp văn minh, khéo léo. Những điều này khẳng định giới trẻ ngày nay không chỉ thông minh mà còn năng động và có khả năng thích ứng với nhiều bối cảnh khác nhau.

Vì vậy, nếu một người trẻ có tư duy hoặc hành vi ngôn ngữ sai lệch, trước tiên cần xem xét tác động từ môi trường xung quanh, từ cách làm gương của người lớn. Trẻ em lớn lên chịu tác động từ ba môi trường chính: gia đình, nhà trường và xã hội. Bên cạnh đó, trong thời đại công nghệ số, còn một môi trường khác có sức ảnh hưởng mạnh mẽ là không gian mạng. Đây là nơi thông tin được lan truyền nhanh chóng, dễ gây “lây nhiễm văn hóa” cả tích cực lẫn tiêu cực.

Khi người lớn sử dụng ngôn ngữ có văn hóa, lịch sự và chuẩn mực, trẻ sẽ dễ dàng tiếp thu những giá trị ngôn ngữ tích cực. Ngược lại, nếu môi trường xung quanh chứa đựng các yếu tố tiêu cực như ngôn từ thô lỗ, thiếu văn minh, trẻ em sẽ dễ dàng hình thành những thói quen ngôn ngữ tương tự.

Hành vi ngôn ngữ của người trẻ không chỉ là sự phản ánh của giáo dục tại nhà trường mà còn là hệ quả trực tiếp từ cách thức giao tiếp và hành xử của những người xung quanh, đặc biệt là người lớn. Đây cũng là quy luật vận động tất yếu của xã hội khi người trẻ tiếp xúc với môi trường tự nhiên.

z6178560087720-16f83bc63392989a495244697d7f464b-3618-9802.jpg
Theo Tiến sĩ Phạm Văn Lam, nếu người lớn nói tục, chửi bậy thì trẻ con cũng sẽ nói tục chửi bậy theo. (Ảnh: NVCC)

Sử dụng ngôn ngữ theo nguyên tắc 3 “đúng”: đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng

Mối quan hệ giữa môi trường xung quanh và hành vi ngôn ngữ của giới trẻ là mối quan hệ “nguyên nhân - kết quả”. Và để thay đổi “kết quả” trong mối quan hệ, trước hết, cần điều chỉnh “nguyên nhân” tác động lên nó. Bên cạnh đó, đánh giá một phát ngôn là lịch sự hay khiếm nhã cần đặt trong bối cảnh cụ thể, không nên nhìn nhận một chiều.

Theo Tiến sĩ Phạm Văn Lam, khi vấn đề về hành vi ngôn ngữ của giới trẻ được đặt ra, điều quan trọng là chúng ta phải tìm ra nguyên nhân để giải quyết triệt để vấn đề, không phải chỉ tìm cách sửa phần kết quả. Hành vi ngôn ngữ của người trẻ là kết quả của quá trình bắt chước môi trường xung quanh. Vì vậy, muốn thay đổi kết quả này, trước hết chúng ta cần tìm hiểu “gốc rễ”, cần xây dựng một môi trường ngôn ngữ lành mạnh để các em có điều kiện phát triển tốt nhất.

Giáo dục và truyền thông có vai trò định hướng và giáo dục xã hội, giúp phát huy, nhân rộng những giá trị tốt đẹp và phòng tránh, khắc phục những vấn đề còn hạn chế. Để người trẻ ý thức được hành vi ngôn ngữ của mình, việc chỉ ra và phê phán những ngôn ngữ lệch chuẩn, những từ ngữ, cách nói, cách cư xử không phù hợp là cần thiết. Điều này không có nghĩa là chúng ta phủ nhận toàn bộ cách sống hay văn hóa ngôn ngữ của giới trẻ, mà cần giáo dục các em cách để nhận thức và điều chỉnh những hành vi sai lệch, giúp giới trẻ phát triển theo hướng tích cực hơn.

1.png
Ngôn ngữ thiếu chuẩn mực không tự nhiên hình thành trong suy nghĩ của giới trẻ, mà chúng được tiếp thu từ môi trường xung quanh. (Ảnh minh họa: Hồng Mai)

Trẻ em cũng giống như cây non, nếu có đất sạch, nước sạch, không khí sạch, cây sẽ phát triển tốt. Ngược lại, nếu đất bẩn, nước bẩn, không khí bẩn, cây khó có thể phát triển bình thường, có thể còi cọc hoặc mắc bệnh. Khi cây bị bệnh, cần dùng đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng liều lượng mới giúp cây hồi phục. Nếu muốn uốn nắn cây, để cây phát triển đúng ý thì cũng phải lựa thời điểm tác động, nếu tác động sai thì không thể có kết quả như ý muốn.

Giáo dục trẻ em cũng vậy. Khi trẻ mắc lỗi, nếu người lớn bình tĩnh, lịch sự và giải thích để trẻ hiểu và làm gương cho trẻ thì đây chính là cách giáo dục nhẹ nhàng nhưng hiệu quả. Ngược lại, việc la mắng, nói những lời thiếu văn minh, đánh đập hay xử lý nóng vội chẳng khác nào cho cây uống thuốc quá liều, không những không giải quyết được vấn đề mà còn để lại hậu quả lâu dài. Chăm sóc và giáo dục trẻ là một quá trình liên tục. Chỉ cần một tác động nhỏ tiêu cực vào quá trình đó là đã có thể có một kết quả khác, không đáp ứng mục tiêu ban đầu.

Ở góc độ khác, người lớn cần nhận thức rõ rằng những lời nói thiếu chuẩn mực, thô lỗ, dễ để lại tác động tiêu cực với trẻ, khiến các em dễ bị lây nhiễm và bắt chước.

Do đó, việc nhiều phụ huynh than phiền rằng con trẻ tự nhiên nói ra những lời không hay, dù chẳng ai dạy, thực chất phản ánh một thực tế ít người nhận ra: trẻ em chỉ có thể sử dụng những ngôn từ không phù hợp khi chúng đã tiếp xúc và hấp thụ chất liệu ngôn ngữ đó từ chính môi trường giao tiếp do người lớn tạo ra. Trẻ có thể không nói bậy ở nhà, bố mẹ trẻ cũng không dạy trẻ nói bậy, nhưng ở môi trường khác trẻ vẫn có thể nói bậy, bởi vì việc nói bậy đó đã được trẻ hấp thụ và chịu sự tác động từ một môi trường giao tiếp nào đó mà bố mẹ trẻ không biết, không ý thức tới.

Đánh giá ngôn ngữ của các bạn trẻ có là lệch chuẩn, mất lịch sự hay không còn dựa vào ngữ cảnh cụ thể. Đánh giá phát ngôn tốt hay xấu còn phụ thuộc phần lớn vào đối tượng, tình huống, địa điểm giao tiếp. Có thể cùng là một từ, trong tình huống này là lệch chuẩn nhưng trong tình huống khác với đối tượng khác có thể cách thể hiện gần gũi, tự nhiên.

Vấn đề giáo dục giới trẻ, đặc biệt trong việc dạy ngôn ngữ và văn hóa, cần được nhìn nhận từ một góc độ toàn diện và phù hợp với bối cảnh xã hội và từng hoàn cảnh cụ thể. Ngôn ngữ không chỉ là công cụ giao tiếp mà còn là phương tiện phản ánh những giá trị văn hóa, thái độ và quan điểm của một xã hội. Do đó, việc giáo dục ngôn ngữ cho các bạn trẻ không thể tách rời khỏi các yếu tố này, mà phải được thẩm thấu trong tất cả các tình huống sống hàng ngày, từ gia đình, trường học đến cộng đồng.

Đời sống ngôn ngữ của trẻ cũng hồn nhiên, tự nhiên như chính cuộc sống thường ngày của trẻ. Có thể mắc lỗi, thậm chí nhiều là đằng khác, và việc uốn nắn trẻ là việc làm bình thường, và phải là việc làm tất yếu, thường trực của người lớn. Chỉ có điều, việc uốn nắn đó phải đúng thời điểm, liều lượng và cách thức.

Thay vì áp đặt, cấm đoán tuyệt đối những cách nói hay hành vi mà người lớn cho là không phù hợp, chúng ta cần giúp trẻ ý thức và phân biệt được hành vi ngôn ngữ nào thì phù hợp với hoàn cảnh nào, còn hành vi nào thì không nên hay không được phép sử dụng. Phương pháp giáo dục hiệu quả sẽ giúp trẻ hiểu được giá trị của việc sử dụng ngôn ngữ đúng cách.

Khi hiểu được ngôn ngữ cần được sử dụng linh hoạt, phù hợp với từng ngữ cảnh, đối tượng và địa điểm, người trẻ sẽ dần nhận thức được sự quan trọng của việc tôn trọng các chuẩn mực xã hội. Không có những hành vi sử dụng ngôn ngữ đúng đắn trong từng hoàn cảnh cụ thể thì không thể có các chuẩn mực xã hội, càng không thể có sự tôn trọng, tuân thủ và bảo vệ các chuẩn mực xã hội.

Người lớn nên đa dạng hóa các hoạt động, chủ đề và môi trường học hỏi ngôn ngữ cho giới trẻ một cách linh hoạt, chuẩn mực và phù hợp. Việc tạo ra một không gian học hỏi phong phú sẽ giúp các bạn trẻ phát triển ngôn ngữ và các kỹ năng giao tiếp một cách tự nhiên và hiệu quả.

Sử dụng ngôn ngữ sao cho đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng không chỉ giúp lớp trẻ hình thành lối sống văn hóa lành mạnh mà còn giúp họ tự tin và chủ động hơn trong những mối quan hệ giao tiếp, tự điều chỉnh ngôn ngữ sao cho phù hợp với từng tình huống cụ thể để giao tiếp văn minh, văn hóa, linh hoạt và hiệu quả hơn.

Hồng Mai