Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải một số bài viết phản ánh thực trạng một bộ phận giới trẻ hiện nay có những hình ảnh không đẹp trong văn hóa ứng xử và khi tham gia giao thông. Những hành động như tham gia giao thông theo kiểu “điền vào chỗ trống”, trèo lên hiện vật tại các bảo tàng, xả rác bừa bãi, gây mất trật tự nơi công cộng... vẫn còn tồn tại, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống, văn hóa cộng đồng.
Sau khi các bài viết được đăng tải, Tạp chí đã nhận được chia sẻ của tác giả Nguyễn Dương Phúc (còn được cộng đồng mạng biết đến với tên gọi “Thầy Phúc mắt híp”) - Giáo viên, KOL về vấn đề này.
Thầy giáo Nguyễn Dương Phúc (sinh năm 1996), giáo viên Mỹ thuật tại Trường Trung học cơ sở Suối Kiết (huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận). Thầy Phúc nhận được sự yêu mến nhờ hàng loạt video viral trên các nền tảng như Facebook và TikTok, tập trung vào các nội dung ý nghĩa liên quan đến giáo dục.
Người nổi tiếng cần có trách nhiệm về văn hóa ứng xử nơi công cộng
Văn hóa ứng xử nơi công cộng là một phần quan trọng trong việc xây dựng xã hội văn minh và đoàn kết. Ứng xử đúng mực không chỉ thể hiện sự tôn trọng đối với những người xung quanh, mà còn góp phần tạo nên môi trường sống lành mạnh, hài hòa. Những hành động như giữ gìn vệ sinh chung, xếp hàng đúng thứ tự, không gây ồn ào, hay nhường nhịn trong các tình huống cần thiết đều là những biểu hiện cơ bản của văn hóa ứng xử nơi công cộng.
Gần đây, tôi xem một vài đoạn clip về việc trẻ em trèo lên các hiện vật tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Đây là địa điểm nổi tiếng, thu hút đông đảo khách tham quan, đặc biệt là giới trẻ. Sự gia tăng lượng khách đến tham quan là tín hiệu đáng mừng, cho thấy tình yêu đối với lịch sử, phản ánh sự quan tâm của công chúng đối với những giá trị lịch sử quý báu.
Tuy nhiên, khi nhìn thấy những hình ảnh này, tôi không khỏi cảm thấy buồn về ý thức tham quan của một số bạn nhỏ và các bậc phụ huynh. Bảo tàng không phải công viên hay khu vui chơi, vì vậy, tinh thần và thái độ khi tham quan cần phải được thể hiện trang trọng, tôn trọng các hiện vật, di sản lịch sử.
Bên cạnh đó, phụ huynh đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng cho các con. Trong khi tham quan, thay vì để con trẻ tự do leo trèo hay có những hành động thiếu ý thức, phụ huynh có thể chia sẻ về ý nghĩa và giá trị của bảo tàng. Đồng thời, giúp các con hiểu rõ hơn về những hiện vật được trưng bày, tầm quan trọng của chúng; từ đó, giúp các con có cái nhìn sâu sắc hơn về lịch sử, sớm hình thành thói quen tôn trọng không gian văn hóa chung.
Cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, cộng đồng để giáo dục ý thức bảo vệ di sản văn hóa, từ đó góp phần xây dựng thế hệ trẻ có nhận thức đúng đắn về giá trị lịch sử và cách ứng xử văn minh trong xã hội.
Ngoài ra, văn hóa giao thông cũng là vấn đề được nhà trường rất quan tâm và thường xuyên nhắc nhở.
Khi tham gia giao thông, ai trong chúng ta cũng phải dừng đèn đỏ hoặc gặp phải các tình huống bất ngờ khác. Tuy nhiên, tất cả đều phụ thuộc vào ý thức của mỗi cá nhân. Ý thức đó không chỉ hình thành từ những trải nghiệm thực tế hằng ngày khi lái xe, mà còn được xây dựng qua sự giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội.
Tôi đã gặp một số tình huống giao thông như sau: Những giây cuối cùng của đèn đỏ (chỉ từ 3 đến 5 giây ngắn ngủi), nhiều người có lẽ cảm thấy mất kiên nhẫn, quyết định vượt đèn đỏ. Nhưng theo tôi thấy, chính những giây phút vội vã đó lại có thể mang đến hậu quả khôn lường, không chỉ cho chính bản thân mà còn cho những người xung quanh. Quyết định sai lầm trong vài giây có thể dẫn đến những tai nạn nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng đến cả tương lai của những người tham gia giao thông khác.
Chúng ta cần nhận thức rằng, việc giữ bình tĩnh và tuân thủ Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ không chỉ bảo vệ bản thân, mà còn bảo vệ cộng đồng. Việc nâng cao ý thức tham gia giao thông, thận trọng trong từng quyết định sẽ góp phần tạo nên môi trường giao thông an toàn hơn cho tất cả mọi người.
Theo tôi, mỗi người trong chúng ta đều có trách nhiệm trong cuộc sống của mình và hơn hết những người nổi tiếng, những người có tầm ảnh hưởng cần làm gương trong lối sống, văn hóa ứng xử cũng như khi tham gia giao thông.
Những người nổi tiếng không chỉ là hình mẫu trong mắt công chúng, mà còn có sức lan tỏa mạnh mẽ thông qua những hành động và thông điệp họ truyền tải. Việc làm gương bằng lối sống tích cực, ứng xử văn minh, tuân thủ pháp luật, tham gia các hoạt động xã hội ý nghĩa sẽ khơi dậy ý thức trách nhiệm trong cộng đồng.
Bản thân là thầy giáo, trước tiên, tôi luôn cố gắng truyền tải những thông điệp về ý thức và nhận thức khi tham giao thông, văn hóa ứng xử qua các tiết học trên lớp.
Bên cạnh đó, để lan tỏa rộng rãi hơn, tôi tận dụng mạng xã hội của mình để chia sẻ những thông điệp ý nghĩa. Tôi hy vọng trong thời gian tới, mình sẽ cố gắng nhiều hơn và đóng góp phần sức nhỏ bé vào các hoạt động cộng đồng, công tác xã hội.
Theo tôi, để xây dựng lối sống đẹp, trước tiên, cần sống tử tế với chính bản thân, gia đình và mọi người xung quanh. Hiện nay, các trường học bao gồm cả Trường Trung học cơ sở Suối Kiết - nơi tôi đang giảng dạy, đều có những hoạt động nhằm nâng cao văn hóa ứng xử và khi tham gia giao thông cho học sinh. Không chỉ nhà trường, địa phương cũng phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục, góp phần xây dựng lối sống đẹp.
Giáo dục chính là cốt lõi để hình thành nhân cách và phát triển toàn diện mỗi cá nhân. Dù giáo dục tại trường học hay trong gia đình, đều đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng, hình thành lối sống đẹp. Tôi chỉ mong rằng, mỗi gia đình sẽ quan tâm hơn, tạo ra môi trường sống tích cực, để mỗi đứa trẻ, mỗi học sinh có thể hiểu và học hỏi, từng bước hoàn thiện lối sống tích cực hơn.
Năm 2025 hứa hẹn một năm với nhiều hoạt động và dự án ý nghĩa. Tôi vẫn đang nỗ lực duy trì các dự án của mình, hy vọng sẽ tiếp tục lan tỏa những thông điệp tích cực, đồng thời truyền tải được những giá trị nhân văn sâu sắc đến cộng đồng.