Hạ Long phấn đấu đưa 5 xã hoàn thành chương trình nông thôn mới nâng cao

23/11/2023 10:02
Phạm Linh
GDVN- Thành phố Hạ Long phấn đấu năm 2025 đưa 5 xã hoàn thành chương trình nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.

Sau những thành tựu đạt được trong xây dựng nông thôn mới, với quan điểm “giữ chuẩn, thêm chuẩn, nâng chuẩn”, thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới nâng cao, phấn đấu năm 2025 đưa 5 xã hoàn thành chương trình nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hạ Long cho biết, thành phố đã bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách khoảng 2.100 tỷ đồng tiếp tục cứng hoá đường giao thông, kênh mương nội đồng, xây dựng nhà văn hoá, trường học, trụ sở xã, trạm y tế xã…

Đồng thời, đầu tư các công trình trọng điểm, nhằm hoàn thiện và nâng cao các chỉ tiêu, tiêu chí theo Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Thành phố tiếp tục thực hiện bài bản lộ trình nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố.

Mục tiêu đặt ra là kinh tế phát triển, nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, xã hội thanh bình, nhân dân giàu có và hạnh phúc.

Để Hạ Long xứng đáng là đô thị dịch vụ, du lịch quốc gia tầm quốc tế, trở thành hạt nhân thúc đẩy, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Với những nỗ lực nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới, các xã trong lộ trình về đích nông thôn mới nâng cao đều đạt nhiều kết quả tích cực.

Những con đường liên thôn rộng rãi, sạch đẹp tại xã Vũ Oai (Ảnh: CTV)

Những con đường liên thôn rộng rãi, sạch đẹp tại xã Vũ Oai (Ảnh: CTV)

Tại xã Vũ Oai (thành phố Hạ Long), một trong những xã miền núi, địa bàn rộng, dân cư sống không tập trung, trong đó 75% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp.

Xác định xây dựng nông thôn mới nâng cao là đưa chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày càng đi lên và làm thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng sạch đẹp, văn minh.

Sau khi về đích chương trình xây dựng nông thôn mới, thành phố Hạ Long đã chỉ đạo xã Vũ Oai nhanh chóng rà soát các tiêu chí, chỉ tiêu, nhất là các chỉ tiêu khó đạt về nông thôn mới nâng cao về quy hoạch, giao thông, thủy lợi, giáo dục, môi trường,…

Từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp với thực tế để thực hiện, đảm bảo nông thôn mới nâng cao của xã đi vào bền vững và thực chất.

Riêng trong năm 2023, từ nguồn ngân sách gần 30 tỷ đồng của thành phố, Vũ Oai tập trung hoàn thiện một loạt những công trình có ý nghĩa cho phát triển kinh tế và phục vụ đời sống của người dân, như: Xây dựng kênh tiêu thoát nước khe Đồng Lân (thôn Đồng Cháy); xây dựng đập dâng và kênh tưới tiêu Khe Lô (thôn Đồng Chùa); nâng cấp, cải tạo đập và kênh tưới (thôn Đồng Mơ)...

Hiện toàn xã có 9 công trình thủy lợi, 14/15km kênh mương nội đồng đã kiên cố hóa (đạt 95%). Tỷ lệ đất sản xuất nông nghiệp của xã được tưới chủ động đạt 215/221ha (97% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tiêu chủ động).

Hằng năm, xã cũng quan tâm sửa chữa kênh mương, hồ đập nên việc sản xuất nông nghiệp không gặp khó khăn, đáp ứng nhu cầu tự cung, tự cấp trên địa bàn xã.

Kênh Đồng Lân, xã Vũ Oai (thành phố Hạ Long) đã giúp xử lý ngập úng và đồng bộ hệ thống tưới tiêu của xã (Ảnh: CTV)

Kênh Đồng Lân, xã Vũ Oai (thành phố Hạ Long) đã giúp xử lý ngập úng và đồng bộ hệ thống tưới tiêu của xã (Ảnh: CTV)

Kết quả đạt được, xã Vũ Oai ngày nay trở thành một vùng quê đáng sống khi các con đường liên thôn, liên xã đều rộng rãi, đường bê tông về đến tận các cánh rừng, khu vực sản xuất.

Đặc biệt, cách đây 10 năm, mức thu nhập 70-100 triệu đồng/năm là niềm mơ ước của người dân Vũ Oai nhưng nay đó là chuyện bình thường.

Được thụ hưởng thành quả từ nông thôn mới mang lại nên người dân trong xã luôn tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đóng góp sức người, sức của xây dựng đường làng, ngõ xóm, vườn hoa, cây cảnh tạo môi trường khang trang, sạch đẹp. Đặc biệt hơn những công trình giao thông, thủy lợi đã có 100% hộ dân trong xã tự nguyện hiến đất.

Nhờ huy động được sức dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hiện tại xã Vũ Oai đã đạt được 15/19 tiêu chí.

Xã Vũ Oai cũng đặt ra đặt mục tiêu sẽ về đích nông thôn mới nâng cao vào đầu năm 2024 (về đích sớm hơn một năm so với kế hoạch thành phố đặt ra).

Khuyến khích người dân chuyển đổi mô hình sản xuất

Cùng với xã Vũ Oai, xã Quảng La (thành phố Hạ Long), nhờ chuyển đổi các mô hình sản xuất, đa dạng hóa ngành nghề, thu nhập của người dân được nâng cao rõ rệt.

Từ mức thu nhập bình quân 57 triệu đồng/người đầu năm 2022, đến cuối năm 2023 thu nhập của người dân đạt 68 triệu đồng. Hiện nay toàn xã không còn hộ nghèo.

Đối với những hộ có hoàn cảnh khó khăn, xã đã có nhiều giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ xây sửa nhà, phát triển kinh tế, chuyển giao kỹ thuật, giới thiệu việc làm, hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng để có điều kiện vươn lên.

Bên cạnh việc thúc đẩy sản xuất phát triển, địa phương đã tích cực thu hút nguồn lực để đầu tư chỉnh trang cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh.

Từ nguồn ngân sách thành phố và nguồn xã hội hoá, vận động trong sức dân, trong những năm qua, xã Quảng La đã được xây dựng, nâng cấp, sửa chữa hàng chục công trình gồm đường giao thông, hệ thống thủy lợi.

Trải thảm bê tông trên các trục đường liên thôn thôn, liên xã đạt 100% bê tông hóa mặt đường, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông đi lại và phát triển sản xuất.

Thực hiện cải cách hành chính, Uỷ ban nhân dân xã Quảng La đã tập trung cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy.

Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, đáp ứng tốt nhất yêu cầu và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Với nhiều cách làm phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, diện mạo nông thôn Quảng La ngày càng đổi mới.

Đến nay, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao; 99,4% người dân địa phương hài lòng về kết quả đạt được.

Nhờ chuyển đổi các mô hình sản xuất, đa dạng hóa ngành nghề, thu nhập của người dân được nâng cao rõ rệt (Ảnh: CTV)

Nhờ chuyển đổi các mô hình sản xuất, đa dạng hóa ngành nghề, thu nhập của người dân được nâng cao rõ rệt (Ảnh: CTV)

Còn tại xã Hoà Bình (thành phố Hạ Long), triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã đang thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế song song với đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó chú trọng khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sang các mô hình nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất.

Từ năm 2021, Uỷ ban nhân dân xã và Hội Nông dân xã đã tuyên truyền, khuyến khích một số hộ dân liên kết với Hợp tác xã Nông dược Hòa Bình triển khai thí điểm mô hình trồng bí xanh.

Xã cũng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp thành phố mở lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc bí cho các hộ tham gia mô hình. Sau năm đầu thử nghiệm, đã có 30 hộ dân tham gia mô hình.

Theo thống kê, tổng sản lượng thu hoạch bí xanh 2 vụ (2021-2022) đạt trên 117 tấn, sau khi trừ chi phí thu về khoảng 600 triệu đồng, hiệu quả kinh tế gấp 5-6 lần so với trồng lúa và ngô.

Sản phẩm đến kỳ thu hoạch được xã liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp đến tận ruộng thu mua hết, khiến bà con rất phấn khởi.

Thành công từ mô hình trồng bí xanh, hiện có nhiều hộ dân trên địa bàn đã mạnh dạn thực hiện các mô hình chăn nuôi, trồng trọt mới có giá trị kinh tế như: Trồng ổi, hồng xiêm, cam, bưởi các loại; nuôi dúi, nuôi gà, vịt sinh sản và thương phẩm… theo hướng liên kết, tạo chuỗi giá trị.

Thu nhập bình quân đầu người toàn xã Hoà Bình hiện đạt 57 triệu đồng/năm; trên địa bàn không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Đến thời điểm hiện tại, xã đạt 12/19 tiêu chí, 62/75 chỉ tiêu - đây là điều kiện quan trọng để xã tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí trong tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Phạm Linh