Hà Nội: Kinh tế duy trì tăng trưởng khá dù gặp nhiều tác động tiêu cực

09/12/2020 10:57
Theo Vietnamplus.vn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, những tác động tiêu cực từ COVID-19 nhưng Hà Nội vẫn đạt được mục tiêu tổng quát, mục tiêu kép...

Ngày 8/12, tại phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 18, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã trả lời chất vấn của các đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội về những vấn đề dư luận quan tâm; đánh giá khái quát kết quả phát triển kinh tế, xã hội của thành phố Hà Nội trong năm 2020, thông qua đó, làm rõ những tồn tại, hạn chế để tiếp tục tiếp thu ý kiến của đại biểu, cử tri, tăng cường hiệu lực, hiệu quả, chỉ đạo và điều hành của Ủy ban Nhân dân thành phố trong thời gian tới.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

GRDP năm 2020 ước đạt 3,98%, gấp 1,5 lần mức chung của cả nước

Đánh giá về kết quả phát triển kinh tế xã hội của thành phố trong năm 2020, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho rằng: Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, những tác động tiêu cực từ dịch COVID-19, cả tác động mạnh mẽ từ làn sóng thứ hai của dịch bệnh nhưng thành phố vẫn đạt được mục tiêu tổng quát, mục tiêu kép với những kết quả quan trọng, toàn diện, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đề ra đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Kinh tế duy trì tăng trưởng khá.

Tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩn trên địa bàn) năm 2020 ước đạt 3,98%, là mức cao so với các tỉnh, thành phố và gấp 1,5 lần mức chung của cả nước.

Ngoài ra, cân đối thu, chi ngân sách được đảm bảo. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện đạt xấp xỉ 280 nghìn tỷ đồng, đạt 100,2% dự toán, tăng 3,5% so với năm 2019.

Chi ngân sách địa phương ước thực hiện trên 87 ngàn tỷ đồng, đạt 84,7% dự toán đầu năm (đạt trên 91,5% dự toán sau điều chỉnh).

Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện; khó khăn của doanh nghiệp từng bước được quan tâm, tháo gỡ.

Đặc biệt, năm nay, khó khăn, thách thức nhưng thành phố vẫn dự kiến thu hút khoảng 4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, 145 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước.

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới ước trên 26 nghìn, vào khoảng 20% số thành lập mới của cả nước, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô lên khoảng 303 nghìn doanh nghiệp, chiếm khoảng 23% so với cả nước.

Các hoạt động văn hóa được duy trì. Chất lượng giáo dục tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế. Công tác phòng chống dịch COVID-19 đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị và xã hội.

Đến nay, đã qua 112 ngày trên địa bàn không ghi nhận thêm ca nhiễm ngoài cộng đồng, đại dịch cơ bản được kiểm soát với tâm thế chủ động và phòng ngừa.

Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính được triển khai quyết liệt; kỷ luật, kỷ cương hành chính, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức đã có chuyển biến. Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, lãng phí được triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Công tác quốc phòng được củng cố; trật tự, an ninh xã hội được đảm bảo; vấn đề an ninh nông thôn đã được quan tâm xử lý dứt điểm. Các hoạt động đối ngoại tiếp tục được mở rộng và nâng cao hiệu quả.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định: Để có được những kết quả tích cực nêu trên, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2020, bám sát các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các nghị quyết, chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng Nhân dân thành phố, tập thể Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng sâu sát, quyết liệt, rõ trách nhiệm; đã tập trung giải quyết, xử lý những vấn đề khó, những tồn tại có tính chất phức tạp, chủ động thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, trên cơ sở các Nghị quyết được thông qua tại kỳ họp này, Ủy ban Nhân dân thành phố xác định những trọng tâm công tác để tập trung triển khai trong thời gian tới.

Cụ thể, Ủy ban Nhân dân thành phố tiếp tục bám sát các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, của Thành ủy, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội.

Đặc biệt, với phương châm thực hiện thắng lợi ngay từ đầu nhiệm kỳ 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và 14 nhóm giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu cho giai đoạn 5 năm 2021-2025, mười chương trình hành động toàn khóa đã được đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ bắt tay ngay vào việc xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 vừa được Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua tại kỳ họp này.

Cụ thể, có 23 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu chủ yếu, trong đó GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) tăng khoảng 7,5%; vốn đầu tư xã hội tăng 12%; kiểm soát lạm phát, chỉ số giá dưới 4%; giảm 20% số hộ nghèo theo chuẩn mới của thành phố; hoàn thành mục tiêu 100% số xã đạt nông thôn mới...

Đáng chú ý, thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2021 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển,” Ủy ban Nhân dân thành phố tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính của các cơ quan, nâng cao ý thức trách nhiệm, nhất là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu... đồng thời, tập trung phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng, thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế.

Trả lời chất vấn về những vấn đề dư luận quan tâm

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết thêm: Để chuẩn bị cho phiên chất vấn trực tiếp tại hội trường, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã nhận được 18 nội dung chất vấn của đại biểu liên quan đến 6 nhóm nội dung gồm: Cơ chế, chính sách; giao thông đô thị; tài nguyên môi trường; văn hóa, xã hội; đầu tư công; an ninh trật tự. Các nội dung chất vấn đã được Ủy ban Nhân dân thành phố trả lời đầy đủ bằng văn bản và gửi tới các đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội.

Đặc biệt, ngay trong phiên chất vấn trực tiếp tại hội trường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã trả lời những vấn đề đại biểu chất vấn, được dư luận quan tâm.

Các đại biểu dự Kỳ họp thứ 18, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Các đại biểu dự Kỳ họp thứ 18, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Cụ thể, đối với công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi lòng sông, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho rằng: Hằng năm, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đều có kế hoạch và thành lập các Đoàn kiểm tra tổ chức kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, còn nhiều khó khăn đằng sau việc xử lý triệt để vấn đề này do những yếu tố lịch sử tồn tại, do quy định chồng lấn, đan xen, do công tác kiểm tra, xử lý vi phạm còn gặp nhiều khó khăn. Cơ quan quản lý tại các cấp, địa phương cũng như Công an thành phố còn thiếu về nhân lực, phương tiện, bến bãi thu giữ tang vật cũng như chế tài xử phạt.

Luật định của các ngành liên quan chưa thống nhất. Ủy ban Nhân dân thành phố cũng ý thức được rằng, tình hình vẫn còn diễn biến phức tạp, cần tăng cường tất cả các khâu, đặc biệt là trong chỉ đạo và các hoạt động thực thi.

Thời gian tới, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội kiên quyết quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác khoáng sản và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định; Xây dựng phương án sử dụng hiệu quả nguồn khoáng sản trên địa bàn thành phố.

Thành phố sẽ triển khai Nghị định 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ bãi sông để kiểm soát hoạt động khai thác cát, sỏi theo đúng quy định, đồng thời, tăng cường quy chế phối hợp với 8 tỉnh lân cận; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và khai thác khoáng sản, kể cả xử lý kiến nghị với các cấp từ bức xúc của công an xã và thanh tra giao thông...

Về việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, qua hơn 3 năm thực hiện 2 bộ Quy tắc ứng xử, ý thức trách nhiệm của cán bộ công chức, ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của người dân ở nơi công cộng trên địa bàn thành phố đã được nâng lên.

Việc thực hiện các quy tắc ứng xử đã có tác động tích cực trong xây dựng, hình thành chuẩn mực văn hóa, giữ gìn, phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, việc thực hiện bộ quy tắc ứng xử ở một số cơ quan, đơn vị còn chưa được chấp hành nghiêm túc, thường xuyên. Việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng ở một số nơi còn mang tính hình thức, công tác tuyên truyền chưa được chú trọng.

Thời gian tới, Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã siết chặt kỷ cương hành chính; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai; tăng cường công tác tuyên truyền đi đôi với công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất để việc thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử thực sự đi vào cuộc sống, trở thành nếp sống trong sinh hoạt, công tác hàng ngày của cán bộ và nhân dân Thủ đô.

Nhấn mạnh những nội dung chất vấn của đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố trong phiên chất vấn là những yêu cầu mong muốn từ thực tiễn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cũng đề nghị các Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, ngay sau buổi chất vấn tiếp tục kiểm tra tình hình thực tế tại đơn vị, địa phương mình quản lý.

Đồng thời, mỗi cán bộ, lãnh đạo thành phố cần nghiên cứu kỹ những ý kiến góp ý, chất vấn của các vị đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố, từ đó có biện pháp, kế hoạch khắc phục kịp thời, đáp ứng sự tin tưởng của các đại biểu, cử tri và nhân dân đối với chính quyền các cấp, ngành nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

Theo Vietnamplus.vn