Hàng chục nghìn tỷ đồng biến mất, không thể thu hồi?

15/12/2016 06:42
Mai Anh
(GDVN) - Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đưa ra nhóm giải pháp phòng chống tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng trong đó nhấn mạnh việc phải sửa đổi quy định của luật.

Chỉ trong 10 năm, qua nhiều vụ án kinh tế, thiệt hại do tham nhũng đã lên tới gần 60.000 tỷ đồng, nhưng Nhà nước chỉ thu hồi được hơn 4.600 tỷ.

Như vậy, tỷ lệ thu hồi tài sản Nhà nước do tội phạm tham nhũng gây ra chưa được 10%, nhưng chưa có các biện pháp hiệu quả để cải thiện tình trạng này.

Câu chuyện nâng cao công tác phòng chống tham nhũng, đặc biệt thu hồi tài sản nhà nước do tội phạm tham nhũng gây nên là trăn trở của không ít chuyên gia, đại biểu quốc hội.

Vụ đại án tham nhũng Dương Trí Dũng và đồng phạm gây ra thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho nhà nước. - ảnh nguồn Báo Thanh Tra.
Vụ đại án tham nhũng Dương Trí Dũng và đồng phạm gây ra thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho nhà nước. - ảnh nguồn Báo Thanh Tra.

Công khai bản kê tài sản

Ông Trần Quốc Thuận – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: Cơ chế hiện nay đang làm khó cho công tác phóng chống tham nhũng đặc biệt việc thu hồi tài sản của kẻ tham nhũng.

Nêu dẫn chứng, ông Thuận cho biết, trong vụ án tham nhũng của Dương Chí Dũng và đồng phạm, các đối tượng phải bồi thường cho ngân sách Nhà nước số tiền gần 360 tỷ đồng. Thế nhưng đến nay, mới thu hồi được gần 36 tỷ.

Tương tự, vụ án tham ô tài sản tại Vinashin Lines. Ba bị can bị đề nghị truy tố về tội Tham ô tài sản gồm Trần Văn Liêm, nguyên Tổng giám đốc công ty Vinashin Lines; Giang Kim Đạt, nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh Vinashin Lines; Trần Văn Khương, nguyên Kế toán trưởng công ty này.

Ông Trần Quốc Thuận – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - ảnh H.Lực
Ông Trần Quốc Thuận – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - ảnh H.Lực

Xác minh các giao dịch, Bộ Công an phát hiện Giang Kim Đạt được đối tác chuyển khoản gần 16 triệu USD sau các thương vụ mua tàu biển cũ.

Cơ quan tố tụng cho biết, ngoài tài sản bị thu giữ, Giang Kim Đạt phải bồi thường cho công ty Vinashin Lines số tiền gần 249 tỷ đồng.

Trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), Cơ quan điều tra xác định ông Hà Văn Thắm ký các quyết định cho Công ty TNHH thương mại dịch vụ Trung Dung vay khoảng 500 tỷ đồng nhưng không đảm bảo các khoản thế chấp và sai quy định.

Theo ông Thuận, con số thiệt hại hàng trăm thậm chí hàng nghìn tỷ đồng từ những vụ án tham nhũng bị phát hiện làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, đối với sự nghiệp xây dựng đất nước. 

Ở khía cạnh kinh tế, thiệt hại do tội phạm tham nhũng gây ra trong 10 năm qua với con số 60.000 tỷ đồng là con số lớn và đáng lo ngại so với số thu ngân sách hằng năm của nước ta. 

Hàng chục nghìn tỷ đồng biến mất, không thể thu hồi? ảnh 3

Khẩn trương có giải pháp xử lý 5 dự án đầu tư không hiệu quả

Hàng chục nghìn tỷ đồng biến mất, không thể thu hồi? ảnh 4

Ông "là một, là riêng, là duy nhất" ở Thanh tra Chính phủ(!?)

Trong điều kiện là một nước đang phát triển, mọi nguồn lực cần phải huy động tối đa cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đồng thời phải nỗ lực cho việc giảm nghèo đói và thực hiện các chính sách xã hội khác thì việc lãng phí, thất thoát tài sản, tiền của, thời gian, công sức do tham nhũng cần được coi là tội ác.

Theo ông Thuận, chống tham nhũng đang khó khi vướng mắc cơ chế, thể chế.

Nêu ví dụ, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phân tích: Để chống tham ô, tham nhũng cần phải có quá trình theo dõi điều tra.

“Tham nhũng là người có chức có quyền, muốn phát hiện tham nhũng phải theo dõi, nếu người bị nghi là tham nhũng đang là đảng viên phải báo cáo xin ý kiến cấp ủy.

Quá trình báo cáo xin ý kiến ai dám đảm bảo thông tin điều tra không lộ ra, với cơ chế như vậy phòng chống tham nhũng rất khó”, ông Thuận cho biết.

Chống tham nhũng đã khó nhưng khi phát hiện tội phạm tham nhũng việc thu hồi tài sản không dễ.

Để giải quyết vấn đề này, theo ông Thuận, phải tiến hành kê biên tài sản người có dấu hiệu tham nhũng để tránh việc tẩu tán tài sản hoặc chuyển quyền sở hữu sang cho cho người thân, gia đình.

“Kê biên, kiểm soát tài sản phải làm ngay khi có dấu hiệu nghi vấn tham nhũng không phải để đến khi khởi tố mới kiểm soát tài sản thì đã muộn”, ông Thuận nêu giải pháp.

Đưa ra giải pháp triệt để phóng chống tham nhũng ông Thuận đề nghị: “Cần công khai bảng kê khai tài sản cán bộ từng cấp và công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng cho người dân giám sát”.

Khó từ quy định của luật

Đồng quan điểm, Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Đại biểu Quốc hội Cà Mau) nhận định, có nhiều nguyên nhân gây khó cho việc thu hồi tài sản do tội phạm tham nhũng gây ra.

Trong đó nguyên nhân từ việc thiếu kiểm soát ngay từ đầu hay việc phong tỏa tài sản đương sự khi phát hiện dấu hiệu tham nhũng làm chưa tích cực.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân trong cuộc trao đổi với phóng viên - ảnh H.Lực
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân trong cuộc trao đổi với phóng viên - ảnh H.Lực

“Luật pháp hiện hành quy định chỉ khi nào một người bị khởi tố lúc đó mới có biện pháp kiểm soát tài sản.

Còn thời điểm đang trong quá quá trình điều tra việc phong tỏa tài sản chưa đặt ra, đây là lý do cơ bản dẫn đến việc chúng ta chưa khống chế được tài sản tham nhũng để thu hồi về cho nhà nước”, Đại biểu Vân nhận định. 

Theo Đại biểu Lê Thanh Vân, kẻ tham nhũng thường tẩu tán tài tinh vi trong đó có việc hợp thức hóa cho người thân, bạn bè, dẫn đến khó kiểm soát.

Điển hình như trong vụ án Vinashin Lines, Giang Kim Đạt nhờ bố đẻ là Giang Văn Hiền mở nhiều tài khoản ngân hàng để rút ngoại tệ, sau đó đem gửi tiết kiệm, mua ôtô và 40 biệt thự, căn hộ cao cấp, đất đai ở vị trí "vàng" khắp cả nước.

Một nguyên nhân nữa, hệ thống ngân hàng, hệ thống tài chính chúng ta còn nhiều bất cập.

Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng quyết định đưa 6 vụ án tham nhũng lớn ra xét xử, gồm:

Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty in, thương mại và dịch vụ Agribank.

Hai là vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Tổng Công ty xây dựng đường thủy Việt Nam.

Ba là vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần dệt Quế Võ và Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Bắc Ninh.

Bốn là vụ án “Tham ô tài sản; Rửa tiền” xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn dương Vinashin.

Năm là vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Cho vay lãi nặng” xảy ra tại Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng Công thương Việt Nam Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh (Phần nội dung bị tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại về hành vi chiếm đoạt 1.085 tỷ của 05 công ty).

Trong đó việc tiêu tiền mặt khá phổ biến chúng ta chưa có cơ chế kiểm soát tài sản, tiền bằng tài khoản cá nhân thông qua thẻ tín dụng.

Chính vì không kiểm soát được lưu lượng tiền giao dịch cá nhân diễn biến qua kỳ giao dịch.

Cùng với việc kê khai tài sản vẫn còn đang hình thức, nhân dân và công luận chưa thể giám sát được, nên diễn biến tài sản của cán bộ, đảng viên ở các vị trí có nguy cơ tham nhũng tăng giảm ra sao không thể biết được.

Cũng theo Đại biểu Lê Thanh Vân cơ chế quản lý ngân sách, quản lý tài sản, quản lý cán bộ còn chưa chặt chẽ, ràng buộc trách nhiệm. 

Vì vậy tội phạm tham nhũng tận dụng kẽ hở pháp luật để chiếm đoạt tài sản, chiếm đoạt tiền, nhận hối lộ.

Để tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị nhóm giải pháp: Cần nghiên cứu để có quy định ngăn chặn việc tẩu tán tài sản của người có hành vi tham nhũng ngay từ khi có dấu hiệu tham nhũng.

Cụ thể, có cơ chế để cơ quan bảo vệ pháp luật có biện pháp phong tỏa tài sản ngay với người có dấu hiệu tham nhũng. 

“Quá trình điều tra phải cho cơ quan điều tra tiếp cận được tài sản của người thân thiết gắn bó với đương sự, so sánh với thu nhập có bất thường không, có nghi vấn gì về chuyển giao tài sản không”, Đại biểu Lê Thanh Vân nêu giải pháp.

Cùng với đó theo Đại biểu Vân cần nghiên cứu hệ thống thanh toán bằng thẻ tín dụng thay bằng sử dụng tiền mặt trên cơ sở đó kiểm soát được tài sản tăng giảm của cá nhân, giám sát được sự thay đổi nhanh, đột biết với những tài khoản của cán bộ, đảng viên có nguy cơ cao tham nhũng.

“Sửa đổi quy định của pháp luật trong hàng loạt vấn đề về quản lý kinh tế, ngân sách ngăn chặn cơ chế xin cho, đấu thầu, chỉ định thầu, ngăn chặn tình trạng “quân đỏ quân xanh” trong đấu thầu”, ông Vân nói. 

Để ngăn chắn tội phạm tham nhũng phá hoại các doanh nghiệp có vốn nhà nước, theo ông Vân cần xiết chặt ngay từ đầu vào, tức xiết chặt trong việc thi tuyển, bổ nhiệm cán bộ viên chức, công chức.

Buộc trách nhiệm lãnh đạo, trách nhiệm cơ quan quản lý nhân sự khi bổ nhiệm cán bộ công chức, viên chức phạm tội tham nhũng.

“Bằng biện pháp đồng bộ, quyết liệt sẽ khiến tội phạm tham nhũng không còn đất sống”, ông Vân khẳng định.

Mai Anh