Còn khoảng 13 ngày nữa là tới tết Nguyên đán, tuy nhiên mới đây ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng ga Sài Gòn, cho biết: Thời điểm này của các năm trước vé tàu đã được bán hết nhưng năm nay tốc độ bán chậm hơn, hiện còn tồn 9.000 vé đi tất cả các ga ngày 20 - 22/1 và 29/1.
Ngoài ra, còn 4.000 ghế phụ trên tàu Thống Nhất số chẵn trong các ngày cao điểm 20 - 23/1 đi các ga từ Quảng Ngãi trở ra. Chiều đi vào sau Tết còn 12.000 vé chủ yếu ở các ga từ Hà Nội đến Thanh Hóa vào TP.HCM.
Theo ông Thành, nguyên nhân của tình trạng này có thể do các trường đại học cho sinh viên nghỉ chậm hơn, sau 23 tháng Chạp, thay vì tầm 19 - 20 tháng Chạp như các năm trước nên sinh viên chưa mua vé tàu về quê. Bên cạnh đó, do kinh tế khó khăn nên nhiều người làm ăn, sinh sống tại TP.HCM không về quê dịp Tết.
Trái ngược với thông báo của vị đại diện ga Sài Gòn, hàng trăm khách hàng có nhu cầu mua vé tàu bày tỏ thái độ phản đối khi cho rằng “hết vé” là câu trả lời mà họ nhận được của nhân viên nhà ga khi tới mua.
Khách hàng khó khăn trong việc mua vé tàu tết. (Ảnh minh họa) |
Chia sẻ quan điểm của mình trước thực trạng bán vé tàu tết, độc giả Phương Chi cho hay: “Theo tôi nghĩ kinh tế chỉ ảnh hưởng phần nhỏ đến nhu cầu đi lại của người dân thôi. Một năm xa nhà ai cũng muốn trở về quê sum họp cùng gia đình, nhưng việc khách hàng chán đi tàu chủ yếu là do thủ tục lấy vé phức tạp, khó khăn. Giờ họ chuyển sang đi ô tô hết. Cứ ra bến xe Miền Đông mà xem, xe đi giờ nào cũng có, giá cả thì "thượng vàng hạ cám” đủ hết. Chả thế mà người dân quay lưng với nhà ga".
Cho rằng dịch vụ của nhà ga không đáp ứng yêu cầu của khách hàng trên mỗi chuyến đi hàng chục tiếng đồng hồ, độc giả Nguyễn Hữu Phong chỉ ra: “Dịch vụ vận tải hành khách đường sắt chất lượng còn yếu kém. Bữa cơm trên tàu không thể ăn nổi. Nhà vệ sinh, cơ sở vật chất đã cũ. Tiếp đó là giá vé khá cao và bến đỗ chưa hợp lý. Mỗi lần đi tàu hai ba ngày là một cực hình với tôi. Nhưng vì độ an toàn cao nên tôi đành nhắm mắt chọn phương án này”.
“Tôi và gia đình tôi là hành khách thường xuyên của đường sắt trên 20 năm. 1 năm ít nhất là 4 lần leo lên xe lửa còn nhiều thì độ chục lần. Nhưng tôi xin hứa với ngành đường sắt là kể từ năm 2014, nếu không có gì thay đổi lớn về giá vé, cung cách phục vụ lẫn chất lượng tàu thì có cho vàng tôi và gia đình tôi cũng không bao giờ leo lên tàu lửa nữa”, độc giả Hải Yến bức xúc nói./.