Tình trạng doanh nghiệp trốn hàng trăm, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng tiền thuế hiện không còn là hy hữu. Ngay cả những tên tuổi lớn cũng bị “dính” vào “danh sách đen” này.
Lớn, nhỏ đua nhau gian lận
Mới đây nhất, hàng loạt tên tuổi lớn là thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) như Toyota Việt Nam, Ford Việt Nam, Vidamco, Vinamotor... đã bị “vạch mặt” là những đơn vị gian lận thuế với số thuế truy thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Vụ lùm xùm quá lớn này đang gây “dư chấn”, khiến dư luận không khỏi bức xúc.
Vụ việc bắt đầu từ cuối tháng 3, khi Chi cục Hải quan Hải Dương (thuộc Cục Hải quan Hải Phòng) và Cục điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) tiến hành kiểm tra đối với các lô hàng linh kiện phụ tùng ô tô nhập khẩu của công ty Ford Việt Nam tại Hải Dương. Qua kiểm tra, cơ quan Hải quan nhận thấy một số linh kiện phụ tùng như ống xả, kính sườn cửa trượt (của xe Transit)... không đáp ứng đủ mức độ rời rạc theo quy định hiện hành để có thể áp mức thuế nhập khẩu theo dạng linh kiện, phụ tùng (có thuế suất từ 0 -27%). Trong khi đó, theo Thông tư 184/2010 của Bộ Tài chính, chỉ cần một linh kiện phụ tùng không đảm bảo mức độ rời rạc theo Quyết định 05/2005/QĐ-BKHCN của Bộ Khoa học Công nghệ thì sẽ phải áp thuế theo thuế suất xe nguyên chiếc (thuế suất 82%).
Từ kết quả này, Chi cục Hải quan Hải Dương đã liên tiếp ra các quyết định ấn định thuế theo xe nguyên chiếc với các lô hàng nhập khẩu của Ford Việt Nam với lý do "Lô hàng không đủ điều kiện tính thuế cho từng linh kiện, chi tiết, cụm chi tiết". Tổng số tiền thuế còn phải nộp của liên doanh này chỉ trong ba tờ khai hải quan ngày 22/2, 22/3 và 25/3 đã lên tới trên 15 tỷ đồng.
Không những thế, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, không phải chỉ có Ford Việt Nam mà hiện các doanh nghiệp lắp ráp ô tô khác như Toyota Việt Nam, Vidamco, Vinamotor và ba đơn vị ở TP HCM cũng chẳng khá hơn. Đặc biệt, nếu thực hiện đúng theo Quyết định 05 của Bộ KHCN thì con số chênh lệch về thuế phải truy thu của các doanh nghiệp lắp ráp ô tô tại Việt Nam lên tới cả nghìn tỷ đồng.
Vụ việc nghiêm trọng này khiến đại diện cả 4 Bộ: Khoa học Công nghệ, Tài chính, Công Thương và Giao thông Vận tải đã phải cùng “xắn tay” vào cuộc, lập đội kiểm tra liên ngành để xác nhận tình hình và đề ra hướng giải quyết.
Thực ra, đây không phải là lần đầu dư luận phải xôn xao về thực trạng doanh nghiệp chây ỳ, trốn thuế, làm thất thoát một lượng tiền lớn của ngân sách Nhà nước. Thậm chí, đây được coi là căn bệnh “kinh niên”, chưa thể triệt tận gốc của nhiều doanh nghiệp. Cuối tháng 7/2009, dư luận cũng đã phải xôn xao về độc chiêu “lách luật” để trốn thuế của một số doanh nghiệp nhập khẩu ô tô.
Theo đó, thời điểm này, cơ quan hải quan đã nghi vấn một số doanh nghiệp nhập ô tô có kiểu dáng xe du lịch loại 5 chỗ ngồi hiệu “Kia Morning” và “Daewoo Matiz” đã tháo dỡ, gia cố thành xe “tải Van 2 chỗ ngồi” để lợi dụng sự chênh lệch lớn về thuế nhập khẩu giữa hai laoij xe này.
Khi làm thủ tục nhập khẩu, các doanh nghiệp đều khai báo là ô tô “tải Van 2 chỗ ngồi”, các chứng từ như hợp đồng nhập khẩu, hóa đơn thương mại, vận đơn, Parking List đều thể hiện là “Kia Morning Van, Daewoo Matiz Van” hoặc ““Kia Morning 2 Van, Daewoo Matiz 2 Van”.
Tuy nhiên, từ thực tế kiểm tra hàng hóa, cơ quan hải quan nghi ngờ người nhập khẩu đã thông đồng với người xuất khẩu tháo đi một hàng ghế, gia cố thêm một số thanh sắt… rồi “biến” thành xe tải Van để gian lận trốn thuế.
Ngoài hành vi “lách luật” như trên thì “chiêu bài” phổ biến nhất mà doanh nghiệp áp dụng để trốn thuế là thường xuyên kê khai thua lỗ, dù thực tế vẫn… mở rộng hoạt động kinh doanh.
Theo số liệu thống kê, riêng tại TP.HCM, đến cuối năm 2009, số doanh nghiệp khai lỗ và thu nhập bằng 0 lên đến hơn 2.000. Số liệu đáng ngờ này đã buộc Cục thuế quyết định thanh tra. Kết quả thanh tra 826 doanh nghiệp, đã truy thu hơn 760 tỷ đồng, phạt hơn 246 tỷ đồng. Từ đó giảm số lỗ mà các đơn vị kê khai hơn 2.570 tỷ đồng.
Những hành vi vi phạm phổ biến khác là nhiều doanh nghiệp chây ỳ không nộp đủ tiền thuế, tiền phạt; sửa chữa, tẩy xóa hoặc tự hủy chứng từ, không xuất hóa đơn hoặc ghi giá trị thấp hơn trong hóa đơn khi bán hàng.
Không dễ “trị tội”
Đại diện của Cục Thuế TP.HCM cho biết, hiện có rất nhiều doanh nghiệp lớn, doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm nhưng cứ báo cáo lỗ triền miên, để “qua mặt” cơ quan thuế. Những doanh nghiệp này chủ yếu ở lĩnh vực gia công xuất khẩu may mặc, sản xuất phần mềm, dịch vụ kinh doanh bán lẻ, sắt thép, khách sạn nhà hàng, văn phòng căn hộ cho thuê…
Mặc dù biết rõ “chiêu” lách thuế của doanh nghiệp nhưng hiện tại, Thanh tra thuế khi phát hiện sai phạm chỉ đối phó một cách thụ động như truy thu lại thuế, thu hồi thuế giá trị gia tăng đã hoàn hoặc giảm trừ số lỗ. Mạnh tay thì phạt, truất quyền ưu đãi thuế. Hơn nữa, Việt Nam vẫn chưa có hệ thống những quy phạm pháp Luật tương thích đủ sức điều chỉnh biểu hiện chuyển giá.
“Phức tạp” hơn là trong vụ hàng loạt doanh nghiệp lớn kinh doanh ô tô bị buộc tội trốn thuế gần đây, các Bộ, ngành liên quan đã phải quay sang “tranh cãi” nhau vì sự bùng nhùng trong chính sách. Và biện pháp tạm thời được tính đến là phải lập đoàn kiểm tra liên ngành với sự tham gia của đại diện 4 Bộ: Khoa học Công nghệ, Tài chính, Công Thương, Giao thông Vận tải để tiến hành kiểm tra các lô hàng không đảm bảo mức độ rời rạc, nếu độ rời rạc tạm chấp nhận được thì cho thông quan, áp dụng thuế ưu đãi. Đồng thời, đoàn liên ngành thông báo cho các doanh nghiệp nhập khẩu từ nay trở đi sẽ không có chuyện chấp nhận như thế nữa. Nếu không, doanh nghiệp đó sẽ bị đánh thuế theo đúng Thông tư 184 của Bộ tài chính.
Theo Đất Việt