Ngày 30/5/2015, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) tổ cuổi lễ khánh thành sân bay quốc tế Attapeu (Lào).
Tham dự và cắt băng khánh thành dự án có Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Lào Chummaly Sayasone.
Cùng đi với Chủ tịch nước có Phó thủ tướng, Chủ tịch Phân ban Hợp tác Việt Nam - Lào Nguyễn Xuân Phúc và nhiều lãnh đạo cấp cao các bộ ngành. Đại diện Chính phủ Lào là Phó thủ tướng Somsavat Lengsavat.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Lào Chummaly Sayasone cắt băng khánh thành sân bay quốc tế Attapeu (ảnh nguồn Thanh Niên). |
Dự án sân bay Attapeu do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đầu tư theo hình thức BT (xây dựng và chuyển giao). Dự án có ý nghĩa chính trị và kinh tế xã hội to lớn, là cầu nối giao thông kinh tế chính trị, an ninh quốc phòng giữa Việt Nam và Lào.
Dự án sân bay Attapeu được Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai khởi công xây dựng tháng 2/2012 trên diện tích 235 ha, được chia làm hai giai đoạn.
Giai đoạn 1 từ nay đến 2020 là sân bay dân dụng cấp 3C (kích thước đường cất hạ cánh 1.850 m×30m), khai thác các loại máy bay từ 70-100 ghế như ATR 72, Fokker và tương đương.
Giai đoạn 2 từ 2020 đến 2030 được nâng cấp lên thành 4D (kích thước đường cất hạ cánh 3.000m x 45m) khai thác các loại máy bay hiện đại như: A320, A321, A300 và tương đương.
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, ông Đoàn Nguyên Đức cho biết dự án có tổng vốn đầu tư hơn 36 triệu USD, do Hoàng Anh Gia Lai tài trợ cho Chính phủ Lào.
Toàn cảnh sân bay Attapeu (ảnh nguồn VOV) |
Sân bay đạt cấp xây dựng theo tiêu chuẩn ICAO là sân bay dân dụng cấp 3C, với đường băng dài 1.850 m, rộng 45 m, đáp ứng yêu cầu cất hạ cánh của các loại máy bay ATR 72, Fokker hoặc tương đương; được trang bị hệ thống dẫn đường VOR/DME, hệ thống đèn hiệu đáp ứng nhu cầu bay đêm.
Nhà ga hành khách rộng 4.300 m2 đáp ứng cho 300 khách/ngày, có thể cùng lúc tiếp nhận 2 chuyến bay, hệ thống đài chỉ huy không lưu, cứu hỏa... hiện đại. Toàn bộ các khâu từ thiết kế, thi công xây dựng, nguyên vật liệu thi công và thiết bị... đều do các công ty Việt Nam thực hiện.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Đây là dự án trọng điểm có ý nghĩa đặc biệt ở khu vực Nam Lào, thể hiện sự hiệu quả, phong phú và đa dạng trong việc hợp tác giữa 2 nước, giữa doanh nghiệp 2 nước Việt Nam – Lào. Tôi nhiệt liệt biểu dương Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và những doanh nghiệp khác đang triển khai đầu tư ở Attapeu nói riêng và khu vực Nam Lào nói chung”.
Về phía Lào Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Chummaly Sayasone đánh giá cao tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã nhanh chóng triển khai đầu tư và hoàn thành dự án sân bay quốc tế Attapeu, một công trình có ý nghĩa chính trị - kinh tế quan trọng, giúp tăng cường kết nối không chỉ giữa các địa phương của Lào mà còn giữa Lào với Việt Nam và các nước khác trong khu vực.
Ngoài dự án sân bay Attapeu, hiện Hoàng Anh Gia Lai đang đầu tư sân bay quốc tế Nọng Khang tại tỉnh Hủa Phăn. Dự án sân bay Nọng Khang được Hoàng Anh Gia Lai đầu tư hai giai đoạn.
Giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành vào năm 2015 với nhà ga hành khách có công suất 100.000 lượt khách/năm, đường bay cất hạ cánh có chiều dài 2.400 mét, chiều rộng 30 mét, chủ yếu tiếp nhận các máy bay nhỏ (70-100 ghế), chặng ngắn như ATR 72, Fokker 70…
Bước sang giai đoạn 2, sân bay quốc tế Nọng Khang sẽ được nâng cấp để có khả năng đáp ứng yêu cầu cất, hạ cánh của các máy bay cỡ lớn như Airbus A320, Airbus A321…
Được biết đến nay, Hoàng Anh Gia Lai vào các lĩnh vực thủy điện, nông nghiệp tại Lào đã lên đến hàng tỉ USD, trong đó 70% tập trung tại tỉnh Attapeu với các dự án trồng cao su, cọ dầu, trồng cỏ và nuôi bò với quy mô hàng trăm ngàn con.
Hoàng Anh Gia Lai cũng đã xây dựng cho tỉnh Attapeu 1 bệnh viện đa khoa 200 giường, hơn 1.000 căn nhà cho công nhân, người dân, xây dựng nhiều trường học và hàng trăm km đường.