Gần 13 triệu sĩ tử Trung Quốc thi Cao khảo
Cao khảo Phổ thông (Cao khảo hay Gaokao) là tên thường gọi của Kỳ thi tuyển sinh đại học toàn quốc tại Trung Quốc. Mỗi năm, kỳ thi được diễn ra cố định vào hai ngày 7-8/6 hoặc kéo dài thêm 1-2 ngày tùy từng địa phương.
Kỳ thi Cao khảo năm nay có sự tham gia của 12.91 triệu thí sinh, chủ yếu là học sinh năm cuối cấp trung học phổ thông.
Theo số liệu từ Bộ Giáo dục Trung Quốc, số lượng thí sinh năm nay tăng thêm 980 nghìn so với năm ngoái và đạt mức kỷ lục từ khi kỳ thi này được tổ chức vào năm 1952. Đây cũng là kỳ thi đầu tiên sau khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Các gia đình tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc tiễn các thí sinh lên đường đi thi Cao khảo. Ảnh: ChinaDaily |
Tại kỳ thi này, mỗi thí sinh phải hoàn thành 4 bài thi, gồm: Ngôn ngữ và Văn học Trung Quốc, Toán học, Ngoại ngữ và một bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Chính trị).
Điểm của mỗi môn thi là 150 điểm, của bài thi tổ hợp là 300 điểm. Tổng điểm tối đa mà mỗi thí sinh có thể đạt được là 750 điểm. Số điểm được coi là an toàn để đăng ký vào các trường đại học lớn là 600. Năm ngoái, tại Quảng Đông - tỉnh đông dân nhất của Trung Quốc, chỉ có 3% số thí sinh dự thi đạt được số điểm trên 600 điểm.
Ở môn Toán, các thí sinh không được sử dụng máy tính bỏ túi mà hoàn toàn dựa vào việc tính tay, tính nhẩm.
Đối với môn Ngôn ngữ và Văn học Trung Quốc, ngoài đề thi chung toàn quốc, các tỉnh, thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân… sẽ có các đề thi riêng với mức độ khó cao hơn.
Hiện Trung Quốc có hơn 1000 trường đại học với các cấp độ khác nhau. Đứng đầu trong số này là Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa.
Bên ngoài một địa điểm thi vào sáng 7/6 tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông. Ảnh: ChinaDaily |
Tiếp sau đó là các trường đại học thuộc các Dự án 211 và Dự án 985. Đây là hai dự án của Chính phủ và Bộ Giáo dục Trung Quốc nhằm xây dựng các trường đại học trọng điểm mang tầm cỡ quốc tế.
Dưới nữa là các trường đại học hạng nhất và cuối cùng là các trường đại học hạng hai. Sự phân bổ các nguồn đầu tư tài chính và học thuật đều liên quan mật thiết đến thứ tự trường theo từng cấp độ.
Bởi tính chất đặc biệt quan trọng của kỳ thi, Bộ Giáo dục Trung Quốc luôn cố gắng đảm bảo tính công bằng, minh bạch và cam kết xử lý nghiêm túc mọi trường hợp gian lận. Những thí sinh vi phạm quy chế sẽ bị cấm thi từ 1 đến 3 năm.
Năm nay, nhiều địa điểm thi tại Trung Quốc đã nâng cấp hệ thống kiểm tra an ninh, như lắp đặt hệ thống nhận diện khuôn mặt và yêu cầu thí sinh không đeo các trang sức kim loại vào phòng thi.
Bộ Công an Trung Quốc cũng phát động chiến dịch điều tra các vụ việc liên quan đến gian lận có tổ chức, mua bán băng ghi âm và các thiết bị chụp ảnh bí mật trong kỳ thi.
Các hoạt động hỗ trợ, động viên sĩ tử đi thi cũng được đông đảo người dân tại đây chung sức thực hiện. Không khí hồi hộp, căng thẳng bao trùm cả đất nước để cùng hướng về gần 13 triệu sĩ tử trong những ngày thi đại học.
Từ lâu, Cao khảo được coi là kỳ thi đặc biệt căng thẳng bởi số lượng thí sinh đông cũng như mức độ ảnh hưởng của kết quả tới tương lai của mỗi bạn trẻ.
Bởi vậy, rất nhiều người đã quyết tâm thi đại học nhiều lần cho đến khi đạt được số điểm như ý. Số liệu thống kê năm 2021 cho biết, 17% số thí sinh dự thi Cao khảo là từ các năm trước đăng ký thi lại.
Tại các vùng nông thôn Trung Quốc, nhiều gia đình coi việc đạt điểm cao tại kỳ thi và giành suất vào các trường đại học danh tiếng là cách duy nhất để đổi đời.
Học sinh Ấn Độ 1 chọi 51 để giành suất vào các trường kỹ thuật
Trước đó, vào ngày 4/6/2023, hơn 180 nghìn học sinh tại Ấn Độ đã tham gia kỳ thi JEE Advanced để giành suất vào học tại các học viện công nghệ tại đất nước này.
Học viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) là mạng lưới 23 trường kỹ thuật hàng đầu tại quốc gia đông dân nhất thế giới, là nơi đã đào tạo ra hàng loạt những tên tuổi công nghệ nổi tiếng toàn cầu.
Không khí căng thẳng tại một địa điểm thi JEE Advanced tại Ấn Độ. Ảnh: ALLEN Career Institute |
Để đến được kỳ thi nâng cao JEE Advanced, các học sinh đã phải vượt qua ngưỡng điểm nhất định ở kỳ thi tiêu chuẩn JEE Main trước đó. Ngoài việc sàng lọc cho JEE Advanced, kết quả của JEE Main cũng được nhiều trường đại học khác ở Ấn Độ sử dụng để tuyển sinh.
Năm nay, số lượng tham gia kỳ thi JEE Main là hơn 822 nghìn thí sinh, với 250 nghìn thí sinh cao điểm nhất được phép đăng ký dự thi JEE Advanced. Theo báo cáo từ Học viện Công nghệ Ấn Độ Guwahati (IITG) – đơn vị phụ trách kỳ thi năm nay, đã có 180.226 thí sinh có mặt để dự thi hôm 4/6.
Trong khi đó, tổng chỉ tiêu của 23 trường IIT năm nay là 16.053, tương ứng với tỷ lệ chọi từ vòng thi JEE Main là 1/51. Để giành được một suất theo học tại IIT, một học sinh Ấn Độ cần phải cạnh tranh với 50 bạn khác.
Các thí sinh tham gia JEE Advanced phải hoàn thành 2 bài thi, được gọi là Paper-1 và Paper-2. Ngôn ngữ của các bài thi là tiếng Anh hoặc tiếng Hindi. Mỗi bài thi kéo dài 3 tiếng, thời gian nghỉ giữa hai bài thi là 2 tiếng. Các câu hỏi của bài thi xoay quanh kiến thức các môn Toán học, Vật lý và Hoá học.
Mỗi môn thi trong mỗi bài thi có từ 18-19 câu hỏi tuỳ từng năm. Tổng cộng, các thí sinh cần hoàn thành khoảng 108-114 câu hỏi trong thời gian 6 tiếng.
Với mỗi câu trả lời đúng, thí sinh sẽ được cộng từ 3-4 điểm tuỳ theo độ khó, dễ của câu hỏi, nếu trả lời sai hoặc trả lời thiếu, thí sinh sẽ bị trừ từ 1-2 điểm.
Việc xét tuyển vào các trường IIT của Ấn Độ không được tính theo tổng số điểm mà dựa vào thứ hạng của thí sinh trong kỳ thi (All India Rank-AIR).
Thứ hạng an toàn để trúng tuyển vào các trường IIT hàng đầu như IIT Bombay, IIT Delhi hay IIT Madras là tốp 5000 thí sinh. Năm 2022, để trúng tuyển vào ngành Khoa học máy tính của IIT Bombay, thí sinh cần lọt tốp 63 người có điểm thi cao nhất.
Học viện Công nghệ Ấn Độ Madras, ngôi trường xếp hạng một tại Ấn Độ suốt nhiều năm qua. Ảnh: Trịnh Trang |
Trước đại dịch Covid-19, kỳ thi JEE Main và JEE Advanced còn được tổ chức ở các thành phố lớn khác như Dubai và Singapore, nơi có lượng Ấn kiều sinh sống đông đảo.
Tại Ấn Độ, kỳ thi tuyển sinh vào các trường y tế và kỹ thuật từ lâu đã hình thành nền công nghiệp luyện thi khổng lồ.
Thành phố Kota ở phía Tây Bắc Ấn Độ được ví như “thủ đô” của ngành công nghiệp này. Nơi đây nổi tiếng khi mỗi năm có hàng trăm nghìn học sinh từ mọi miền đất nước đổ về để theo học tại các lò luyện thi.
Nhiều gia đình nghèo Ấn Độ chấp nhận gánh khoản nợ suốt đời để chi trả cho các khoá luyện thi, với hy vọng con cái họ sẽ thi đỗ vào các trường kỹ thuật hàng đầu như IIT.
Sinh viên của các trường IIT, hay còn được gọi là “IITian” luôn được các tập đoàn lớn trên thế giới như Microsoft, Apple, Qualcomm, Google, Airbus hay Amazon… săn đón với mức lương cao ngất ngưởng từ khi chưa ra trường.
Vậy nên, việc đạt thứ hạng cao tại hai kỳ thi JEE Main và JEE Advanced được xem như “cánh cửa” thoát nghèo của rất nhiều gia đình tại Ấn Độ.
Sau khi trở thành quốc gia độc lập vào năm 1947, Ấn Độ bắt đầu xây dựng các trường kỹ thuật “tinh hoa” nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá.
Kể từ khi ngôi trường đầu tiên IIT Kharagpur được thành lập năm 1951, hiện đã có tổng cộng 23 trường IIT trên toàn quốc. Các ngôi trường sở hữu mạng lưới hàng chục nghìn cựu sinh viên thành công trên nhiều lĩnh vực suốt hơn bảy thập kỷ qua.
Những cái tên nổi tiếng nhất trong số đó có thể kể tới: CEO Google Sundar Pichai, CEO Adobe Shantanu Narayen, CEO FedEX Raj Subramaniam, cựu CEO Infosys N. R. Narayana Murthy, cựu CEO Twitter Parag Agrawal, cựu CEO IBM Arvind Krishna hay tác giả truyện “Ba chàng ngốc” Chetan Bhagat.
Bài viết được dịch và tổng hợp từ các nguồn sau:
China's national college entrance exam starts-Xinhua
Record 13m students sit China’s ‘gaokao’ college entrance exams | Education News | Al Jazeera
China’s ‘Little Gaokao’: A Choice for the Choiceless – The Diplomat
Millions of Chinese students sit gruelling college entrance exams
JEE Advanced 2022: Check category-wise previous years' cut-off