Thực tế hiện nay tại nhiều khu vực miền núi, người dân thiếu kiến thức, nhưng tự ý kéo dây điện sau công tơ về nhà sử dụng dẫn những tai nạn thương tâm, đáng tiếc.
Để giải quyết tình trạng này, ông Lê Văn Trang, Phó Tổng giám đốc EVNNPC đã có một số chia sẻ rất bổ ích, cần thiết đối với người dân sử dụng điện sao cho an toàn, tiết kiệm.
Theo ông Trang, hiện nay, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã triển khai hướng dẫn người dân bằng các biện pháp như: Tổ chức in ấn, cấp phát (miễn phí) các Tờ rơi an toàn điện (Cẩm nang an toàn điện) đến các xã dùng điện để phát cho bà con.
Hàng năm, Điện lực cấp huyện đã có công văn gửi UBND cấp xã, thống kê các vị trí nguy hiểm về điện để xã thông báo và hướng dẫn người dân phòng tránh tai nạn về điện tại các khu vực nguy hiểm đó.
Các đơn vị Điện lực đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và cơ quan quản lý nhà nước về điện lực thực hiện tổ chức các buổi hướng dẫn quảng đại dưới nhiều hình thức về an toàn điện và bảo vệ hành lang lưới điện nhằm tuyên truyền cho người dân biết cách sử dụng điện an toàn, chú trọng hướng dẫn các biện pháp an toàn trong điều kiện thời tiết cực đoan.
Đối với kỹ thuật an toàn dây ra sau công tơ khách hàng, phía điện lực khuyến cáo bà con sử dụng điện theo một số nội dung sau: Áp tô mát sau công tơ khách hàng nếu lắp mới đã được ngành điện thiết kế và đưa vào dự toán thường là các loại 1 pha 2 cực (pha và trung tính), hạn chế dùng Áp tô mát 1 cực (cực lửa) và cầu dao.
Dây ra sau công tơ khách hàng nếu lắp mới đã được ngành điện thiết kế và đưa vào dự toán, tùy theo công suất sử dụng thường là các loại dây bọc 2 lớp, cáp muyle (sợi đồng) với tiết diện 2x4, 2x6, 2x11 với chiều dài khoảng 25 mét kể từ công tơ.
Khi khách hàng muốn tăng thêm chiều dài (do nhà ở xa cột điện…) hoặc thay dây nên mua loại dây đảm bảo kỹ thuật và phối hợp với ngành điện để tư vấn chọn dây đúng chủng loại. Không dùng dây thép, dây trần và dây lưỡng kim (dạng dây hữu tuyến bưu điện).
Kéo dây ra sau công tơ phải được treo trên cáp chịu lực (còn gọi là dây văng), sợi cáp này phải được buộc chặt vào thân cột điện chắc chắn qua sứ hạ thế (còn gọi là sứ quả bàng).
Kéo dây khoảng dài phải có cột đỡ đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, không kéo buộc dây vào các thân cây, ban công nhà… hoặc vật không chắc chắn. Dây phải cách mặt đất ít nhất 5,0 mét (đối với nông thôn) và 6,0 mét (đối với đô thị), dây vượt đường phải đảm bảo cao từ 7,0 mét trở lên. Hạn chế tối đa việc nối dây sau công tơ.
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến: “Đảm bảo cung ứng điện trong tình hình thời tiết cực đoan”. |
Tổng công ty Điện lực miền Bắc cũng khuyến cáo bà con, khi thấy dây đứt, phát nóng, chập cháy…không tự động cứu chữa hoặc nối dây mà phải báo với ngành điện để được sửa chữa hoặc tư vấn sửa chữa.
Để giảm bớt những tai nạn không đáng có, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đưa ra mốt số khuyến cáo như:
Khi lắp đặt, thiết kế hệ thống điện trong nhà nên thuê tư vấn, chuyên viên kỹ thuật thực hiện. Đặt thiết bị bảo vệ (CB hoặc cầu dao điện) phù hợp cho đường dây chính trong nhà, từng gian phòng và từng thiết bị điện công suất lớn. Khi xảy ra sự cố về điện, người dân tuyệt đối không dùng bất cứ cái gì khi chưa ngắt các cầu dao điện, để đảm bảo không còn điện.
Khi xảy ra cháy phải nhanh chóng ngắt nguồn điện (CB, cầu dao điện), báo cho mọi người xung quanh, báo Cảnh sát PCCC; Dùng phương tiện chữa cháy tại chổ dập lửa (Cấm dùng nước dập lửa khi chưa cắt điện; Nên sử dụng các bình khí (C02,N2...), bình bột chữa cháy điện).
Thiết bị, dụng cụ sử dụng điện trong nhà cũng phải đảm bảo an toàn, phù hợp công suất đường dây cấp điện; Phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, vệ sinh; Phải sửa chữa hoặc thay mới khi phát hiện hư hỏng.
Ngoài ra, cần ngắt ngay các thiết bị, dụng cụ điện sinh nhiệt ra khỏi nguồn điện khi không còn nhu cầu sử dụng hoặc trường hợp đang sử dụng mà bị mất điện. Tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết trước khi ra khỏi nhà hoặc trước khi ngủ.
Sử dụng cáp điện, thiết bị điện ở những bảng quảng cáo ngoài trời đúng chủng loại, đúng tiêu chuẩn; Lắp đặt đúng kỹ thuật; Phải thường xuyên, kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa.
Công Ty điện lực Thanh Hóa tích cực chuẩn bị công tác phòng chống bão số 2. Ảnh: Điện lực Thanh Hóa. |
Ngành điện cũng khuyến cáo khách hàng không dùng dây điện trần (không có vỏ cách điện) trong nhà; Không sử dụng dây, cáp điện, thiết bị điện không đảm bảo chất lượng. Không dùng giấy bạc và dây kim loại khác để thay thế dây chảy cầu chì, cầu dao.
Khách hàng cũng không được treo móc hàng hóa, vật dụng lên đường dây, thiết bị điện; Không dùng vật liệu dễ cháy như giấy, vải... để làm chóa đèn hoặc bao che bóng đèn; Không treo bóng đèn sát vách ngăn, trần làm bằng vật liệu dễ cháy.
Không sử dụng ổ cắm, phích cắm, CB, cầu dao bị nứt, vỡ vỏ nhựa hoặc bị gỉ, sét; Không cắm dây dẫn điện trực tiếp vào ổ cắm.
Không dùng thiết bị điện sinh nhiệt khi không có người lớn trông coi; Không để trẻ nhỏ, người bị bệnh tâm thần... sử dụng các thiết bị điện, đồ dùng điện trong nhà.
Không để các chất dễ cháy gần đường dây và các thiết bị, dụng cụ sử dụng điện; Không lắp đặt ổ cắm điện trong nhà vệ sinh, nhà tắm.
EVN cũng khuyến cáo, trước khi mùa vào mưa bão tập đoàn đã có khuyến cáo tới các nơi vẫn còn việc bán điện qua các tổ chức trung gian bán lẻ chứ không mua trực tiếp EVN rằng, cần phải có các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân.
Ngoài những biện pháp chung để phòng tránh rủi ro, ông Lâm cũng đưa ra một số biện pháp cơ bản phòng tránh tai nạn về điện như: Khi thấy dây điện rơi xuống chạm đất hoặc rơi lơ lửng tuyệt đối không được đến gần, phải đứng cách điểm rơi ít nhất 10 mét, báo ngay cho ngành điện và cảnh báo cho cộng đồng không đến gần.
Không phơi quần áo, treo lồng chim, treo cây cảnh…vào dây điện; Không chăng mắc dây phơi, cần ăng ten, pano quảng cáo... gần đường dây điện.
Không hắt nước vào cột điện và dây điện; Không tiểu tiện vào cột điện, dây điện; Không tự ý trèo lên cột điện làm bất cứ việc gì. Muốn xem hoặc đối chiếu số điện thì phải báo cho nhân viên điện lực hỗ trợ.
Không tự ý chặt cây trong và ngoài hành lang lưới điện; Không buộc trâu bò, vật nuôi vào cột điện; Không đào bới gốc cột điện và các đường cáp ngầm chôn dưới đất.
Không trèo vào các trạm điện; Không đến gần, không sờ vào các tủ điện ngoài trời, các hộp công tơ, tủ phân dây, các trạm biến áp kiểu kín trên đường, trong khu dân cư…; Không thả diều, vật bay (máy bay mô hình) gần đường dây điện; Không đốt nương rẫy, nổ mìn…dưới gầm đường dây điện.
Khi có mưa bão, sấm sét, không đứng trú dưới các cột điện, trạm điện ngoài trời. Không cắt thu các dây điện, công tơ… rơi xuống đất. Khi đường ngập nước không đi gần các cột điện.
Thời gian qua, ngành điện cũng đã có những hướng dẫn chi tiết các kỹ năng sử dụng an toàn hiệu quả trên các website của ngành điện.