Kết của truyện Tấm Cám: Vận động xã hội cũng cần sự thay đổi

09/11/2011 04:25
Nguyễn Tiến
(GDVN) - Quá trình hoàn thiện truyện cổ tích là quá trình biến đổi không ngừng. Sự thay đổi kết thúc trong truyện Tấm Cám cũng không nằm ngoài quy luật này.

Những ngày gần đây dư luận đang xôn xao với chuyện thay đổi cách kết thúc trong chuyện cổ tích Tấm Cám. Một số người cho rằng cái kết trong câu chuyện Tấm Cám có tính chất quá dã man, không phù hợp với xã hội ngày nay và cho rằng nên đổi cái kết của câu chuyện này.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bích Hà
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bích Hà

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ, Nguyễn Bích Hà, nguyên trưởng khoa Việt Nam học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, người đã có nhiều năm nghiên cứu về văn học dân gian cho biết: Truyện cổ tích là truyện truyền miệng và luôn luôn biến đổi theo nhu cầu của thời đại, không bao giờ bất biến.

Trong quá trình truyền miệng để lưu truyền thì truyện cổ tích có những biến đổi khác nhau. Truyện Tấm Cám ra đời trong thời kỳ trung đại. Đây là thời kỳ mà sự trả thù và hành xác của con người hết sức "man rợ" không phải chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng vậy.

Truyện Tấm Cám vốn kết thúc bằng tình tiết Tấm dội nước sôi, Cám chết. Tấm lấy xác Cám làm mắm, gửi về cho mụ dì ghẻ. Ngày ngày mụ ăn mắm do Tấm gửi và tấm tắc khen ngon. Cho đến khi ăn đến đáy hũ, nhìn thấy đầu lâu con mình, mụ lăn đùng ra chết.

Kết thúc ấy đã tồn tại một thời gian khá dài trong lời kể dân gian và đã từng làm cho không ít người hả hê vì cách trừng phạt “ác giả, ác báo” đó. Chính vì vậy cách kết thúc của truyện Tấm Cám trong thời kỳ trước không có vấn đề gì. Lúc đó, cái ác phải bị sự trừng phạt đích đáng giống như cách mà con người thời kỳ đó hành xử.

Tuy nhiên trong thời hiện này không giống như trong thời kỳ trung đại. Con người có ác độc đến mấy thì cũng không thể hành hạ giống như kiểu ác giả ác báo như trong thời kỳ trước. Cô Tấm là một người hiền lành mà lại dùng những thủ đoạn để trả thù mẹ con Cám một cách hết sức dã man như vậy không phù hợp với thời kỳ hiện đại. Vì vậy trong lời kể hiện nay nhiều người đã bỏ qua một vài tình tiết, trong đó có tình tiết “làm mắm”.

Khi kể cho trẻ mẫu giáo, các cô giáo cũng đã bỏ đi đoạn trừng phạt bằng cách này. Chính vì vậy sách giáo khoa lớp 10 phổ thông khi trích giảng truyện Tấm Cám cũng chọn bản kể không có cái chết ghê rợn kia. Truyện chỉ dừng lại ở chỗ, Cám nghe Tấm nói nhờ tắm nước sôi nên trắng trẻo liền sai người đào hố và Tấm dội nước sôi.

Cám chết, mụ dì ghẻ nghe tin con chết cũng lăn đùng ra chết theo. Như vậy tính chất thời đại đã chi phối các lựa chọn các tình tiết trong chuyện. Ngay cả khi truyện Tấm Cám được văn bản hóa thì nó vẫn có thể biến đổi để phù hợp với  thời đại mà nó đang được lưu tryền.

Chính vì vậy mà tất yếu cái kết trong câu truyện cổ tích Tấm Cám phải thay đổi. Đó không chỉ là sự thay đổi của một cá nhân nào khi viết sách giáo khoa mà do bản thân nhu cầu của thời đại đòi hỏi phải thay đổi.

"Truyện cổ tích là sản phẩm của tập thể nhân dân, nếu có những chi tiết nào không phù hợp với thời đại mới, với nhu cầu của tập thể, nhân dân vẫn có thể sửa chữa theo nhu cầu chung khiến cho tac phẩm biến đổi không ngừng qua các thời đại. Chính vì vậy quá trình biến đổi truyện cổ tích không ngừng và không có điểm dừng cuối..."_PGS-TS Nguyễn Bích Hà bày tỏ.

Nguyễn Tiến