Khách hàng Vinaphone bức xúc: "Gọi 3 phút trả phí 21 USD"

10/10/2011 14:47
P.Thúy
(GDVN) - "Là khách hàng 10 năm của Vinaphone nhưng tôi vẫn "sập bẫy" cước phí chỉ vì tin vào những giải thích mập mờ của của nhân viên nhà mạng này...".
Một khách hàng của Vinaphone bức xúc phản ánh gói cước Roaming khi anh chỉ gọi điện thoại 3 phút nhưng phải trả đến 21USD.
7 USD/phút di động khi dùng dịch vụ Roamming có đắt?
Trong đơn gửi đến báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, anh Nguyễn Mạnh C. - chủ nhân thuê bao điện thoại 0912 015 xxx, phản ánh bị Vinaphone thu cước phí Roaming quá đắt. Theo anh C, tháng 11/2010 có chuyến công tác khoảng 10 ngày tại Mỹ, anh C. đã đăng ký sử dụng dịch vụ Roaming của Vinaphone. Trước chuyến đi, anh có gọi điện thoại đến tổng đài 9191 hỏi rõ cước phí dịch vụ này nhưng chỉ được nhân viên tổng đài trả lời mập mờ: “Anh cứ dùng đi, không đáng bao nhiêu đâu". Được nhân viên Vinaphone trấn an, anh C. cho rằng, có đắt cũng chỉ gấp 2,3 lần cước trong nước và quyết định vẫn sử dụng trên tinh thần tiết kiệm. Chính vì thế anh C. ngã ngửa khi nhận được hóa đơn tính cước điện thoại tháng 11/2010 của mình lên đến gần 9 triệu đồng. Không đồng tình với mức phí này vì cho rằng mình không thể sử dụng nhiều như vậy, anh C. chỉ thanh toán 1,5 triệu đồng cho Vinaphone. Mặt khác, anh C. cũng yêu cầu Vinaphone làm rõ cách tính cước để khỏi thiệt thòi cho người tiêu dùng. “Tôi đã là khách hàng của Vinaphone 10 năm liền, trong suốt thời gian đó mỗi tháng tôi sử dụng hết khoảng từ 700 nghìn đến hơn 2 triệu đồng tiền điện thoại và tôi đều thanh toán đầy đủ. Chỉ riêng tháng 11/2010 là phí phát sinh ngoài dự kiến do chuyến đi công tác, tôi muốn Vinaphone giải thích rõ ràng về việc tính cước như vậy có hợp lý không vì không thể lấy mức thu nhập ở Việt Nam để tính dịch vụ bằng giá trị USD của Mỹ, như vậy là không bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam”.
Khách hàng Vinaphone bức xúc: "Gọi 3 phút trả phí 21 USD" ảnh 1
Cước Roaming của anh C. chưa thuế đã hơn 7.8 triệu đồng.
Anh C.cho biết, khi nhận thông báo tiền cước tháng 11/2010 lên đến 8.497.985 đồng, anh rất bất ngờ. Ngay sau đó anh chỉ nhận được giải thích từ nhân viên của Vinaphone rằng trong thời gian anh ở Mỹ, anh sử dụng gói cước Roaming với mức phí 6 USD/phút cộng với phụ thu của Vinaphone là 1 USD, tính ra mỗi phút di động khách hàng phải trả là 7 USD. “Với mức thu nhập của người Việt Nam, liệu có ai chấp nhận được mức phí này? Nếu khi tôi gọi lên tổng đài nhân viên tổng đài nói thẳng mức cước phí Roaming rất đắt tôi đã không sử dụng mà dùng nhiều cách liên lạc khác rẻ hơn rất  nhiều”. “Không chỉ có riêng tôi mà rất nhiều bạn bè của tôi cũng rơi vào trường hợp như vậy", anh C. phản ánh. Cũng theo anh C, từ tháng 11/2010, tháng nào anh C. cũng nhận được lời thông báo đòi tiền của Vinaphone, mặc dù anh đã gửi công văn lên Vinaphone yêu cầu được gặp gỡ trao đổi trực tiếp vì nếu Vinaphone “muốn khách trả tiền thì cũng phải có lời giải thích rõ ràng cụ thể để khách không còn băn khoăn”. Nhiều lần thuê bao của anh C. bị nhà mạng khóa máy vài ngày, chỉ khi nào anh gọi điện làm to chuyện tổng đài mới lại mở khóa. Gần đây, không chỉ “dọa” cắt di động, Vinaphone còn ra thông báo trước ngày 5/10 nếu anh C. không thanh tóa hết nợ thì họ sẽ cắt mọi thông tin liên lạc của anh C. liên quan đến Vinaphone.VinaPhone khẳng định mình đúng Trong bảng kê giá cước tháng 11/2010 của anh C. có liệt kê cụ thể các cuộc gọi trong 10 ngày đi Mỹ. Cụ thể một cuộc gọi đến thuê bao 097686xxxx ngày 15/11/2010 có thời gian gọi là 1'50" với cước phí là 10,586 USD. Các khoản phí anh C. phải trả trong thời gian ở Mỹ có cả phí nhận tin nhắn với mỗi tin nhắn là 500 đồng. Tuy nhiên, anh C cho rằng trước đó mình chỉ được thông báo gửi tin nhắn mất tiền mà không có thông báo nào nhận tin nhắn cũng mất tiền.
Công văn Vinaphone trả lời anh Chiến trước đó
Công văn Vinaphone trả lời anh Chiến trước đó

Trong khi cước cuộc gọi Roaming đang bị coi là tính quá cao, anh C còn phản ánh thêm cước 3G cũng bị Vinaphone tính một cách "tù mù". Thuê bao của anh C. nằm trong diện miễn phí 3G. Trong bản hợp đồng cũng ghi rõ miễn phí 3G nhưng không ghi rõ chỉ miễn phí 3G trong nước. Khi anh ra nước ngoài công tác, vẫn bị tính cước phí 3G như bình thường và mức phí cũng cao ngất ngưởng.

Trên website của mình, Vinaphone chỉ giới thiệu U1 Roaming là gói cước cho phép sử dụng dịch vụ truyền dữ liệu đầu tiên và duy nhất hiện nay tại Việt Nam giúp khách hàng quản lý được hạn mức sử dụng dịch vụ truyền dữ liệu khi ở nước ngoài với chi phí tối đa 10 USD/ngày, không có chi tiết cụ thể tính cước trên phút như thế nào. Trong khi đó, 10 ngày ở Mỹ, anh C. mất hơn 7 triệu đồng tiền cước Roaming.

Trước khi Vinaphone có câu trả lời, đối chiếu dịch vụ Roaming từ hóa đơn cước điện thoai tháng 11/2010 của anh C với một số nhà mạng có cung cấp dịch vụ này, phóng viên báo Giáo Dục Việt Nam nhận thấy, cước phí của Vinaphone có giá trị tương đương.

Mới đây,  trả lời báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, VinaPhone khẳng định: việc tính cước như trên hoàn toàn chính xác.

Sau phản ánh của anh C., bộ phận tính cước đã kết hợp với Viễn thông Hà Nội kiểm tra dữ liệu cước chuyển vùng Quốc tế của số thuê bao 0912 015 xxx trong tháng 11/2010. Kết quả hoàn toàn đúng với nội dung công văn ngày 22/8/2011 Vinaphone đã gửi tới khách hàng. Toàn bộ dữ liệu các cuộc gọi, nhắn tin chiều đi đến, cước truy cập GPRS trong thời gian khách hàng lưu trú tại Đài Loan, Mỹ hoàn toàn trùng khớp với số liệu cước nước bạn cung cấp. Như vậy, việc tính cước của VinaPhone hoàn toàn đúng.

Anh C đã dùng đúng số tiền đã kê trong hóa đơn (kèm chi tiết các dịch vụ anh C sử dụng trong thời gian ở Mỹ và Đài Loan) nên phải có trách nhiệm thanh toán đủ cước phí tháng 11/2010 cho Vinaphone. Nếu không số thuê bao của anh sẽ bị cắt liên lạc.

Tuy nhiên, câu trả lời của Vinaphone vẫn không khiến anh C hài lòng vì điều điều khiến anh C bức xúc là nếu được nhân viên Vinaphone tư vấn rõ ràng ngay từ đầu, anh sẽ có những phương án sử dụng dịch vụ hợp lý hơn.

Từ sự việc trên cho thấy, chính cách giải thích mập mờ của nhân viên Vinaphone cùng sự chủ quan của anh C khi không tìm hiểu kỹ dịch vụ dẫn đến sự hiểu lầm không đáng có trên. Sự việc của anh C cũng là lời cảnh báo với những khách hàng thường xuyên công tác nước ngoài và công tác đào tạo nhân viên của các nhà mạng lớn.

P.Thúy