Khẩu trang 10.000 đồng/3 chiếc: Lọc bụi kém + ổ vi trùng?

23/10/2011 08:25
Bài, ảnh: Trúc Diễm
(GDVN) - Theo TS Nguyễn Duy Thịnh: Các loại khẩu trang giá rẻ tính năng lọc bụi kém, thậm chí còn là ổ vi trùng, vi khuẩn gây ra bệnh truyền nhiễm...

Khẩu trang 10.000 đồng/3 chiếc: Không rõ nguồn gốc vẫn đắt hàng

Khẩu trang như một vật bất ly thân của nhiều người dân Hà Nội khi ra khỏi nhà. Tại các vỉa hè ở Hà Nội như đường Xuân Thủy, cổng chợ nhà Xanh, gần cổng Trường Sư phạm Hà Nội, gần cổng Trường Đại học Quốc gia (Cầu Giấy), Trần Phú (Hà Đông)... cứ cách 10m lại có một hàng khẩu trang được đổ đống, bày bán trên vỉa hè với giá chỉ 10 ngàn đồng/3 chiếc. Bằng một thao tác đơn giản là dừng xe, với tay, các "thượng đế" đã có 3 chiếc khẩu trang đa sắc màu, phong phú chủng loại. Có lẽ chính vì tiện, chính vì rẻ như vậy mà loại khẩu trang không rõ nguồn gốc xuất xứ này bán chạy với số lượng lớn.
Khẩu trang giá rẻ 10.000 đồng/3 chiếc được bày bán la liệt trên thị trường.
Khẩu trang giá rẻ 10.000 đồng/3 chiếc được bày bán la liệt trên thị trường.
Chị Hoa - bán khẩu trang trước cổng chợ nhà Xanh, cho biết: Mỗi ngày chị bán được tới 300 - 400 chiếc, ngày ít nhất cũng được hơn 100 chiếc khẩu trang giá rẻ. Giá nhập đầu vào chỉ khoảng 1.700 – 2.000 đồng/1 chiếc và khách hàng phần lớn là sinh viên. Khi phóng viên báo Giáo Dục Việt Nam hỏi về cơ sở sản xuất của những chiếc khẩu trang này, chị Hoa lắc đầu: “Chẳng biết chính xác ở đâu, người ta cứ mang hàng đến, mình nhận thôi, hình như của các làng nghề hoặc các hộ gia đình". Chúng tôi cũng nhận được những câu trả lời tương tự khi hỏi những ngưới bán khẩu trang khác. Chúng tôi đã dừng lại ở một cửa hàng tạp hóa lớn tại đường Xuân Thủy, ngoài cửa có treo một biển quảng cáo “Bán khẩu trang sợi hoạt tính, diệt khuẩn”. Chị Loan, chủ cửa hàng không ngại ngần cho biết: một ngày nhiều nhất cả hàng chị bán được khoảng 30-40 chiếc khẩu trang sợi hoạt tính, có ngày chẳng bán được cái nào. Giá của mỗi chiếc khẩu trang này là từ 33.000 - 40.000 đồng (giá nhập vào thấp hơn 5%) và cơ sở sản xuất được in mác rất rõ rệt.
"Chẳng biết chính xác ở đâu, người ta cứ mang hàng đến, mình nhận thôi" - Các tiểu thương buôn bán khẩu trang nơi vỉa hè, chợ cóc đều thừa nhận như vậy!
"Chẳng biết chính xác ở đâu, người ta cứ mang hàng đến, mình nhận thôi" - Các tiểu thương buôn bán khẩu trang nơi vỉa hè, chợ cóc đều thừa nhận như vậy!
Qua đó dễ thấy, cùng là hai cái biển quảng cáo rất gần nhau, một cái đánh vào chất lượng, một cái đánh vào giá thành và lượng tiêu thụ thì đã chênh lệch quá rõ.Khẩu trang thông thường: Lọc bụi kém + ổ vi trùng? Theo một nghiên cứu gần đây cửa Viện Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật Bảo hộ Lao động, trong không khí có rất nhiều loại bụi mịn và độc hại như: bụi TNT, bụi gây bệnh, bụi phổi silic, bụi amiang, bụi bông… Tuy nhiên, các loại khẩu trang thông thường có tính năng lọc bụi kém, thậm chí khẩu trang còn là ổ vi trùng, vi khuẩn gây ra các bệnh truyền nhiễm cho cộng đồng nếu không được thay giặt thường xuyên. Trao đổi với báo Giáo Dục Việt Nam, TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng: “Khẩu trang có tác dụng che nắng và chắn bụi. Khẩu trang giá rẻ chủ yếu được sản xuất từ việc tận dụng vải thừa trong quá trình gia công. Loại khẩu trang này không có tác hại gì. Nếu có cũng chỉ là mẩn ngứa khi người tiêu dùng mua và sử dụng luôn không giặt". Hoặc "nếu dùng thường xuyên, không giặt sạch sau khi đã sử dụng trước đó... khẩu trang sẽ trở thành vật truyền nhiễm các bệnh về hô hấp rất lớn".
Theo TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm: Khẩu trang giá rẻ chủ yếu được làm ra từ việc tận dụng vải thừa trong quá trình gia công, "chỉ có thể ngăn được bụi thô, còn bụi tinh thì rất khó.
Theo TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm: Khẩu trang giá rẻ chủ yếu được làm ra từ việc tận dụng vải thừa trong quá trình gia công, "chỉ có thể ngăn được bụi thô, còn bụi tinh thì rất khó.
Khi đề cập tới chất lượng lọc bụi của các loại khẩu trang giá rẻ, ông Thịnh khẳng định: “Các loại khẩu trang chỉ có thể ngăn được bụi thô, còn bụi tinh thì rất khó. Nếu để ngăn được cả bụi tinh thì chất liệu khẩu trang lại quá bí gây khó thở cho người sử dụng. Riêng loại khẩu trang diệt khuẩn được tung ra đợt dịch  phần lớn đánh vào tâm lý người dùng chứ hiệu quả thì chưa hẳn”. Trước đó, chia sẻ với báo Lao động, ông Lê Văn Trình - Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động cho hay: Kết quả thử nghiệm một số loại khẩu trang bán trên thị trường cho thấy, đến 90% không lọc được bụi hô hấp. Trong khi loại khẩu trang than hoạt tính chỉ phát huy tác dụng trong khoảng thời gian nhất định, thông thường từ 3-6 giờ sau khi sử dụng ngoài không khí. Trong khi đó, theo một số sinh viên, lượng khách hàng lớn nhất của khẩu trang giá rẻ: “Không quá quan trọng loại khẩu trang nào, miễn che được bụi và chống nắng là được”.

Khẩu trang sợi hoạt tính: Không thể ngăn bụi, khí độc?

Trao đổi với báo Đất Việt, PGS.TS Phạm Văn Nho - khoa Vật lý (Trường Đại học khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội), cho biết: “Một chiếc mặt nạ chống độc chuyên dụng chứa hàng ký than hoạt tính nhưng cũng chỉ có tác dụng trong vòng 20 phút, trong khi lượng than hoạt tính hay sợi hoạt tính trong mỗi chiếc khẩu trang không đáng bao nhiêu nên việc phát huy tác dụng cũng hầu như không có”.

Ngoài ra, PGS Nho nói: than hoạt tính là loại vật liệu có khả năng hấp thụ tốt bởi diện tích bề mặt khá lớn so với khối lượng chung. Nó có thể ngăn cản và giữ lại bụi và khí độc nhưng khả năng đó nhanh chóng bị bão hòa và khi đã bị bão hòa thì hoàn toàn vô tác dụng, không hơn các khẩu trang thông thường.

Bóc từng lớp khẩu trang Kissy, TS Đặng Quốc Nam, viện Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động (Tổng liên đoàn lao động Việt Nam) cũng đã từng nhận định: “Do kích thước lỗ giữa các sợi vải khá lớn, mắt thường vẫn có thể nhìn thấy nên chỉ có thể lọc được từ 5-15% bụi và vi khuẩn. Như vậy còn 85-95% lượng bụi và vi khuẩn vẫn có khả năng vào được cơ thể. Cũng cần lưu ý rằng, sau 1 vài lần giặt khẩu trang này sẽ không còn nhiều tác dụng lọc bụi do trong quá trình giặt đã làm xô lệch liên kết giữa các sợi với nhau, tạo thành những lỗ hổng lớn hơn”, TS Nam cho biết.

Bài, ảnh: Trúc Diễm