Khoảnh khắc hố đen nuốt chửng một ngôi sao

25/08/2011 08:59
Nguyễn Hường
(GDVN) - Hiện tượng các lỗ đen nuốt các ngôi sao chỉ xảy ra một trăm triệu năm một lần trong mỗi một thiên hà.

Đây là cảnh tượng hiếm thấy nhất trong vũ trụ và cũng là cảnh tượng đầu tiên các nhà thiên văn học Trái Đất chụp lại được khi một lỗ đen siêu lớn đã cắt nhỏ và nuốt chửng một ngôi sao.

Cảnh hiếm khi lỗ đen nuốt chửng một ngôi sao bay quá gần nó.
Cảnh hiếm khi lỗ đen nuốt chửng một ngôi sao bay quá gần nó.
Sự kiện này xảy ra vào hồi tháng 3 vừa qua và được phát hiện bởi kính thiên văn Swift. Khi một ngôi sao đi lang thang quá gần lỗ đen khổng lồ nằm ở một thiên hà cách Trái Đất gần 4 tỷ năm ánh sáng đã bị lỗ đen này nuốt chửng trong chớp mắt.

Hầu hết các thiên hà siêu lớn đều có lỗ đen - một vùng không gian tối có lực hấp dẫn cực mạnh với khả năng hút các vật thể với khối lượng lớn vào lõi của nó.

Vật chất muốn thoát khỏi lỗ đen phải có vận tốc thoát lớn hơn vận tốc ánh sáng trong chân không, mà điều đó không thể xảy ra trong khuôn khổ của lý thuyết tương đối, ở đó vận tốc ánh sáng trong chân không là vận tốc giới hạn lớn nhất có thể đạt được của mọi dạng vật chất.

Theo phân tích của các nhà khoa học tại Đại học Pennsylvania, lỗ đen này có khối lượng gấp 1 triệu lần khối lượng của Mặt Trời.
Hiện tượng các lỗ đen nuốt các ngôi sao chỉ xảy ra một trăm triệu năm một lần trong mỗi một thiên hà. Mỗi một lần nuốt được một ngôi sao, lỗ đen lại trở nên mạnh mẽ và to lớn hơn bởi nó được bổ sung khối lượng từ các ngôi sao mà nó đã nuốt phải.

Việc hấp thụ một lượng lớn các ngôi sao hoặc thậm chí là các lỗ đen khác sẽ dẫn tới sự hình thành lên các siêu hố đen. Các siêu hố đen này có thể có lớn gấp hàng tỷ khối lượng Mặt Trời hay thậm chí có khối lượng bằng một thiên hà. Trong khi đó, khối lượng của Trái Đất so với Mặt Trời chỉ bằng 1/332,950.

Nguyễn Hường